Đất nước tiến lên nhưng không để ai bị bỏ lại phía sau
Cơ hội đến từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp cũng là những điều mà Phó Thủ tướng đặt niềm tin cho sự phát triển của đất nước trong tương lai.
Thưa Phó Thủ tướng, kinh tế năm 2017 được đánh giá là thành công với mức tăng trưởng "ngoạn mục" 6,81%. Mỗi người dân được thụ hưởng thành quả này như thế nào?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Theo tôi, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế có ý nghĩa hết sức quan trọng. Có tăng trưởng mới duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế cũng như tạo việc làm, thu nhập và bảo đảm an sinh xã hội.
Cùng với đó, việc đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng cũng sẽ giúp đảm bảo chỉ tiêu an toàn nợ công, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu ngân sách, đảm bảo các mục tiêu chi, đầu tư xây dựng. Từ đó, đời sống người dân được cải thiện.
Tăng trưởng cao hơn cũng giúp Việt Nam dần rút ngắn khoảng cách so với các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Những thành quả trong lĩnh vực kinh tế, ngân sách đã góp phần tăng cường nguồn lực cho Nhà nước, Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Thực tế, Chính phủ đang triển khai có hiệu quả 2 chương trình mục tiêu quan trọng là giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau, không ai đứng ngoài việc thụ hưởng các thành tựu tăng trưởng.
Nói cách khác, để mọi người đều được hưởng lợi từ tăng trưởng thì Việt Nam cần phải tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, phải tăng trưởng "bao trùm", nghĩa là đất nước phải tiến lên phía trước nhưng không để ai bị bỏ lại phía sau.
Một điểm sáng của nền kinh tế năm qua là thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ tạo điều kiện thuận lợi thế nào cho việc bán vốn tại doanh nghiệp nhà nước?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Thị trường chứng khoán Việt Nam năm qua khép lại với chỉ số VN-Index đóng cửa ngày 29-12-2017 là 984,24 điểm, tăng 48% so với cuối năm 2016 và là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Đến ngày 12-01 chỉ số này đã vượt 1.050 điểm, đưa Việt Nam cùng với Mông Cổ là hai thị trường đạt tốc độ tăng trưởng tốt nhất khu vực châu Á.
Bên cạnh ảnh hưởng tích cực từ kinh tế thế giới, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước là nền tảng quan trọng, tạo niềm tin và sự hứng khởi cho các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán, hỗ trợ và thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường.
Hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết nhìn chung khởi sắc. Kết quả xử lý nợ xấu cũng rất tích cực. Trong năm 2017 hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 70.000 tỷ nợ xấu, tăng 40% so với 2016. Thanh khoản và lãi suất ổn định nên nhóm các doanh nghiệp niêm yết thuộc khối ngân hàng có sự cải thiện rõ rệt, tác động dẫn dắt thị trường.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng khá đều. Trong đó các nhà đầu tư nước ngoài tham gia rất tích cực vào các đợt cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước như tại Vinamilk, Sabeco, Idico... cũng như các đợt IPO các doanh nghiệp tư nhân lớn. Trên thị trường thứ cấp, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài rất sôi động và tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu có vốn hóa lớn trên thị trường.
Tuy nhiên, sự tăng mạnh về quy mô và chỉ số của thị trường chứng khoán cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp cần cùng với Chính phủ và các cơ quan quản lý tiếp tục theo dõi, nghiên cứu để có các quyết định phù hợp.
Năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đã có nhiều cải thiện đáng kể nhưng vẫn kém xa nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Trong số 13 chỉ tiêu Quốc hội giao, chưa có chỉ tiêu nào phản ánh "Năng suất lao động của nền kinh tế". Phó Thủ tướng chia sẻ gì về điều này?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Theo tôi, việc so sánh năng suất lao động giữa các nước cần phải dựa trên các chỉ tiêu thống kê, phân tích phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế và do cơ quan thống kê quốc gia công bố chính thức.
Thực tế là năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn khá thấp, chênh lệch với các nước. Nếu không có những cải cách căn bản để tăng năng suất, Việt Nam có nguy cơ tụt hậu so với các nền kinh tế trong khu vực và rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Năng suất lao động thấp của Việt Nam có thể được lý giải từ mấy nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất, cơ cấu lao động còn bất hợp lý, chuyển dịch cơ cấu lao động chưa tương thích với chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Tỷ trọng lao động trong nông lâm nghiệp và thủy sản hiện còn cao so với các nước trong khu vực. Tỷ lệ này là 40,3% trong khi tỷ lệ đóng góp vào mức tăng trưởng GDP năm 2017 chỉ là 0,44 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó tỷ lệ lao động có việc làm ở khu vực phi chính thức ở mức khá cao. Việt Nam hiện có hơn 18 triệu lao động đang làm các công việc phi chính thức.
Thứ hai, chất lượng lao động còn thấp. Hai ngành sử dụng lao động lớn là ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp chế biến, chế tạo thì tỷ lệ lao động đã qua đào tạo lại rất thấp (4,1% và 18,5%). Nhân lực được đào tạo trong các ngành kỹ thuật - công nghệ còn chiếm tỷ trọng thấp.
Thứ ba, năng suất lao động của doanh nghiệp trong các ngành kinh tế thấp. Vấn đề năng suất và nâng cao năng suất chưa được chú trọng tại nhiều doanh nghiệp.
Chính phủ đã xác định năng suất là một yếu tố then chốt cho phát triển kinh tế. Trong chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020, chỉ tiêu năng suất lao động, tỷ trọng đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tốc độ tăng trưởng chung làm chỉ tiêu giám sát và đánh giá phát triển bền vững. Chính phủ cũng đang triển khai nhiều giải pháp để cải thiện năng suất lao động trong năm 2018.
Thời kỳ dân số vàng và bài toán năng suất lao động khiến chúng ta đứng trước rất nhiều áp lực. Nhiều người dùng những từ như "tụt hậu", "chưa giàu đã già" để cảnh báo. Trong ngắn hạn, Chính phủ sẽ có những hành động cụ thể gì nâng cao năng suất lao động, không để tuột mất cơ hội?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Đúng là trong thời gian dài, Việt Nam đã dựa vào nguồn lao động trẻ, dồi dào để thu hút đầu tư và đẩy mạnh tăng trưởng. Tuy nhiên, lợi thế đó sẽ giảm đi rõ rệt trong thời gian tới khi tốc độ tăng lao động đang giảm đáng kể. Tốc độ tăng số lao động đang làm việc có xu hướng giảm, chỉ còn 1% kể từ năm 2015.
Vì vậy, đến giai đoạn hiện nay, tăng trưởng kinh tế không thể dựa trên tăng số lượng lao động mà phải dựa vào tăng năng suất lao động.
Chính phủ đã xác định các hành động thực hiện ngay trong ngắn hạn để nắm bắt cơ hội của thời kỳ dân số vàng. Cụ thể, việc cải cách trong giáo dục đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề cần thực hiện ngay để giải quyết vấn đề lao động việc làm theo nhu cầu của thị trường.
Thứ hai, tập trung vào lực lượng lao động trẻ, tạo các cơ hội phát triển kỹ năng, bắt kịp các thay đổi của nền kinh tế tri thức và cách mạng công nghiệp 4.0, chuẩn bị các điều kiện về nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hoá.
Thứ ba, tạo các điều kiện tăng việc làm, đa dạng hóa ngành nghề và hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề ở khu vực nông thôn theo nhu cầu của thị trường lao động phù hợp với từng địa phương.
Thứ tư, đầu tư và hỗ trợ cho các ngành nghề, lĩnh vực tạo giá trị gia tăng cao và có tác động lan tỏa về công nghệ và năng suất.
Ngoài ra, Chính phủ đã xây dựng chương trình đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp. Các bộ, ngành cần hành động theo hướng tạo động lực giúp cho người lao động nhận thức được vai trò cá nhân trong từng doanh nghiệp phát huy sáng kiến, đổi mới vì mục tiêu tăng năng suất, tạo giá trị gia tăng.
Bên cạnh đó, kỹ năng lao động của công nhân, quản lý cần được nâng cao, mang tính chuyên nghiệp hơn thông qua đào tạo kỹ năng, đào tạo tay nghề phù hợp với xu hướng mới của thị trường và của khách hàng.
Phó Thủ tướng nhận định thế nào về sự lớn mạnh của doanh nghiệp nội địa? Là tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu hay là sự thay thế "hoàn hảo" vào các lĩnh vực thoái lui của doanh nghiệp Nhà nước?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Hiện kinh tế tư nhân có những đóng góp rất quan trọng trong phát triển đất nước, từ ngân sách, tạo việc làm đến góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Vai trò và vị thế của thành phần kinh tế tư nhân ngày càng được nâng cao, số lượng cũng tăng rất mạnh.
Năm 2017 ghi nhận một quá trình doanh nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế của mình ngay trên sân nhà với số lượng tăng đáng kể. Cộng đồng doanh nghiệp nội địa ngày càng lớn mạnh cùng với sự khuyến khích, tạo điều kiện của Chính phủ.
Trong quá trình lớn mạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Hiện nay số lượng chưa nhiều nhưng đã có những doanh nghiệp đang từng bước nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ này.
Theo báo cáo của Samsung, đến hết tháng 7-2017, có 215 doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi cung ứng cho các nhà máy của đơn vị này tại Việt Nam, trong số đó có 25 doanh nghiệp cấp 1 (cung cấp trực tiếp) và 190 doanh nghiệp cấp 2.
Đảng và Nhà nước ta cũng đã có chủ trương khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hóa, thoái vốn. Ngoài ra có các giải pháp để xây dựng các chính sách tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia vào quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.
Vấn đề thoái vốn của các doanh nghiệp Nhà nước trong năm vừa qua ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực với các thương vụ lớn gây tiếng vang, thể hiện quyết tâm của Nhà nước, của Chính phủ tạo sân chơi rộng hơn cho cả doanh nghiệp nội và ngoại nhìn thấy cơ hội.
Thời gian tới, Chính phủ cam kết sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng bình đẳng, minh bạch, an toàn và thân thiện, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thuận lợi.
Dù vậy, doanh nghiệp vừa và nhỏ, lực lượng quan trọng trong nền kinh tế, vẫn gặp rất nhiều khó khăn, bị đối xử không công bằng... và bị xem là nhóm yếu thế?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Chúng ta có nhiều cải thiện trong môi trường kinh doanh, trong đó tạo dựng hàng loạt cơ chế chính sách cho doanh nghiệp, bao gồm nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, cũng không phủ nhận việc chúng ta chưa tạo ra những đột phá thực sự.
Phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn. Chưa giải quyết triệt để sự chưa thống nhất, đồng bộ giữa các Luật Bảo vệ môi trường, Đất đai, Xây dựng, Đấu thầu… gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Công tác tổ chức đối thoại với doanh nghiệp đã được thực hiện nhiều nhưng còn nặng về hình thức. Các địa phương chỉ bước đầu ghi nhận vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, chưa giải quyết dứt điểm, thỏa đáng.
Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã được triển khai ở nhiều địa phương nhưng giải quyết hồ sơ vẫn còn chậm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, khai thác và công khai các thủ tục hành chính ở địa phương chưa nhịp nhàng, hiệu quả.
Năng lực và phẩm chất của công chức một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo. Doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra nhiều lần trong một năm, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Khả năng tiếp cận các nguồn lực như vốn, đất đai, tài nguyên, khoáng sản… của doanh nghiệp rất khó khăn. Đó là chưa kể chi phí vốn, hạ tầng, giá đất, chi phí logistic, tiền lương, bảo hiểm, giao dịch, tuân thủ thủ tục vẫn còn cao.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ thực hiện các giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thúc đẩy khởi nghiệp.
Cụ thể như thế nào, thưa Phó Thủ tướng?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Chính phủ sẽ thúc đẩy phát triển các hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường. Liên kết giữa kinh tế tư nhân với kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan tỏa rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại.
Chính phủ sẽ có các biện pháp hiệu quả nhằm ngăn ngừa thái độ phân biệt đối xử, đặc biệt là trong đội ngũ cán bộ, công chức, tăng cường giáo dục để thay đổi tư duy khi phục vụ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó là tạo thuận lợi để các hộ và cá nhân tự nguyện liên kết hình thành doanh nghiệp hoặc các hình thức tổ chức hợp tác khác. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Ngoài ra, Chính phủ cũng xây dựng chương trình và lộ trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tạo kênh vốn cho các hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Rà soát, đề xuất sửa đổi quy định các loại thuế, quản lý thuế, hải quan theo hướng liên thông để giảm thủ tục, thời gian và chi phí thực hiện.
Tăng cường tiếp cận tín dụng như giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên hay hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng là những giải pháp sẽ thực thi.
Về thủ tục, Chính phủ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục về đất đai, xây dựng; chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người dân. Rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí.
Chính phủ khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ trong doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp nhận thức đúng về Cách mạng công nghiệp 4.0.
Năm vừa qua chúng ta nói rất nhiều đến cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới từng nói chưa bao giờ nhân loại có nhiều cơ hội cũng như rủi ro đến vậy. Từ góc độ Chính phủ Việt Nam, chúng ta sẽ tiếp cận cuộc cách mạng này bằng hành động cụ thể gì?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam như nâng cao trình độ công nghệ, sức cạnh tranh, tạo ra các cơ hội đầu tư hấp dẫn. Nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức, tác động tiêu cực như nguy cơ tụt hậu về công nghệ, dư thừa lao động trình độ thấp.
Ngày 04-5-2017, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 để chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực.
Theo tôi, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương triển khai bước đầu các giải pháp, nhiệm vụ này và đạt được một số kết quả tích cực.
Về phát triển hạ tầng, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) - truyền thông, hạ tầng kết nối số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, Việt Nam đã dần được ghi nhận trên bản đồ thế giới.
Hạ tầng truyền thông phục vụ cho Chính phủ, doanh nghiệp và người dân được phát triển mạnh mẽ. Các tiền đề cho việc phát triển của các dịch vụ Internet vạn vật tại Việt Nam được bảo đảm.
Môi trường kinh doanh tiếp tục cải thiện, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, xây dựng Chính phủ điện tử, đơn giản hóa và hiện đại hóa thủ tục hành chính.
Song song với đó là việc đề xuất xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm, lựa chọn phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của quốc gia; tập trung thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, đổi mới cơ chế đầu tư, tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đến nay, Việt Nam có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 24 cơ sở ươm tạo, 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh và hơn 40 khu làm việc chung. Năm 2017, đã có hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đã có hoạt động tại Việt Nam.
Các chính sách, nội dung giáo dục và dạy nghề đang được thay đổi mạnh mẽ theo hướng thích ứng với các công nghệ mới, trong đó tập trung vào đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trong giáo dục phổ thông.
Cuối cùng là việc tuyên truyền rộng rãi và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hàng loạt các sự kiện tuyên truyền cũng như các hội thảo chuyên sâu đã được Ban Kinh tế Trung ương và các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp tổ chức.
Các hoạt động nhằm thông tin, giúp người dân, doanh nghiệp nhận thức đúng về Cách mạng công nghiệp 4.0 qua đó làm rõ cơ hội và thách thức. Các bộ, ngành, địa phương đã có những cơ sở nhất điều chỉnh chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm, lựa chọn phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược phù hợp với xu hướng.
- Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!
Công tác Công an là hành trình không ngơi nghỉ, mỗi giai đoạn đều đặt ra những thách thức đòi hỏi phải vượt qua*  (18/02/2018)
Tạo sức lan tỏa, thắt chặt tình cảm quân - dân  (17/02/2018)
Kết nối doanh nhân, trí thức kiều bào tham gia phát triển đất nước  (17/02/2018)
Công tác bảo hộ công dân nước ngoài năm 2017 có nhiều nổi bật  (17/02/2018)
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
- Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Thực tiễn và vấn đề đặt ra hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên