Những cống hiến xuất sắc của Đại tướng Đoàn Khuê đối với cách mạng Việt Nam
TCCS - Đại tướng Đoàn Khuê(1) đã có nhiều cống hiến to lớn trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng, bảo vệ cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, sự quyết đoán, sáng tạo của Đại tướng trong chỉ đạo xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phát triển nền khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam là bài học kinh nghiệm quý giá đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đại tướng Đoàn Khuê - Người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà chính trị, quân sự xuất sắc, có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Quảng Trị giàu truyền thống cách mạng, đồng chí Đoàn Khuê đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động khi mới 16 tuổi. Ngay từ những ngày đầu tham gia cách mạng, đồng chí đã tích cực hoạt động trong phong trào Thanh niên Phản đế, làm Bí thư Thanh niên Cứu quốc huyện Triệu Phong. Năm 17 tuổi, đồng chí bị địch bắt và kết án tù, giam tại Nhà lao Quảng Trị, sau đó đưa đi Nhà đày Buôn Ma Thuột. Mặc dù, bị địch tra tấn dã man, nhưng đồng chí luôn tỏ rõ chí khí kiên cường, bất khuất, giữ vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng kiên trung, tích cực hoạt động trong Ủy ban Vận động cách mạng (một tổ chức bí mật của ta ở trong tù), nhằm đấu tranh chống chế độ nhà tù hà khắc. Thoát khỏi lao tù thực dân, đồng chí trở về hoạt động gây dựng cơ sở cách mạng ở Quảng Bình. Tháng 6-1945, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), làm Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Quảng Bình. Đồng chí đã tích cực vận động, tổ chức nhân dân đứng lên giành chính quyền cách mạng vào mùa Thu năm 1945. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi, đồng chí được cử làm Ủy viên quân sự Ủy ban Quân chính Khu C, gồm lực lượng vũ trang Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí Đoàn Khuê đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng(2). Với tư duy chính trị, quân sự sắc sảo và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng chí đã cùng cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đơn vị vững mạnh về mọi mặt, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Tên tuổi của đồng chí gắn liền với những chiến công vang dội của quân và dân ta trên chiến trường Tây Nguyên, tiêu biểu là các chiến thắng An Khê (năm 1953), Măng Đen và Chư Đrếch (năm 1954)...
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Đoàn Khuê tiếp tục được Đảng, quân đội giao đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng(3). Đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng trong xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược Quân khu 4. Đặc biệt, trong thời gian được Tổng Quân ủy cử làm Chính ủy Lữ đoàn 341, đồng chí đã cùng Ban Chỉ huy Lữ đoàn chỉ huy đơn vị phối hợp chặt chẽ với Công an nhân dân vũ trang và đảng bộ, chính quyền địa phương xây dựng Vĩnh Linh thành lũy thép kiên cường; cùng với Đặc khu ủy Đặc khu Vĩnh Linh sớm đề ra chủ trương “tiến lên phía trước để bảo vệ phía sau”(4), xây dựng các đơn vị vũ trang đầu tiên cho hai huyện Gio Linh và Cam Lộ. Những đóng góp của đồng chí Đoàn Khuê đã tạo dựng cơ sở cho những chiến công đặc biệt xuất sắc của quân và dân Quân khu 4 trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ sau này.
Năm 1963, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt, đồng chí Đoàn Khuê được Quân ủy Trung ương cử vào chiến trường miền Nam(5). Đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, từ năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân viễn chinh vào trực tiếp tham chiến tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Trong điều kiện quân địch có lực lượng quân sự hùng hậu, trang bị vũ khí hiện đại, đồng chí Đoàn Khuê đã cùng Khu ủy Khu 5 lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng, xây dựng bản lĩnh, ý chí quyết tâm dám đánh, quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; cùng tập thể Khu ủy Khu 5 đẩy mạnh xây dựng các sư đoàn chủ lực và thế trận chiến tranh nhân dân vững mạnh, rộng khắp. Quân khu 5 trở thành “địa phương đi đầu diệt Mỹ” với những trận đánh, chiến dịch nổi tiếng(6). Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (năm 1968), nhờ bám sát thực tiễn chiến trường, đánh giá đúng tình hình địch, ta, đồng chí Đoàn Khuê cùng Quân khu 5 nhạy bén, quyết đoán, linh hoạt và sáng tạo trong tổ chức, sử dụng lực lượng, chỉ đạo tác chiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao(7). Đây là một trong những dấu ấn nổi bật, khẳng định tài năng và bản lĩnh của một nhà chính trị, quân sự xuất sắc của Đảng và quân đội ta.
Sau Hiệp định Paris (ngày 27-1-1973), đồng chí Đoàn Khuê cùng Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chỉ đạo các đơn vị nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đánh địch, giữ vững vùng giải phóng. Trong trận Nông Sơn - Trung Phước (tháng 7-1974), đồng chí Đoàn Khuê chỉ đạo thực hiện thắng lợi chiến thuật “bao vây đánh lấn, tiến công dứt điểm”, tạo thế và lực mới cho ta trên chiến trường Khu 5 trong những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975, với tư duy quân sự sắc sảo và tầm nhìn chiến lược, đồng chí Đoàn Khuê cùng tập thể Khu ủy Khu 5 xử trí kịp thời, hiệu quả nhiều tình huống phức tạp, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch tiến công giải phóng Đà Nẵng (ngày 26 đến ngày 29-3-1975), tạo điều kiện thuận lợi để quân và dân ta tiến lên giành toàn thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đại tướng Đoàn Khuê - Nhà chỉ huy quân sự tài năng, sâu sát thực tiễn, có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế
Đất nước hoàn toàn được giải phóng, trên cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 5 (từ tháng 12-1976 đến tháng 3-1983), đồng chí Đoàn Khuê đã tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, giải quyết hiệu quả các tình huống khó khăn, phức tạp. Đặc biệt, đồng chí đã cùng tập thể Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 nghiên cứu nguồn gốc, tính chất hoạt động của lực lượng Fulro, kịp thời chuyển từ chủ trương “truy quét Fulro” thành “giải quyết vấn đề Fulro” với nhiều giải pháp đồng bộ về chính trị, quân sự, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện để quân và dân ta tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, tăng cường tiềm lực quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Quân khu 5.
Mùa khô năm 1977, tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Sary mở cuộc tiến công xâm lấn biên giới Tây Nam. Chấp hành chỉ thị của Quân ủy Trung ương, trong hai năm (1977 - 1978), đồng chí Đoàn Khuê cùng Bộ Tư lệnh Quân khu 5 lãnh đạo lực lượng vũ trang Quân khu tổ chức phòng ngự vững chắc, kịp thời giáng trả mọi hành động gây hấn, xâm lấn của địch. Cuối năm 1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở cuộc tổng phản công, tiến công chiến lược trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. Quân khu 5 được giao đảm nhiệm một hướng chiến lược. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Đoàn Khuê và Bộ Tư lệnh, các đơn vị chủ lực Quân khu 5 đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu được giao, phá vỡ hoàn toàn tuyến phòng ngự cơ bản của địch, giải phóng một số tỉnh miền Đông Campuchia, góp phần cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.
Với những đóng góp tích cực cho sự nghiệp củng cố, tăng cường quốc phòng, xây dựng đất nước, đặc biệt là trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế, tháng 4-1983, đồng chí Đoàn Khuê được giao nhiệm vụ Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh 719, Phó Trưởng Ban Lãnh đạo Đoàn chuyên gia Việt Nam tại Campuchia; cuối năm 1986, đồng chí được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 719, Trưởng Ban Lãnh đạo Đoàn Chuyên gia Việt Nam tại Campuchia. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”(8), đồng chí đã chỉ đạo thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giúp cách mạng Campuchia phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng tuyến phòng thủ biên giới, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng.
Với tác phong chỉ huy sâu sát, đồng chí đã đến nhiều mặt trận, trực tiếp kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu, lắng nghe ý kiến của cán bộ, chiến sĩ để cùng tập thể xác định phương án đánh địch tối ưu. Đồng chí luôn quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện: “Chúng ta sang đây để giúp một dân tộc thoát khỏi họa diệt chủng, chúng ta chỉ được phép dùng nước suối để ăn, củi rừng để đốt, hít thở không khí trên đất Bạn, không ai được động đến cái kim, sợi chỉ của dân”(9). Mặc dù thời gian hoạt động trên đất Campuchia không dài, nhưng đồng chí Đoàn Khuê đã có những cống hiến xuất sắc, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ quốc tế, cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, hồi sinh cả một quốc gia - dân tộc; góp phần tăng cường quan hệ đoàn kết giữa hai Đảng, hai quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia.
Đại tướng Đoàn Khuê - Nhà chiến lược quân sự nhạy bén, tham mưu, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đầu đổi mới
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986) thông qua nghị quyết về đường lối đổi mới đất nước. Tháng 2-1987, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và tiếp đó là Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Đoàn Khuê đã có những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu, phát triển lý luận quân sự, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, chuẩn bị các tình huống, sẵn sàng chuyển thế trận quốc phòng toàn dân thành thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đặc biệt, trước sự khủng hoảng, tan rã của Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô-viết ở Đông Âu diễn ra vào cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, với tầm nhìn chiến lược sâu rộng và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng chí Đoàn Khuê đã tích cực đề xuất, tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp đúng, hiệu quả về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Đồng chí đã đóng góp trí tuệ, tâm lực xây dựng quân đội vững mạnh theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; đồng thời, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của quân đội và đất nước trên trường quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Trong xây dựng lực lượng vũ trang, về phương diện lý luận cũng như trong lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, đồng chí đặc biệt coi trọng công tác Đảng, công tác chính trị, xây dựng sức mạnh chính trị, tinh thần và phẩm chất đạo đức cách mạng đối với cán bộ, chiến sĩ toàn quân. Đồng chí nhấn mạnh: “Quân đội trước hết phải tinh nhuệ về mặt chính trị, về trí tuệ. Hiện đại quân đội không những về vũ khí trang bị, mà trước hết về con người”(10). Đồng chí đã tham mưu, chỉ đạo thực hiện thắng lợi kế hoạch giảm quân số thường trực bảo đảm thực sự tinh nhuệ, hiện đại, cơ động, linh hoạt, phù hợp với sự điều chỉnh, bố trí chiến lược quân sự theo tư duy mới. Tập trung xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng huấn luyện quân sự, đẩy mạnh xây dựng chính quy, sắp xếp lại hệ thống nhà trường, từng bước đại học hóa đội ngũ sĩ quan; quan tâm phát triển nền công nghiệp quốc phòng; bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật theo hướng bảo quản và sử dụng những cái hiện có, đồng thời cải tiến và hiện đại hóa một số phương tiện và vũ khí thật cần thiết(11).
Với tầm nhìn và tư duy sắc sảo của một nhà chính trị, quân sự được đào tạo, tôi luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, nhạy bén trước bước chuyển của thời đại, đồng chí Đoàn Khuê đã chủ trì triển khai thực hiện xây dựng các tỉnh (thành phố) thành khu vực phòng thủ vững chắc được xác định trong Nghị quyết số 02/NQ-BCT, ngày 30-7-1987, của Bộ Chính trị, “Về nhiệm vụ quốc phòng đến năm 1990 và những năm tiếp theo”; trực tiếp chỉ đạo nhiều cuộc diễn tập khu vực phòng thủ của các tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần tăng cường, củng cố sức mạnh quốc phòng của đất nước trong thời kỳ đầu đổi mới.
Đại tướng Đoàn Khuê có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển khoa học quân sự và tổng kết chiến tranh cách mạng
Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Đoàn Khuê đặc biệt coi trọng công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phát triển và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện để hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật chiến đấu của quân đội nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân. Về mặt lý luận, đồng chí nhấn mạnh, phải đứng vững trên cơ sở khoa học, nghệ thuật quân sự truyền thống và những kinh nghiệm đúc kết được từ các cuộc chiến tranh chống xâm lược thắng lợi với việc phát triển tư duy mới về quân sự, quốc phòng. Trong điều kiện đất nước ta còn khó khăn, nhiệm vụ đặt ra đối với đội ngũ cán bộ quân đội là phải phát huy truyền thống xây dựng “thế trận lòng dân”, lấy ít địch nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông; phát huy nội lực, dùng mưu trí, sáng tạo để sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật có trình độ hiện đại thấp hơn thắng vũ khí, trang bị kỹ thuật có trình độ hiện đại cao hơn.
Để xây dựng nền khoa học quân sự tiên tiến, phục vụ thắng lợi đường lối chính trị - quân sự, nghệ thuật quân sự của Đảng, đồng chí Đoàn Khuê khẳng định: Vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học cân đối, đồng bộ, có trình độ cao giữ vai trò rất quan trọng. Đội ngũ cán bộ khoa học quân sự không những phải đáp ứng yêu cầu trước mắt và sự phát triển tương lai, mà còn phải làm nòng cốt trong việc phối hợp với lực lượng cán bộ khoa học trong và ngoài quân đội bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống. Theo đó, phải xây dựng đội ngũ cán bộ và nhân viên chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật chuyên sâu với những chuyên viên đầu ngành giỏi, lành nghề, có kiến thức, năng lực tốt và dày dạn kinh nghiệm; năng lực tư duy sáng tạo, có tầm nhìn xa, có khả năng nghiên cứu độc lập và trình độ vận dụng vào thực tiễn(12).
Đại tướng Đoàn Khuê là một nhà chính trị, quân sự xuất sắc với kinh nghiệm thực tiễn phong phú, hoạt động ở nhiều vùng, nhiều địa phương, nhiều chiến trường. Đúc kết cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí đã viết nhiều tài liệu quân sự có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần phát triển nền khoa học quân sự Việt Nam. Đặc biệt, tháng 2-1998, đồng chí Đoàn Khuê được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng Ban Chỉ đạo công tác tổng kết Đảng lãnh đạo chiến tranh cách mạng. Đồng chí Đoàn Khuê đã dành nhiều tâm sức và trí tuệ, góp phần quan trọng vào thành công của các công trình: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học; Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học; Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945 - 1975 - Thắng lợi và bài học. Đây là những bộ sách quý, tổng kết tương đối hệ thống và toàn diện Đảng lãnh đạo chiến tranh cách mạng, đáp ứng được yêu cầu về lý luận và thực tiễn. Đến năm 2007, công trình Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945 - 1975 - Thắng lợi và bài học được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Suốt 60 năm hoạt động cách mạng liên tục, từ trong lao tù đế quốc, đến các chiến trường nóng bỏng, trong công tác hay sinh hoạt đời thường, Đại tướng Đoàn Khuê luôn là tấm gương sáng về phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, luôn tận trung với Đảng, tận hiếu với dân; một nhà chính trị, quân sự xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, quân đội và nhân dân ta; vị tướng hội tụ các phẩm chất “Trí - Dũng - Nhân - Tín - Liêm - Trung’’ như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Với những cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đại tướng Đoàn Khuê được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Sao Vàng (năm 2007); được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Quân công hạng Nhất, 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang tích cực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đề ra, nhằm xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(13). Noi gương Đại tướng Đoàn Khuê, cán bộ, chiến sĩ toàn quân cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””; gắn với tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh””, Chỉ thị số 87-CT/QUTW, ngày 8-7-2016, của Thường vụ Quân ủy Trung ương, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Quân đội và toàn quân”, Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, ngày 28-12-2021, của Quân ủy Trung ương, “Về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ””, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới. Đảng bộ Quân đội và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn quân, trước hết là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải gương mẫu về phẩm chất đạo đức, lối sống.
Xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh, phòng, chống có hiệu quả tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó./.
---------------------
(1) Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là nhà chính trị, quân sự xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong suốt 60 năm hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị công tác, Đại tướng Đoàn Khuê luôn đem hết tinh thần, nghị lực và trí tuệ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và làm nghĩa vụ quốc tế
(2) Như: Chính trị viên, Bí thư Hiệu ủy Trường Lục quân trung học Quảng Ngãi; Chính trị viên, Bí thư Trung đoàn ủy các trung đoàn chủ lực 69, 73, 78, 126 và 84; Chính ủy, Bí thư Trung đoàn ủy Trung đoàn 108 Liên khu 5
(3) Như: Chính ủy Đại đoàn Pháo binh 675; Phó Chính ủy Sư đoàn 305 - Sư đoàn chủ lực đầu tiên ở Nam Trung Bộ; Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Sư đoàn Pháo binh 351; Chính ủy Lữ đoàn 341 khu vực Giới tuyến quân sự tạm thời; Phó Chính ủy, Ủy viên Quân khu ủy Quân khu 4
(4) Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Đại tướng Đoàn Khuê - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010, tr. 483
(5) Đảm nhiệm các chức vụ: Phó Chính ủy Quân khu 5, Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên (B3), Phó Bí thư Quân khu ủy, Ủy viên Thường vụ Khu ủy Khu 5
(6) Như: Núi Thành (ngày 26-5-1965), Vạn Tường (ngày 18 đến ngày 19-8-1965), Plei Me (ngày 19-10 đến ngày 26-11-1965), Đồng Dương (ngày 17-11 đến ngày 18-12-1965)…
(7) Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Đại tướng Đoàn Khuê, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002, tr. 72 - 74
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 8, tr. 105
(9) Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Đại tướng Đoàn Khuê, Sđd, tr. 21
(10) Đại tướng Đoàn Khuê: Nửa thế kỷ chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr. 18 - 19
(11) Xem: Đại tướng Đoàn Khuê: “Công cuộc củng cố quốc phòng, xây dựng Quân đội trong sự nghiệp đổi mới - Thành tựu và phương hướng”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 12-1995, tr. 1 - 2
(12) Xem: Đại tướng Đoàn Khuê: “Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với công cuộc củng cố nền quốc phòng toàn dân, xây dựng Quân đội nhân dân”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 7-1996, tr. 50
(13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 323
Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học lý luận chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam  (20/10/2023)
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong bối cảnh quốc tế hiện nay  (28/07/2023)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển