Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 25-6 đến ngày 01-7-2018)
23:29, ngày 03-07-2018
TCCSĐT - Kỳ họp lần thứ 6 của Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu (GEF6) là một trong những cuộc họp toàn cầu quan trọng nhất về môi trường trong năm 2018 do Việt Nam đăng cai tổ chức. Tại Hội nghị này, các nhà lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo các cơ quan môi trường của hơn 180 quốc gia; các tổ chức, định chế tài chính quốc tế, các chuyên gia, diễn giả đã thảo luận về những vấn đề môi trường của thế giới cho nhiệm kỳ hoạt động 4 năm tiếp theo. Với vai trò chủ nhà đăng cai tổ chức Kỳ họp Đại hội đồng và các sự kiện liên quan, Việt Nam đã có đóng góp quan trọng vào thành công chung của Kỳ họp.
Đại Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6
Từ ngày 23 đến ngày 28-6-2018, Kỳ họp lần thứ 6 của Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu (GEF6) và các sự kiện liên quan đã diễn ra tại thành phố Đà Nẵng. Hội nghị có sự tham dự của khoảng 1.500 đại biểu, gồm các bộ trưởng phụ trách môi trường và các quan chức cấp cao khác của 183 quốc gia thành viên, cùng lãnh đạo các cơ quan Liên hợp quốc, các ngân hàng phát triển khu vực, các tổ chức chính trị-xã hội và lãnh đạo doanh nghiệp… Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu khai mạc.
Tại Phiên toàn thể GEF6, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã truyền đi thông điệp, khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam: ‘‘Kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững’’. Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành GEF Naoko Ishii cho rằng, thông điệp của Thủ tướng Chính phủ đã truyền cảm hứng cho tất cả các đại biểu tham dự Kỳ họp, đồng thời nhấn mạnh, Đại hội đồng lần này ở vào một thời điểm quan trọng, quyết định cho tương lai của trái đất và nhân loại. Đây là thời điểm cần phải chuyển đổi các kịch bản phát triển kinh tế thông thường sang kinh tế tuần hoàn. Chính vì vậy, Chủ tịch kiêm Giám đốc GEF hoan nghênh cam kết của Việt Nam trong việc muốn trở thành quốc gia đi đầu về tiến tới mục tiêu tăng trưởng xanh và giải quyết các vấn đề về rác thải nhựa đại dương. Tại Phiên khai mạc toàn thể Đại hội đồng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã được bầu làm Chủ tịch Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6.
Việt Nam đã tổ chức thành công 3 Hội nghị bên lề, tham gia sâu vào các Phiên họp bàn tròn cấp cao tại Kỳ họp. Liên quan đến vấn đề đang được quan tâm hiện nay về rác thải nhựa đại dương, tại các Hội nghị bàn tròn cao cấp về chủ đề này, Việt Nam đã khẳng định cam kết chung tay cùng cộng đồng quốc tế trong việc quản lý rác thải nhựa, giảm thiểu và tiến đến loại bỏ việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Đề xuất của Việt Nam về xây dựng và thực hiện sáng kiến quản lý rác thải nhựa trên biển tại khu vực Đông Nam Á đã được nhiều tổ chức, đối tác quốc tế quan tâm và ủng hộ. Hội nghị bên lề về Bảo tồn đa dạng sinh học gắn với du lịch bền vững đã đề cập đến giải pháp nhằm khai thác thế mạnh về đa dạng sinh học của Việt Nam cho phát triển du lịch bền vững.
Bên lề Kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc hội kiến với Tổng thống Nauru, Tổng thống Marshalls và Tổng thống Guyana và có các cuộc tiếp Lãnh đạo của các tổ chức quốc tế. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà, các Thứ trưởng đã có buổi tiếp và làm việc với lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế về môi trường… góp phần tăng cường, thúc đẩy hợp tác với các đối tác song phương và đa phương; tìm kiếm các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực trong các lĩnh vực: ứng phó với biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, hóa chất, suy thoái đất, vùng nước quốc tế, quản lý rừng bền vững. Với vai trò chủ nhà đăng cai tổ chức Kỳ họp Đại hội đồng và các sự kiện liên quan, Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào thành công chung của Kỳ họp.
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Hữu nghị Việt Nam - Thụy Điển lần thứ V nhiệm kỳ 2018-2023
Chiều 26-6-2018, tại Hà Nội, Hội hữu nghị Việt Nam - Thụy Điển đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V nhiệm kỳ 2018 - 2023. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành khóa V với 29 thành viên. Tham dự Đại hội có: Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Bùi Khắc Sơn; Đại biện lâm thời Đại sứ quán Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam Ylva Jansson, cùng đại diện một số bộ, ban, ngành; đông đảo thành viên trong Ban Chấp hành và hội viên Hội hữu nghị Việt Nam - Thụy Điển.
Theo Báo cáo của Hội, trong nhiệm kỳ qua, đa số các ủy viên Ban Chấp hành Hội đều tích cực tham gia các hoạt động của Hội, có nhiều đóng góp tích cực trong việc xây dựng quỹ hoạt động Hội và có nhiều sáng kiến trong tổ chức và hoạt động Hội. Hội luôn giữ mối liên hệ và hợp tác tốt với Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam trong một số hoạt động: tập hợp danh sách các cựu sinh viên Việt Nam đã từng học tập tại Thụy Điển để thành lập “Mạng lưới cựu sinh viên Việt Nam tại Thụy Điển”, giúp gắn kết các hội viên của Hội với nhau và tạo điều kiện để hội viên giao lưu với Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam… Các đại biểu dự Đại hội nhất trí trong nhiệm kỳ 2018-2023, công tác hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Thụy Điển sẽ tập trung vào các hoạt động kỉ niệm các ngày lễ lớn của Việt Nam và Thụy Điển, các ngày quan trọng của Hội và đối tác Thụy Điển... Cùng với đó, Hội cần huy động nguồn lực và sự phối hợp, hợp tác tích cực của các cơ quan, tổ chức, đối tác trong việc triển khai các hoạt động kỉ niệm với nội dung đa dạng, hình thức phong phú, đáp ứng được nguyện vọng của hội viên, tạo được tác dụng, hiệu quả tốt, có sức lan tỏa, tuyên truyền sâu rộng tới nhiều người dân Việt Nam và Thụy Điển.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc được Đại hội tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Thụy Điển nhiệm kỳ 2018 - 2023. Thay mặt Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, ông Bùi Khắc Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam chúc mừng ông Nguyễn Khánh Ngọc đã được bầu làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Thụy Điển nhiệm kỳ 2018 - 2023. Chúc mừng Hội hữu nghị Việt Nam - Thụy Điển tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V nhiệm kỳ 2018 - 2023, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam Ylva Jansson khẳng định, Đại sứ quán sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Hội hữu nghị Việt Nam - Thụy Điển trong việc triển khai thực hiện các hoạt động, nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác trên mọi lĩnh vực giữa nhân dân Thụy Điển và Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương
Trong các ngày 26 và 27-6-2018, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có buổi tiếp bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhân dịp bà đến Việt Nam tham dự Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) lần thứ 6. Tại buổi tiếp, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội nước ta đánh giá cao vai trò và hoạt động của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam; đồng thời nhấn mạnh, WB là đối tác phát triển, cơ quan cung cấp tư vấn và đối thoại chính sách quan trọng của Chính phủ Việt Nam, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Chúc mừng về những kết quả kinh tế mà Việt Nam đạt được thời gian qua, gần đây nhất là quý I-2018 đạt mức tăng trưởng kinh tế cao nhất của quý đầu trong năm trong một thập kỷ qua… Đánh giá lĩnh vực môi trường ngày càng trở nên quan trọng trên toàn cầu, bà Victoria Kwakwa cho biết, vấn đề môi trường tác động đến sự phát triển của mỗi quốc gia, Ngân hàng Thế giới mong muốn hỗ trợ Việt Nam xem xét, nghiên cứu để giải quyết những thách thức liên quan đến bảo vệ môi trường như: vấn đề rác thải độc hại qua con đường công nghệ, bảo vệ môi trường trong doanh nghiệp, rác thải nhựa... Để đóng góp cho nỗ lực đảm bảo nợ công dưới mức trần mà Việt Nam đặt ra, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhấn mạnh, WB đang đẩy nhanh những nỗ lực trong việc giám sát những dự án đang hợp tác với Việt Nam, đảm bảo các nguồn lực trong dự án được sử dụng một cách hiệu quả; rà soát lại danh mục các chương trình dự án hợp tác và đưa ra hướng tái cấu trúc, xem xét giảm và hủy các hợp phần không cần thiết; mong Quốc hội xem xét việc nâng, nới mức trần giải ngân trong khuôn khổ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đảm bảo các dự án từ nguồn vốn vay ưu đãi của Hiệp hội Phát triển quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới (IDA) có thể triển khai tốt, kịp tiến độ...
Ghi nhận những đề xuất của bà Victoria Kwakwa, các nhà lãnh đạo cấp cao nước ta chia sẻ, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo, điều hành của Nhà nước, hiện nay trình độ dân trí và ý thức bảo vệ môi trường sống của người dân Việt Nam được nâng lên rõ rệt... Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội thông báo với Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương về việc Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung như quy định về nợ vay và cho vay lại, nợ Chính phủ bảo lãnh, đặc biệt là quy định thống nhất một đầu mối quản lý nợ công…Trên tinh thần đó, thời gian tới sẽ xem xét nâng mức trần giải ngân nhằm góp phần giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi từ WB. Về vấn đề tốt nghiệp IDA (dừng nguồn vốn vay ưu đãi của Hiệp hội Phát triển quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới), các nhà lãnh đạo nước ta đề nghị Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Victoria Kwakwa tiếp tục dành cho Việt Nam cơ chế hỗ trợ chuyển đổi tốt nghiệp hiệu quả, đảm bảo duy trì bền vững những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo mà WB đã góp phần hỗ trợ Việt Nam đạt được trong thời gian qua.
Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc Achim Steiner thăm và làm việc tại Việt Nam
Trong 02 ngày (26 và 27-6-2018), Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Phó Chủ tịch Nhóm Phát triển bền vững Liên hợp quốc ông Achim Steiner đã có chuyến thăm Việt Nam nhằm củng cố mối quan hệ đối tác giữa Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc, tập trung vào nỗ lực phát triển bền vững. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Achim Steiner đến Việt Nam kể từ khi ông nhận nhiệm vụ làm Tổng Giám đốc UNDP vào năm 2017. Chuyến thăm đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ đối tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Giám đốc (UNDP) Achim Steiner đã có buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, gặp các cán bộ Liên hợp quốc và tham dự Kỳ họp thứ sáu Đại hội đồng Quỹ Môi trường Toàn cầu.
Tại buổi tiếp, hai bên đã cùng trao đổi về những ưu tiên lớn của Việt Nam và Liên hợp quốc nói chung và UNDP nói riêng hiện nay, đồng thời nhất trí cần tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNDP, đặc biệt tập trung nguồn lực để thực hiện hiệu quả Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Bên cạnh việc nhấn mạnh quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững giống như với các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trước đây; thông tin về việc Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 với 115 mục tiêu cụ thể của Việt Nam, cũng như những nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm tăng trưởng kinh tế đi đôi với công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã chia sẻ về một số thách thức Việt Nam đang phải đương đầu, trong đó có việc ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách giữa các cộng đồng dân cư…
Chúc mừng Việt Nam về những thành tựu ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội; đánh giá cao việc Việt Nam là nước đi đầu trong việc thực hiện Chương trình Thống nhất hành động của Liên hợp quốc (Chương trình Một Liên hợp quốc),Tổng Giám đốc UNDP mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ tiến trình cải tổ hệ thống phát triển của Liên hợp quốc. Tổng Giám đốc Achim Steiner khẳng định, trên cơ sở mô hình hợp tác tin cậy giữa UNDP và Việt Nam trong 40 năm qua, UNDP mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như tư vấn quản lý chính sách, xây dựng chiến lược, kỹ năng lãnh đạo. Tổng Giám đốc đề xuất hai bên nghiên cứu khả năng hợp tác trong việc xây dựng chính sách về bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm môi trường, bảo hiểm y tế, bảo hiểm biến đổi khí hậu…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc Li Yong
Ngày 27-6-2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), ông Li Yong. Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Tổng Giám đốc UNIDO sang Việt Nam dự GEF đúng dịp 40 năm quan hệ Việt Nam - UNIDO (1978-2018). Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước những thành tựu hai bên đã đạt được thời gian qua, trong đó có hợp tác phát triển các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp nông thôn để xoá đói giảm nghèo trên cơ sở tạo thu nhập và việc làm.
Đánh giá cao sự hỗ trợ của UNIDO về hiệu quả tư vấn chính sách, điển hình là Dự án hỗ trợ xây dựng khu công nghiệp ở 5 thành phố lớn, tư vấn về hiệu suất sử dụng năng lượng và xử lý chất thải; dự án đổi mới đăng ký doanh nghiệp, tư vấn quản lý tài nguyên, môi trường, đánh giá hệ thống đào tạo kỹ năng chế tạo, hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chiến lược Công nghiệp mới... Thủ tướng đề nghị UNIDO tăng cường các dự án cụ thể theo hướng giúp Việt Nam phát triển chuỗi công nghiệp phụ trợ ô tô, may mặc; phát triển công nghiệp theo hướng các-bon thấp và bền vững; xây dựng năng lực tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ sử dụng năng lượng có hiệu quả, phát triển nguồn nhân lực trong cách mạng công nghiệp 4.0 phục vụ phát triển sản xuất trong thời gian tới. Việt Nam sẵn sàng hợp tác với UNIDO trong triển khai chiến lược năng lượng xanh; kêu gọi UNIDO hỗ trợ các dự án hạ tầng công nghiệp kết nối Trung Quốc với ASEAN nói chung và với Việt Nam nói riêng, Thủ tướng nêu rõ.
Cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tiếp, Tổng Giám đốc UNIDO cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ các hoạt động của UNIDO thời gian qua. Điểm lại những thành tựu hợp tác giữa UNIDO với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam trong suốt 40 năm qua, trong đó có dự án phát triển khu công nghiệp sinh thái, chuyển giao công nghệ tại Đà Nẵng, ông Li Yong cũng cho UNIDO sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới hướng đến phát triển bền vững để triển khai tại Việt Nam. Đánh giá cao các đề nghị hợp tác mà Thủ tướng nêu ra, Tổng Giám đốc Li Yong nhấn mạnh những đóng góp của Việt Nam cho UNIDO đã góp phần vào sự thành công và phát triển chung của tổ chức. Khẳng định hợp tác giữa Việt Nam với UNIDO đang ngày càng phát triển, Tổng Giám đốc Li Yong hy vọng hai bên tiếp tục hợp tác chẽ hơn trong thời gian tới.
Đoàn công tác của tỉnh Fukuoka (Nhật Bản) thăm và làm việc tại Việt Nam
Trong 02 ngày (27 và 28-6-2018), Đoàn đại biểu tỉnh Fukuoka do Thống đốc tỉnh Fukuoka Hiroshi Ogawa dẫn đầu đã có chuyến thăm Việt Nam nhằm kỷ niệm 10 năm ký kết hợp tác hữu nghị với thành phố Hà Nội. Chuyến thăm diễn ra đúng vào thời điểm hai nước đang kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp, mạnh mẽ, thực chất trên mọi lĩnh vực. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam, là đối tác đứng đầu cung cấp vốn vay ODA, đứng thứ hai về đầu tư, thứ ba về du lịch. Hợp tác giữa các địa phương, giao lưu nhân dân Việt Nam - Nhật Bản cũng đang góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ tốt đẹp giữa hai đất nước. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thống đốc tỉnh Fukuoka Hiroshi Ogawa đã tới chào Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, gặp gỡ và làm việc với lãnh đạo 02 thành phố là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Tại các cuộc gặp gỡ, hoan nghênh chuyến thăm Việt Nam của Thống đốc và lãnh đạo chính quyền, Hội đồng nhân dân tỉnh, các nhà lãnh đạo Việt Nam đánh giá cao quan hệ hợp tác hiệu quả giữa tỉnh Fukuoka và các địa phương của Việt Nam thời gian qua. Cho rằng, quan hệ hai nước đang ở thời kỳ phát triển tốt đẹp nhất, phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, lãnh đạo nước ta mong muốn Fukuoka tăng cường hợp tác với Việt Nam trên những lĩnh vực có thế mạnh để hai bên cùng phát triển, cùng có lợi. Thống đốc Hiroshi Ogawa cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã dành thời gian tiếp Đoàn. Nhấn mạnh quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Nhật Bản đang trên đà phát triển tốt đẹp, ngày càng khăng khít, gắn bó, ông Hiroshi Ogawa khẳng định sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế và giao lưu nhân dân giữa tỉnh Fukuoka và các địa phương của Việt Nam trong những năm tiếp theo. Thống đốc Hiroshi Ogawa hy vọng tỉnh luôn nhận được sự ủng hộ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường giao lưu hợp tác hai bên.
Tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, hai bên đã tiếp tục kí kết bản ghi nhớ hợp tác hữu nghị sau 10 năm thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác. Tại buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm đã cảm ơn Nhật Bản đã giúp đỡ, ủng hộ Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, sự hỗ trợ của Nhật Bản, nhất là nguồn vốn ODA, đã góp phần phát triển nhiều công trình, cơ sở hạ tầng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bày tỏ vui mừng lần đầu tiên thăm và làm việc chính thức với Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Jungo Inoue cho biết, tháng 3-2018, phái đoàn của Thành phố Hồ Chí Minh đã đến thăm tỉnh Fukuoka để trao đổi các nội dung về phương pháp hợp tác trong chống ngập nước và hỗ trợ khởi nghiệp. Đây cũng là tiền đề quan trọng cho chuyến thăm lần này của Đoàn Hội đồng Dân biểu tỉnh Fukuoka đến Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai địa phương.
Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Borge Brende thăm và làm việc tại Việt Nam
Tuần qua, Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Borge Brende đã có chuyến thăm làm việc tại Việt Nam nhằm thảo luận về nhiều nội dung quan trọng của Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới ASEAN (WEF-ASEAN) được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 11 đến ngày 13-9-2018. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch điều hành WEF Borge Brende đã có buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, chủ trì Tọa đàm với lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của Việt Nam về Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) và họp báo về Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018).
Tại các buổi gặp gỡ, tiếp xúc, các nhà lãnh đạo Việt Nam đánh giá cao và cảm ơn Chủ tịch điều hành WEF đã có nhiều đóng góp thiết thực vào quan hệ Việt Nam-Nauy khi ông làm Bộ trưởng Ngoại giao và khi đảm nhiệm các chức vụ khác của Nauy. Hoan nghênh chủ đề của Hội nghị WEF-ASEAN năm nay là “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4”, một lĩnh vực rất quan trọng hiện nay với nhiều quốc gia. Thủ tướng đề nghị WEF xây dựng chương trình nghị sự của hội nghị lần này gắn với chủ đề năm 2018 của ASEAN là “ASEAN tự cường và sáng tạo”, các nhà lãnh đạo nước ta cho rằng, cần vận động lãnh đạo cấp cao các nước, các định chế quốc tế lớn tham dự sự kiện này để đảm bảo thành công của Hội nghị WEF-ASEAN.
Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới Borge Brende cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tiếp và đánh giá cao những thành tựu kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua. Cho biết trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao và các chức vụ khác, ông luôn nỗ lực đóng góp vào thúc đẩy quan hệ Nauy-Việt Nam. Chủ tịch WEF đánh giá cao mối quan hệ đối tác giữa WEF và Việt Nam, đồng thời cho biết Hội nghị WEF-ASEAN năm nay đang thu hút sự quan tâm rất lớn của các nước và các tập đoàn lớn trên thế giới. Điều đó cho thấy vai trò và sự hấp dẫn của Việt Nam cũng như ASEAN ngày càng tăng. Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới bày tỏ tin tưởng hội nghị sẽ đạt kết quả tốt, đồng thời cảm ơn Việt Nam hợp tác mời lãnh đạo các nước tham dự hội nghị. Ông cũng cho biết WEF đã phối hợp với phía Việt Nam mời các nhà lãnh đạo khu vực ASEAN, đến nay sơ bộ đã có lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ của 7 quốc gia khẳng định tham dự hội nghị. Cho biết Việt Nam ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn, Chủ tịch WEF mong muốn các doanh nghiệp này tham gia ngày càng sâu vào WEF, mở ra cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh và vươn ra thị trường thế giới.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Tổng thống Cộng hòa Nauru; Đại sứ Vương quốc Na Uy
Chiều 28-6-2018, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi tiếp Tổng thống Cộng hòa Nauru, ngài Baron Divavesi Waqa, nhân dịp sang Việt Nam dự Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu.
Nhiệt liệt chào mừng Tổng thống Baron Divavesi Waqa đến Việt Nam tham dự Kỳ họp của Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu, cũng như hoan nghênh các Đoàn Nauru sang trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác, nhất là trong các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như trồng lúa, phát triển cây công nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, viễn thông. Cùng với đó, lãnh đạo cấp cao hai nước cần tranh thủ các diễn đàn đa phương để tiếp xúc, gặp gỡ nhằm tăng cường tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Hai bên cần xem xét, ký kết thỏa thuận hợp tác trong một số lĩnh vực cơ bản nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hợp tác song phương… Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị Nauru sớm cử Đại sứ kiêm nhiệm Việt Nam, khẳng định Việt Nam cũng sẽ xem xét cử Đại sứ Việt Nam kiêm nhiệm Nauru…
Bày tỏ vui mừng đến Việt Nam tham dự Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu, Tổng thống Baron Divavesi Waqa đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam tại Kỳ họp, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua, cho biết đây cũng là mục tiêu mà Naura đang hướng tới. Nhấn mạnh Nauru là một quốc gia biển, Tổng thống Baron Divavesi Waqa nêu ra một số lĩnh vực ưu tiên hợp tác với Việt Nam thời gian tới như: thủy sản, an ninh lương thực và đào tạo công nhân kỹ thuật. Tổng thống Baron Divavesi Waqa cho biết, Nauru ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và sẽ sớm có văn bản chính thức khẳng định sự ủng hộ.
Bày tỏ vui mừng đến Việt Nam tham dự Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu, Tổng thống Baron Divavesi Waqa đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam tại Kỳ họp, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua, cho biết đây cũng là mục tiêu mà Naura đang hướng tới. Nhấn mạnh Nauru là một quốc gia biển, Tổng thống Baron Divavesi Waqa nêu ra một số lĩnh vực ưu tiên hợp tác với Việt Nam thời gian tới như: thủy sản, an ninh lương thực và đào tạo công nhân kỹ thuật. Tổng thống Baron Divavesi Waqa cho biết, Nauru ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và sẽ sớm có văn bản chính thức khẳng định sự ủng hộ.
Cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi tiếp Đại sứ Vương quốc Na Uy tại Việt Nam Siren Gjerme Eriksen tới chào nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ công tác.
Phát biểu tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hài lòng nhận thấy quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Na Uy thời gian qua đã có những bước phát triển tốt đẹp; đánh giá cao Đại sứ Siren Gjerme Eriksen trong nhiệm kỳ của mình đã quan tâm thúc đẩy hợp tác song phương. Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ với Na Uy, đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực Bắc Âu; mong muốn Đại sứ Siren Gjerme Eriksen tiếp tục có những đóng góp tích cực vào việc củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam - Na Uy. Các bộ, ngành liên quan của Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Na Uy triển khai các thỏa thuận hai nước đạt được, qua đó thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng phát triển.
Đại sứ Na Uy Siren Gjerme Eriksen cảm ơn Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành Việt Nam đã tạo điều kiện hỗ trợ, giúp Đại sứ hoàn thành nhiệm kỳ công tác; đánh giá cao quan hệ thương mại hai nước thời gia qua đã đạt được những kết quả quan trọng; mong muốn hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực môi trường, hàng hải, chống biến đổi khí hậu và giáo dục. Đại sứ Siren Gjerme Eriksen nhấn mạnh, Na Uy mong muốn Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), qua đó mở ra quan hệ hợp tác giữa hai nước. Đại sứ đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong ASEAN, ASEM và Liên hợp quốc; nhấn mạnh mong muốn của Na Uy tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế./.
Đề nghị Brazil sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam  (03/07/2018)
Ban hành 28 văn bản quy phạm pháp luật trong tháng 5-2018  (03/07/2018)
Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam thăm và làm việc tại Panama  (03/07/2018)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith thăm Việt Nam  (03/07/2018)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên