Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ dưới góc độ giao lưu văn hóa
TCCS - Sau gần 30 năm kể từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (1995 - 2024), xác lập quan hệ Đối tác toàn diện (ngày 25-7-2013), quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục bước sang một giai đoạn lịch sử mới khi ngày 10-9-2023, hai nước chính thức nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Trên cơ sở khuôn khổ quan hệ ở tầm cao mới, cơ hội hợp tác giữa hai nước ngày càng được phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực và văn hóa được đánh giá là một trong những nhân tố đóng vai trò nền tảng, cầu nối bền chặt cho mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Mối liên hệ giữa văn hóa và ngoại giao
Được xem là “linh hồn” của một quốc gia, văn hóa không chỉ phản ánh bản sắc riêng của mỗi dân tộc, mà còn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng và củng cố mối quan hệ bền chặt, tạo nền tảng vững chắc cho sự hợp tác lâu dài, phát triển chung giữa các quốc gia. Văn hóa còn là cầu nối tinh thần, giúp nhân dân các nước hiểu nhau hơn, xóa bỏ những khác biệt về ngôn ngữ, phong tục, tập quán và tạo dựng sự tin cậy lẫn nhau.
Khi các quốc gia có sự đồng điệu về giá trị văn hóa, phong tục, tập quán, người dân sẽ dễ dàng tìm được tiếng nói chung, có sự đồng cảm và tôn trọng lẫn nhau. Hơn nữa, khi các bên tôn trọng sự khác biệt văn hóa của nhau, sẽ có cái nhìn cởi mở và sẵn sàng hợp tác với nhau để cùng phát triển. Sự tôn trọng này thể hiện qua việc gìn giữ bản sắc văn hóa riêng của mỗi quốc gia trên cơ sở tiếp thu những tinh hoa, giá trị văn hóa của nhau để không ngừng hoàn thiện và cùng phát triển. Theo đó, các quốc gia cần tăng cường giao lưu văn hóa, nâng cao ý thức tôn trọng sự khác biệt văn hóa để thúc đẩy hợp tác và gắn kết giữa các dân tộc.
Văn hóa còn là một phần quan trọng của “sức mạnh mềm” quốc gia. "Sức mạnh mềm" thông qua văn hóa giúp thu hút sự ủng hộ và hợp tác từ các quốc gia khác, thúc đẩy sự hiểu biết và đồng thuận quốc tế, cũng như tạo ra các mối quan hệ ngoại giao và hợp tác toàn cầu, từ đó tăng cường vị thế, vai trò và hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế; đồng thời, bảo tồn và tiếp thu, làm giàu kho tàng văn hóa dân tộc. Chính vì vậy, các quốc gia cần chú trọng phát triển và đẩy mạnh hoạt động ngoại giao văn hóa để tận dụng tối đa những lợi ích mà “sức mạnh mềm” mang lại, từ đó góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển.
Nhìn chung, giữa văn hóa và ngoại giao có mối liên hệ tương hỗ, đóng vai trò quan trọng trong xây dựng, duy trì mối quan hệ quốc tế hòa bình và bền vững. Ngoại giao văn hóa giúp tăng cường sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia, quảng bá hình ảnh quốc gia, giải quyết xung đột và khủng hoảng, tạo nền tảng vững chắc cho hợp tác kinh tế, chính trị và tăng cường “sức mạnh mềm” của quốc gia.
Vai trò của văn hóa trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ
Văn hóa Việt Nam là một bức tranh đa sắc với sự hòa quyện của nhiều yếu tố được hun đúc qua nhiều thế kỷ, từ bản sắc dân tộc, ảnh hưởng lịch sử đến sự giao thoa văn hóa với các quốc gia láng giềng. Do đó, nền văn hóa Việt Nam mang tính thống nhất trong đa dạng, phản ánh sâu sắc mối quan hệ giữa bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam và sắc thái văn hóa các dân tộc, văn hóa địa phương Việt Nam. Những giá trị và sắc thái này bổ sung cho nhau, làm phong phú nền văn hóa Việt Nam, đồng thời củng cố sự thống nhất trong dân tộc - cơ sở để giữ vững sự bình đẳng và phát huy tính đa dạng văn hóa của 54 dân tộc anh em.
Văn hóa Việt Nam đề cao giá trị gia đình truyền thống; thấm đượm tính cộng đồng, tinh thần yêu nước, ý thức quốc gia - dân tộc; tính đa dân tộc, thống nhất trong đa dạng; nền văn hóa mở, thích ứng và tiếp biến hài hòa các nền văn minh nhân loại(1). Nền văn hóa Việt Nam là kết tinh quá trình lao động của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, thể hiện trình độ, nghệ thuật ứng xử với tự nhiên, xã hội và sự chủ động hội nhập vào dòng chảy văn minh nhân loại. Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam bao gồm những giá trị bền vững, tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống…
Bản sắc văn hóa dân tộc còn thể hiện rõ trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế và phát triển, văn hóa Việt Nam luôn giữ được bản sắc riêng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp thu và học hỏi tinh hoa văn hóa thế giới. Sự giao lưu văn hóa quốc tế không chỉ làm phong phú thêm đời sống văn hóa của người dân Việt Nam, mà còn tạo điều kiện để văn hóa Việt Nam lan tỏa ra thế giới. Các lễ hội văn hóa, chương trình giao lưu nghệ thuật và hoạt động quảng bá du lịch văn hóa,… đã góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong khi đó, trải qua 248 năm hình thành và phát triển (1776 - 2024), Hoa Kỳ là một trong số ít quốc gia “trẻ” có những biến chuyển liên tục về xã hội trong lịch sử. Văn hóa Hoa Kỳ là một hệ thống giá trị, tập tục, niềm tin, lối sống đa dạng của người dân Mỹ; đồng thời, được hình thành qua nhiều thế kỷ cũng như chịu ảnh hưởng từ nhiều nguồn gốc, bao gồm châu Âu, châu Phi, châu Á và da đỏ, cùng với những yếu tố đặc trưng của xã hội Mỹ hiện đại.
Sự đa dạng về nguồn gốc dân tộc góp phần tạo nên những thành tố văn hóa tiêu biểu mang “tính Mỹ” khác biệt so với phần còn lại của thế giới. Sự hòa quyện và tương tác giữa các nền văn hóa tạo nên một xã hội Mỹ đa văn hóa. Đây được xem là giá trị cốt lõi của nền văn hóa Mỹ - một xã hội năng động, ưa khám phá, luôn thích ứng với cái mới, đa dạng. Trên thực tế, mặc dù là một quốc gia đa tôn giáo và đa sắc tộc khi đất nước được hình thành và phát triển chủ yếu bởi thành phần nhập cư, song nền văn hóa Mỹ vẫn có những mối liên kết, hòa hợp nhất định qua thử thách của thời gian; luôn tồn tại những nét cơ bản xuyên suốt, đó là tư tưởng của giai cấp tư sản, vốn được coi là tầng lớp tinh hoa của Liên bang Mỹ thời kỳ lập quốc(2).
Như vậy có thể thấy, mặc dù có sự cách biệt về địa lý và lịch sử, nền văn hóa phong phú và đa dạng, pha trộn giữa các yếu tố trong nước và quốc tế, nhưng mối liên hệ văn hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ luôn có sự giao thoa, ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình toàn cầu hóa.
Kể từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế, nhất là khi Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, giao thoa văn hóa giữa hai nước ngày càng được tăng cường và thúc đẩy. Văn hóa Mỹ ảnh hưởng mạnh mẽ đến Việt Nam thông qua các phương tiện truyền thông, âm nhạc, phim ảnh và phong cách sống. Những bộ phim Hollywood, chương trình truyền hình, âm nhạc và thời trang trở nên phổ biến và được giới trẻ Việt Nam đón nhận. Ngược lại, văn hóa Việt Nam xuất hiện ở Mỹ thông qua cộng đồng người Việt Nam định cư, làm việc và học tập tại Mỹ; các nhà hàng ẩm thực; lễ hội văn hóa và nghệ thuật Việt Nam. Giao lưu văn hóa giữa hai nước còn thể hiện rõ qua lĩnh vực giáo dục - đào tạo và hợp tác nghiên cứu. Nhiều sinh viên Việt Nam đã lựa chọn Hoa Kỳ là điểm đến du học, không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn trải nghiệm và hòa nhập với nền văn hóa đa dạng của quốc gia này. Sự giao thoa văn hóa giữa hai nước giúp sinh viên Việt Nam mở rộng tầm nhìn, đồng thời tạo điều kiện để người dân Mỹ hiểu thêm về văn hóa và con người Việt Nam. Các chương trình trao đổi sinh viên, hợp tác nghiên cứu giữa các trường đại học của hai nước đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau. Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa kinh doanh của Hoa Kỳ đã có ảnh hưởng lớn đến Việt Nam. Sự hội nhập kinh tế toàn cầu đã đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, học hỏi và áp dụng các mô hình kinh doanh, quản lý tiên tiến đến từ Hoa Kỳ. Các tập đoàn công nghệ lớn của Hoa Kỳ, như Google, Microsoft, Apple, đã và đang có mặt tại Việt Nam, tạo ra môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp và thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới trong lực lượng lao động trẻ. Điều này cũng tạo nên sự thay đổi trong tư duy và phong cách làm việc của một bộ phận người dân Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế.
Mặc dù vậy, sự khác biệt văn hóa cũng đặt ra những thách thức trong quá trình giao lưu và hợp tác giữa hai nước. Sự khác biệt về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, lối sống và quan niệm có thể dẫn đến những hiểu lầm và xung đột văn hóa. Tuy nhiên, qua thời gian, với sự nỗ lực từ cả hai phía, những rào cản này dần được vượt qua, tạo nền tảng vững chắc cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ. Trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức chung, như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh mạng và đại dịch toàn cầu, việc hợp tác và giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ càng trở nên quan trọng. Sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau sẽ giúp hai nước cùng vượt qua khó khăn, góp phần vào hòa bình và phát triển bền vững trên toàn thế giới. Sự giao thoa giữa văn hóa của hai nước là một quá trình phát triển liên tục, từ những xung đột trong quá khứ đến sự hợp tác và giao lưu trong hiện tại cũng như tương lai. Sự giao thoa này không chỉ làm phong phú thêm đời sống văn hóa của mỗi quốc gia, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội và giáo dục - đào tạo của hai nước.
Trong Văn kiện Đại hội XIII, quan điểm của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được thể hiện trong mối quan hệ thống nhất, biện chứng khi khẳng định: “giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”(3). Xuất phát từ quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhân tố văn hóa đối với sự phát triển phồn vinh của dân tộc, trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, nhân tố văn hóa được đánh giá đóng vai trò quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Trong đó, giao lưu nhân dân là nhịp cầu thúc đẩy mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ. Có thể nói, chặng đường 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ đã tạo cơ sở vững chắc, triển vọng lớn cho việc phát triển quan hệ giữa hai nước nói chung, cũng như công tác đối ngoại nhân dân giữa hai nước nói riêng trong thời gian tới. Đối ngoại nhân dân đã góp phần quan trọng trong những bước phát triển thăng trầm của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ(4). Đây là yếu tố then chốt giúp thắt chặt tình hữu nghị, thúc đẩy sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa hai dân tộc, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho sự hợp tác đa lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, đến văn hóa, giáo dục và các hoạt động xã hội của hai nước. Giao lưu nhân dân không chỉ mang lại những lợi ích thiết thực, mà còn góp phần xây dựng lòng tin, sự đoàn kết và hòa bình giữa hai quốc gia từng trải qua nhiều biến động lịch sử.
Trong tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, hai bên nhất trí tăng cường hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai nước; đẩy mạnh hoạt động du lịch hai chiều; hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp; tăng cường trao đổi chuyên gia và học thuật giữa hai nước. Hai bên dự định tăng cường hợp tác giữa các bang của Hoa Kỳ và các tỉnh, thành phố của Việt Nam theo hướng thực chất, hiệu quả, với những chương trình và dự án cụ thể; thúc đẩy quan hệ giữa các cộng đồng, các ngành, doanh nghiệp, giữa thế hệ trẻ, tổ chức nhân dân hai nước thông qua các hình thức trao đổi đoàn, tổ chức hội thảo chung, các hoạt động giao lưu văn hóa về nghệ thuật, âm nhạc và thể thao; phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm trong quan hệ giữa hai nước(5).
Để củng cố tình hữu nghị giữa hai quốc gia, Ngày hội Giao lưu Văn hóa Việt - Mỹ lần thứ nhất đã chính thức diễn ra trong khuôn khổ Ngày hội gia đình Việt Nam năm 2023, quy tụ sự tham gia của hàng trăm đại diện đến từ các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, cùng hàng nghìn người dân hai nước và khách du lịch. Một loạt hoạt động phong phú, từ triển lãm nghệ thuật, trình diễn âm nhạc, múa hát truyền thống, đến các hội thảo chuyên đề về giáo dục, kinh tế và khoa học - công nghệ… đã diễn ra. Sự kiện không chỉ là dịp để người dân hai nước tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa của nhau, mà còn là nền tảng vững chắc để hai bên phát triển hợp tác trong nhiều lĩnh vực trong thời gian tới.
Tiếp đó, nhân dịp kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện (2013 - 2023) và triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, ngày 2-12-2023, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức Chương trình quảng bá văn hóa và giao lưu nghệ thuật Việt Nam - Hoa Kỳ tại Khu Di tích Hoàng Thành Thăng Long(6). Sự kiện được tổ chức với quy mô lớn, thu hút sự tham gia của đại diện cấp cao nhiều nước cùng đông đảo người dân và du khách quốc tế. Các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày trong sự kiện phản ánh sự sáng tạo và tinh hoa văn hóa của hai nước, mang đến cho người xem những góc nhìn mới mẻ và sâu sắc về nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc của Việt Nam và Hoa Kỳ. Thông qua các hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa, sự kiện đã giúp tăng cường sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, từ đó thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Bên cạnh các hoạt động văn hóa, nhiều hội thảo chuyên đề về giáo dục, kinh tế, khoa học - công nghệ cũng được tổ chức tại sự kiện, mang đến không ít thông tin hữu ích và mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, thúc đẩy sự phát triển bền vững cho cả hai quốc gia.
Nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Phó Chủ tịch nước Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân và tham dự Khóa họp lần thứ 68 Ủy ban Địa vị Phụ nữ của Hội đồng Kinh tế - xã hội Liên hợp quốc (tháng 3-2024), hai bên đã ký kết bản ghi nhớ tăng cường hợp tác về trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân trong các lĩnh vực nghệ thuật, thể thao và du lịch(7). Bản ghi nhớ được xây dựng dựa trên thỏa thuận tháng 11-2023 nhằm thúc đẩy hơn nữa trao đổi học thuật và hợp tác giáo dục hai chiều, bao gồm mở rộng quan hệ đối tác giáo dục giữa các cơ sở giáo dục đại học ở cả hai nước, mở đường tăng cường kết nối và hợp tác giữa người dân Việt Nam và Hoa Kỳ. Đây là một sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc củng cố và phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ. Việc ký kết không chỉ thể hiện quyết tâm của cả hai bên trong xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới, góp phần vào sự phát triển bền vững, hòa bình của khu vực và thế giới. Bản ghi nhớ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa và nghệ thuật giữa hai nước. Các hoạt động triển lãm nghệ thuật, biểu diễn âm nhạc và trao đổi đoàn nghệ sĩ được thúc đẩy mạnh mẽ. Điều này không chỉ giúp người dân hai nước hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa, nghệ thuật của nhau, mà còn tạo ra sự kết nối và tôn trọng lẫn nhau. Thể thao - du lịch cũng là lĩnh vực quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ nhân dân bền chặt. Du lịch không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn là cầu nối văn hóa, giúp xây dựng tình hữu nghị bền vững giữa hai dân tộc. Quan hệ nhân dân luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố và phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ. Việc tăng cường giao lưu nhân dân sẽ giúp hai quốc gia vượt qua những khác biệt về văn hóa, hệ thống chính trị và kinh tế, từ đó tạo ra một môi trường hợp tác hòa bình và bền vững.
Nhìn chung, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã trải qua nhiều giai đoạn, từ những tiếp xúc ban đầu trong bối cảnh chiến tranh, qua giai đoạn gián đoạn và hàn gắn, đến sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện trong thời kỳ hiện đại. Sự giao thoa văn hóa giữa hai quốc gia diễn ra ngày càng mạnh mẽ sau khi hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, mang lại nhiều lợi ích thiết thực, nhưng cũng tiềm ẩn không ít thách thức cần giải quyết. Những kết quả đạt được trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trên các lĩnh vực nói chung và dưới góc độ văn hóa nói riêng là thành quả kết tinh nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân hai nước trong suốt gần 30 năm qua. Đây là những nền tảng vững chắc cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong thời gian tới./.
----------------------------
(1) Xem: “Vai trò của văn hóa trong quá trình phát triển đất nước”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 7-1-2010, https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/vai-tro-cua-van-hoa-trong-qua-trinh-phat-trien-dat-nuoc-504.html
(2) Xem: Nguyễn Thái Yên Hương: Liên bang Mỹ: Đặc điểm xã hội - văn hóa, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 202
(4) Xem: Long Phạm: “Đối ngoại nhân dân Việt - Mỹ: Cầu nối tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin”, Trang thông tin điện tử Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, ngày 31-7-2023, https://vufo.org.vn/Doi-ngoai-nhan-dan-Viet-My-Cau-noi-tang-cuong-hieu-biet-xay-dung-long-tin-11-99546.html?lang=vn
(5) Xem: “Toàn văn Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện”, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 11-9-2023, https://baochinhphu.vn/toan-van-tuyen-bo-chung-ve-nang-cap-quan-he-viet-nam-hoa-ky-len-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-102230911170243626.htm
(6) Xem: “Tưng bừng Chương trình giao lưu nghệ thuật Việt Nam - Hoa Kỳ tại Hoàng Thành Thăng Long”, ngày 2-12-2023, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, https://dangcongsan.org.vn/bongoaigiao/lists/tinhoatdong/view_detail.aspx?itemid=1209
(7) “United States and Vietnam Sign a Memorandum of Cooperation on Culture and People-to-People Ties” (Tạm dịch: Hoa Kỳ và Việt Nam ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về văn hóa và quan hệ giữa nhân dân với nhân dân), U. S Department of State, ngày 13-3-2024, https://www.state.gov/united-states-and-vietnam-sign-a-memorandum-of-cooperation-on-culture-and-people-to-people-ties/
Mối quan hệ chính đảng tạo dựng nền tảng chính trị cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nhật Bản  (15/03/2024)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden  (11/09/2023)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên