Tư duy mới về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, mục tiêu và lộ trình hiện đại hóa quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2030

PGS, TS. MA ĐỨC KHẢI - VŨ ANH BA
Đại tá, Học viện Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng - Trợ lý Ban Tổ chức, Học viện Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng
06:48, ngày 21-05-2022

TCCS - Đại hội XIII của Đảng được tổ chức vào thời điểm đất nước đã trải qua 35 năm đổi mới, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trên cơ sở đánh giá tình hình thế giới, khu vực và trong nước, xu thế của thời đại, Đại hội XIII của Đảng đã vạch ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước từ năm 2021 đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều điểm mới, có ý nghĩa chiến lược, trong đó vấn đề xây dựng nền quốc phòng toàn dân và mục tiêu, lộ trình hiện đại hóa Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nền quốc phòng toàn dân là sức mạnh quốc phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực, tài chính, mang tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập tự chủ, tự cường và từng bước hiện đại. Nền quốc phòng toàn dân bao gồm tổng thể các hoạt động về chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, văn hóa, khoa học,... của Đảng, Nhà nước và nhân dân để tạo nên sức mạnh toàn diện, cân đối, đồng bộ, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang là nòng cốt, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh và sẵn sàng đánh thắng khi xảy ra chiến tranh; góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ nền hòa bình bền vững của đất nước; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Nội dung cốt lõi của xây dựng nền quốc phòng toàn dân bao gồm xây dựng tiềm lực quốc phòng, lực lượng quốc phòng, thế trận quốc phòng toàn dân.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Lữ đoàn tàu ngầm 189 và Lữ đoàn 162, Quân chủng Hải quân_Ảnh: TTXVN

Từ nhận thức về nền quốc phòng toàn dân và nghiên cứu Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, có một số điểm mới trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và mục tiêu, lộ trình hiện đại hóa Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2030 là:

Thứ nhất, phát triển mới trong tư duy và nhận thức về xây dựng tiềm lực quốc phòng.

Xây dựng tiềm lực quốc phòng là chủ trương, chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, nhằm huy động kịp thời mọi nguồn lực về nhân lực, vật lực, tài chính, tinh thần ở trong nước và ngoài nước nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc cả ở thời bình và thời chiến. Việc xây dựng tiềm lực quốc phòng đòi hỏi sự gắn kết chặt chẽ tiềm lực chính trị, tiềm lực kinh tế, văn hóa, xã hội; tiềm lực khoa học - công nghệ và tiềm lực quân sự trong một thể thống nhất với nhiều giải pháp sáng tạo, đồng bộ để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Liên quan đến xây dựng tiềm lực quốc phòng, Đại hội XIII của Đảng có những phát triển mới về nhận thức và tư duy:

Một là, coi trọng và nhấn mạnh việc xây dựng “thế trận lòng dân” trong xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần. Xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, thành tố cơ bản, quan trọng nhất của tiềm lực quốc phòng được đặt ở vị trí trung tâm trong mối quan hệ hữu cơ, chi phối hiệu quả đối với các tiềm lực khác. Trong xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, nội dung trọng tâm là xây dựng “thế trận lòng dân”, xây dựng lòng tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, tạo sự đồng thuận, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Để xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, đòi hỏi phải kế thừa những giá trị đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời có sự vận dụng, phát triển phù hợp trong điều kiện mới. Đó là phát huy các giá trị về lòng yêu nước, ý chí, niềm tin, truyền thống lịch sử, văn hóa,... trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực biến động nhanh, phức tạp, khó lường, điều kiện thế và lực của đất nước được tăng cường; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; các thế lực thù địch thường xuyên chống phá...

Hai là, xác định và mở rộng nguồn lực xây dựng tiềm lực kinh tế thuộc tiềm lực quốc phòng. Xây dựng tiềm lực kinh tế thuộc tiềm lực quốc phòng bao gồm xây dựng các khả năng nguồn lực của nền kinh tế có thể huy động cho thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, đặc biệt là trong xử lý các tình huống quốc phòng, quân sự ngay từ thời bình hoặc tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra). Nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế thuộc tiềm lực quốc phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đại hội XII của Đảng xác định: cần tăng cường nguồn lực cho quốc phòng, an ninh. Đại hội XIII của Đảng cụ thể hóa, bổ sung và phát triển nguồn lực, đó là: Có cơ chế huy động nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh... Đây là thể hiện tư duy mới của Đảng, tạo ra cơ chế mở để phát huy cao nhất các “nguồn lực xã hội” nhằm tạo ra nguồn lực tổng hợp, bảo đảm tốt nhất cho xây dựng tiềm lực quốc phòng vững mạnh trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thứ hai, phát triển mới trong tư duy và nhận thức về xây dựng lực lượng quốc phòng.

Nền quốc phòng Việt Nam dựa vào sức mạnh toàn dân, toàn diện của lực lượng toàn dân và lực lượng vũ trang nhân dân. Lực lượng toàn dân gồm các ngành, các cấp và quần chúng nhân dân; là lực lượng đông đảo nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất và là chỗ dựa vững chắc nhất của quốc phòng. Lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, là nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

Đại hội XIII của Đảng xác định rõ hơn nhiệm vụ xây dựng lực lượng quốc phòng với mục tiêu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ vững mạnh. Về nhiệm vụ xây dựng lực lượng quốc phòng, tại Ðại hội XII, Đảng ta mới chỉ xác định: “ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng” nhưng đến Ðại hội XIII, Đảng đã chỉ rõ, phải xây dựng một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại: “xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”(1).

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, trong đó có cả lĩnh vực quốc phòng, tạo ra cả thời cơ và thách thức đan xen đối với mọi quốc gia, dân tộc. Sự xuất hiện của các loại vũ khí, trang bị, kỹ thuật quân sự hiện đại đã làm thay đổi cơ bản tổ chức quân đội, hình thái, phương thức tiến hành chiến tranh. Đặc biệt, sự ra đời của hình thái chiến tranh mạng, chiến tranh vũ trụ, vai trò của trí tuệ nhân tạo, phương tiện tự hành thế hệ mới... đã tác động sâu sắc đến quốc phòng, an ninh thế giới, khu vực và mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, đòi hỏi Quân đội nhân dân Việt Nam phải có những lực lượng hiện đại để sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trước mọi kẻ thù xâm lược.

Ðại hội XIII của Ðảng cũng tiếp tục khẳng định, nhấn mạnh và đặt ra yêu cầu phải xây dựng Quân đội nhân dân “vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Quân đội... tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Ðảng, Nhà nước và nhân dân”(2). Đồng thời, bổ sung nhiệm vụ mới: “Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu và dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng, miền, trên biển. Quan tâm xây dựng lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cơ sở đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự”(3); “Chủ động chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng các phương án bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống”(4).

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng lực lượng quốc phòng, cần tập trung xây dựng lực lượng toàn dân, Quân đội nhân dân và dân quân tự vệ, trong đó:

- Với xây dựng lực lượng toàn dân, phải tập trung củng cố vững chắc hệ thống chính trị, bao gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là hạt nhân của lực lượng quốc phòng, có vai trò quyết định trong huy động, phát huy sức mạnh quốc phòng của đất nước. Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng các lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm và lực lượng rộng rãi trong các ngành, các cấp, các lĩnh vực, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và điều kiện của từng vùng, miền, địa phương trên cả nước.

- Với xây dựng Quân đội nhân dân và dân quân tự vệ, cần tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân, với Đảng và Nhà nước; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có sức mạnh chiến đấu ngày càng cao, tổ chức tinh, gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt, hiệu quả; cơ cấu tổ chức đồng bộ, hợp lý, phù hợp với quan điểm, đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân; đồng thời, sẵn sàng phát triển lực lượng đáp ứng yêu cầu của chiến tranh. Theo đó, bộ đội chủ lực phải được tổ chức tinh nhuệ, có khí tài hiện đại và hỏa lực mạnh; trang bị, phương tiện cơ động nhanh, có thể đảm nhiệm tác chiến độc lập và tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng. Bộ đội địa phương được tổ chức phù hợp với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của từng địa phương, trên từng địa bàn lãnh thổ, vùng, miền, biên giới, ven biển, hải đảo; được trang bị vũ khí phù hợp, phát huy hiệu quả trong khu vực phòng thủ. Lực lượng dự bị động viên phải được xây dựng hùng hậu, rộng khắp, đủ số lượng, chất lượng cao, phục vụ phát triển Quân đội khi cần thiết. Lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng vững mạnh, rộng khắp, chất lượng cao, phù hợp với các địa phương, các thành phần kinh tế, các cơ sở sản xuất - kinh doanh, đơn vị hành chính sự nghiệp. 

Thứ ba, phát triển mới trong tư duy và nhận thức về xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân.

Thế trận là một trong những nội dung cơ bản của xây dựng nền quốc phòng toàn dân, của nghệ thuật quân sự. Trong điều kiện thời bình, chúng ta có điều kiện xây dựng, bố trí thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận phòng thủ chiến lược, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; sẵn sàng chuyển hóa thế trận chiến tranh nhân dân khi có nguy cơ xảy ra chiến tranh xâm lược. Thế trận quốc phòng được xây dựng cả thế trận trong nước và thế trận ở ngoài nước, nhất là các địa bàn trọng điểm chiến lược; liên kết chặt chẽ nội địa với biên giới, đất liền với biển, đảo; biển, đảo gần bờ với xa bờ. Thế trận quốc phòng phải được tổ chức toàn diện bao gồm cả về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao và “thế trận lòng dân”. Liên quan đến xây dựng thế trận quốc phòng, Đại hội XIII của Đảng có những phát triển mới về nhận thức và tư duy gồm:

Một là, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân”. Xây dựng “thế trận lòng dân” là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp quốc phòng Việt Nam; là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng và cả hệ thống chính trị.

“Thế trận lòng dân” là nhân tố luôn được Đảng quan tâm trong xây dựng nền quốc phòng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” xác định: Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước, coi trọng xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, “thế trận lòng dân”. Kết hợp chặt chẽ thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân. Đại hội XII của Đảng xác định: Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh vững chắc;... Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền an ninh nhân dân. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định và phát triển: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân”(5).

Xây dựng thế trận quốc phòng được tiến hành toàn diện cả về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao, song phải lấy xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là then chốt. Mặt khác, bên cạnh tiếp tục coi trọng việc xây dựng “thế trận lòng dân”, thì Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung yêu cầu phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân. Điều này cho thấy Đảng ta đặc biệt coi trọng xây dựng nhân tố “thế trận lòng dân” và cần phát huy mạnh mẽ nhân tố này vào thực tiễn xây dựng tiềm lực quốc phòng.

Quân và dân tuần tra biên giới _Ảnh: baolaichau.vn

Hai là, tư duy mới trong kết hợp mối quan hệ giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh. Nghị quyết Đại hội XII xác định: Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội; kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tại Đại hội XIII, Đảng ta đã có sự phát triển tư duy mới về mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại. Trong đó, nội dung “đối ngoại” không còn tách riêng mà được đặt cùng với “kinh tế, văn hóa, xã hội”. Việc kết hợp này thể hiện tư duy, yêu cầu đòi hỏi hiện nay để phù hợp với vị thế của Việt Nam cũng như xu thế hợp tác quốc tế. Đại hội XIII của Đảng cũng đặt ra yêu cầu cao hơn, không chỉ “kết hợp chặt chẽ” như Đại hội XII của Đảng đặt ra mà còn phải “kết hợp hiệu quả”. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại. Cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả quan hệ giữa nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc; trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong từng địa phương, vùng, địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch cụ thể”(6). Điều này thể hiện tư duy, tầm nhìn vừa chiến lược, toàn diện, vừa cụ thể, thực tiễn để bảo đảm sự kết hợp có hiệu quả.

Thứ tư, phát triển mới trong tư duy và nhận thức về mục tiêu, lộ trình xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Kế thừa các quan điểm từ Đại hội XII về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong tình hình mới, Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung, phát triển, xác định rõ hơn mục tiêu, lộ trình hiện đại hóa Quân đội nhân dân Việt Nam, cụ thể là: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại” với lộ trình “Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội, công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”(7). Đây là lần đầu tiên, Đảng xác định rõ mục tiêu và lộ trình hiện đại hóa Quân đội nhân dân Việt Nam.

Việc Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu, lộ trình xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam là tư duy mới, phù hợp với xu thế, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cũng như tiềm lực của đất nước hiện nay. Cụ thể là:

Một là, về dự báo tình hình, Đại hội XIII của Đảng có những đánh giá: Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt... Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế gia tăng. Các nước đang phát triển, nhất là các nước nhỏ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới... Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột... Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, xuất hiện nhiều hình thái chiến tranh và phương thức tác chiến mới rất hiện đại, công nghệ cao, các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng phức tạp, khó lường. Trước tình hình đó, việc đổi mới tư duy quân sự, quốc phòng, hiện đại hóa quân đội là xu thế chung trên thế giới và nước ta không thể đứng ngoài cuộc.

Hai là, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đứng trước những yêu cầu, đòi hỏi mới, ngày càng nặng nề, phức tạp hơn. Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ này, phải làm tốt công tác tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc (nhiệm vụ được Đảng ta xác định là trọng yếu, thường xuyên); chủ động xử lý có hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ; vừa ngăn ngừa nguy cơ xung đột, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, vừa giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển, đảo; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Ba là, xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, đủ sức mạnh bảo vệ Tổ quốc chính là cơ sở quan trọng để thực hiện chủ trương bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” theo kế sách “chủ động giữ nước từ khi nước chưa nguy”, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng. Sự vững mạnh của quân đội, công an và nền quốc phòng, an ninh là tiền đề để đất nước phát triển ổn định, bền vững, là điều kiện quan trọng mở rộng và thu hút đầu tư, du lịch, thúc đẩy kinh tế phát triển, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Bốn là, mục tiêu xây dựng Quân đội mà Đại hội XIII của Đảng xác định phù hợp với điều kiện của nước ta và hoàn toàn có tính khả thi khi kinh tế, xã hội của đất nước tiếp tục phát triển, công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo hơn 35 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực và chắc chắn sẽ đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa; tiềm lực kinh tế và quốc phòng của nước ta có bước phát triển nhanh, có điều kiện đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời kết hợp mua sắm phương tiện, trang bị vũ khí hiện đại tăng cường sức mạnh cho quân đội, tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn qua 10 năm thực hiện chủ trương “ưu tiên hiện đại hóa một số quân, binh chủng, lực lượng” đã đạt được những kết quả quan trọng và thu được nhiều kinh nghiệm quý. Đây chính là cơ sở vững chắc để đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội, công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Lực lượng quân đội thực hiện tuần tra, canh gác bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc_Ảnh: chinhphu.vn

Xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn quân và toàn dân ta, được triển khai thực hiện dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước. Trong quá trình xây dựng quân đội tiến lên hiện đại, phải thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng: Quân đội ta tiến lên hiện đại dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa truyền thống dân tộc, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiện đại hóa Quân đội nhân dân Việt Nam phải bắt đầu trước hết là xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; thực hiện “người trước, súng sau”. Mục đích xây dựng quân đội vững mạnh là để phòng thủ và sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá, hóa giải nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa.

Để triển khai thực hiện thắng lợi phương hướng, mục tiêu xây dựng nền quốc phòng toàn dân và mục tiêu, lộ trình hiện đại hóa Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân, trước hết là cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên phải quán triệt thật sâu sắc và đề cao trách nhiệm trong tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII ở cơ quan, đơn vị theo đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Tiếp tục nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần cảnh giác cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập sát thực tế chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Duy trì thực hiện nghiêm nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật; tập trung xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh, toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Bảo đảm thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp đã xác định trong định hướng giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh”, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại. Đặc biệt, các quân chủng, binh chủng, lực lượng được xác định tiến thẳng lên hiện đại phải thực sự nỗ lực phấn đấu rất cao để hiện đại hóa đồng bộ cả về con người, tổ chức lực lượng, vũ khí, trang bị, phương thức và trình độ tác chiến cùng các mặt bảo đảm khác, đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới./.

-------------------

(1), (2), (3), (4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 158, 159
(5), (6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 157
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 49