Quan hệ đối tác Việt Nam - Liên bang Nga trong thế kỷ XXI
TCCSĐT - Từ ngày 25 đến 27-7-2009, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xéc-gây La-vrốp đã thăm chính thức Việt Nam. Trong chuyến thăm này, hai bên đã cùng khẳng định tầm quan trọng của đối thoại tin cậy và tích cực giữa lãnh đạo cấp cao hai nước trong các hoạt động hợp tác song phương và đa phương.
Quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga ngày nay là sự tiếp nối và kế thừa mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp đã từng được thử thách trong máu và lửa của cuộc đấu tranh cách mạng của Việt Nam và Liên Xô trước đây.
Trong điều kiện lịch sử mới, quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga đã trải qua các giai đoạn phát triển thăng trầm ở mức độ khác nhau. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã nhanh chóng vượt qua trạng thái trì trệ những năm đầu 1990, đi vào phát triển và củng cố kể từ năm 1994 khi hai nước ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa CHXHCN Việt Nam và Liên bang Nga.
Bước sang thế kỷ XXI, cùng với những thành tựu quan trọng đạt được trong quá trình phục hưng nước Nga dưới thời cầm quyền của Tổng thống Nga V.Pu-tin và thành công trong 20 năm đổi mới ở Việt Nam, trước những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp của tình hình thế giới, cả Việt Nam và Nga đều có nhu cầu phát triển mối quan hệ lên tầm đối tác chiến lược vì lợi ích thiết thực của mỗi nước.
Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Liên bang Nga chính thức thiết lập và được ghi nhận trong Tuyên bố chung của nguyên thủ hai nước ngày 1-3-2001 trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam lần đầu tiên của Tổng thống Nga V. Pu-tin. Sự kiện này là một mốc quan trọng, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt - Nga. Tổng thống V.Pu-tin khẳng định rằng, Liên bang Nga coi Việt Nam là đối tác chiến lược không chỉ ở Đông Nam Á, mà cả ở châu Á - Thái Bình Dương và cho rằng Việt Nam có vị thế thuận lợi làm cầu nối giúp Nga cải thiện vị trí và vai trò ở khu vực này.
Sự kiện hai nước ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 3-2001 đánh dấu bước phát triển mới và xây dựng khuôn khổ pháp lý mới cho hợp tác Việt - Nga trên cơ sở tin cậy, bền vững và lâu dài trong thế kỷ mới. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với hai nước mà còn là sự đóng góp vào xu thế hoà bình, ổn định, hợp tác phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới. Những thỏa thuận đạt được tiếp sau đó trong chuyển thăm Nga của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 10-2002), chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Trần Đức Lương (tháng 4-2004), chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai (tháng 11-2006) của Tổng thống V.Pu-tin đã xây dựng khung cho quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Liên bang Nga trong thế kỷ 21.
Trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từ ngày 26-10 đến 29-10-2008, người đứng đầu hai nước đã ra Tuyên bố chung và đã ký các Hiệp định hợp tác giữa hai nước.
Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Liên bang Nga xuất phát từ chỗ, thứ nhất, nhu cầu hợp tác để phát triển kinh tế và xã hội của mỗi nước. Đây là một trong những cơ sở quan trọng hàng đầu của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam và Nga. Cả hai nước đều có cùng mục tiêu là tăng cường sự ổn định ở khu vực và thế giới để ưu tiên phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề xã hội trong nước, tham gia vào hoạt động của các tổ chức kinh tế, chính trị của khu vực và quốc tế. Hợp tác kinh tế là động lực để phát triển hợp tác về chính trị, quân sự, văn hóa, giáo dục và đào tạo v.v.. Đầu tư trực tiếp của Nga đã có mặt trong những ngành kinh tế quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam như dầu khí, điện, năng lượng hạt nhân, cơ khí, công nghiệp hoá chất, luyện kim, công nghiệp chế biến nông lâm, hải sản, ngân hàng, công nghệ thông tin, v.v. Ông V.P Strat-cô, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga ở Hà Nội, khẳng định, Liên bang Nga luôn coi Việt Nam là đối tác truyền thống và quan trọng, mong muốn và sẵn sàng tạo đều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Nga, đưa quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước ngày càng phát triển.
Thứ hai, sự gần gũi về lập trường, quan điểm trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực quan trọng. Mức độ hiểu biết lẫn nhau và sự tin cậy cao giữa các nhà lãnh đạo chính trị hai nước là tiền đề rất cần thiết, tạo động lực thúc đẩy hợp tác trên tầm chiến lược. Trên cơ sở đó, hai nước đã có sự phối hợp chặt chẽ có hiệu quả tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, APEC, ASEAN v.v, phấn đấu vì một thế giới hòa bình, ổn định công bằng và văn minh.
Thứ ba, truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây đã từng trải qua thử thách máu lửa mà ngày nay nước Nga kế thừa truyền thống đó của Liên Xô. Người Nga có câu thành ngữ “Một người bạn cũ còn hơn hai người bạn mới”. Lãnh đạo các cấp của nước Nga đều thống nhất nhận định về mối quan hệ truyền thống này. Người Việt Nam vốn thủy chung, tình nghĩa. Đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn đánh giá cao và coi trọng quan hệ thủy chung với các nước bạn bè truyền thống, đặc biệt là với nước Nga.
Thứ tư, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Liên bang Nga được xác lập trong bối cảnh cả hai nước đang thực hiện khá thành công công cuộc cải cách và đổi mới trong nước và tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới. Năm 1994, trong chuyến thăm Liên bang Nga của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hai bên ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga, thay thế Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô ký năm 1978. Năm 1998, trong chuyến thăm Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất ý tưởng xây dựng quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Liên bang Nga. Đây là kết quả của đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ hợp tác với các nước bạn bè truyền thống, trong đó có Liên bang Nga, cũng như quyết tâm của lãnh đạo Nga, đặc biệt là Tổng thống V.Pu-tin, trong việc phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Liên bang Nga nhằm đáp ứng lợi ích và mong muốn của nhân dân hai nước. Đây cũng là kết quả của những nỗ lực tích cực của cả hai bên nhằm thiết lập một khuôn khổ quan hệ mới sau khi Liên Xô không còn nữa.
Trong chuyến thăm Việt Nam ngày 25-7-2009, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xéc-gây La-vrốp khẳng định tầm quan trọng của đối thoại tin cậy và tích cực giữa lãnh đạo cấp cao hai nước trong các hoạt động hợp tác song phương và đa phương bởi quan hệ hai nước là quan hệ truyền thống hữu nghị đã được thử thách trong gần 60 năm qua và cả hai nước đều có quan điểm tương đồng về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực. Nga coi hợp tác năng lượng là một trong những ưu tiên lớn giữa hai nước. Hiện Nga đang giúp Việt Nam đào tạo cán bộ về năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xéc-gây La-vrốp, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Tập đoàn nhà nước về năng lượng nguyên tử của Nga (ROSATOM) đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực này, tạo cơ sở cho việc triển khai những nội dung hợp tác giữa hai cơ quan trong tương lai.
Trong quan hệ đa phương, Việt Nam và Liên bang Nga đã tham gia ký kết các điều ước quốc tế với tư các là hai thành viên của Liên Hợp quốc. Trong khuôn khổ APEC, Việt Nam và Nga đã cùng với các nước thành viên khác cùng cam kết thực hiện và ký nhiều văn bản hợp tác khu vực. Những năm gần đây, Nga đẩy mạnh mối quan hệ với ASEAN, do đó hai nước có điều kiện hợp tác, phối hợp trên diễn đàn đa phương của tổ chức này. Năm 1994, Nga ký với ASEAN về thiết lập quan hệ đối tác tham vấn; năm 1996 Nga thiết lập quan hệ đối tác đối thoại đầy đủ với ASEAN. Năm 2003, Tuyên bố chung giữa các Bộ trưởng ngoại giao Nga và ASEAN về hợp tác trong sự nghiệp hòa bình, an ninh, thịnh vượng và phát triển ở khu vực đã được ký kết tại Phnôm-pênh (Cam-pu-chia). Năm 2005, Tuyên bố chung giữa người đứng đầu Nhà nước Nga với những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các nước thành viên ASEAN về quan hệ đối tác toàn diện và tiến bộ đã được ký kết cùng lúc với Chương trình hành động tổng thể phát triển sự hợp tác giữa Nga và ASEAN giai đoạn 2005-2015 tại thủ đô Kua-la Lăm-pơ của Ma-lai-xi-a tháng 12-2005. Những văn kiện này đặt cơ sở pháp lý cho việc hợp tác toàn diện giữa Nga với ASEAN trong 10 năm tới với nội dung toàn diện và tích cực, thể hiện cam kết chung của hai bên thúc đẩy quan hệ đối thoại ASEAN - Nga và phản ánh đầy đủ các định hướng tăng cường hợp tác trên hầu hết các lĩnh vực như: chính trị - an ninh, kinh tế, thương mại, tài chính, đầu tư, văn hóa-xã hội, khoa học, công nghệ, năng lượng, khai khoáng, nông nghiệp, giao thông vận tải, bảo vệ môi trường, du lịch, thể thao.
Các văn kiện được ký kết từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược từ tháng 3-2001) xác định rõ những nội dung chủ yếu trong hợp tác chiến lược Việt Nam - Liên bang Nga. Đó là:
• Tiếp tục duy trì tiếp xúc thường xuyên ở các cấp, kể cả ở cấp cao nhất; mở rộng hợp tác giữa các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương nhằm đáp ứng lợi ích phát triển của mỗi bên, phù hợp với truyền thống quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.
• Coi trọng việc phát triển quan hệ kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật và đầu tư; quyết tâm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực dầu khí, năng lượng điện, hoá chất, cơ khí, luyện kim, điện tử, nông nghịêp, khoa học kỹ thuật, văn hoá và giáo dục đào tạo v.v, chủ động tìm biện pháp đa dạng và tăng sự hỗ trợ của Nhà nước để mở rộng quan hệ thương mại.
• Hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực nhân văn và đẩy mạnh sự trao đổi đa dạng trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, thông tin và liên lạc, y tế, du lịch và thể thao.
• Tăng cường hợp tác kỹ thuật quân sự phù hợp yêu cầu an ninh của hai nước và không nhằm chống lại nước thứ ba; chú trọng mức độ phát triển cao và ngày càng năng động của sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này.
• Nga và Việt Nam cam kết trung thành với việc củng cố tính tối thượng của luật pháp quốc tế trong quan hệ quốc tế, nhằm bảo đảm sự hợp tác bình đẳng và cùng có lợi giữa các quốc gia trên cơ sở tính đến lợi ích dân tộc, cũng như lợi ích của cộng đồng thế giới nói chung. Lãnh đạo hai nước ghi nhận sự cần thiết để các chuẩn mực chung đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế thực sự mang tính chất tổng hợp khi hiểu và áp dụng trên thực tế, tuyên bố phản đối những mưu đồ biện hộ và hợp pháp hoá việc sử dụng vũ lực, đi ngược lại Hiến chương Liên hợp quốc. Hai Bên nhất trí rằng, phương tiện hiệu quả nhất để giải quyết các vấn đề toàn cầu, bao gồm cả những thách thức và đe dọa mới, xây dựng mối quan hệ hài hòa hơn giữa các quốc gia là ngoại giao đa phương, trong đó loại bỏ tư tưởng khối và phản ứng đơn phương. Tăng cường phối hợp chặt chẽ trong lĩnh vực đối ngoại trên cơ sở quan điểm trùng hợp hoặc gần gũi về các vấn đề quốc tế vì lợi ích củng cố hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ủng hộ những nỗ lực chung, có định hướng rõ ràng của cộng đồng quốc tế nhằm tạo dựng một thế giới công bằng và dân chủ, chống lại mọi hình thức áp đặt hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền, thiết lập cơ chế đối thoại giữa các nền văn minh, củng cố trật tự và an ninh thế giới, giữ gìn sự ổn định trên quy mô khu vực và toàn cầu. Nâng cao hiệu quả của Liên hợp quốc trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu và phát triển hợp tác, trong việc bảo đảm hòa bình và ổn định trên toàn thế giới. Ủng hộ các giải pháp tích cực trong vấn đề kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị, chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa tôn giáo cực đoan. Ủng hộ lập khu vực Đông Nam Á phi hạt nhân, chống triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa chiến trường, đề cao vai trò của các diễn đàn khu vực như APEC, ASEAN, ARF, Diễn đàn Hợp tác Thượng Hải. Hỗ trợ lẫn nhau trong các cơ chế đa phương hiện đang có hoặc đang hình thành ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương v.v.
Những nội dung hợp tác chủ yếu trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược nêu trên đây thể hiện rõ quyết tâm chính trị cao của hai nước đưa hợp tác Việt - Nga phát triển một cách toàn diện từ chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, quốc phòng - an ninh đến phối hợp quốc tế trên hàng loạt các vấn đề đối ngoại và quốc tế quan trọng. Do vậy, có thể khẳng định sự hình thành quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước phản ánh sự tiến triển trong tư duy chiến lược của mỗi bên khi nhìn nhận về vai trò vị trí của nhau trong chiến lược đối ngoại của mình. Trong bối cảnh mới, đây còn là một thành tựu to lớn của chính sách đối ngoại đa dạng hoá, đa phương hoá của Đảng và Nhà nước Việt Nam, cũng như sự điều chỉnh chính sách đối ngoại Nga đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Sự hình thành quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Liên bang Nga có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước của Việt Nam. Hiện nay, cùng với việc bình thường hoá quan hệ với Mỹ, tăng cường quan hệ với Trung Quốc, việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nga đã góp phần tạo dựng cân bằng chiến lược mới trong quan hệ giữa Việt Nam và các nước lớn, bảo đảm an ninh chiến lược và môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Mặt khác, việc tạo dựng được một khuôn khổ mới nhằm củng cố và mở rộng nội dung hợp tác toàn diện hơn với Liên bang Nga, một đối tác truyền thống quan trọng và tiềm năng, trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, an ninh, ngoại giao, kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, văn hoá - xã hội, đáp ứng lợi ích thiết thực của Việt Nam trước những thay đổi to lớn tại mỗi nước cũng như trên thế giới.
Trong những năm tới, với quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo hai nước và sự gần gũi trong lập trường, quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Liên bang Nga ngày càng phát triển trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, đối ngoại, an ninh, quân sự đến văn hoá, khoa học - kỹ thuật, giáo dục, đáp ứng lợi ích thiết thực của mỗi nước./.
3.200 tỉ đồng thực hiện dự án mở rộng quốc lộ 51  (03/08/2009)
Vài nét về Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA) và chương trình nghị sự của Đại hội đồng AIPA - 30  (02/08/2009)
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự AIPA - 30  (02/08/2009)
Diễn đàn trẻ em cấp quốc gia 2009  (02/08/2009)
47 tỉnh, thành phố trong cả nước đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi  (02/08/2009)
- Quản lý văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí tại khu vực miền Trung hiện nay
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay