Không ngừng tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga
TCCSĐT - Lịch sử cho thấy mối quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây và với Liên bang Nga ngày nay luôn nồng ấm, tin cậy, vượt qua mọi thử thách của thời gian và sự biến động của lịch sử. Cùng với sự nỗ lực của cả hai nước, quan hệ Việt Nam và Liên bang Nga đang ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn chiều sâu với nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực.
Tình hữu nghị bền chặt qua thời gian
Ngày 30-01-1950, Việt Nam (lúc đó là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà) đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết (Liên Xô). Ngày này đã đi vào lịch sử quan hệ song phương Việt - Nga như một dấu mốc quan trọng, đặt nền móng cho tình hữu nghị bền chặt giữa hai dân tộc và quan hệ hợp tác sâu rộng và toàn diện giữa hai quốc gia.
Ngay từ những ngày đầu lập nước, việc phát triển quan hệ với Liên Xô luôn là một trọng tâm hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngày 10-3-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Quốc thư cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô. Và tháng 7-1955, sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ sang thăm Liên Xô nhằm củng cố tình đoàn kết hữu nghị, tăng cường mối quan hệ kinh tế, văn hóa giữa hai nước.
Nhân dân Liên Xô cũng luôn dành cho nhân dân Việt Nam những tình cảm nồng thắm và sự giúp đỡ hào hiệp. Trong những năm tháng cam go nhất của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ chí tình của nhân dân Liên Xô. Không chỉ giúp đỡ về tiền bạc, hiện vật, các chuyên gia Liên Xô còn sang tận nơi giúp Việt Nam phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhiều công trình do Liên Xô giúp xây dựng đã gắn bó với bao thế hệ người dân Việt Nam, đến nay vẫn phát huy hiệu quả (như trường Đại học Bách Khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô). Hàng chục nghìn cán bộ Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô đã trở thành những cán bộ chủ chốt, những chuyên gia giỏi trên nhiều lĩnh vực.
Trong công cuộc xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, Việt Nam tiếp tục nhận được sự giúp đỡ to lớn và toàn diện của Liên Xô. Hàng chục ngàn cán bộ, chuyên gia Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô đã trở thành lực lượng nòng cốt trong công cuộc đổi mới của Việt Nam. Với sự hỗ trợ của Liên Xô, các ngành chủ chốt của nền kinh tế quốc dân Việt Nam như năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, khoa học - kỹ thuật, văn hóa - giáo dục... đã được xây dựng và không ngừng phát triển, phục vụ đắc lực cho công cuộc kiến thiết đất nước.
Sau khi Liên Xô tan rã (tháng 12-1991), quan hệ hợp tác nhiều mặt, cùng có lợi giữa Việt Nam và Liên bang Nga tiếp tục được coi trọng và ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Việc ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga ngày 16-6-1994, nhân chuyến thăm Nga của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đã mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hai nước.
Hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả
Một là, quan hệ chính trị Việt - Nga không ngừng được củng cố.
Các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai bên diễn ra thường xuyên. Đặc biệt, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tới Liên bang Nga tháng 8-1998 đã tạo bước đột phá mới trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Lần đầu tiên, Tổng thống Nga B. Yeltsin khẳng định Nga coi Việt Nam là đối tác chiến lược ở Đông Nam Á. Và khuôn khổ quan hệ Việt - Nga trong thế kỷ XXI đã được chính thức hóa bằng việc ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược nhân dịp Tổng thống Nga V. Putin thăm Việt Nam (từ ngày 28-02 đến 02-3-2001). Quan hệ chính trị Việt - Nga có độ tin cậy cao và không ngừng được củng cố. Ngày 27-7-2012, Việt Nam và Nga ra Tuyên bố chung về tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Việt Nam và Liên bang Nga đã ký hơn 30 văn kiện cấp Nhà nước và Chính phủ, một cơ sở pháp lý đồ sộ cho sự phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước trong giai đoạn mới.
Từ năm 2008, Việt Nam và Nga thiết lập cơ chế Đối thoại chiến lược ngoại giao - quốc phòng - an ninh thường niên cấp Thứ trưởng thường trực Ngoại giao; năm 2013 thiết lập cơ chế Đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Quốc phòng. Ngoài ra, hai bên tiến hành tham vấn chính trị thường kỳ cấp Thứ trưởng Ngoại giao và cấp cục, vụ trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao. Hai bên đồng quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Diễn đàn hợp tác Á - Âu, Diễn đàn khu vực ASEAN…
Hai là, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư hai nước tiếp tục phát triển năng động.
Hai nước duy trì cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học - kỹ thuật thành lập từ năm 1992 và được nâng cấp lên cấp Phó Thủ tướng từ năm 2011. Các khóa họp Ủy ban liên chính phủ được tiến hành thường niên; gần đây nhất là Khóa họp 20 Ủy ban liên chính phủ Việt - Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học - kỹ thuật, diễn ra từ ngày 07 đến 08-9-2017 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương đã tăng mạnh, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu có hiệu lực (từ ngày 05-10-2016). Hiện Nga đứng thứ 26 về thị trường xuất khẩu và thứ 22 về thị trường nhập khẩu của Việt Nam. Năm 2017, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 3,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 0,8% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước; trong đó xuất khẩu đạt 2,1 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2016 và chiếm 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Năm 2017, nhập khẩu của Việt Nam từ Liên bang Nga đạt 1,4 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2016 và chiếm 0,6% kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Trong 4 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 1,43 tỷ USD (tăng 31,83% so với cùng kỳ năm 2017), trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Liên bang Nga đạt 756,1 triệu USD (tăng 23,54%); nhập khẩu đạt 681,6 triệu USD (tăng 42,4%). Hai nước đặt mục tiêu tới năm 2020, kim ngạch thương mại song phương sẽ đạt 10 tỷ USD.
Về đầu tư, Nga hiện đứng thứ 22 trong số 117 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 116 dự án và tổng số vốn đăng ký là khoảng 990 triệu USD. Đầu tư của Nga vào Việt Nam tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực dầu khí, công nghiệp, chế tạo, năng lượng, khai khoáng, giao thông, nuôi trồng và đánh bắt hải sản...
Trong vài năm trở lại đây, đầu tư của Việt Nam sang Nga tăng nhanh, từ mức khoảng 100 triệu USD vào năm 2008, đến nay đã có 23 dự án đầu tư tại Nga với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, thương mại, nông nghiệp… Các dự án đầu tư lớn của Việt Nam sang Nga gồm: Liên doanh dầu khí Rusvietpetro, Gazpromviet, Dự án tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại Nga của Tập đoàn TH True Milk, Dự án tổ hợp Trung tâm thương mại - khách sạn Hà Nội - Moscow.
Năng lượng là lĩnh vực hợp tác truyền thống chiến lược và hiệu quả, đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách Việt Nam và Nga. Bên cạnh việc tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro đến năm 2030, hai nước đã thành lập các Liên doanh Rusvietpetro, Vietgazprom, Gazpromviet để mở rộng hợp tác dầu khí ở Việt Nam, Nga và các nước thứ ba. Hai nước đã đạt được thỏa thuận tiếp tục hợp tác trong việc xây mới và hiện đại hóa các công trình năng lượng tại Việt Nam.
Ba là, hợp tác khoa học, giáo dục, du lịch tiếp tục được duy trì.
Hai nước đã thực hiện gần 60 dự án nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Hợp tác nghiên cứu khoa học trong khuôn khổ Trung tâm Nhiệt đới tại Việt Nam mang lại nhiều kết quả tích cực. Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang (tháng 6-2017), hai bên đã ký Bản ghi nhớ về xây dựng Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt nam.
Về du lịch, Nga tiếp tục là một trong 10 thị trường tăng trưởng hàng đầu về du lịch ở Việt Nam. Năm 2017, Việt Nam đón 570.000 lượt khách du lịch Nga, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2016. Lượng khách du lịch Nga đến Việt Nam 4 tháng đầu năm 2018 đạt hơn 260.000 lượt, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2017. Nga cũng trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với khách du lịch Việt Nam.
Về hợp tác văn hóa, các hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức thường xuyên, góp phần tăng cường hiểu biết và quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Nga. Hai bên tổ chức thường niên và luân phiên Những Ngày Văn hóa tại Việt Nam và Nga.
Về giáo dục, hằng năm, Chính phủ Nga đều gia tăng số lượng học bổng miễn phí dành cho công dân Việt Nam. Năm 2015, là 795 suất, năm 2016 là 855 suất, năm 2017 là 953 suất và đến năm 2020 sẽ là 1.000 suất. Hiện có khoảng hơn 5.000 sinh viên Việt Nam đang nghiên cứu, học tập tại Nga. Hai bên đã thỏa thuận thành lập Đại học Công nghệ Việt - Nga tại Việt Nam trên cơ sở tín dụng Nhà nước của Nga.
Hợp tác giữa các địa phương tiếp tục được duy trì và tăng cường thông qua trao đổi đoàn và ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác. Nhiều địa phương hai nước đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhau, đặc biệt giữa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Moscow, Saint Peterburg. Cộng đồng người Việt Nam với khoảng 60.000 - 80.000 người hiện đang sinh sống tại Nga, luôn gắn bó và coi Nga là quê hương thứ hai của mình.
Nhìn lại chặng đường 68 năm đã qua, chúng ta có thể tự hào rằng, quan hệ Việt Nam - Nga, với truyền thống hữu nghị tốt đẹp, sự tôn trọng, tin cậy sâu sắc và tương trợ lẫn nhau, đã vượt qua nhiều thử thách và đang vươn đến những tầm cao mới. Chuyến thăm Liên bang Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn không ngừng tăng cường quan hệ song phương với Liên bang Nga, tạo động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực./.
Cuba kỷ niệm 45 năm chuyến thăm lịch sử của lãnh tụ Fidel tới Việt Nam  (04/09/2018)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời phỏng vấn của Hãng Thông tấn TASS  (04/09/2018)
Tình hình tội phạm vẫn ở mức độ nghiêm trọng, bạo lực gia tăng  (04/09/2018)
Thúc đẩy hợp tác Việt - Nhật trong lĩnh vực kinh tế, khoa học biển  (04/09/2018)
Khai mạc phiên họp mở rộng Ủy ban Pháp luật của Quốc hội  (04/09/2018)
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên