Kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống Bộ đội Biên phòng (03-3-1959 - 03-3-2019) và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân (03-3-1989 - 03-3-2019)
Người lính quân hàm xanh trên trận tuyến chống ma túy
Cuộc chiến phòng chống ma túy trên tuyến biên giới tỉnh Quảng Bình luôn là trận chiến đầy khốc liệt và nhiều hiểm nguy. Nhưng với bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, nghiệp vụ tinh thông và sự mưu trí, dũng cảm, quyết tâm chiến đấu đến cùng, lực lượng đấu tranh phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã đấu tranh thành công nhiều chuyên án, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Một trong những “chiến binh thép” trên trận tuyến đầy cam go ấy là Đại úy Tạ Khắc Minh, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Lý Hòa, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình. Anh cùng đồng đội đã đấu tranh, phá thành công các chuyên án lớn, nhỏ, bắt giữ nhiều đối tượng tội phạm nguy hiểm cùng tang vật liên quan.
Tạ Khắc Minh chia sẻ, mỗi chuyên án, vụ án đều có những đặc điểm riêng, diễn ra trên nhiều địa bàn, gắn với những con người, từng hoàn cảnh khác nhau. Vì vậy, công tác phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm ma túy gặp không ít khó khăn, vất vả và đối mặt với nhiều hiểm nguy. Các đối tượng hoạt động liên quan đến các tổ chức, địa bàn trong và ngoài nước nên việc nắm chắc các bước đi, hoạt động của chúng gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình mật phục, theo sát hoạt động của các đối tượng, lực lượng đánh án phải mật phục nơi địa hình biên giới, núi cao hiểm trở, đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, có khi ăn muối nằm rừng dài ngày mới bắt được đối tượng.
Thời gian qua, các hoạt động của tội phạm trên khu vực biên giới tỉnh Quảng Bình diễn biến hết sức phức tạp. Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã tổ chức nhiều cuộc họp, phối hợp với các lực lượng liên quan lên phương án tác chiến với quyết tâm cao, kịp thời khống chế các đối tượng nguy hiểm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới. Đồng thời, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của cấp trên, tăng cường kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công; kiên quyết đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm nhất là tội phạm về ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.
Năm 2018, lực lượng Biên phòng Quảng Bình đã chủ trì và phối hợp với các lực lượng phát hiện, bắt giữ, xử lý hơn 600 vụ với gần 700 đối tượng; tang vật thu được gồm hơn 103.120 viên ma túy tổng hợp, trên 1.500 viên ma túy đá, 47 viên thuốc lắc, gần 140 kg pháo... Đồng thời, tổ chức xác lập, đấu tranh thắng lợi 5 chuyên án, 2 kế hoạch nghiệp vụ, bắt 4 đối tượng, thu giữ trên 100.000 viên ma túy tổng hợp; 0,855g ma túy đá, 47 viên thuốc lắc; 100 viên đạn cùng nhiều tang vật khác... Những con số trên đã phản ánh phần nào khối lượng công việc mà cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, nhất là lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm biên phòng Quảng Bình đã thực hiện.
Đóng góp trong thành tích chung ấy, Đại úy Tạ Khắc Minh luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ năm 2018 đến nay, Tạ Khắc Minh đã trực tiếp tham gia đấu tranh thành công 2 chuyên án chung giữa Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình và Sở An ninh Khăm Muộn (Lào), bắt giữ 5 đối tượng, thu giữ 54.000 viên ma túy tổng hợp, 1 ô tô, 1 xe máy cùng nhiều tang vật có giá trị khác. Anh còn tham mưu, đề xuất xây dựng 1 kế hoạch nghiệp vụ về ma túy dịp gần Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 bắt giữ 1 đối tượng, thu gần 700 viên ma túy tổng hợp, tiền mặt và một xe máy...
Với những thành tích đạt được, Đại úy Tạ Khắc Minh vinh dự được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng bằng khen trong đấu tranh 2 chuyên án ma túy lớn; được UBND tỉnh Quảng Bình tặng bằng khen; là điển hình trong học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2018, được Tỉnh đoàn Quảng Bình tuyên dương gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2018. Anh cũng được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Giám đốc Sở An ninh tỉnh Khăm Muộn (Lào) khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong đấu tranh với tội phạm ma túy. Mới đây, Tạ Khắc Minh vinh dự là một trong 10 ‘Gương mặt trẻ triển vọng” năm 2018 của Bộ đội Biên phòng cả nước.
Theo Đại úy Tạ Khắc Minh, cuộc chiến đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy trên tuyến biên giới không lúc nào ngưng nghỉ. Mỗi chiến sĩ biên phòng trên mặt trận cam go ấy phải luôn tu dưỡng, rèn luyện hơn nữa; tích cực học tập, đúc rút những bài học, kinh nghiệm; luôn kiên định, vững vàng và gây dựng được lòng tin với quần chúng nhân dân trên địa bàn; đoàn kết với đồng đội, cùng thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ bình yên cho quê hương, đất nước.
Những cột mốc sống bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia
Hàng tháng đều đặn lên kiểm, dọn dẹp sạch sẽ đường biên, cột mốc, nắm bắt thông tin, tình hình để kịp thời báo cáo lên Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa - Đó là những công việc thầm lặng nhưng có ý nghĩa to lớn của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trên hai tuyến biên giới tỉnh Thanh Hóa, góp phần cùng Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Thanh Hóa là tỉnh có 192 km đường biên giáp ranh với Lào và 102 km bờ biển. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đến nay, 16/16 xã biên giới của tỉnh đã có 151 già làng, trưởng bản cùng các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và hàng trăm hộ lao động sản xuất sát vành đai biên giới tự nguyện đăng ký bảo vệ dấu hiệu đường biên, mốc giới.
Đã hơn 20 năm nay, già làng Lục Văn Quý, người dân tộc Thái, ở bản Táo, xã Trung Lý, huyện Mường Lát tình nguyện cùng con cháu của mình và cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Trung Lý băng rừng, lội suối, phát quang đường biên, bảo vệ cột mốc. Năm nay dù đã gần 80 tuổi nhưng tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt huyết đối với biên giới của ông vẫn như bao con suối ngàn, chảy mãi không thôi. Không chỉ tích cực tham gia cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ biên giới, ông Quý còn thường xuyên tuyên truyền cho con cháu và dân bản nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ biên giới, không nghe lời xúi dục của kẻ xấu và luôn đề cao cảnh giác với các loại tội phạm.
Bên cạnh già làng Quý, tuyến biên giới tỉnh Thanh Hóa còn có nhiều tấm gương tiêu biểu là các già làng, trưởng bản tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc và là tấm gương sáng cho dân bản và con cháu học tập noi theo như: già làng Phan Văn Xiết ở bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát; già làng Vi Văn Dong ở bản Cháo, xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa; trưởng bản Lò Văn Thọ ở bản Xắng, xã Yên Khương, huyện Lang Chánh... Cùng với các già làng, trưởng bản, người có uy tín, nhiều thanh niên trên biên giới đã và đang xác định rõ trách nhiệm của mình, tích cực tham gia với Bộ đội Biên phòng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Không chỉ trên tuyến biên giới, tuyến biển của tỉnh Thanh Hóa cũng có hàng trăm chủ phương tiện tàu thuyền, hàng nghìn ngư dân tự nguyện đăng ký tham gia vào các tổ tàu thuyền an toàn, tham gia bảo vệ an ninh trật tự bến bãi tàu thuyền, đồng lòng sát cánh cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cũng như nhiều chủ tàu đánh cá ở các huyện ven biển của tỉnh, bằng tình cảm gắn bó máu thịt với những người lính Biên phòng, bằng tinh thần trách nhiệm của một công dân đối với Tổ quốc, nhiều năm qua, ông Nguyễn Xuân Lộc, ở thôn Nam Phượng, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc đã luôn kịp thời cung cấp nhiều nguồn tin quan trọng cho Đồn Biên phòng Đa Lộc về tình hình an ninh trật tự địa bàn cũng như an ninh trên biển. Là người có uy tín ở địa phương, ông còn thường xuyên tham gia cùng Bộ đội Biên phòng tổ chức tuyên truyền cho các chủ phương tiện chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, các quy định khi ra khơi đánh bắt hải sản. Mỗi lúc tàu cập bến, ông vẫn thường chủ động gặp gỡ, trò chuyện cùng các ngư dân trong vùng về truyền thống yêu nước của dân tộc và trách nhiệm của công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Thú, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, nhờ những cột mốc sống là các già làng, trưởng bản, người có uy tín, Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng với nhân dân trên hai tuyến biên giới đã tổ chức hàng nghìn lượt tuần tra, kiểm soát, phát quang đường biên, bảo vệ mốc giới; bảo vệ an ninh trật tự địa bàn trên hai tuyến biên giới. Từ đó, hàng nghìn nguồn tin có giá trị của quần chúng nhân dân đã cung cấp cho Bộ đội Biên phòng, kịp thời phá nhiều vụ án như: bắt hơn 2 ngàn đối tượng, thu giữ hàng trăm kg hêrôin, hơn 100 nghìn viên ma túy tổng hợp, hơn 1.000 kg thuốc nổ, thu hồi trên 6.000 khẩu súng các loại, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh trên hai tuyến biên giới.
Lớp xóa mù chữ đặc biệt trên dãy Trường Sơn
Giữa rừng núi xa xôi, trùng điệp xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình), lớp học chữ của bà con đồng bào Bru - Vân Kiều vẫn ngày ngày vang vọng. Dù cuộc sống còn lắm khó khăn, thiếu thốn nhưng người dân nơi đây đã ý thức hơn về việc học con chữ, phép tính, để đổi thay, nâng cao cuộc sống cho chính bản thân mình. Đóng góp vào hành trình ấy có những thầy giáo mang quân hàm xanh của Đồn Biên phòng Làng Mô, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình.
Thiếu tá Đinh Như Triêm, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Làng Mô cho biết, Đồn được giao nhiệm vụ phụ trách, quản lý đường biên giới dài hơn 43 km đường biên, 16 cột mốc và phụ trách địa bàn xã Trường Sơn. Đây là một xã vùng cao, biên giới của tỉnh Quảng Bình, nơi có diện tích tự nhiên trên 77.000 ha. Toàn xã có 19 thôn, bản với trên 1.100 hộ/hơn 4.600 nhân khẩu, đồng bào dân tộc Vân Kiều chiếm hơn 60%. Điều kiện địa hình hiểm trở với nhiều sông suối, vách đá cheo leo hiểm trở, địa bàn dân cư sinh sống cách xa trung tâm huyện hàng chục km. Người dân sinh sống thành từng bản làng tách biệt, cuộc sống phụ thuộc vào sản xuất nông - lâm nghiệp và tận thu sản phẩm từ rừng nên gặp muôn vàn khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo trên 61%. Để góp phần củng cố, xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh, từng bước nâng cao dân trí, đời sống kinh tế - xã hội cho người dân vùng biên giới, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô không chỉ vững chắc tay súng bảo vệ đất biên cương mà còn chủ động, tích cực phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện các chương trình, đề án, phong trào, trong đó công tác xóa mù chữ, nâng cao dân trí được đơn vị đặc biệt quan tâm.
Năm 2015, thực hiện Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, Đồn Biên phòng Làng Mô, Phòng Giáo dục - Đào tạo và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quảng Ninh đã cùng phối hợp triển khai các lớp xóa mù chữ mức 1, 2 và 3 cho đồng bào bản Dốc Mây, xã Trường Sơn. Lớp học đặc biệt này do Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Làng Mô đứng ra đảm nhận, với hơn 30 học viên tham gia lớp học. Gọi là lớp học “đặc biệt” bởi đối tượng học ở nhiều độ tuổi khác nhau, đó có thể là các bà, các cao niên trong bản hay các mẹ, các chị, các anh. Với họ, từ bé đến giờ hầu như chỉ biết đi rừng, phát rẫy, làm nương...chứ không quen cầm bút. Lớp học đơn sơ với phòng học tạm bợ mượn của điểm trường giữa đại ngàn Dốc Mây xa thẳm. Và “đặc biệt” hơn bởi người đứng lớp giảng dạy chính là người lính Biên phòng mang áo xanh màu lá.
Chia sẻ về lớp học đặc biệt giữa núi rừng Trường Sơn xa xôi, Đại úy Hồ Manh, Đội trưởng đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Làng Mô cho biết: Do đặc thù học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau, phần lớn đều lớn tuổi và đã có gia đình nên có sự e dè, ngại ngùng, công việc vận động người dân đến lớp vì thế cũng gặp không ít trở ngại. Học viên chủ yếu là phụ nữ và người lao động trụ cột trong gia đình nên việc đảm bảo sĩ số là rất khó khăn, nhất là khi người dân vào mùa nương rẫy...Tuy vậy, dù các bác các chị lớn tuổi nhưng mọi người rất hiếu học, muốn biết cái chữ, thích học phép tính. Đây chính là động lực để các cán bộ, chiến sĩ kiên trì, quyết tâm xóa mù chữ cho đồng bào, đồng hành cùng đồng bào dân tộc trên hành trình vươn tới tri thức.
“Trong quá trình tham gia giảng dạy, chúng tôi phải chọn những phương pháp dạy làm sao phù hợp với từng đối tượng. Đồng thời, lồng ghép các hoạt động văn hóa văn nghệ, kết hợp với tuyên truyền chính sách pháp luật, bài bỏ các hủ tục lạc hậu, nếp sống văn minh… Từ đó, tạo hứng khởi giúp học viên chuyên cần đến lớp hơn”, Đại úy Hồ Manh cho hay.
Bên cạnh đó, để duy trì lớp học, các thầy giáo quân hàm xanh của đồn phải luân phiên nhau cắt rừng trèo đèo, lội suối đến với lớp học. Đường xa, núi rừng hiểm trở, các anh phải gùi cả lương thực, thực phẩm và cắm bản dài ngày để dạy chữ. Với sự chủ động, linh hoạt, kiên nhẫn và quyết tâm cao của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô, lớp học xóa mù chữ dần đi vào ổn định, hàng chục người dân biết đọc, viết khá thông thạo và làm được các phép tính cộng, trừ, nhân, chia cũng như có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và kỹ năng sống.
Công tác mở lớp xóa mù chữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Lớp học không chỉ giúp cho người dân nơi biên cương có kiến thức, biết đọc, biết viết, biết tính toán mà có thêm các kỹ năng sống, từ đó tự tin, mạnh dạn trong giao thương bên ngoài, không sợ bị đối tượng xấu lừa gạt. Đặc biệt, biết được chữ giúp bà con có thêm động lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, mô hình kinh tế hay vào sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác vận động, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến gần với người dân và đào tạo tốt nguồn nhân lực tại chỗ và cán bộ cốt cát cho địa phương.
Hiện, Đồn Biên phòng Làng Mô và Hội Phụ nữ xã Trường Sơn đang phối hợp duy trì lớp xóa mù chữ ở bản Chân Trôộng với sự tham gia của 27 học viên, độ tuổi từ 18 đến 45. Lớp học do bốn cán bộ của Đồn Biên phòng Làng Mô và hội viên Hội Phụ nữ xã trực tiếp giảng dạy.
Thiếu tá Đinh Như Triêm, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Làng Mô cho biết, năm 2019 và những năm tiếp theo, đơn vị tiếp tục tập trung đột phá vào nhiệm vụ tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong đó xây dựng các mô hình, các công trình giúp dân phát triển kinh tế, đời sống, xã hội cũng như duy trì thực hiện có hiệu quả các lớp học xóa mù chữ trên địa bàn. Cùng với các cấp các ngành, nhất là ngành Giáo dục từng bước nâng cao trình độ dân trí trên địa bàn, đồng hành cùng Bộ đội Biên phòng trong thực hiện bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quê hương./.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học và gặp mặt các nữ doanh nhân tiêu biểu  (03/03/2019)
Lãnh đạo Quốc hội gặp mặt nhân Ngày quốc tế phụ nữ 8-3  (02/03/2019)
Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất  (02/03/2019)
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính làm việc tại tỉnh Tây Ninh  (02/03/2019)
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên