TCCSĐT - Năm 2017 là một năm chứng kiến những hoạt động đối ngoại sôi động, thành công và ghi đậm nhiều dấu ấn của Việt Nam. Bước sang năm 2018, các kênh đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hứa hẹn sẵn sàng cho những thử thách trong năm tới và sẽ tiếp tục phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ đất nước, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc. Trong những ngày Xuân Mậu Tuất, chúng ta cùng điểm lại một số hoạt động đối ngoại nổi bật của Việt Nam trong năm vừa qua.
Năm APEC Việt Nam 2017

Trong năm 2017, sự kiện đối ngoại lớn nhất của Việt Nam là đảm nhận vai trò chủ nhà của Hội nghị Cấp cao các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Việc Việt Nam lần thứ hai đăng cai tổ chức năm APEC trong vòng hơn 10 năm qua là một minh chứng sinh động cho sự tín nhiệm của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam cũng như nỗ lực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của ta.

Trong toàn bộ 243 hoạt động mà Việt Nam tổ chức trong Năm APEC 2017 đã có hơn 21.000 đại biểu tham dự, riêng Tuần lễ Cấp cao khoảng 11.000 người - là con số đông nhất những kỳ gần đây. Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, Năm APEC 2017, mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng, đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện, đưa Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới.

Tuần lễ Cấp cao đã thông qua 08 văn kiện quan trọng. Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao do Việt Nam chủ trì soạn thảo được các thành viên đánh giá là ngắn gọn, cô đọng, mang tầm chiến lược và có những ngôn ngữ mạnh mẽ về ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ, mà trước đó Hội nghị G20 cũng không đạt được.

Trong suốt năm APEC 2017, Việt Nam đã đạt được tất cả các mục tiêu lớn đề ra, nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của mình, tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nền kinh tế APEC, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp APEC và quảng bá tiềm năng phát triển, kinh doanh của Việt Nam. Riêng trong Tuần lễ Cấp cao, Việt Nam đã ký tổng cộng 121 thỏa thuận hợp tác, hợp đồng với các đối tác có tổng trị giá gần 20 tỉ USD.

Các chuyến thăm cấp cao quan trọng

Năm 2017 là năm chứng kiến một loạt chuyến thăm chính thức lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và các nước, trong đó nổi bật là chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 12 đến ngày 15-01-2017 là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước kể từ sau Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam và sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức xác lập vị trí hạt nhân lãnh đạo của đồng chí Tập Cận Bình và chuẩn bị cho Đại hội XIX. Chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định hướng lâu dài cho quan hệ hai Đảng, hai nước. Hai bên nhất trí về các định hướng lớn nhằm tăng cường tin cậy chính trị, củng cố hữu nghị, thúc đẩy hợp tác; duy trì cục diện hòa bình, hữu nghị và đà phát triển lành mạnh, ổn định giữa hai nước.

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, từ ngày 12 đến ngày 13-11-2017, cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau Đại hội lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần này đã thành công tốt đẹp; kết quả chuyến thăm sẽ được phổ biến, quán triệt trong toàn Đảng Cộng sản Trung Quốc, làm sâu sắc hơn nữa nhận thức trong Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc về quan hệ Trung - Việt.

Từ ngày 29 đến ngày 31-5-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Mỹ theo lời mời của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây là chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị người đứng đầu Chính phủ và là tiếp xúc đầu tiên giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam - Mỹ kể từ khi hai nước có ban lãnh đạo mới.

Từ ngày 11 đến ngày 12-11-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Donald Trump tới Việt Nam và diễn ra ngay trong năm cầm quyền đầu tiên. Tổng thống Donald Trump khẳng định, qua 3 thập kỷ Mỹ và Việt Nam đã gắn kết dần với nhau để tìm ra được những mục tiêu chung, những lợi ích chung, và ông tới Việt Nam để tái khẳng định những gắn kết đó.

Tổ chức thành công Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào -Việt Nam và Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia 2017

Năm 2017 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nhân dân hai nước Việt Nam và Lào. Hàng trăm hoạt động phong phú, sinh động đã được tổ chức để kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (05-9-1962 - 05-9-2017) và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18-7-1977 - 18-7-2017). Hai bên đã trao đổi gần 300 đoàn các cấp, trong đó có 12 đoàn cấp cao, 60 đoàn cấp Thứ trưởng trở lên. Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith khẳng định, mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong dày công gây dựng, gìn giữ, được nhiều thế hệ lãnh đạo tiếp tục vun đắp và phát triển và nay đã trở thành tài sản chung vô giá, là quy luật tồn tại và phát triển của hai nước, là yếu tố quyết định thắng lợi sự nghiệp cách mạng của mỗi nước.

Cùng với đó, Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2017 cũng là năm hai nước đã phối hợp tổ chức thành công gần 70 hoạt động kỷ niệm có ý nghĩa từ cấp trung ương đến địa phương, nhất là các hoạt động tại hai Thủ đô Hà Nội và Phnôm Pênh; trao đổi khoảng gần 100 đoàn các cấp nhân kỷ niệm 64 năm Quốc khánh Vương quốc Campuchia (09-11-1953 - 09-11-2017) và 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (24-6-1967 - 24-6-2017). Nhân dịp này, lãnh đạo cấp cao hai nước đã trao đổi thư chúc mừng trong đó khẳng định quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trong 50 năm qua là tài sản vô giá cần tiếp tục giữ gìn và vun đắp vì lợi ích chung của dân tộc, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Các nhà lãnh đạo Campuchia khẳng định Campuchia sẽ mãi mãi ghi nhớ sự giúp đỡ, hy sinh của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng nhân dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng.

Dấu mốc 40 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc

Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc ngày 20-9-1977. Kể từ đó, quan hệ của Việt Nam với tổ chức này ngày càng phát triển. Trong 40 năm gia nhập Liên hợp quốc, vị thế của Việt Nam đã thay đổi nhiều. Từ một nước nhận viện trợ ODA đơn thuần, Việt Nam, trở thành thành viên có nhiều đóng góp tích cực trong nhiều vấn đề như tham gia gìn giữ hoà bình cho tới các hoạt động chính trị, văn hoá của Liên hợp quốc, góp phần giải quyết các vấn đề chung toàn cầu. Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Năm 2018, Việt Nam sẽ ứng cử vào vị trí thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và 22 năm Việt Nam gia nhập tổ chức này


Trong nửa thế kỷ qua, vượt qua nhiều thăng trầm, ASEAN đã vươn lên từ một tổ chức nhỏ bé ban đầu trở thành một cộng đồng đoàn kết, vững mạnh gồm 10 nước Đông Nam Á, hoạt động trên cơ sở Hiến chương ASEAN gắn kết toàn diện, sâu rộng trên các trụ cột: Chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội”. Với hơn 630 triệu dân, nền kinh tế có tổng GDP 2.600 tỉ USD/năm, đứng thứ 6 thế giới, cùng môi trường hòa bình ổn định, ASEAN là một điểm sáng về hợp tác kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Những thành quả ASEAN đạt được trong 50 năm qua đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của ASEAN và hướng tới thực hiện thành công tầm nhìn ASEAN 2025.

Đối với Việt Nam, việc gia nhập ASEAN cách đây 22 năm là một trong những điểm đột phá đầu tiên để triển khai phương châm đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa mà Ðại hội Ðảng lần thứ VII đã đề ra. Tuy không phải là thành viên sáng lập, nhưng từ khi gia nhập tổ chức khu vực này, Việt Nam đã ngày càng chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của ASEAN với tinh thần trách nhiệm, được các nước đánh giá cao, cùng ASEAN không ngừng củng cố và thúc đẩy môi trường hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển ở khu vực. Trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết và thịnh vượng, Việt Nam đã một lần nữa khẳng định vai trò và vị thế quốc tế của mình.

Bảo đảm các lợi ích của Việt Nam trong các cuộc đàm phán thương mại

Chúng ta đã tiếp tục chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát huy vai trò trong các mối liên kết và hợp tác kinh tế khu vực và quốc tế, hoàn thành tốt nhiệm vụ đối ngoại phục vụ phát triển của đất nước. Các hoạt động đối ngoại và hội nhập đã quán triệt rộng rãi Nghị quyết 06 của Trung ương khoá XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Việt Nam đã cùng các nước thành viên kiên trì nền tảng để tiếp tục thảo luận hướng tới một Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ (CPTPP), bảo đảm các lợi ích của Việt Nam. Chúng ta cũng đang cùng các nước tích cực thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao vận động và thúc đẩy Liên minh châu Âu đưa Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sớm ký chính thức, tiến hành phê chuẩn và triển khai thực hiện.

Lãnh đạo các nước đối tác cũng nhất trí cùng Việt Nam triển khai một cách hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu, Việt Nam - Hàn Quốc.

Hiệu ứng từ tiềm năng tăng trưởng, từ các quyết tâm cải cách và hội nhập của Việt Nam thể hiện qua các hoạt động đối ngoại đa dạng, cùng các biện pháp quyết liệt xây dựng một Chính phủ kiến tạo đã góp một phần giúp cho các mối quan hệ kinh tế của chúng ta với các đối tác được tăng cường, các chỉ tiêu kinh tế đối ngoại của ta đều đạt và vượt mục tiêu.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 425 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 13 triệu lượt người (tăng 30% so với năm trước). Riêng trong dịp Tuần lễ Cấp cao APEC đã có 121 thoả thuận được ký kết với tổng trị giá 20 tỷ USD. Đến nay chúng ta đã vận động được tổng cộng 69 nước công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vận động rất tích cực nhằm mở cửa thị trường các nước cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam


Trong năm 2017, công tác đối ngoại đã tiếp tục góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo đảm ổn định chính trị, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Các hoạt động đối ngoại quốc phòng - an ninh được đẩy mạnh, hợp tác về quốc phòng - an ninh với các nước đối tác ngày càng hiệu quả, đóng góp tích cực vào việc tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước. Chúng ta đã cùng với Lào đã hoàn thành kế hoạch tăng dày và tôn tạo mốc giới, cùng Campuchia hoàn thành 84,6% khối lượng công việc phân giới, cắm mốc biên giới trên bộ, cùng Trung Quốc và Lào triển khai hiệu quả các văn kiện về quản lý biên giới và cửa khẩu.

Bên cạnh đó, Việt Nam cùng các nước ASEAN và Trung Quốc chủ động thúc đẩy và nhất trí thông qua Khung Bộ quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC) và chính thức khởi động đàm phán COC. Ta thúc đẩy đàm phán và trao đổi về các vấn đề trên biển với các nước trong khu vực, đồng thời kiên quyết và kiên trì đấu tranh với các hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo của ta. Chúng ta kiên quyết đấu tranh với các ý đồ xuyên tạc vấn đề dân chủ, nhân quyền và tôn giáo để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy các cơ chế đối thoại về nhân quyền, trao đổi thẳng thắn trên tinh thần xây dựng nhằm tăng cường hiểu biết, giảm bớt khác biệt và nhằm thúc đẩy quan hệ ổn định với các nước.

Ngoài ra, trong năm qua công tác đối ngoại cũng đã được triển khai toàn diện, hiệu quả và đạt nhiều kết quả trên nhiều lĩnh vực quan trọng khác. Ta đã tranh thủ quan hệ và hợp tác tốt với các nước để đẩy mạnh việc bảo hộ công dân, ngư dân, bảo vệ địa vị pháp lý cho hơn 5.500 công dân và đưa gần 2.000 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước.

Ngoại giao văn hoá, thông tin đối ngoại tiếp tục nỗ lực nâng cao hình ảnh Việt Nam trên quốc tế. Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhiều hoạt động phong phú, thiết thực như Xuân Quê hương, Trại hè Việt Nam, kiều bào thăm Trường Sa, diễn đàn khởi nghiệp thanh niên người Việt... đã góp phần gắn kết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với đất nước.

Có thể nói, ngoại giao Việt Nam trong năm 2018 và các năm tới sẽ tiếp tục được triển khai đồng bộ cùng với các nhiệm vụ đối ngoại; tiếp tục phát huy thành công của Năm APEC Việt Nam và của mối các quan hệ song phương, đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững hơn nữa; triển khai các định hướng đối ngoại đa phương, chuẩn bị cho vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Việt Nam cũng sẽ ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021; kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia; triển khai mạnh Nghị quyết 06 về nâng cao hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và sự hiệp đồng chặt chẽ của các binh chủng, các kênh đối ngoại, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, ngoại giao Việt Nam sẵn sàng cho mọi thử thách trong năm tới và sẽ tiếp tục phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ đất nước, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc./.