Phát triển thị trường công nghiệp: Từ kinh nghiệm của một số nước Đông Á và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
TCCS - Toàn cầu hóa mở rộng bản đồ sản xuất, tạo nên cấu trúc mới của thị trường công nghiệp, giao dịch hàng hóa dịch vụ vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Để xâm nhập thị trường toàn cầu, các quốc gia đưa ra chính sách mở rộng thị trường, chính sách phát triển công nghiệp, sản xuất sản phẩm chất lượng cao, trở thành một đối tác quan trọng của các công ty đa quốc gia.
Phát triển thị trường công nghiệp gắn với chính sách phát triển công nghiệp
Mỗi quốc gia có chính sách phát triển thị trường công nghiệp trên cơ sở quan điểm phát triển các ngành công nghiệp của mình. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang ngày càng trở nên phức tạp, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của một quốc gia sẽ khó có thể thành công nếu không xây dựng chính sách phát triển thị trường công nghiệp gắn với hệ thống chính sách phát triển công nghiệp. Có thể thấy rõ điều này qua một số kinh nghiệm sau.
Thứ nhất, “Mở cửa tối ưu không nhất thiết là mở cửa tối đa”. Thực hiện tự do hóa thương mại, hội nhập quốc tế, các biện pháp phi thuế quan và chính sách bảo hộ nền kinh tế nội địa của các nước bị dỡ bỏ. “Mở cửa”, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được sử dụng như một lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế. Mối liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) với các doanh nghiệp lớn hơn; giữa các doanh nghiệp địa phương và các công ty đa quốc gia (MNC), cũng như việc tham gia các mạng lưới sản xuất toàn cầu trở thành điểm tựa để mở rộng thị trường công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, khi xem xét chính sách công nghiệp của một số quốc gia có thu nhập thấp sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, một số nhà kinh tế đặt câu hỏi: liệu tự do hóa thị trường và mở cửa kinh tế có phải là điều kiện quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế? Liệu FDI có phải là một động lực tăng trưởng quan trọng tới mức cần được đón tiếp một cách không giới hạn? Thực tế từ một số nước Mỹ La-tinh cho thấy, sự phụ thuộc vào các tập đoàn đa quốc gia có thể tạo ra tiến trình công nghiệp hóa “có nhu cầu nhập khẩu cao” hoặc “dễ bị thâm hụt” và vì thế nhiều khả năng các nước này đối mặt với nguy cơ mắc “bẫy công nghệ trung bình”, khiến nền công nghiệp nội địa dậm chân tại chỗ. Bên cạnh đó còn có hiện tượng tồn tại hai nền kinh tế trong một quốc gia: các doanh nghiệp trong nước hoạt động tách biệt khỏi các doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, một số quốc gia, vùng lãnh thổ ở Đông Á đưa ra chính sách quốc gia về phát triển công nghiệp gắn với mở rộng thị trường công nghiệp theo hướng “mở cửa tối ưu không nhất thiết là mở cửa tối đa”. Định hướng đó chính là cơ sở để nhà nước can thiệp vào thị trường công nghiệp theo hướng đẩy mạnh phát triển nền công nghiệp trong nước. Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Xin-ga-po không chỉ bảo đảm để “các thị trường vận hành tốt hơn” mà còn đa dạng hóa và nâng cấp năng lực sản xuất. Đài Loan đưa ra các quy định, chính sách khuyến khích tài khóa khiến các doanh nghiệp FDI phải chuyển sang các nhà cung cấp trong nước; kết hợp “thay thế nhập khẩu” với “xúc tiến xuất khẩu”.
Thứ hai, kết hợp chính sách công nghiệp với chính sách thương mại. Trung Quốc tiến hành một cuộc cải cách công nghiệp theo mô hình đường cong “nụ cười Stan Shih”(1). Các nhà sản xuất tại Trung Quốc qua hợp đồng cung cấp linh kiện cho các hãng nước ngoài đã dần dần chuyển từ công việc chế tạo và lắp ráp sang lĩnh vực thiết kế, từ đó mở rộng hoạt động ra nhiều địa điểm mới, với những công nghệ mới, rồi tiếp tục phát triển sản phẩm và tiến tới cạnh tranh trực tiếp với khách hàng của mình. Quá trình này xuất phát từ mối liên kết giữa Trung Quốc với chuỗi sản xuất ở nước ngoài. Khi tham gia các hợp đồng thương mại toàn cầu này, các doanh nghiệp Trung Quốc đã “hấp thụ” công nghệ và sáng tạo ra những sản phẩm “sản xuất tại Trung Quốc”. Những sản phẩm này tuy có chất lượng thấp hơn, nhưng chi phí sản xuất và giá thành cũng ít hơn. Cuộc cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường này không tạo ra sản phẩm mới với mẫu mã mới, mà chủ yếu cung cấp hàng giá rẻ cho thị trường.
Trung Quốc thực thi chính sách phân công lao động quốc tế có tên gọi là “phân công sản xuất/lắp ráp linh kiện xuyên biên giới trong các ngành công nghiệp chế tạo hợp nhất”. Chính sách này được coi là có ý nghĩa quan trọng trong hội nhập kinh tế Trung Quốc vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, mở rộng quy mô thị trường và quy mô nền kinh tế, thúc đẩy FDI và phát triển kết cấu hạ tầng, kể cả bưu chính viễn thông và giao thông là những yếu tố quan trọng giải thích sự phát triển nhanh chóng của các hoạt động thương mại song phương đối với các sản phẩm phụ tùng linh kiện của Trung Quốc với các đối tác kinh doanh. Trung Quốc cũng ngày càng mở rộng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) và kết cấu hạ tầng để tăng thu hút FDI và tự do hóa khu vực dịch vụ, bao gồm cả dịch vụ tài chính. Do đó, quy mô lợi ích mà Trung Quốc và các bạn hàng thương mại của họ được hưởng lợi từ quá trình phân công lao động quốc tế ngày càng lớn.
Thứ ba, phát triển công nghệ mang tính chiến lược phục vụ xuất khẩu. Nhiều nước công nghiệp mới đã theo đuổi chính sách công nghiệp, mở rộng thị trường công nghiệp dựa trên phát triển các công nghệ mang tính chiến lược. Các quốc gia này sử dụng những chính sách liên quan đến tín dụng, thương mại và các chính sách ảnh hưởng đến phân bổ nguồn lực, phát triển kết cấu hạ tầng theo cụm công nghiệp (industrial cluster), mở rộng quy mô doanh nghiệp, phát triển kỹ năng và thu hút FDI để xây dựng năng lực công nghệ quốc gia. Mô hình thâm dụng FDI của Xin-ga-po hướng vào các ngành công nghiệp công nghệ cao phục vụ thị trường xuất khẩu và thúc đẩy các hợp đồng phụ cho các DNVVN của nước mình để tăng hàm lượng công nghệ nội địa. Bên cạnh đó, Xin-ga-po còn định hướng các MNC tập trung vào các hoạt động mang lại giá trị gia tăng cao và thâm dụng nghiên cứu và phát triển (R&D). Thành công của Xin-ga-po nằm ở năng lực của các DNVVN trong việc tiếp thu và đồng hóa công nghệ từ các MNC.
Thứ tư, sử dụng công cụ ưu tiên, khuyến khích. Một số quốc gia cho rằng, không thể để quá trình công nghiệp hóa cho thị trường quyết định. Vì thế, trong giai đoạn đầu của công nghiệp hóa, trên cơ sở xác định một số ngành công nghiệp “mũi nhọn”, nhà nước thành lập và phát triển các doanh nghiệp, đưa ra các chính sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp này nhanh chóng lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Về bản chất, đây chính là cách thức “bảo hộ những ngành non trẻ”. Tuy nhiên, mặt trái của chính sách này, theo kinh nghiệm Nhật Bản, nếu bảo hộ quá mức sẽ làm mất đi khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo thời gian, các doanh nghiệp sẽ chuyển từ động cơ mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm, tăng cường tính cạnh tranh sang việc tìm cách kéo dài lợi ích thu được từ sự bảo hộ của nhà nước. Kết quả là họ trở thành những ngành công nghiệp luôn “non trẻ mãi không lớn”.
Thứ năm, thúc đẩy DNVVN tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Thúc đẩy mối liên kết giữa các DNVVN với các doanh nghiệp lớn hơn; giữa các doanh nghiệp trong nước với các MNC, tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu, được xem là yếu tố quyết định cho sự phát triển của các ngành công nghiệp, từ đó mở rộng thị trường công nghiệp ở các nước đang phát triển. Theo đó, một là, nhà nước định hướng, khuyến khích FDI vào các ngành công nghiệp phụ trợ. Các nước thuộc nhóm phát triển cao trong ASEAN đã thực hiện các chính sách khuyến khích FDI có chọn lọc, thu hút FDI vào các ngành công nghiệp ưu tiên, thông qua những ưu đãi về thuế, xây dựng khu thương mại tự do theo một chiến lược định hướng xuất khẩu và tận dụng cơ hội chuyển giao khổng lồ các cơ sở chế tạo từ Nhật Bản trong những năm 80 và 90 của thế kỷ trước. Ma-lai-xi-a thúc đẩy FDI vào ngành công nghiệp phụ trợ bằng các biện pháp khuyến khích về thuế, như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong một số năm đầu. Hai là, xúc tiến liên kết. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Ma-lai-xi-a đều triển khai các hoạt động xúc tiến liên kết ngược để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ của mình. Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) thúc đẩy mối liên kết giữa các nhà thầu phụ, chủ yếu là các DNVVN với các doanh nghiệp lớn. Thái Lan và Ma-lai-xi-a tập trung tăng cường sự liên kết giữa các nhà cung cấp địa phương và các chi nhánh nước ngoài (chủ yếu là các công ty Nhật Bản). Để thúc đẩy mối liên kết giữa các DNVVN với các doanh nghiệp lớn, Hàn Quốc chỉ định một số công ty lớn mua các bộ phận sản phẩm từ các DNVVN hoặc từ các doanh nghiệp khác, chứ không tự sản xuất. Số lượng các mặt hàng được chỉ định tăng mạnh từ 41 mặt hàng năm 1979 lên 1.553 vào năm 1984, và sau đó giảm dần xuống 1.053 vào năm 1999. Năm 2005, Hàn Quốc đã đưa ra Chiến lược Phát triển vật liệu và phụ tùng, nhằm vào các bộ phận chính và vật liệu được sử dụng trong ngành điện tử và ô-tô. Chiến lược này đã chỉ định các công ty lớn, như Samsung và Lucky Star Star (LG) là các công ty cốt lõi, đồng thời chỉ định một số nhà sản xuất là các công ty tham gia nghiên cứu và phát triển các bộ phận và vật liệu mới thay thế cho các sản phẩm nhập khẩu. Các công ty lớn được yêu cầu phải mua các bộ phận và vật liệu này từ các công ty tham gia.
Khác với Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) không tham gia sâu vào quyết định của các công ty lớn và các nhà thầu phụ, nhưng đóng vai trò là người hỗ trợ bằng cách trợ cấp tài chính. Hệ thống cốt lõi - vệ tinh (Core-Satellite) được đưa ra vào năm 1984 bao gồm ba loại liên kết: 1- Liên kết giữa các nhà cung cấp nguyên phụ liệu và nhà lắp ráp; 2- Liên kết giữa những người thầu phụ và nhà sản xuất vật liệu chính; 3- Các nhà thầu phụ và một công ty bán hàng. Chính phủ hỗ trợ các liên kết này thông qua tư vấn kỹ thuật, tư vấn quản lý và tài chính. Các công ty cốt lõi có trách nhiệm điều phối, theo dõi và nâng cấp các hoạt động của các nhà máy vệ tinh. Các hỗ trợ tài chính hấp dẫn những công ty cốt lõi, còn các công ty vệ tinh quan tâm đến lợi ích chính của mình là cải thiện năng suất. Hệ thống này hoạt động như là người hỗ trợ, chia sẻ thông tin và tạo cơ chế cho Chính phủ triển khai các chính sách. Ma-lai-xi-a thiết kế chương trình liên kết công nghiệp (ILP), nơi các nhà cung cấp cấp hai và các công ty khác hội đủ điều kiện trở thành nhà cung cấp, liên kết lại với nhau. Các công ty thầu chính sẽ được nhận ưu đãi đặc biệt, như trợ cấp cho các hoạt động R&D và miễn giảm thuế.
Thứ sáu, đưa ra các quy định về sản phẩm nội địa. Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc từng thu hút công nghệ từ các công ty nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực ô-tô và điện tử thông qua các quy định về sản phẩm nội địa. Quy chế sản phẩm nội địa Đài Loan được giới thiệu từ những năm 60 của thế kỷ trước, buộc các nhà sản xuất nước ngoài chuyển giao công nghệ sản xuất phụ tùng cho các đối tác liên doanh ở địa phương hoặc các nhà cung cấp phụ tùng nội địa khác. Tuy nhiên, Quy chế này đã không còn được áp dụng khi cam kết tự do hóa thương mại được thực hiện đầy đủ. Còn Hàn Quốc đưa ra hai chương trình 5 năm về nội địa hóa trong (năm 1987 - 1991 và năm 1992 - 1996). Theo các chương trình này, có 7.032 linh kiện và các bộ phận được chỉ định nội địa hóa. Hiện nay, tuy hầu hết các quốc gia không còn áp dụng các quy định về sản phẩm nội địa khi là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhưng các quốc gia vẫn có thể khuyến khích mua sắm địa phương thông qua các ưu đãi về thuế, khoản vay hoặc hỗ trợ kỹ thuật.
Thứ bảy, đẩy nhanh chuyển giao công nghệ thông qua thu hút lực lượng chuyên gia. Có nhiều phương thức để chuyển giao công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường công nghiệp, giúp đất nước nhanh chóng thoát khỏi “kiếp gia công”, tuy nhiên thực hiện chuyển giao bằng cách thu hút chuyên gia được cho là phương thức nhanh nhất và ít tốn kém nhất. Chuyển giao công nghệ từ quốc gia này sang quốc gia khác là một quá trình phức tạp, lâu dài, phụ thuộc không chỉ vào bên chuyển giao là những doanh nghiệp tư nhân luôn luôn muốn khai thác tối đa nguồn “tài sản trí tuệ của mình” mà còn phụ thuộc vào cả bên nhận chuyển giao, không phải lúc nào cũng sẵn sàng nguồn tài chính, trình độ để “hấp thụ” công nghệ mới. Nhưng khi con người (nhà khoa học, chuyên gia, nhà doanh nghiệp...) với những bí quyết công nghệ và trình độ quản lý cao đi qua biên giới thì quá trình “chuyển giao công nghệ” sẽ diễn ra hết sức nhanh chóng. Trung Quốc đã ban hành chính sách khuyến khích đầu tư vào một số lĩnh vực khoa học, chẳng hạn như khoa học đời sống (life science). Với thị trường dược phẩm đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc đã tạo điều kiện cho nghiên cứu sinh Hoa kiều khởi nghiệp tại quê hương của mình, bảo đảm rằng tiền không chảy vào các công ty nước ngoài. Đài Loan (Trung Quốc) chú trọng thu hút Hoa kiều từ các nước phát triển về Đài Loan lập nghiệp. Các sản phẩm kỹ thuật cao, như chất bán dẫn, máy tính, thiết bị văn phòng, cơ khí nông nghiệp tạo điều kiện cho nền công nghiệp của Đài Loan hình thành. Các mầm sáng tạo từ những lực lượng kỹ thuật trong các xí nghiệp gia công trước đây đã ra đời nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Năng suất quốc gia, các hiệp hội, vườn ươm doanh nghiệp,… tiến hành sản xuất các sản phẩm xuất khẩu. Với thị trường nội địa, sản phẩm các loại được triển lãm ở khu triển lãm thường xuyên tại Đài Bắc (mỗi tuần cho một vài ngành hàng, với khoảng 500 cửa hàng giao dịch với thị trường thế giới và khoảng 6.000 điểm liên lạc giữa khách hàng và doanh nghiệp). Mỗi tháng, các hiệp hội tổ chức nhiều đoàn doanh nhân tham gia triển lãm ở khắp thế giới, nhằm không ngừng mở rộng thị trường và nâng tầm nhận thức cho doanh nhân trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Những mầm công nghiệp mới này sau đó đã trưởng thành, tạo nên lực lượng chủ lực cho ngành công nghiệp Đài Loan hiện nay.
Việt Nam với phát triển thị trường công nghiệp
Ở Việt Nam, trong số các doanh nghiệp đang hoạt động, chỉ có khoảng 2% số doanh nghiệp có quy mô lớn và cũng tỷ lệ tương tự là doanh nghiệp quy mô vừa. Còn lại 95% - 96% là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Quy mô nhỏ của các doanh nghiệp Việt Nam hạn chế khả năng tham gia chuỗi cung ứng. Hiện Việt Nam mới có khoảng 36% số doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạng lưới sản xuất (bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp), trong khi tỷ lệ đó ở Ma-lai-xi-a và Thái Lan là 60%; có 21% DNVVN tham gia chuỗi giá trị toàn cầu so với 30% của Thái Lan, 46% của Ma-lai-xi-a. Điều này cho thấy chuỗi cung ứng ở các nền kinh tế Thái Lan, Ma-lai-xi-a ít bị phân tán, vì thế DNVVN ở các nước đó có nhiều khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của FDI, chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất.
Việc mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm mới cũng như xây dựng thương hiệu phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp có thể xây dựng để phục vụ hoạt động kinh doanh cốt lõi và tạo ra lợi thế cạnh tranh trong một ngành nhất định. Điều này càng đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới bước vào thời kỳ kỷ nguyên số.
Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tế trong nước, có thể rút ra một số vấn đề đáng quan tâm trong quá trình Việt Nam phát triển thị trường công nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Một là, mở rộng quan hệ đối tác và liên kết với các doanh nghiệp FDI, trở thành một đối tác quan trọng của các công ty đa quốc gia, các sản phẩm của Việt Nam được đa dạng hóa, có thể xâm nhập thị trường thế giới và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo thống kê, chỉ có 2/3 số doanh nghiệp FDI sử dụng đầu vào do các doanh nghiệp trong nước sản xuất ở Việt Nam, thấp hơn so với các nước, như Trung Quốc, Ma-lai-xi-a và Thái Lan. Từ thực tế hoạt động và ảnh hưởng lan tỏa của doanh nghiệp FDI, chúng ta cần: Thứ nhất, tư duy lại về hệ thống ưu đãi, khuyến khích thu hút FDI có chất lượng cao. Trước hết là phải nghiên cứu sâu sắc về xu hướng di chuyển của FDI vào lĩnh vực chế tạo. Chi phí sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực này cần tối ưu đối với nhà đầu tư. Tiếp đó là nâng cao năng lực tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nội địa, cải thiện sự sẵn sàng của các doanh nghiệp nội địa trong tiếp nhận công nghệ của các doanh nghiệp FDI vào lĩnh vực chế tạo, bao gồm các nhân tố tạo nên năng suất lao động cao tại doanh nghiệp và mối liên kết hữu cơ giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, giữa doanh nghiệp trong nước và FDI, giữa doanh nghiệp lớn và doanh nhiệp nhỏ trong một ngành, nghề, hay nói cách khác đó là khả năng hấp thụ của các doanh nghiệp nội địa và độ lan tỏa của các doanh nghiệp FDI. Thứ hai, xác định tính tương tác chiến lược của các doanh nghiệp xuyên quốc gia, tiềm năng lợi ích quốc gia và năng lực kỹ năng quốc gia. Trong những năm 80 của thế kỷ trước, dòng vốn đầu tư khổng lồ từ các MNC sang các nước đang phát triển bị thu hút bởi chi phí nhân công thấp. Ngày nay, các MNC không chỉ quan tâm đến chi phí lao động mà còn rất chú trọng đến lợi thế so sánh đối với các đầu vào chi phí sản xuất khác, như linh kiện, dịch vụ sản xuất, giúp họ nâng cao khả năng cạnh tranh giá cả và chất lượng. Quy mô thị trường và chi phí vận chuyển có thể sẽ trở thành động lực thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, và điều này chỉ có thể trở nên hấp dẫn đối với các doanh nghiệp FDI nếu như Việt Nam có nhiều nhà cung ứng nội địa. Thứ ba, đổi mới tư duy theo hướng xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn thu hút FDI thông qua phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. Để thu hút dòng FDI lớn, Việt Nam cần hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài, lắng nghe ý kiến của họ một cách cẩn trọng, đặt mục tiêu chuyển giao kỹ thuật và mua sắm trong nước, thiết kế các chính sách hỗ trợ thống nhất. Chúng ta cần sử dụng các chính sách có mục tiêu để tạo ra ưu thế về địa điểm và giảm chi phí kinh doanh, điều này đặt ra yêu cầu nâng cao kỹ năng trong nước (ví dụ quản lý sản xuất, tiếp thị, kỹ thuật - không chỉ giáo dục tiểu học), kết cấu hạ tầng, các cơ sở hỗ trợ, dịch vụ.
Hai là, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng kinh doanh toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia và chiến lược phát triển ngành. Không nắm được xu hướng phát triển của các MNC thì sẽ không nắm được mô hình hoạt động của chuỗi cung ứng toàn cầu để tham gia. Để các doanh nghiệp FDI tạo được tác động, ảnh hưởng “lan tỏa” thì các thông tin về chiến lược phát triển kinh tế địa phương, chiến lược phát triển ngành cũng phải được minh bạch và ổn định, được xây dựng trên cơ sở có sự tham vấn của cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Tham vấn xây dựng chính sách phát triển cũng là quá trình các doanh nghiệp nội địa chuẩn bị nguồn lực liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp FDI, tiếp thu kiến thức và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Chính phủ có thể hỗ trợ sự gắn kết của chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp bằng cách khuyến khích FDI vào những hoạt động thượng nguồn của ngành; khuyến khích các doanh nghiệp FDI đầu tư vào các trung tâm R&D và các công đoạn có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, Chính phủ cũng cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp nâng cao khả năng “hấp thụ” công nghệ; phát triển các dịch vụ tư vấn thiết kế công nghiệp, dịch vụ kiểm định chất lượng sản phẩm; xây dựng các trung tâm thử nghiệm vật liệu mới để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nội địa đáp ứng được yêu cầu chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp lớn và FDI.
Ba là, tạo mối liên hệ giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Cần xác định các mối liên kết giữa các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, thực chất vẫn là mối quan hệ bạn hàng, giữa người bán và người mua trên cơ sở thực thi các hợp đồng mua bán. Các giải pháp hỗ trợ phát triển thúc đẩy mối liên kết này nhằm đẩy nhanh quá trình và tạo mối liên kết có chất lượng cao đòi hỏi nỗ lực không chỉ từ phía các doanh nghiệp mà cả các cơ quan nhà nước trong đó việc bảo đảm hiệu lực của các hợp đồng mua bán trên thị trường công nghiệp giữ một vị trí quan trọng.
Chuỗi giá trị toàn cầu là xu hướng hiện nay của các MNC. Chính phủ cần thúc đẩy mối liên kết công nghiệp giữa các doanh nghiệp trong nước và các MNC. Kinh nghiệm từ các nước khác cho thấy, thành công trong việc thúc đẩy các mối liên kết bắt nguồn từ phản ứng nhanh chóng của chính phủ đối với sự thay đổi môi trường kinh doanh (Nhật Bản); có các công ty hàng đầu đủ mạnh (Hàn Quốc); có các công ty cốt lõi đủ mạnh và sự nhiệt tình của các công ty (Đài Loan); sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính kịp thời từ chính phủ. Nguyên nhân thất bại hoặc thành công một phần trong việc thúc đẩy các mối liên kết là việc thiếu sự liên kết giữa các bộ, ngành; thiếu nhận thức về các chính sách phát triển thị trường công nghiệp của Chính phủ; sự không phù hợp giữa chính sách của Chính phủ và nhu cầu của các doanh nghiệp; phân biệt đối xử với các loại hình doanh nghiệp, sự thiếu kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng tiếp thị công nghiệp và quản trị công nghệ của các doanh nghiệp. Chính phủ và doanh nghiệp cần tận dụng tối đa công nghệ thông tin để thu hẹp khoảng cách thông tin và nhận thức giữa các công ty trong và ngoài nước. Một cơ sở dữ liệu công nghiệp toàn diện sẽ có vai trò như một chất xúc tác, cầu nối giúp các công ty tiết kiệm thời gian và tìm kiếm nhà cung cấp hoặc người mua của họ.
Bốn là, tăng cường kiến thức và khả năng tài chính thông qua phát triển mạng lưới. Chính phủ có thể hỗ trợ sự gắn kết của chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp nhẹ bằng cách khuyến khích FDI tham gia những hoạt động thượng nguồn của các ngành kinh doanh nông nghiệp, da giày, đồ gỗ, may mặc, kim khí và bằng cách đầu tư vào các khu công nghiệp, đặc biệt là dạng khu công nghiệp “ăn liền”, để giúp phát triển các cụm liên kết trong những ngành đó. Các nước Đông Á tiến hành công nghiệp hóa thành công dựa vào FDI để cung cấp kiến thức chuyên môn, công nghệ và ý tưởng thông qua các chuyên gia nước ngoài làm cộng tác viên.
Việt Nam có tiềm lực mạnh mẽ với cộng đồng Việt kiều đông đảo đang sinh sống ở châu Âu và Bắc Mỹ có thể được khuyến khích quay trở về nếu quy tắc của cuộc chơi được phân định rõ ràng. Với 3.000 doanh nghiệp của Việt kiều ở nước ngoài, mạng lưới học hỏi của các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để phát triển. Trong dài hạn, Chính phủ cần tính đến việc khuyến khích đầu tư chiến lược vào một số doanh nghiệp chọn lọc ở nước ngoài để tiếp thu kiến thức và công nghệ tiên tiến trong những lĩnh vực, như thiết kế, tiếp thị trong công nghiệp nhẹ./.
--------------------------------------
(1) Stan Shih, nhà sáng lập Công ty Acer, vào năm 1992, từ quan sát trong ngành công nghệ thông tin đã đưa ra hình ảnh “đường cong nụ cười”. Hình ảnh này phản ánh mức độ lợi nhuận có thể thu được từ từng phân khúc trong quá trình sản xuất, theo đó mức cao nhất đạt được ở phân khúc đầu (nghiên cứu và phát triển - R&D, định nghĩa, thiết kế sản phẩm) và ở phân khúc cuối (tiếp thị phân phối và dịch vụ hậu mãi). Công đoạn gia công, lắp ráp “ngự trị” ở phần đáy của “nụ cười”
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2: Phấn đấu về đích theo kế hoạch  (20/07/2018)
Những thách thức chờ đợi chính phủ mới ở Italy  (20/07/2018)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay