Đảng bộ tỉnh Lào Cai 75 năm xây dựng và phát triển
TCCS - Bảy mươi lăm năm xây dựng và phát triển của Đảng bộ tỉnh Lào Cai gắn liền với chặng đường đấu tranh anh dũng, bất khuất, đầy hy sinh, gian khổ, song cũng vô cùng vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, toàn thể nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai luôn đoàn kết một lòng, hướng về Đảng, Bác Hồ kính yêu, cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc “phên dậu” của Tổ quốc.
Những chặng đường lịch sử vẻ vang
Nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, tỉnh Lào Cai luôn được coi là “phên dậu”, là một trong những địa bàn trọng yếu của Tổ quốc. Ngay từ buổi đầu dựng nước, vùng đất Lào Cai đã thường xuyên là địa bàn diễn ra chiến sự ác liệt, chiến đấu chống lại các thế lực phản động và ngoại bang xâm lược; trong đó, có nhiều trận quyết chiến chống quân xâm lược phương Bắc để giữ vững biên cương của Tổ quốc. Vì vậy, nơi đây đã sớm hun đúc truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất. Khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, Lào Cai là một trong những căn cứ cách mạng quan trọng để chống thực dân Pháp. Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đã liên tiếp nổi dậy khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược. Nhiều chiến công oanh liệt chống giặc ngoại xâm ở nơi “phên dậu” của Tổ quốc đã đi vào lịch sử, đánh dấu chặng đường đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai.
Năm 1945, tỉnh Lào Cai phải đối phó với quân đội Tưởng Giới Thạch và bè lũ tay sai phản động. Đúng vào thời điểm phức tạp ấy, ngày 18-10-1945, Bác Hồ viết thư gửi đồng bào và chiến sĩ tỉnh Lào Cai thể hiện sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc và lời động viên, niềm tin tưởng của Người. Lá thư của Bác như lời hiệu triệu giúp cho nhân dân tỉnh Lào Cai đứng lên đấu tranh giành chính quyền. Chỉ một thời gian ngắn, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, đoàn cán bộ của Trung ương về kết hợp với cán bộ của địa phương đã vận động thành lập được chính quyền cách mạng ở thị xã Lào Cai, huyện Bảo Thắng và huyện Sa Pa.
Đầu tháng 9-1946, Ban Cán sự Đảng tỉnh Lào Cai được thành lập. Ngày 30-11-1946, Ủy ban Quân quản tỉnh Lào Cai được thành lập và đến đầu năm 1947 thì đổi tên thành Ủy ban Hành chính và Ủy ban Kháng chiến. Để nâng cao năng lực lãnh đạo công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tháng 1-1947, Khu ủy Tây Bắc quyết định thành lập Tỉnh ủy Lào Cai lâm thời thay cho Ban Cán sự Đảng. Ngày 5-3-1947, tại thị xã Lào Cai, Hội nghị toàn thể đảng viên tỉnh Lào Cai đã họp tiến hành bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai. Hội nghị là mốc son đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Lào Cai. Kể từ đây, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đã tập trung phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở cách mạng, tiến hành cuộc đấu tranh đầy cam go, quyết liệt tiến đến giải phóng tỉnh nhà.
Tháng 10-1947, thực dân Pháp tái chiếm tỉnh Lào Cai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đã phối hợp với quân và nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc đứng lên đấu tranh dưới nhiều hình thức khác nhau, nhằm làm thất bại âm mưu “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt trị người Việt” của thực dân Pháp. Đặc biệt là, trong chiến thắng của quân và nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc, như chiến dịch Sông Thao (tháng 7-1949), chiến dịch Tây Bắc (tháng 2-1950), đều có đóng góp to lớn của quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai.
Tháng 9-1950, trong chiến dịch Biên giới (Chiến dịch Lê Hồng Phong II), quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đã chiến đấu kiên cường, lần lượt giải phóng các địa phương trong tỉnh. Ngày 1-11-1950, thị xã Lào Cai sạch bóng quân xâm lược; chiến dịch Lê Hồng Phong II kết thúc thắng lợi, tỉnh Lào Cai được hoàn toàn giải phóng, mở ra một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai; đồng thời, phá tan âm mưu lập “Tỉnh Nùng”, “Tỉnh Thái” tự trị và ý đồ phong tỏa biên giới của thực dân Pháp, tạo ra bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi đó không chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết chiến đấu dũng cảm, mưu trí của quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai, mà còn khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ tỉnh Lào Cai.
Từ năm 1950 đến năm 1955, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đã đồng hành, chi viện sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ hoàn toàn thắng lợi (năm 1954), hoàn thành nhiệm vụ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ thành quả cách mạng. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (từ năm 1955 - năm 1975), Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã lãnh đạo nhân dân vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa tiến hành chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên địa bàn tỉnh, cùng với nhân dân miền Bắc thực hiện nghĩa vụ của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Tỉnh Lào Cai tự hào đã có hàng nghìn người con ưu tú lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu anh dũng, hy sinh, góp phần cùng cả nước đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Những năm 1976 - 1991, trên cơ sở sáp nhập các tỉnh Lào Cai, tỉnh Yên Bái và các huyện Mù Căng Chải, huyện Văn Chấn, huyện Trạm Tấu, huyện Than Uyên của tỉnh Nghĩa Lộ đã hình thành tỉnh Hoàng Liên Sơn; kể từ đây, nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng phòng tuyến biên giới, cùng cả nước tiến hành cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (tháng 2-1979), giữ vững “phên dậu” của Tổ quốc.
Từ năm 1991 đến nay, sau hơn 30 năm tái lập - đổi mới và phát triển, Lào Cai đã chuyển mình mạnh mẽ từ một vùng đất nghèo khó, hoang tàn, đổ nát sau chiến tranh trở thành vùng động lực phát triển - một điểm sáng ở khu vực Tây Bắc của Tổ quốc. Đặc biệt là từ năm 1991, khi được tách ra từ tỉnh Hoàng Liên Sơn, Lào Cai phải đối mặt với nhiều khó khăn của một tỉnh vùng cao, biên giới có nhiều dân tộc cùng sinh sống; mặt bằng dân trí thấp (60% số trẻ trong độ tuổi không được đến trường, có tới 14 xã “trắng” về giáo dục); 7/10 huyện chưa có điện lưới quốc gia, 138/180 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, 150/180 xã chưa có đường giao thông đến trung tâm; 55% số hộ dân thuộc diện đói, nghèo, 36 xã chưa có trạm y tế; tình hình an ninh biên giới còn nhiều phức tạp, khó lường,… Các trung tâm thị xã, thị trấn trong tỉnh gần như bị tàn phá hoàn toàn bởi chiến tranh. Thời điểm đó, tỉnh Lào Cai là một trong những tỉnh nghèo nhất trên cả nước, thu ngân sách chỉ đạt 36 tỷ đồng.
Từ năm 1991 đến năm 2001 là chặng đường Đảng bộ tỉnh Lào Cai vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, định hình hướng đi, xác định nhiệm vụ trọng tâm, phát huy lợi thế để tạo đà phát triển bằng những chủ trương, quyết sách quan trọng, nhằm tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Bước vào thập niên đầu của thế kỷ XXI (2001 - 2011), tỉnh Lào Cai thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế kết hợp với phát huy nội lực, tập trung khơi thông điểm nghẽn, tạo tiền đề cho sự phát triển bứt phá trên nhiều lĩnh vực. Từ năm 2011 - 2021, tỉnh Lào Cai tập trung nâng tầm vị thế, phát triển toàn diện theo hướng nhanh và bền vững; trong đó, chủ trương lấy công nghiệp chế biến sâu làm khâu đột phá, thương mại, dịch vụ, du lịch làm mũi nhọn; đồng thời, tiếp tục tập trung cho nông nghiệp, nông thôn, lấy xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi, ưu tiên để phát triển.
Một số kết quả nổi bật trong chặng đường đổi mới và phát triển
Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ tỉnh, sau hơn 30 năm tái lập, tỉnh Lào Cai đã vươn mình từ một tỉnh nghèo nhất cả nước trở thành tỉnh đứng đầu khu vực Tây Bắc và đứng tốp đầu trong 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. “Bức tranh” kinh tế của tỉnh đã thể hiện sự bứt tốc mạnh mẽ so với ngày đầu tái lập tỉnh: Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên tục, bình quân giai đoạn 1991 - 2021 đạt trên 10%/năm; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2021 đạt 9.939 tỷ đồng (gấp 276 lần so với năm 1991), thu nhập bình quân đầu người đạt 82,68 triệu đồng (gấp 121,5 lần so với năm 1991), cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Văn hóa - xã hội phát triển toàn diện và có bước đi vững chắc. Giáo dục, y tế đều có bước phát triển vượt bậc, nếu như ngày đầu tái lập tỉnh, có 60% số trẻ em trong độ tuổi chưa được tới trường, thì đến năm 2000 tỉnh Lào Cai đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học xóa mù chữ; năm 2007, phổ cập giáo dục trung học cơ sở; năm 2013, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đạt kết quả toàn diện, đạt tỷ lệ 11,2 bác sĩ/1vạn dân; có 9 bệnh viện tuyến huyện, 152 trạm y tế xã, phường, thị trấn, 3 bệnh viện tuyến tỉnh và 1 bệnh viện đa khoa tỉnh quy mô 700 giường bệnh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 54,8% (năm 1991) xuống còn 5,31% (năm 2021); khách du lịch đến tỉnh Lào Cai đạt 5,1 triệu lượt người (năm 2019); đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới với 62/127 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 1 huyện được công nhận huyện nông thôn mới (huyện Bảo Thắng); 100% số xã, thôn bản có đường giao thông kiên cố và điện lưới quốc gia. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Lào Cai luôn được xếp thứ hạng cao của cả nước. Lào Cai là tỉnh đầu tiên công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DCI). Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác quốc phòng - an ninh, đối ngoại đều đạt được những kết quả toàn diện. Với những kết quả vượt bậc đã đạt được, tỉnh Lào Cai luôn được xem là tỉnh tiên phong trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo và không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Ngày 5-3-2022, kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh, chính là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai cùng nhau ôn lại những trang sử vẻ vang, rất đỗi tự hào để xây dựng “khát vọng” vươn cao, vươn xa, sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Lào Cai trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030 và tỉnh phát triển vào năm 2045.
Những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực sau hơn 30 năm tái lập tỉnh đã khẳng định vai trò to lớn của Đảng bộ tỉnh Lào Cai cùng sự chung sức, đồng lòng, thống nhất ý chí của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Có được những thành tựu trên, trước hết là do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cùng các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở có sự đoàn kết, thống nhất cao, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì một Lào Cai phát triển nhanh, bền vững. Cùng với quan điểm chỉ đạo đúng đắn, nhất quán, phương pháp lãnh đạo khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, Đảng bộ tỉnh Lào Cai luôn coi trọng phát triển toàn diện, bền vững, có bước đi thích hợp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung cho cơ sở, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng và Quy chế Dân chủ ở cơ sở, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, tập trung khai thác tốt nguồn nội lực, thu hút và sử dụng có hiệu quả ngoại lực để phát triển nhanh và bền vững.
Chặng đường 75 năm xây dựng và phát triển của Đảng bộ tỉnh Lào Cai ghi dấu những trang sử vẻ vang, thấm đượm biết bao mồ hôi, công sức và cả xương máu của lớp lớp thế hệ người Lào Cai. Với những thành tựu đạt được, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận và phong tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Sao Vàng; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Độc lập hạng Nhất; đồng thời, có nhiều tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động.
Một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới
Trên chặng đường phát triển mới, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn tự hào về chặng đường đã qua. Với khát vọng vươn lên mạnh mẽ vì một Lào Cai phát triển nhanh và bền vững, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã xác định những mục tiêu lớn không chỉ cho 5 năm, mà còn cho cả tầm nhìn dài hạn để đến năm 2030, đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước và phấn đấu đến năm 2045 Lào Cai sẽ trở thành tỉnh phát triển của cả nước. Để hiện thực hóa được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XVI đã cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng bằng 18 đề án trọng tâm cùng với 24 mục tiêu, 7 nhiệm vụ trọng tâm, 9 nhóm giải pháp và 2 lĩnh vực đột phá để thực hiện đến năm 2025. Trong đó, cần tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, nhằm tạo ra cơ chế thông thoáng, mở đường cho sự phát triển trên chặng đường tiếp theo, cụ thể như sau:
Một là, cần xây dựng và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách để tập trung vào các lĩnh vực có lợi thế; thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các dự án quy mô lớn thu hút sử dụng nhiều lao động, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đối với những lĩnh vực then chốt gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài và thúc đẩy đổi mới sáng tạo để tỉnh Lào Cai thực sự là trung tâm, là động lực phát triển của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Hai la, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn quyền lợi và trách nhiệm của các địa phương, đơn vị; phát huy tính sáng tạo, chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm và dám đương đầu với khó khăn, thử thách.
Ba là, quy hoạch và thực hiện thật tốt quy hoạch, gắn kết chặt chẽ, khoa học, đồng bộ giữa quy hoạch chung, quy hoạch vùng, quy hoạch liên vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực nhằm góp phần phục vụ cho đầu tư phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Bốn là, phát triển du lịch - dịch vụ là mũi nhọn để đột phá; trong đó tập trung xây dựng Sa Pa trở thành khu du lịch quốc gia mang tầm quốc tế, khu vực xã Y Tý (huyện Bát Xát), huyện Bắc Hà, thành phố Lào Cai và trục tâm linh Bảo Hà - Tân An; đưa Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành trung tâm logistics lớn của cả nước.
Năm là, phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng số tạo nền tảng cho chuyển đổi số, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng chính quyền điện tử gắn với cải cách hành chính, tinh giản bộ máy nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trong tỉnh.
Sáu là, phát triển công nghiệp là trụ cột, thu hút đầu tư để chế biến sâu các sản phẩm chủ lực, sản phẩm công nghệ của tỉnh. Chuyển dịch mạnh sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi, gắn với thị trường để nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho khu vực nông thôn.
Những quyết sách này không chỉ trúng và đúng khi soi vào quan điểm xuyên suốt của Đảng bộ tỉnh trong nhiều nhiệm kỳ qua, đó là phát triển dựa trên những tiềm năng, lợi thế so sánh, mà còn phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững và quy hoạch phát triển vùng của Chính phủ. Cùng với đó, nguồn lực con người, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cũng được đề cập theo một quan điểm mới, là thoát ly khỏi tầm nhìn nhỏ hẹp, khơi thông sức sáng tạo, dám nghĩ rộng để hoàn thành những mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã xác định.
Năm 2022 đánh dấu chặng đường hơn 30 năm tái lập, đổi mới và phát triển tỉnh Lào Cai, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Càng tự hào về truyền thống lịch sử anh dũng kiên cường của tỉnh, về vai trò của Đảng bộ tỉnh Lào Cai trong những thành công đó, mỗi người dân Lào Cai, mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị của tỉnh càng thấy rõ hơn trách nhiệm với tương lai phát triển của tỉnh nhà. Nhiệm vụ đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai trong giai đoạn mới là rất nặng nề, song cũng vô cùng vẻ vang. Với ý chí và nghị lực vượt qua mọi khó khăn, lòng dũng cảm và sự thông minh sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Lào Cai nguyện đoàn kết một lòng, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, viết tiếp những trang sử mới hào hùng, góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc, trở thành điểm sáng ở vùng Tây Bắc của Tổ quốc, sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của cả nước./.
Nâng tầm đối ngoại quốc phòng, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới  (03/04/2022)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển