Những kết quả tích cực và kinh nghiệm trong thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở tỉnh Lào Cai
TCCS - Những năm qua, việc triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở tỉnh Lào Cai có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự tham gia, phối hợp tích cực của các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Những kết quả đạt được từ phong trào này góp phần quan trọng để tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Những kết quả tích cực từ phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”
Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc; phía Đông giáp tỉnh Hà Giang, phía Nam giáp tỉnh Yên Bái, phía Tây giáp tỉnh Lai Châu, phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); diện tích tự nhiên 6.384km2, dân số trên 750.000 người với 25 dân tộc (trong đó, dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 64,15%); có trên 182km đường biên giới trên đất liền tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý tạo cho tỉnh nhiều tiềm năng trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Trung du và miền núi phía Bắc trong thời kỳ hội nhập. Những năm qua, các phong trào thi đua được tỉnh không ngừng đẩy mạnh, trong đó, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” có bước phát triển đã góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Ngược dòng lịch sử, ngày 5-3-1947, Đảng bộ tỉnh Lào Cai được thành lập. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa chính trị trọng đại trong tiến trình cách mạng của tỉnh. Trong suốt 75 năm, 16 kỳ đại hội đã đánh dấu bước trưởng thành và lớn mạnh của Đảng bộ tỉnh. Ra đời trong những ngày vô cùng khó khăn, nạn thổ phỉ hoành hành dọc tuyến biên giới, Tỉnh ủy Lào Cai đã lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền, góp phần kháng chiến chống thực dân Pháp, đấu tranh tiễu phỉ, ổn định chính trị, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Chính quyền và các đoàn thể cứu quốc tuyên truyền, phát động phong trào tăng gia sản xuất, thi đua diệt giặc đói bằng các biện pháp khai hoang, phục hóa, động viên thanh niên gia nhập đội du kích và đăng ký gia nhập bộ đội chủ lực. Nhân dân tích cực tham gia chiến dịch Lê Hồng Phong, xây dựng các tổ, đội du kích và hoạt động địch vận, tăng cường đưa cán bộ vào vùng bị địch chiếm đóng, chi viện hậu cần và phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực đẩy mạnh đánh địch. Ngày 1-11-1950, tỉnh Lào Cai được giải phóng, chấm dứt hàng thập niên nhân dân các dân tộc trong tỉnh chịu cảnh áp bức, đô hộ của thực dân Pháp.
Trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, nhất là sau hơn 30 năm tái lập, đổi mới và phát triển, trong điều kiện tình hình thế giới diễn biến phức tạp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tập trung chỉ đạo từng bước thực hiện đổi mới toàn diện công tác bảo đảm an ninh, trật tự, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua các kỳ đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành các đề án về bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn; quán triệt, triển khai nội dung chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong tình hình mới đến các cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; xây dựng chương trình hành động và kế hoạch triển khai thực hiện. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo cụ thể hóa nội dung các chỉ thị, kết luận, đề án để triển khai thực hiện phong trào. Nhờ đó, nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân của tỉnh ngày càng được củng cố, tăng cường, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.
Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân được đẩy mạnh và đổi mới, đa dạng hóa cả về nội dung, hình thức, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Trong 10 năm (2011 - 2021), toàn tỉnh đã tổ chức trên 33.000 buổi tuyên truyền cho hơn 2 triệu lượt người; biên soạn, phát hành hàng nghìn cuốn tài liệu “Hỏi - đáp về nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự nông thôn”, “Bản tin xây dựng phong trào”; xây dựng các chuyên mục, phóng sự, đăng tải tin, bài, phát hành tranh, ảnh, tờ rơi, tờ dán về đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; xây dựng phim phóng sự “Ảo tưởng Nhà nước Mông”; tổ chức nhiều cuộc thi, như “Công an xã giỏi”, “Công tác dân vận khéo”...
Chú trọng xây dựng các mô hình tổ chức quần chúng tự quản về an ninh, trật tự gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, được duy trì, củng cố và nhân rộng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 65 mô hình tự quản tại 1.334 điểm, điển hình như các mô hình: “Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự”, “Điểm sinh hoạt tôn giáo bình yên”, “Thôn, bản bình yên, gia đình hạnh phúc”, “Tổ tự quản đường biên, mốc giới”, “Cổng trường an toàn giao thông”, “Tam giác tự quản”, “Tổ công nhân tự quản”, “5 không, 3 giảm”... Thông qua các mô hình, nhân dân đã phát hiện, cung cấp trên 7.000 nguồn tin có giá trị, giúp điều tra, khám phá 5.221 vụ việc, bắt 4.043 đối tượng, 388 đối tượng bị truy nã, thu giữ tài sản trị giá hàng chục tỷ đồng. Vận động người dân giao nộp trên 5.000 súng tự chế; cảm hóa, giáo dục hàng nghìn đối tượng tại cộng đồng; tuyên truyền xóa bỏ các tổ chức bất hợp pháp, các hoạt động trái thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật, điểm nóng, góp phần giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn.
Việc tăng cường các lực lượng tham gia củng cố, chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự gắn với giúp đỡ địa phương xây dựng nông thôn mới được chú trọng thực hiện. Theo đó, tăng cường 648 công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã, duy trì 1.214 tổ an ninh nhân dân, 1.568 tổ hòa giải, 1.626 tổ liên gia tự quản, 1.502 người có uy tín. Từng bước nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng an ninh ở cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm - tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” các cấp được tăng cường. Công tác phối hợp giữa lực lượng công an với lực lượng quân đội, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được duy trì, mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng; giải quyết kịp thời, hiệu quả các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự. Việc tổ chức Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được chỉ đạo triển khai sâu rộng, thu hút đông đảo cán bộ và nhân dân tham gia, có sức lan tỏa trong cộng đồng. Tỉnh còn phát động các phong trào thi đua về bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng và củng cố quốc phòng - an ninh vững chắc. Từ năm 2011 đến năm 2021, có trên 60 tập thể được Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc, trên 1.200 cá nhân được tặng Kỷ niệm chương Bảo vệ an ninh Tổ quốc và hàng nghìn lượt tập thể, cá nhân được tặng bằng khen, giấy khen các cấp,... Hằng năm, có từ 75% đến 80% số đơn vị đạt loại khá, xuất sắc; trên 85% số đơn vị đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”. Với những kết quả đạt được, tỉnh được Trung ương đánh giá là địa phương thuộc tốp đầu cả nước trong thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Có thể nói, kết quả từ phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở tỉnh Lào Cai, khơi dậy và phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng vững mạnh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế. Phong trào được tổ chức triển khai có hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở, nội dung phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tạo tiền đề để Lào Cai từ chỗ là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, đã vươn lên đứng tốp đầu trong các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh liên tục duy trì ở mức cao, bình quân giai đoạn 1991 - 2020 đạt 10,4%/năm. So với năm 1991, quy mô GRDP gấp hơn 18 lần, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn gấp 252 lần, thu nhập bình quân đầu người gấp trên 100 lần, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đang từng bước trở thành cực tăng trưởng của vùng.
Lĩnh vực giáo dục có bước phát triển vượt bậc. Nếu như ngày đầu tái lập, 60% số trẻ em trong độ tuổi đi học chưa được đến trường thì đến năm 2000, tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học (xóa mù chữ); năm 2007 hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở; năm 2013 hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Mạng lưới trường, lớp được rà soát, sắp xếp theo hướng thực chất, cơ bản xóa được lớp học tạm; hệ thống nhà ở nội trú, bán trú, nhà ở cho giáo viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tế. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt kết quả toàn diện, đạt tỷ lệ 11,2 bác sĩ/vạn dân; có 9 bệnh viện tuyến huyện, 152 trạm y tế xã, phường, thị trấn, 3 bệnh viện tuyến tỉnh và 1 bệnh viện đa khoa tỉnh với quy mô 700 giường bệnh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 54,8% (năm 1991) xuống còn 8,46% (năm 2020), đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Diện mạo nông thôn ngày càng được đổi mới với 61/127 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 100% số xã, thôn, bản có đường giao thông kiên cố và điện lưới quốc gia; 95% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; cơ bản đã xóa được nhà tạm. Mạng lưới đô thị có sự phát triển nhanh chóng, đến nay, có 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh không ngừng được cải thiện, nhiều năm đứng trong tốp 10 của cả nước, là tỉnh đầu tiên công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DCI). Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội vừa có tính kế thừa, vừa có tính sáng tạo; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại được nâng tầm, mở rộng hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trên nhiều lĩnh vực, nhất là có quan hệ hợp tác song phương, đa phương với nhiều tổ chức quốc tế và trong nước, một số vùng lãnh thổ trên thế giới và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, dân chủ được phát huy, quyền làm chủ của nhân dân được bảo đảm.
Một số kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào
Từ thực tiễn triển khai phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với các yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh qua từng giai đoạn, Đảng bộ tỉnh Lào Cai rút ra một số kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo như sau:
Thứ nhất, công tác xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” phải được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp. Thực tiễn cho thấy, sức mạnh của nhân dân là rất lớn, nhưng sức mạnh đó chỉ được phát huy khi được tổ chức thành phong trào, hành động cụ thể. Để phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đạt được hiệu quả cao không thể tách rời sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương, từ đó, tạo sự thống nhất và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Vì thế, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng công an phải luôn quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phong trào này, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào sát đúng với tình hình thực tế; xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Thứ hai, phát huy có hiệu quả vai trò của các cơ quan báo chí - truyền thông; chú trọng đổi mới và nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác vận động nhân dân trong triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Công tác tuyên truyền, vận động phải được tiến hành thường xuyên, liên tục để nâng cao ý thức của mỗi người, mỗi gia đình, khu dân cư và cả cộng đồng. Các hoạt động của phong trào phải mang tính thiết thực, được lồng ghép với các cuộc vận động và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Coi trọng và làm tốt việc xây dựng các mô hình mới, nhân rộng các mô hình này theo hướng “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải”; tổ chức ký cam kết xây dựng khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường an toàn về an ninh, trật tự; đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”; làm tốt công tác tổng kết, kịp thời động viên, khen thưởng những điển hình tiên tiến trong phong trào.
Thứ ba, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc trên cơ sở phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ hội nhập quốc tế. Tập trung xây dựng và phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, coi đây là nhân tố quyết định để xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Việc xây dựng phong trào được tiến hành trên nhiều lĩnh vực, địa bàn, với nhiều đối tượng khác nhau, do đó, lực lượng chuyên trách và lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở phải có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ nhất định. Mặt khác, âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải không ngừng củng cố, xây dựng lực lượng chuyên trách và lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Mỗi cá nhân trong đội ngũ này phải thường xuyên tự rèn luyện, tự phấn đấu, học hỏi nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm, những cách làm hay để vận dụng vào thực tiễn công tác; luôn nêu cao tinh thần khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực trong công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng tập trung đồng bào các dân tộc thiểu số, phức tạp về an ninh, trật tự, cần lựa chọn, bố trí cán bộ công an chính quy có năng lực, trình độ giữ chức danh trưởng, phó trưởng công an xã; đồng thời, thu hút những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Thứ tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; kết hợp chặt chẽ giữa vận động nhân dân với tổ chức tấn công trấn áp tội phạm. Khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế - xã hội; tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân, các vụ khiếu kiện ngay từ cơ sở, gắn với chăm lo cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Thứ năm, lực lượng công an các cấp, nhất là cấp xã, phải làm tốt công tác dự báo, nắm tình hình để tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời xử lý các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự. Tập trung xây dựng mô hình tự phòng, tự quản, xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, xây dựng thôn, xã, cơ quan, đơn vị an toàn về an ninh, trật tự, tổ chức tốt Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; làm tốt công tác đánh giá, phân loại phong trào và công tác thi đua, khen thưởng. Chú trọng công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác xây dựng phong trào trong thời gian tiếp theo./.
Giáo dục ý thức phòng, chống dịch bệnh lây nhiễm cộng đồng cho thanh niên quân đội hiện nay  (24/06/2022)
Đảng bộ tỉnh Lào Cai 75 năm xây dựng và phát triển  (04/05/2022)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển