Bộ luật Hình sự năm 2015 đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia trong tình hình mới

Thiếu tá, ThS. Phùng Văn Tài Trường Cao đẳng An ninh nhân dân I
21:36, ngày 28-03-2018

TCCSĐT - Bảo vệ an ninh quốc gia là một bộ phận quan trọng trong bảo vệ Tổ quốc - một trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Để bảo vệ an ninh quốc gia, Nhà nước sử dụng nhiều công cụ khác nhau, trong đó pháp luật hình sự là một trong những công cụ sắc bén hữu hiệu.



Trải qua các giai đoạn khác nhau, Nhà nước ta đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về các tội xâm phạm an ninh quốc gia phù hợp với yêu cầu của cách mạng trong từng thời kỳ. Từ Bộ luật Hình sự năm 1985 đến Bộ luật Hình sự năm 1999 và Bộ luật Hình sự năm 2015, Nhà nước ta đều dành chương đầu tiên trong Phần Các tội phạm để quy định về các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Điều đó cũng cho thấy phần nào ý nghĩa, tầm quan trọng của quy định về các tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Dưới góc độ thực tiễn, việc áp dụng pháp luật hình sự nói chung và Bộ luật Hình sự nói riêng về các tội xâm phạm an ninh quốc gia của các cơ quan và người có thẩm quyền để xử lý các vụ án hình sự thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Dưới góc độ nghiên cứu, các tội xâm phạm an ninh quốc gia không chỉ là một nội dung rất quan trọng trong chương trình Luật Hình sự ở các trường, nhất là với các trường trong lực lượng Công an nhân dân mà còn là một nội dung có lịch sử nghiên cứu, giảng dạy, học tập lâu đời, mang tính tay nghề, ngay từ những bài học đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân, gắn với việc điều tra, làm rõ các tổ chức và phần tử phản cách mạng (theo Sắc lệnh số 21/SL/1946 về tổ chức Tòa án quân sự và Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng, ngày 30-10-1967 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

So với Bộ luật Hình sự trước đây, Bộ luật Hình sự hiện tại có những điểm mới quan trọng, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh, phòng, chống tội phạm, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước trong giai đoạn mới.

Thứ nhất, về vị trí: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia trong Bộ luật Hình sự năm 1999 được quy định tại Chương XI, từ Điều 78 đến Điều 92, Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự. Trong Bộ luật Hình sự năm 2015, các tội xâm phạm an ninh quốc gia được quy định tại Chương XIII, từ Điều 108 đến Điều 122, Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự. Như vậy, sự thay đổi quan trọng về vị trí của các tội xâm phạm an ninh quốc gia trong Bộ luật Hình sự là chuyển từ quy định tại Chương XI trong Bộ luật Hình sự năm 1999 thành hẳn một chương mới - Chương XIII trong Bộ luật Hình sự năm 2015.

Thứ hai, về số lượng: Bộ luật Hình sự năm 2015 có 14 điều quy định về 14 tội và 01 điều quy định về hình phạt bổ sung. So với Bộ luật Hình sự năm 1999, số lượng điều luật vẫn giữ nguyên nhưng thực chất Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bỏ tội hoạt động phỉ (Điều 83 Bộ luật Hình sự năm 1999) đồng thời bổ sung thêm tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 120 Bộ luật Hình sự năm 2015).

Tuy nhiên, cần hiểu rằng, Bộ luật Hình sự năm 2015 không phi tội phạm hóa đối với hành vi hoạt động phỉ mà hành vi phạm tội này đã được quy định trong cấu thành của một số tội phạm cụ thể, ví dụ như: tội bạo loạn (Điều 112), tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113)... Theo Điều 112 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức hoặc cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân xảy ra ở bất cứ đâu, thành phố, đồng bằng, rừng núi, hải đảo... đều là hành vi thuộc mặt khách quan của tội bạo loạn và người thực hiện hành vi vi phạm phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bạo loạn nếu thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm này. Theo Điều 113 Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi xâm phạm tính mạng cán bộ, công chức hoặc người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân xảy ra ở bất cứ đâu đều là hành vi thuộc mặt khách quan của tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân và người thực hiện hành vi vi phạm phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân nếu thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm này.

Thứ ba, về tên tội (tội danh): Bộ luật Hình sự năm 2015 cơ bản vẫn giữ tên của các tội xâm phạm an ninh quốc gia như quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999; có ba sự thay đổi về tên tội trong 14 tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015:

- Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999), thành “tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015).

- Tội chống phá trại giam (Điều 90 Bộ luật Hình sự năm 1999), thành “tội chống phá cơ sở giam giữ” (Điều 119 Bộ luật Hình sự năm 2015).

- Bổ sung thêm 01 tội danh mới: “tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân” (Điều 120 Bộ luật Hình sự năm 2015).

Thứ tư, về nội dung: So với quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999, nội dung quy định về các tội xâm phạm an ninh quốc gia trong Bộ luật Hình sự năm 2015 có một số điểm mới sau:

- Trong tội phản bội Tổ quốc (Điều 108 Bộ luật Hình sự năm 2015), sửa đổi, bổ sung về quan hệ xã hội bị xâm phạm. Bộ luật Hình sự năm 2015 dùng từ “tiềm lực quốc phòng, an ninh” thay cho từ “lực lượng quốc phòng” như trong Điều 78 Bộ luật Hình sự năm 1999. Việc sửa đổi, bổ sung này vì các lý do sau:

Bảo vệ Tổ quốc tức là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Do đó, theo quy định của pháp luật hiện hành, bên cạnh Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cũng có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Hành vi xâm phạm đến tiềm lực an ninh cũng ảnh hưởng đến sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, xâm phạm đến Tổ quốc.

Trong điều kiện hiện nay với việc ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào hoạt động quốc phòng, an ninh, sức mạnh quốc phòng, an ninh không chỉ là sức mạnh của các yếu tố vật chất là con người, vũ khí, phương tiện và các cơ sở vật chất khác mà còn là các yếu tố phi vật chất như khoa học, kỹ thuật, công nghệ... phục vụ cho hoạt động quốc phòng, an ninh. Do đó, đã sửa “lực lượng” thành “tiềm lực” cho đầy đủ hơn, nâng cao hiệu quả bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

- Trong tội bạo loạn (Điều 112 Bộ luật Hình sự năm 2015) bổ sung thêm hành vi “cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân” vào mặt khách quan của tội bạo loạn. Việc bổ sung thêm hành vi này vào mặt khách quan của tội bạo loạn nhằm không bỏ lọt tội phạm khi đã bỏ tội hoạt động phỉ (Điều 83 Bộ luật Hình sự năm 1999) và phù hợp với thực tế: khi có bạo loạn, thường có hành vi cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân xảy ra.

- Trong tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113 Bộ luật Hình sự năm 2015), có những điểm sửa đổi, bổ sung như: Dùng từ “người khác” thay cho đối tượng là “công dân” trong Bộ luật Hình sự năm 1999. Đồng thời mở rộng phạm vi đối tượng là “khủng bố cá nhân, tổ chức nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế” thay cho “khủng bố người nước ngoài” như trong Bộ luật Hình sự năm 1999. Bổ sung thêm hành vi nguy hiểm cho xã hội trong mặt khách quan của tội phạm như: bổ sung thêm hành vi “phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân” vào khoản 1 Điều 113; bổ sung thêm các hành vi sau vào khoản 2 Điều 113: a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố; b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố; c) …. chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; d) Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Việc sửa đổi, bổ sung Điều 113 như trên nhằm không bỏ lọt tội phạm khi đã bỏ tội hoạt động phỉ (Điều 83 Bộ luật Hình sự năm 1999); đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa quy định về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân với quy định về tội khủng bố (Điều 299) và quy định của Luật phòng, chống khủng bố năm 2013 cũng như các điều ước quốc tế về chống khủng bố, tài trợ khủng bố mà Việt Nam là thành viên và đáp ứng yêu cầu phòng, chống khủng bố đặt ra trong thực tế những năm gần đây.

- Trong tội phá hoại chính sách đoàn kết (Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 2015), có sự sửa đổi, bổ sung như sau: Dùng từ diễn tả hành vi nguy hiểm cho xã hội là “Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây nhằm chống chính quyền nhân dân” thay cho từ “Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống chính quyền nhân dân” như trong Bộ luật Hình sự năm 1999; Dùng từ “tổ chức chính trị - xã hội” tại điểm a, c khoản 1 Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 2015 thay cho từ “tổ chức xã hội” như trong điểm a, c khoản 1 Điều 87 Bộ luật Hình sự năm 1999; Bổ sung thêm hành hành vi “gây ly khai dân tộc” vào điểm b khoản 1 Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 2015; bổ sung thêm hành vi “gây chia rẽ giữa người theo tôn giáo khác nhau” vào điểm c khoản 1 Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Việc sửa đổi, bổ sung nêu trên cho phù hợp thực tế diễn biến của loại hành vi phạm tội này, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm.

- Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi tên tội danh, từ “tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999) thành “tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015).

Đồng thời, Bộ luật Hình sự năm 2015 có một số điểm sửa đổi, bổ sung về hành vi nguy hiểm cho xã hội và đối tượng của tội phạm này như sau: Dùng từ hành vi “làm” thay cho hành vi “làm ra” như trong Bộ luật Hình sự năm 1999; Bổ sung thêm hành vi “phát tán hoặc tuyên truyền” vào mặt khách quan của tội phạm; Bổ sung đối tượng của tội phạm là “thông tin, tài liệu, vật phẩm” thay cho đối tượng là “các tài liệu, văn hoá phẩm” như trong Bộ luật Hình sự năm 1999.

Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng có sự phát triển quan trọng về kỹ thuật lập pháp trong việc thiết kế mô hình tội phạm đối với tội này theo hướng khái quát hóa hành vi nguy hiểm cho xã hội; phân biệt rõ hơn giữa hành vi nguy hiểm cho xã hội, thủ đoạn thực hiện hành vi, khách thể của tội phạm với đối tượng của tội phạm. Việc sửa đổi, bổ sung trong quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu trên để bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch của điều luật và quy định đầy đủ hơn loại hành vi phạm tội xảy ra trên thực tế, nhằm không bỏ lọt tội phạm, không để các thế lực thù địch lợi dụng chống Đảng, Nhà nước ta, đáp ứng yêu cầu phòng, chống đối với tội phạm này trong tình hình mới.

- Đối với tội chống phá cơ sở giam giữ (Điều 119 Bộ luật Hình sự năm 2015), có một số điểm sửa đổi, bổ sung so với tội chống phá trại giam (Điều 90 Bộ luật hình sự năm 1999) như: Đã diễn đạt nội dung của điều luật thống nhất, gắn với đối tượng mới là “cơ sở giam giữ”; Thay đổi một số từ chỉ hành vi nguy hiểm cho xã hội như: dùng từ “trốn khỏi” thay cho từ “vượt” và từ “trốn”; dùng từ “người bị giam giữ, người bị áp giải” thay cho từ “người bị giam, người bị dẫn giải”.

Việc sửa đổi, bổ sung nêu trên cho phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm; đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhất là sự đồng bộ, thống nhất giữa Bộ luật Hình sự với Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Thi hành án hình sự.

- Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung thêm tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 120 Bộ luật Hình sự năm 2015), với nội dung như: “Điều 120. Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân. Trong đó, 1. Người nào tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm. 2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. 3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Thực chất tội này được tách ra trên cơ sở hành vi của người tổ chức, người cưỡng ép, người xúi giục được quy định ở “tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân” của Bộ luật Hình sự năm 1999 (khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 1999). Việc sửa đổi, bổ sung nêu trên cho phù hợp thực tế diễn biến của loại hành vi phạm tội này, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm.

Thứ năm, về khung hình phạt: So với Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Hình sự năm 2015 có một số điểm sửa đổi, bổ sung như:

- Bổ sung thêm một khung hình phạt (một khoản) quy định về người chuẩn bị phạm tội đối với tất cả các tội xâm phạm an ninh quốc gia cụ thể. Hình phạt quy định đối với người chuẩn bị phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia phổ biến là “phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”; có 03 tội quy định “phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”, đó là các tội được quy định tại Điều 115, Điều 116 và Điều 118.

Như vậy, mức hình phạt này giảm hơn nhiều so với quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 (tại các Điều 17 và 52). Theo Bộ luật Hình sự năm 1999, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội là không quá hai mươi năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.

Việc bổ sung quy định về người chuẩn bị phạm tội đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia cụ thể có ý nghĩa quan trọng về nhận thức và áp dụng pháp luật trong xử lý các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia. Với quy định này cho phép chúng ta khẳng định một cách thống nhất rằng, các tội xâm phạm an ninh quốc gia cũng có các giai đoạn thực hiện tội phạm và đối với các trường hợp phạm tội xảy ra trên thực tế, cơ quan và người có thẩm quyền phải xác định giai đoạn đối với tội phạm mà người đó đã thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hay phạm tội chưa đạt hay tội phạm hoàn thành để giải quyết cho đúng đắn.

- Về khung hình phạt của các tội xâm phạm an ninh quốc gia trong Bộ luật Hình sự năm 2015, cơ bản được giữ như ở Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên, một số khung hình phạt của các tội xâm phạm an ninh quốc gia cụ thể có sự điều chỉnh theo hướng thu hẹp khoảng cách giữa mức hình phạt cao nhất với mức hình phạt thấp nhất; giữa các khung hình phạt với nhau. Việc điều chỉnh này để đảm bảo sự liên tục của các khung hình phạt và phù hợp với quy định về các loại tội phạm, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật thống nhất, khách quan, tránh việc áp dụng pháp luật một cách tùy tiện, nhất là việc áp dụng mức hình phạt.

Cụ thể có một số điểm sửa đổi: Khoản 2 Điều 109 Bộ luật Hình sự năm 2015: “phạt tù từ 05 năm đến 12 năm”, so với trước đây là “phạt tù từ 05 năm đến 15 năm” (khoản 2 Điều 79 Bộ luật Hình sự năm 1999); Khoản 2 Điều 113 Bộ luật Hình sự năm 2015: “phạt tù từ 10 năm đến 15 năm”, so với trước đây là “phạt tù từ 05 năm đến 15 năm” (khoản 2 Điều 84 Bộ luật Hình sự năm 1999); Khoản 3 Điều 113 Bộ luật Hình sự năm 2015: “phạt tù từ 05 năm đến 10 năm”, so với trước đây là “phạt tù từ 02 năm đến 07 năm” (khoản 3 Điều 84 Bộ luật Hình sự năm 1999); Khoản 1 Điều 115 Bộ luật Hình sự năm 2015: “phạt tù từ 07 năm đến 15 năm”, so với trước đây là “phạt tù từ 07 năm đến 12 năm” (khoản 1 Điều 86 Bộ luật Hình sự năm 1999); Khoản 2 Điều 115 Bộ luật Hình sự năm 2015: “phạt tù từ 03 năm đến 07 năm”, so với trước đây là “phạt tù từ 02 năm đến 07 năm” (khoản 2 Điều 86 Bộ luật Hình sự năm 1999); Khoản 1 Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 2015: “phạt tù từ 07 năm đến 15 năm”, so với trước đây là “phạt tù từ 05 năm đến 15 năm” (khoản 1 Điều 87 Bộ luật Hình sự năm 1999); Khoản 1 Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015: “phạt tù từ 05 năm đến 12 năm”, so với trước đây là “phạt tù từ 03 năm đến 12 năm” (khoản 1 Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999); Bỏ hình phạt tù chung thân ở khoản 2 Điều 121 Bộ luật Hình sự năm 2015 (phạt tù từ 12 năm đến 20 năm), so với trước đây là “phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân” (khoản 3 Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 1999).

Trên đây là những điểm mới trong quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 so với quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009) về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xin được nêu ra để trao đổi cùng bạn đọc, góp phần tìm hiểu và thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015./.

Tài liệu tham khảo:

Bộ Công an, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (2016), Những nội dung cơ bản của các bộ luật, luật được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp lần thứ 10, Hà Nội.

Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2005), Luật An ninh quốc gia, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2010), Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ luật Hình sự, Số 100/2015/QH13.

Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, Số 12/2017/QH14.