WEF ASEAN 2018: Dấu ấn Việt Nam

BTV/TTXVN
00:04, ngày 30-08-2018

TCCSĐT - Từ ngày 11 đến 13-9-2018, Việt Nam sẽ đăng cai Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018). Đây là một sự kiện quan trọng, được kỳ vọng sẽ là cầu nối giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á với cộng đồng các tập đoàn hàng đầu thế giới, tạo ra diễn đàn để thảo luận những thách thức và cơ hội của khu vực.

Không những vậy, sự kiện này còn là một dấu mốc ghi nhận những đóng góp cụ thể của Việt Nam với tư cách là một thành viên tích cực chủ động của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

WEF - Diễn đàn kinh tế lớn nhất trên thế giới

WEF là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới. Hằng năm, WEF tổ chức nhiều diễn đàn cấp toàn cầu và khu vực, quy tụ các nhà lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, tôn giáo, các học giả từ khắp thế giới để bàn luận về những vấn đề nổi cộm và thời sự toàn cầu.

Diễn đàn Kinh tế thế giới được biết đến lần đầu tiên vào tháng 01-1971 với tên gọi Diễn đàn Quản trị Toàn cầu (EMF), khi một nhóm các doanh nghiệp hàng đầu châu Âu gặp nhau dưới sự bảo trợ của Ủy ban châu Âu và Hiệp hội Công nghiệp châu Âu. Người đứng đầu là ông Klaus Schwab, sau là Giáo sư về Chính sách Kinh doanh thuộc Đại học Geneva, đã chủ trì cuộc họp được tổ chức tại Davos, Thụy Sỹ.

Từ năm 1987, Diễn đàn Quản trị Toàn cầu (EMF) đã đổi tên thành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Diễn đàn đặt trụ sở tại Geneva (Thụy Sỹ) gồm 1.000 tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới.

Đến nay, diễn đàn quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào tháng 01 hằng năm tại Davos (Thụy Sỹ). Bên cạnh Hội nghị Davos, WEF cũng tổ chức các diễn đàn khu vực, tiêu biểu là Hội nghị WEF về Đông Á (nay là WEF ASEAN), Hội nghị WEF Thiên Tân (hoặc Đại Liên, Trung Quốc), Hội nghị WEF về Ấn Độ, Hội nghị WEF về Mỹ Latin, Hội nghị WEF về Trung Đông…

Đây là những cơ hội rất tốt để các đại biểu trao đổi về các vấn đề toàn cầu và khu vực cùng quan tâm, cũng như tăng cường các hoạt động kết nối, mở rộng quan hệ đối tác.

Những đóng góp tích cực của Việt Nam tại WEF

Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và WEF được khởi đầu từ năm 1989, đúng vào thời điểm quá trình đổi mới kinh tế bắt đầu. Đây là diễn đàn đối thoại quan trọng của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam với các tập đoàn hàng đầu thế giới, giúp gợi mở các ý tưởng về cải cách kinh tế, đồng thời mang lại cho Việt Nam các cơ hội đầu tư và phát triển kinh tế trong nước.

Trong gần 30 năm qua, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thường xuyên tham dự các Hội nghị thường niên của WEF tại Davos (Thụy Sỹ) và Đông Á. Trong đó, Việt Nam đã 3 lần tham dự Hội nghị WEF Davos ở cấp Thủ tướng chính phủ (vào các năm 2007, 2010 và 2017) và thường tham dự ở cấp Phó Thủ tướng; 4 lần tham dự Hội nghị WEF ASEAN (trước năm 2016 là WEF Đông Á) ở cấp Thủ tướng Chính phủ (vào các năm 2012, 2013, 2014 và 2017) và các năm khác tham dự ở cấp Phó Thủ tướng Chính phủ.

Cũng trong 30 năm qua, Việt Nam luôn thể hiện sự năng động, tích cực đề xuất những ý tưởng mới, triển khai những kế hoạch hợp tác thiết thực. Dấu ấn nổi bật nhất của Việt Nam, đó là Việt Nam đã phối hợp cùng với WEF tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực Đông Á năm 2010 và Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực Mekong năm 2016.

Một là, Hội nghị WEF Đông Á năm 2010. WEF Đông Á lần thứ 19 được Việt Nam đăng cai tổ chức năm 2010, tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây chính là tiền thân của Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới Khu vực ASEAN (WEF ASEAN) hiện nay. Khi đó, WEF Đông Á lần thứ 19 diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu rơi vào khủng khoảng năm 2008 và năm 2009, do đó, tại Hội nghị này, với chủ đề “Vai trò đang lên của châu Á trong phát triển toàn cầu”, Việt Nam đã tổ chức 20 phiên họp chính thức, xoay quanh 4 trục nội dung chính: Vai trò đang lên của châu Á; Những rủi ro toàn cầu; Lộ trình tăng trưởng xanh của châu Á; Năng lực cạnh tranh. Hội nghị đã đề ra nhiều giải pháp mà các nền kinh tế sau này vận dụng để vượt qua cuộc khủng khoảng kinh tế năm 2008 và năm 2009. Chính bởi vậy, các thành viên tham dự WEF Đông Á 2010 đã đánh giá rất cao sáng kiến của Việt Nam đóng góp vào nỗ lực chung của quốc tế vượt qua khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 - 2009. Qua Hội nghị này, Việt Nam đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ đối với các lãnh đạo cấp cao và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế tham dự Hội nghị. Việc tổ chức thành công Hội nghị WEF Đông Á 2010 đã góp phần quảng bá cho Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới trong quá trình phục hồi, các nhà đầu tư đang tìm kiếm các thị trường ổn định và có khả năng ứng phó tốt với các cuộc khủng hoảng.

Hai là, WEF-Mekong 2016. Năm 2016, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến tổ chức WEF-Mekong và hội nghị này được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 25-10-2016 tại Hà Nội nhằm quảng bá về Tiểu vùng Mekong đến với các doanh nghiệp trên thế giới. Hội nghị đã thu hút khoảng 200 đại biểu gồm nhiều bộ trưởng phụ trách kinh tế của các nước Mekong, đông đảo các doanh nghiệp, tập đoàn thành viên WEF và các nước Mekong cùng chuyên gia, học giả quốc tế. Với chủ đề “Phát triển khu vực Mekong: Đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và kết nối”, Hội nghị đã diễn ra 5 phiên họp tập trung thảo luận nhiều vấn đề về phát triển và hội nhập của các nước Mekong như tầm nhìn, định hướng phát triển khu vực Mekong, huy động nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, du lịch, thúc đẩy công nghiệp hóa và phát triển bền vững trong khu vực Mekong trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4…

WEF-Mekong 2016 cũng đánh dấu là lần đầu tiên WEF tổ chức một hội nghị riêng về khu vực Mekong, cho thấy sự quan tâm của các tập đoàn thành viên WEF đối với tiềm năng phát triển của khu vực Mekong. Thành công của Hội nghị WEF-Mekong đã mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy các tập đoàn hàng đầu tăng cường đầu tư vào khu vực Mekong, đồng thời thể hiện vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam vào phát triển và hội nhập trong khu vực Mekong.

Có thể nói, Hội nghị WEF Đông Á 2010 và Hội nghị WEF-Mekong 2016 chỉ là hai trong nhiều đóng góp cụ thể của Việt Nam, với tư cách là một thành viên tích cực chủ động của WEF khi là cầu nối giữa các quốc gia trong khu vực với cộng đồng các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, hợp tác giữa Việt Nam và WEF đã được chuyển sang giai đoạn mới với việc hai bên ký kết Thỏa thuận hợp tác về “Phát triển phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai” (tại Hội nghị WEF Davos, Thụy Sỹ, tháng 01-2017). Đây là thỏa thuận đầu tiên mà WEF ký với một quốc gia trên thế giới và việc ký kết đó được triển khai cụ thể ngay trong năm 2017 và năm 2018. Cho đến nay, hai bên đã tích cực triển khai Thỏa thuận, bao gồm 6 lĩnh vực: kinh tế và xã hội hóa, thương mại - đầu tư qua biên giới, cơ sở hạ tầng, sản xuất, nông nghiệp và an ninh lương thực, giáo dục và bình đẳng giới. WEF đã tích cực tư vấn giúp Việt Nam có chính sách thích hợp, tranh thủ được cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, vượt qua những thách thức đặt ra.

Về hợp tác trong một số lĩnh vực, hiện Việt Nam tích cực tham gia sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” của WEF. Từ năm 2016, Bộ trưởng Bộ Công thương đã tham gia Ban điều phối dự án “Tương lai của hệ thống sản xuất” của WEF và từ năm 2017, tham gia Nhóm Chiến lược khu vực ASEAN (RSG). Trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác, các bộ gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với WEF triển khai các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội số hóa, thương mại - đầu tư qua biên giới, cơ sở hạ tầng, sản xuất, nông nghiệp và an ninh lương thực…

Hiện Việt Nam có 10 tập đoàn/công ty lớn là thành viên của WEF như Viettel, FPT, VinGroup, VinaCapital, Vietcombank, Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SIG), DatViet VAC, Tập đoàn Hoa Sen, Công ty Đầu tư Công nghiệp Việt Nam, Công ty cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA./.