Dấu ấn của Đại tướng Văn Tiến Dũng trong thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên
TCCS - Trong quá trình hoạt động cách mạng, trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Văn Tiến Dũng được giao trọng trách chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn, trong đó có Chiến dịch Tây Nguyên - chiến dịch mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Đây là một trong những sự kiện ghi dấu ấn đặc biệt, thể hiện tư duy và tài mưu lược cầm quân của vị Tổng Tham mưu trưởng tài năng.
Chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4-3 đến ngày 3-4-1975, bắt đầu là chiến dịch Nam Tây Nguyên), là đòn đánh tiêu diệt lớn mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, tiêu diệt lực lượng chủ yếu của một quân đoàn địch, giải phóng một vùng rộng lớn, tạo điều kiện cho các đòn đánh tiêu diệt lớn hơn tiếp theo, làm thất bại hoàn toàn chiến lược phòng ngự của địch ở miền Nam. Chiến thắng Tây Nguyên là đỉnh cao về chiến lược và nghệ thuật chiến dịch, mở ra các điều kiện thuận lợi về chiến lược cho trận quyết chiến chiến lược giải phóng Sài Gòn - Gia Định, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong chiến thắng lịch sử này, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, là người được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo chiến dịch.
Từ ngày 30-9 đến ngày 8-10-1974, Bộ Chính trị họp phân tích thời cơ chiến lược mới, hạ quyết tâm lịch sử và thông qua kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trong hai năm 1975 - 1976. Đồng thời, dự kiến một phương án khác và xác định phương hướng hành động cực kỳ quan trọng là: Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. Ngày 9-11-1974, tại Thủ đô Hà Nội, Đại tướng Văn Tiến Dũng trực tiếp giao nhiệm vụ cho mặt trận Tây Nguyên mở Chiến dịch Nam Tây Nguyên. Ngày 13-12-1974, Bộ Tổng Tư lệnh tổ chức hội nghị bàn về Chiến dịch Nam Tây Nguyên. Dự hội nghị có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Văn Tiến Dũng, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Trung tướng Lê Trọng Tấn, Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền (Bộ Tổng Tham mưu), Thượng tướng Chu Huy Mân, Trung tướng Hoàng Minh Thảo (Quân khu 5)… Hội nghị bàn và thống nhất một số ý định tác chiến, về mục đích, ý nghĩa, phương châm, kế hoạch tổ chức chỉ huy chiến dịch…
Đại tướng Văn Tiến Dũng được Bộ Chính trị cử vào Tây Nguyên, thay mặt Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Lần đầu tiên, bên cạnh một bộ chỉ huy chiến dịch, có Sở Chỉ huy tiền phương của Bộ Tổng Tư lệnh do Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam phụ trách, điều này chứng tỏ quyết tâm cao độ của Trung ương Đảng và vị trí, vai trò đặc biệt của Chiến dịch Tây Nguyên.
Sau khi chỉ đạo Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên tổ chức cho bộ đội ăn Tết tại Sở Chỉ huy tiền phương của Bộ ở phía tây thị xã Buôn Ma Thuột, ngày 5-2-1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng thay mặt Quân ủy Trung ương công bố quyết định thành lập Bộ Chiến dịch Tây Nguyên bao gồm các đồng chí: Trung tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh; Đại tá Đặng Vũ Hiệp, Chính ủy; Thiếu tướng Vũ Lăng, Đại tá Phạm Hàm, Đại tá Nguyễn Năng, Đại tá Nguyễn Lang là Phó Tư lệnh; Đại tá Phí Triệu Hàm, Phó Chính ủy. Thường vụ Khu ủy khu 5 cử đồng chí Bùi San, Ủy viên Thường vụ Khu ủy, một số cán bộ các ngành đại diện cùng Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch để chỉ đạo trực tiếp ba tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, huy động nhân tài, vật lực của địa phương phục vụ chiến dịch. Đại tướng rất sâu sát chỉ đạo các lực lượng chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch giành thắng lợi. Cùng với việc tăng cường các đơn vị bộ binh, binh chủng, đơn vị bảo đảm, Bộ Tổng Tư lệnh còn bổ sung một số lượng lớn trang bị, vũ khí và vật chất hậu cần cho mặt trận Tây Nguyên. Đoàn 559 và các lực lượng tăng cường đã thực hiện được 110% kế hoạch vận chuyển cho chiến dịch. Lượng dự trữ toàn mặt trận tính đến cuối tháng 2-1975 đạt 17.359 tấn, riêng chuẩn bị cho chiến dịch là 10.603 tấn. Đây là sự cố gắng rất lớn của ngành hậu cần chiến lược và chiến dịch, tạo điều kiện để bộ đội có thể tác chiến hiệp đồng binh chủng dài ngày ở mặt trận Tây Nguyên.
Nhãn quan chiến lược, tầm nhìn sâu rộng và xử lý tình hình kiên quyết, sáng tạo
Trên cương vị của mình, Đại tướng Văn Tiến Dũng cùng với cơ quan Bộ Tổng Tham mưu và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã tham mưu với Bộ Chính trị lựa chọn hướng tiến công chiến lược chủ yếu năm 1975 trên địa bàn Tây Nguyên là hoàn toàn chính xác, vì ở đây, địch tương đối yếu và ta có nhiều lợi thế để phát triển lực lượng vào miền Nam, chia cắt miền Trung, phát huy sức mạnh của các binh chủng kỹ thuật. Theo đó, phối hợp tiến công chiến lược trên các chiến trường bằng ba thứ quân, buộc địch phải phân tán, căng kéo lực lượng để đối phó, thậm chí chôn chân tại chỗ, không thể hỗ trợ được nhau giữa các chiến trường. Tăng cường cho mặt trận Tây Nguyên Sư đoàn Bộ binh 316 và Sư đoàn Bộ binh 968 cùng các đơn vị, binh chủng đủ mạnh để có thể vừa đánh nghi binh, chia cắt, vừa tổ chức lực lượng đột kích mạnh ở thị xã Buôn Ma Thuột cũng như đánh bại các cuộc phản kích của địch và phát triển chiến dịch…
Ngày 25-2-1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng và Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên họp thông qua quyết tâm chiến dịch, các phương án đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột bao gồm: phương án đánh địch có tăng cường lực lượng phòng ngự và phương án đánh địch khi không có tăng cường lực lượng (trong đó, phương án đánh địch có tăng cường lực lượng là phương án khó khăn nhất). Đại tướng đã xem kỹ và trao đổi, làm sáng rõ nhiều vấn đề với Bộ Tư lệnh chiến dịch. Sau đó, thay mặt Bộ Tổng Tư lệnh, Đại tướng phê chuẩn và ký tên bản đồ quyết tâm, đồng thời có ý kiến chỉ đạo về một loạt vấn đề liên quan đến tác chiến, tổ chức quản lý, quân quản thành phố, chính sách dân tộc, chiến lợi phẩm, tù binh, hàng binh sau khi thị xã Buôn Ma Thuột được giải phóng. Cụ thể như sau:
Một là, về biện pháp đánh địch ở thị xã Buôn Ma Thuột chưa có tăng cường lực lượng, phương án này bảo đảm nhanh chóng giành thắng lợi, thương vong và tổn thất ít, Đại tướng Văn Tiến Dũng chỉ rõ: “Đánh địch bằng cách và vào lúc mà địch không thể nào nghĩ tới, hết sức bất ngờ là nguy hiểm vô cùng cho chúng. Ta phải bằng mọi biện pháp, mọi hình thức tập trung suy nghĩ, ra sức giữ bí mật bất ngờ để tranh thủ đánh theo phương án địch chưa tăng cường lực lượng... Phía Buôn Ma Thuột này địch chưa biết rõ lực lượng ta, trừ trường hợp ta di chuyển bị lộ. Trong những ngày tới phải tiếp tục làm cho địch vẫn yên trí hướng tiến công chính của ta là Kon Tum, Pleiku. Vấn đề thời cơ là ở chỗ này. Phải đẩy mạnh hoạt động sắp tới ở Kon Tum và Pleiku để củng cố thêm sai lầm của địch”(1). Diễn biến chiến dịch sau đó cho thấy, nhờ có các hoạt động giữ bí mật, nghi binh lừa địch tích cực, toàn diện theo kế hoạch thống nhất của tất cả các lực lượng, ta mới giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột thành công khi địch hầu như không có tăng cường lực lượng.
Hai là, sau khi họp bàn về các vấn đề, như phân tích cách đánh, tổ chức lực lượng chỉ huy, hiệp đồng, giữ bí mật, mối quan hệ giữa đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột và tiêu diệt địch phản kích, công tác bảo đảm, phối hợp, công tác dân vận, chính sách quân quản, Đại tướng Văn Tiến Dũng yêu cầu chỉ huy các đơn vị: “Bằng mọi biện pháp và hình thức cần làm cho các cấp ủy đảng, tất cả cán bộ và chiến sĩ thấy hết ý nghĩa quan trọng của trận đánh này, nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, hiểu và làm đúng cách đánh ta đã bàn, thì nhất định sẽ giành được thắng lợi giòn giã”(2). Đại tướng cũng chỉ rõ, phải đánh thị xã Buôn Ma Thuột kịp thời gian dự kiến. Thực tế, ta đã giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột chỉ trong 32 giờ (từ 2 giờ ngày 10-3 đến 11 giờ ngày 11-3-1975).
Trong cuốn sách Chiến đấu ở Tây Nguyên, đồng chí Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh chiến dịch viết: “Trong quá trình chuẩn bị, phương án tác chiến được hoàn chỉnh bởi… ý kiến bổ sung của các đồng chí trong Bộ Tư lệnh mặt trận và nhất là những ý kiến của cơ quan đại diện Bộ Tổng Tư lệnh và cá nhân Đại tướng Văn Tiến Dũng. Đại tướng đã chỉ thị những điều bổ sung cụ thể, sâu sắc và chính xác cho quyết tâm chiến dịch”(3).
Ngày 5-3-1975, địch ở Tây Nguyên đã bị cô lập với đồng bằng. Tuy nhiên, giữa Nam Tây Nguyên và Bắc Tây Nguyên, địch vẫn đi lại được với nhau vì ta chưa chủ trương cắt đường số 14. Trong kế hoạch, ngoài việc chia cắt chiến lược thì chia cắt chiến dịch với nhiệm vụ chốt chặn đường số 14 để cắt rời thị xã Buôn Ma Thuột và thị xã Pleiku, nhưng nếu ta làm việc này sớm, có thể sẽ lộ ý định đánh thị xã Buôn Ma Thuột. Bên cạnh đó, muốn cắt đường số 14 trên hai đoạn phía bắc và phía nam quận lỵ Thuần Mẫn thì phải đánh chiếm quận lỵ này, điều này sẽ khiến địch phát hiện ta có một sư đoàn đứng ở Bắc Buôn Ma Thuột. Trong trường hợp đó, địch sẽ tăng cường lực lượng về thị xã Buôn Ma Thuột. Như vậy, cuộc chiến đấu của ta ở đây sẽ có nhiều khó khăn.
Cùng ngày 5-3-1975, đồng chí Vũ Lăng, Phó Tư lệnh chiến dịch báo cáo và xin chỉ thị Đại tướng Văn Tiến Dũng liên quan đến tình huống trưa ngày 5-3-1975, Sư đoàn 320 dùng một tiểu đoàn tiêu diệt một đoàn xe quân sự 14 chiếc, thu 2 khẩu pháo 105 ly của địch trên đường số 14, đoạn Bắc Thuần Mẫn đi thị xã Buôn Ma Thuột, đồng thời tịch thu toàn bộ vũ khí, bắt tù binh vì phán đoán địch đưa dần Trung đoàn 45 về tăng cường cho thị xã Buôn Ma Thuột. Sư đoàn 320 đề nghị được chiếm lĩnh trận địa chốt chặn trên đường số 14, đánh Thuần Mẫn và tiêu diệt luôn một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 45 của địch đang tăng cường ở đó.
Điểm lại tình hình hoạt động mấy ngày trước đó của địch, nhận thấy chúng đối phó dè dặt, chưa có ý đồ rõ ràng, vẫn tập trung sự chú ý vào Bắc Tây Nguyên và lo giải tỏa đường số 19, sau khi trao đổi thêm với đồng chí Lê Ngọc Hiền, Đại tướng Văn Tiến Dũng chỉ thị: “Sư đoàn 320 tiếp tục im lặng, tránh nổ súng với bọn thám báo lùng sục, không có lệnh không được đánh trên đường số 14, giữ vững quyết tâm đã xác định”(4). Khai thác tù binh của đoàn xe bị Sư đoàn 320 chặn đánh cho thấy, đó là xe chuyển vận thường xuyên từ thị xã Pleiku về thị xã Buôn Ma Thuột, chưa phải địch tăng cường lực lượng.
Sáng ngày 6-3-1975, đồng chí cán bộ tham mưu quân báo báo cáo, địch đã cho Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 53 cùng một chi đội thiết giáp, một tiểu đoàn bảo an lên Quảng Nhiêu, Đông Bắc Buôn Ma Thuột 11km. Ngay sau đó, đồng chí trưởng phòng tác chiến của mặt trận báo cáo bằng điện thoại cụ thể tình hình từng mũi của địch đang lùng sục trong khu vực này. Để tránh bị lộ, lực lượng pháo binh, xe tăng, công binh của ta đang chuẩn bị đường cơ động, khu tập kết,… phải lui về phía sau tránh địch. Tuy nhiên, nếu chúng lùng sục kéo dài đến ngày 8-3-1975, việc chuẩn bị theo cách đánh của ta từ phía Bắc vào thị xã Buôn Ma Thuột sẽ bị ảnh hưởng.
Ngay lập tức, Đại tướng Văn Tiến Dũng tiến hành bàn bạc với các đồng chí trong bộ phận tham mưu tác chiến của đại diện Bộ Tư lệnh, rồi cử đồng chí Lê Ngọc Hiền xuống Bộ Chỉ huy mặt trận cùng anh em triển khai mấy việc sau: Thứ nhất, hướng Quảng Nhiêu tiếp tục tránh địch, không để chúng phát hiện ra ta, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng nếu chúng vào đến vị trí tập kết của ta thì bao vây tiêu diệt gọn từng mũi của địch. Thứ hai, theo dõi chặt hành động của địch ở hướng này để xử trí cụ thể từng tình huống. Thứ ba, nếu chiều ngày 6-3-1975, địch không lui quân về thị xã Buôn Ma Thuột (quy luật hành động của địch ở đây là khi có nghi ngờ, chúng sẽ lùng sục một ngày, nếu không phát hiện được gì sẽ lui về), thì lệnh cho Sư đoàn 320 chuẩn bị, sáng ngày 7-3-1975 diệt cứ điểm Chư Sê (trên đường số 14, phía Bắc Buôn Hồ) để kéo địch về hướng này, tạo điều kiện cho các đơn vị của ta ở hướng Quảng Nhiêu tiếp tục công tác chuẩn bị. Trong trường hợp ngày 7-3-1975, địch tiếp tục lùng sục, thì ngày 8-3-1975, Sư đoàn 320 đánh chiếm quận lỵ, chi khu Thuần Mẫn, thực hiện cắt hẳn đường số 14 để “hút” địch từ thị xã Buôn Ma Thuột lên, đồng thời sẵn sàng đánh địch từ thị xã Pleiku xuống.
Có thể thấy rằng, với những nhận định chính xác về địch cùng sự chỉ đạo kịp thời, sáng tạo của Đại tướng Văn Tiến Dũng đối với các hoạt động của ta, Chiến dịch Tây Nguyên đã giữ được bí mật hướng tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột và có đủ thời gian 2 ngày hoàn thành công tác chuẩn bị để nổ súng đúng thời gian dự kiến, theo đúng phương án đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột khi địch chưa tăng cường lực lượng.
Nắm chắc thời cơ, chỉ đạo kịp thời, chủ động, quyết đoán và táo bạo trong tiến hành chiến dịch
Trưa ngày 6-3-1975, ta bắt được thông tin một đồng chí của ta bị thương nặng, địch đưa đi bệnh viện cưa chân và cứu chữa để đích thân tên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 23 của địch xuống khai thác. Tuy nhiên, đồng chí của ta đang mê man chưa tỉnh, địch không khai thác được. Ngày 7-3-1975, ta lập tức diệt Chư Sê trong 30 phút, tạo thêm điều kiện chốt giữ chắc chắn đường số 14, nhưng địch vẫn chưa rút khỏi Quảng Nhiêu. Sáng ngày 8-3-1975, Sư đoàn 320 đánh chiếm quận lỵ Thuần Mẫn, cắt hẳn đường số 14. Đến trưa, lực lượng địch ở Quảng Nhiêu vội vã hành quân rút về thị xã Buôn Ma Thuột.
Khi trận then chốt đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột kết thúc thắng lợi sau 32 giờ tiến công mãnh liệt, việc Sư đoàn 23 - lực lượng dự bị chiến dịch mạnh thuộc Quân khu 2 của địch quay trở lại đây để phản kích là tất yếu. Điều này được Đại tướng Văn Tiến Dũng và Bộ Tư lệnh chiến dịch dự kiến từ đầu và đã tính toán khá chu đáo ngay từ khi chuẩn bị chiến dịch cả về lực lượng tiến hành, đường hướng cơ động, khu vực triển khai, phương tiện và phương pháp cơ động. Bộ Tư lệnh chiến dịch giao cho Sư đoàn 10 đảm nhiệm chủ yếu và Sư đoàn 320 sẵn sàng tham chiến đánh địch phản kích.
Đúng như dự kiến, từ ngày 12-3 đến ngày 15-3-1975, địch sử dụng không quân đánh phá, lần lượt dùng máy bay trực thăng đổ Trung đoàn 45, Pháo đội 232, Trung đoàn 44, Sở Chỉ huy nhẹ Sư đoàn 23 xuống phía đông thị xã Buôn Ma Thuột, từ Phước An đến Nông Trại. Do có sự chuẩn bị từ trước, lực lượng Sư đoàn 10 của ta và các đơn vị bạn được xe tăng và pháo binh chi viện, đã tiến công địch ngay từ khi chúng đặt chân xuống, đồng thời bao vây tiến công liên tục. Đến ngày 18-3-1975, ta tiêu diệt hoàn toàn lực lượng đổ bộ đường không của địch.
Tối ngày 15-3-1975, khi còn chưa kết thúc đánh địch đổ bộ đường không, sau khi phân tích tình hình và các biểu hiện của địch, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã nhận định: “Địch có khả năng rút khỏi Kon Tum và Pleiku”(5). Trong cuốn hồi ký Chiến đấu ở Tây Nguyên, đồng chí Hoàng Minh Thảo viết: “Nhận định ấy đến khá đột ngột vì chúng tôi chưa dự kiến tình huống lại có thể chuyển biến nhanh chóng đến như thế… Đúng là cơ quan chiến lược nắm tình hình chắc hơn cơ quan chiến dịch”. Hai mươi giờ ngày 16-3-1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch nhận được lệnh của Đại tướng Văn Tiến Dũng: “Truy kích ngay! Địch đang rút chạy trên đường số 7”(6). Sau khi nhận được mệnh lệnh của Đại tướng, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã hội ý và triển khai kế hoạch đánh địch trong tình huống địch tháo chạy, hạ quyết tâm: Truy kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn rút chạy của địch trên đường số 7. Đoạn tập trung tiêu diệt địch chủ yếu từ Cheo Reo đến Củng Sơn.
Ta sử dụng Sư đoàn 320 cùng xe tăng và pháo binh truy kích địch rút chạy trên đường số 7. Phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương Quân khu 5, đến ngày 19-3-1975, ta tiêu diệt, bắt gần như toàn bộ lực lượng rút chạy của địch (hơn 13.000 tên, thu gần 4.000 súng, pháo các loại…). Theo đó, đập tan ý định rút bỏ Tây Nguyên để co cụm về đồng bằng ven biển của chúng.
Ngày 22-3-1975, Tây Nguyên hoàn toàn được giải phóng. Thừa thắng xông lên, từ ngày 25-3 đến ngày 3-4-1975, quân ta tiến xuống đồng bằng và ven biển khu 5, tiêu diệt Lữ đoàn 3, Trung đoàn 40, Liên đoàn biệt động quân 24 của địch, giải phóng một vùng rộng lớn ven biển miền Trung. Đến ngày 3-4-1975, Chiến dịch Tây Nguyên kết thúc với thắng lợi rực rỡ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến lược được giao.
Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, ta đã làm chủ địa bàn chiến lược rộng lớn và quan trọng, đồng thời làm thay đổi cơ bản so sánh lực lượng, tạo nên bước ngoặt quyết định để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định thời cơ chiến lược để giải phóng miền Nam đã xuất hiện, chuyển kế hoạch cơ bản giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976 sang kế hoạch thời cơ giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Từ thực tiễn Chiến dịch Tây Nguyên, Đại tướng Văn Tiến Dũng đánh giá: “Chính chúng ta đã đưa địch đến sai lầm đó, biết tạo và nắm thời cơ, thúc đẩy nhanh quá trình thất bại của địch, tạo ra bước ngoặt của chiến tranh. Ta nhanh hơn lên, quyết đoán hơn lên, táo bạo hơn lên, chủ động hơn lên, thừa thắng xông lên thì chắc chắn là ta thắng cuộc”(7).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định, Đại tướng Văn Tiến Dũng là “vị tướng có tinh thần quyết thắng lớn và tài thao lược xuất chúng”(8). Trong Chiến dịch Tây Nguyên, với kinh nghiệm của người chỉ huy đã đi suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ cùng tầm nhìn chiến lược, tư duy sắc sảo, khoa học, sự quyết đoán, sáng tạo, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của chiến dịch - “thắng lợi có tầm quan trọng về chiến lược, mở ra điều kiện thuận lợi cho cục diện chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975”(9)./.
----------------------------
(1), (2) Đại tướng Văn Tiến Dũng: Đại thắng mùa Xuân (Hồi ký), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1977, tr. 62, 69
(3) Đại tướng Văn Tiến Dũng với cách mạng Việt Nam và quê hương, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 502
(4) Đại tướng Văn Tiến Dũng: Đại thắng mùa Xuân (Hồi ký), Sđd, tr. 73 - 74
(5) Đại tướng Văn Tiến Dũng: Về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 65
(6) Đại tướng Văn Tiến Dũng: Về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sđd, tr. 66
(7) Đại tướng Văn Tiến Dũng: Tuyển tập, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 654
(8) Nhớ mãi Đại tướng Văn Tiến Dũng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 49
(9) Trung tướng Hoàng Minh Thảo: Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1977, tr. 5
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Nhà chính trị, quân sự mưu lược của Quân đội nhân dân Việt Nam  (12/03/2023)
Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong tình hình mới  (20/01/2023)
Cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Tăng thiết giáp giữ vững và phát huy “bản lĩnh, tinh thần thép” trong tình hình mới  (05/10/2022)
Chiến thắng Tàu Ô - Bản anh hùng ca bất tử  (27/08/2022)
Thực hiện bình đẳng giới trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay  (12/07/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên