APEC: Động lực tăng trưởng, nhân tố thúc đẩy ổn định và an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương
TCCSĐT - Là một cơ chế hợp tác đa phương hàng đầu trong tổng thể cấu trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) có những đóng góp quan trọng trong việc tăng cường hợp tác, thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng ở khu vực, góp phần bảo đảm ổn định, củng cố môi trường an ninh khu vực.
APEC trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Quá trình dịch chuyển trung tâm quyền lực địa - chính trị, địa - kinh tế toàn cầu sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã manh nha từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, xu thế này diễn ra với mức độ mạnh mẽ và rõ ràng hơn. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang ngày càng trở nên quan trọng trong “ván cờ” quyền lực toàn cầu, thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các trung tâm quyền lực lớn, các cường quốc thế giới.
Sự dịch chuyển trung tâm quyền lực toàn cầu sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương có những tác động quan trọng đối với tiến trình vận động và phát triển của cấu trúc an ninh khu vực. Các liên minh song phương do Mỹ chi phối tiếp tục tồn tại, các cơ chế hợp tác an ninh đa phương nhất là các cơ chế do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đóng vai trò “trung tâm” ngày càng phát triển, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, vai trò nền kinh tế lớn của Nhật Bản, sự khôi phục và phát triển mạnh mẽ của Nga cùng với sự vươn mình của Ấn Độ là những nét lớn chi phối xu thế vận động cũng như tiến trình phát triển của cấu trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Được thành lập vào ngày 06-11-1989 với mục tiêu xuyên suốt là mở rộng và thúc đẩy liên kết, hợp tác kinh tế khu vực, APEC ngày nay trở thành cơ chế hợp tác kinh tế đa phương có quy mô lớn nhất tại khu vực, gồm 21 thành viên trong đó có sự góp mặt của nhiều nền kinh tế mạnh và năng động, chiếm 39% dân số, 70% nguồn tài nguyên thiên nhiên của thế giới; đóng góp 57% GDP và 49% thương mại toàn cầu (1). Hơn thế nữa, sự phong phú, đa dạng về kinh tế, văn hóa, chính trị của liên kết này cũng tạo điều kiện cho APEC phát triển mạnh hơn.
Mục tiêu dài hạn của APEC được nêu rõ trong Tuyên bố Bô-gô (năm 1994) giữa các nhà lãnh đạo khu vực, đó là “thương mại, đầu tư tự do và thông thoáng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2010 đối với các thành viên APEC phát triển và năm 2020 đối với các thành viên APEC đang phát triển”. Để đạt được mục tiêu này, hoạt động của APEC dựa trên ba trụ cột chính: tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh, hợp tác kinh tế và kỹ thuật.
Trong gần ba thập niên tồn tại và phát triển, APEC có những đóng góp quan trọng trong việc hiện thực hóa Mục tiêu Bô-gô, thúc đẩy tự do hóa, tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại và đầu tư giữa các nước trong khu vực. Không chỉ là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu, APEC còn là nơi để các quốc gia bàn thảo về các vấn đề an ninh thiết yếu ở khu vực, như khủng bố và chống khủng bố, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và an ninh môi trường, ứng phó với tình trạng khẩn cấp.
Như vậy, cùng với các cơ chế hợp tác khác trong tổng thể cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, APEC đã có những đóng góp quan trọng và thiết thực, góp phần xây dựng một cấu trúc hợp tác khu vực đa tầng nấc, duy trì vai trò của châu Á - Thái Bình Dương như một động lực thúc đẩy tiến trình tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.
Vai trò của APEC đối với an ninh và phát triển ở khu vực
Thứ nhất, APEC có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại giữa các quốc gia trong khu vực, góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển và thịnh vượng ở khu vực.
Mục tiêu nền tảng quan trọng đặt nền móng cho sự ra đời của APEC là thực hiện đối thoại chính sách nhằm hạn chế các tác động tiêu cực của chủ nghĩa cô lập khu vực, thúc đẩy quá trình tự do hóa thương mại, làm động lực thúc đẩy các vòng đàm phán trong khuôn khổ Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch (GATT)/Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Là một diễn đàn đối thoại hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện, linh hoạt, đồng thuận và cùng phát triển, nên những cam kết trong khuôn khổ APEC không có tính ràng buộc pháp lý cao như trong ASEAN hay WTO. Tuy nhiên, chính những yếu tố “mềm” này là cơ sở quan trọng cho sự phát triển và nâng cao vị thế của APEC, đóng góp tích cực và quan trọng vào tiến trình liên kết và hội nhập khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Những thành tựu to lớn mà APEC đã đạt được sau gần ba thập niên phát triển là minh chứng sinh động và vững chắc cho vai trò của APEC cũng như bước tiến triển thực chất của các thành viên trong việc thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, nhất là trên các khía cạnh, như tạo môi trường kinh doanh năng động, quyền sở hữu trí tuệ.
Sự ra đời của APEC đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình trao đổi thương mại và đầu tư giữa các quốc gia trong khu vực. Từ năm 1989 đến năm 2010, trao đổi thương mại nội khối giữa các thành viên APEC đã tăng gấp 5 lần (từ 1,7 nghìn tỷ USD lên hơn 9,9 nghìn tỷ USD), mức thuế trung bình trong khu vực cũng có bước cắt giảm đáng kể (từ 16,9% năm 1989 xuống còn 5,8% năm 2010) (2). Mặc dù, APEC không phải là động lực duy nhất thúc đẩy cắt giảm thuế quan ở khu vực bởi các quốc phải cắt giảm mức thuế của mình cho phù hợp với các quy định của WTO hay các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, nhưng rõ ràng những định hướng và cam kết của các thành viên trong khuôn khổ Chương trình hành động Ô-xa-ca tại Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC (AELM) lần thứ ba đã góp phần rất quan trọng đối với tiến trình cắt giảm thuế quan, tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại và đầu tư giữa các nước trong khu vực.
Hiệp định về Công nghệ thông tin (ITA) được thông qua tại Hội nghị bộ trưởng APEC năm 1996, theo đó loại bỏ thuế đối với 6 nhóm sản phẩm công nghệ thông tin vào năm 2010, đã trở thành động lực thúc đẩy các hoạt động thương mại đối với các sản phẩm công nghệ thông tin trong khu vực và toàn cầu. APEC cũng là diễn đàn đa phương đầu tiên đạt được thỏa thuận về cắt giảm thuế đối với các sản phẩm môi trường (có 54 sản phẩm môi trường được giảm thuế xuống dưới mức 5% vào năm 2015). Bên cạnh đó, APEC đã đề xuất và thực thi nhiều chính sách nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển ở khu vực. Thông qua các hành động tập thể và các sáng kiến có tính định hướng, hai kế hoạch hành động tạo thuận lợi cho thương mại (TFAP) đã góp phần cắt giảm đáng kể các chi phí giao dịch thương mại ở khu vực, qua hai lần cắt giảm 5% chi phí vào năm 2006 và 2010. Sáng kiến kết nối chuỗi cung ứng của APEC đưa ra vào năm 2009 với mục tiêu cắt giảm thêm 10% chi phí giao dịch vào 2015 tạo thuận lợi hơn cho các hoạt động thương mại và đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển ở khu vực.
Thứ hai, không chỉ là động lực cho tăng trưởng và thịnh vượng ở khu vực, APEC còn là nhân tố quan trọng góp phần duy trì hòa bình, ổn định, củng cố và bảo đảm an ninh khu vực.
Mặc dù hợp tác kinh tế - thương mại vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự, nhưng trước những thách thức ngày càng gia tăng của các vấn đề khu vực và toàn cầu, APEC đã không ngừng mở rộng nội dung hợp tác sang cả các vấn đề an ninh, chính trị quan trọng ở khu vực nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Các nước đều cho rằng, hợp tác kinh tế sẽ không có hiệu quả nếu an ninh của mỗi nước cũng như an ninh của khu vực không được bảo đảm, do vậy đối phó với các thách thức an ninh mới nổi, đặc biệt là vấn đề chống khủng bố đã trở thành một nội dung ưu tiên trong chương trình nghị sự của các hội nghị AELM từ lần thứ chín trở đi. Hợp tác về an ninh con người và ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống khác, như biến đổi khí hậu, thiên tai và tình trạng khẩn cấp, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước,… cũng được ưu tiên đưa ra bàn thảo tại các kỳ hội nghị AELM.
Như vậy, thông qua APEC, các quốc gia trong khu vực có cơ hội đối thoại và trao đổi quan điểm về các vấn đề an ninh nổi lên ở khu vực, thúc đẩy hợp tác về chính sách và phối hợp hoạt động giữa các quốc gia trong việc ứng phó với các thách thức đe dọa sự ổn định của môi trường an ninh khu vực. Qua đó, APEC góp phần quan trọng trong việc duy trì và củng cố ổn định, bảo đảm an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Là một trong những cơ chế hợp tác đa phương hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương, APEC đã rất thành công khi “lôi kéo” và thu hút được sự tham gia của hầu hết các cường quốc, các trung tâm quyền lực trên thế giới. Sự góp mặt của Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga không chỉ góp phần làm cho bức tranh hợp tác kinh tế ở khu vực trở nên sôi động hơn, mà còn giúp tạo sự cân bằng lực lượng giữa các nước lớn, giảm thiểu nguy cơ từ “sự hiểu lầm chiến lược” làm cho hành vi của các nước lớn trở nên dễ dự đoán hơn, qua đó giúp hạn chế các hành động đơn phương của các cường quốc tại khu vực.
Bên cạnh những thành công trên, tiến trình phát triển của APEC cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định. Một là, các nội dung hợp tác trong chương trình nghị sự của APEC quá rộng và dàn trải, từ kinh tế đến các vấn đề chính trị và an ninh, do vậy khó tập trung được nguồn lực cần thiết để thúc đẩy hợp tác giữa các nước theo bề sâu và thực chất hơn. Hai là, sự kế thừa và tiếp nối trong chương trình nghị sự giữa các năm APEC chưa chặt chẽ, phần lớn phụ thuộc vào ý tưởng của nước đăng cai hội nghị. Ba là, tiếng nói của các nước nhỏ, các nước đang phát triển trong các chương trình, nội dung hợp tác của APEC còn hạn chế, chịu sự chi phối mạnh mẽ của các cường quốc trong khu vực.
Vai trò và đóng góp của Việt Nam trong tiến trình APEC
Chính thức trở thành thành viên của APEC từ tháng 11-1998, tại Hội nghị AELM lần thứ 6 được tổ chức ở Ku-a-la Lăm-pơ (Ma-lai-xi-a), gần 20 năm qua, Việt Nam luôn là một thành viên năng động và có trách nhiệm, đóng góp tích cực và hiệu quả vào sự phát triển của Diễn đàn trên tất cả các lĩnh vực hợp tác. Sự thành công của “Năm APEC 2006” với Hội nghị AELM lần thứ 14 do Việt Nam đăng cai tổ chức đã để lại dấu ấn tốt đẹp đối với các thành viên (đặc biệt là việc xác định triển vọng dài hạn của liên kết kinh tế khu vực hướng tới hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương - FTAAP, Chương trình Hành động Hà Nội về thực hiện Mục tiêu Bô-gô và các biện pháp cải cách tổng thể, góp phần tạo nên những động lực mới cho hợp tác APEC), đánh dấu đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với diễn đàn này. Việt Nam cũng tích cực thực hiện Chương trình hành động tập thể (CAP), các kế hoạch hợp tác về thuận lợi hóa thương mại, đầu tư; triển khai kế hoạch hành động (IAP) nhằm thực hiện thỏa thuận của AELM tại Bô-gô (In-đô-nê-xi-a, tháng 11-1994).
Bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, cục diện kinh tế, chính trị - an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục có những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp. Trong bối cảnh đó, APEC đang có bước chuyển mình căn bản với nội hàm liên kết, hợp tác ngày càng sâu rộng và thiết thực hơn, đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong cấu trúc khu vực đang định hình. Triển khai chủ trương của Đại hội XII của Đảng, Việt Nam tiếp tục coi APEC là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. APEC không chỉ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế, an ninh, đối ngoại, mà còn là một kênh hiệu quả để Việt Nam thúc đẩy và tăng cường mối quan hệ hợp tác song phương với các nước thành viên, nhất là các đối tác quan trọng và các nước lớn.
Lần thứ hai đảm nhiệm vai trò chủ nhà tổ chức các hoạt động của APEC (năm 2017), Việt Nam đã để lại những dấu ấn tốt đẹp cả trong việc chuẩn bị nội dung cả trong công tác tổ chức, hậu cần. Với 243 hoạt động được tổ chức, Năm APEC 2017 đã thu hút sự tham gia của hơn 21.000 đại biểu, riêng Tuần lễ cấp cao có trên 11.000 đại biểu tham dự và khoảng 3.000 nhà báo, phóng viên đưa tin - những con số đã nói lên sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với APEC cũng như vai trò của nước chủ nhà Việt Nam.
Tuần lễ cấp cao APEC 2017 với trọng tâm là Hội nghị AELM lần thứ 25, quy tụ đông đủ tất cả 21 nhà lãnh đạo của các nền kinh tế thành viên, đã thành công tốt đẹp, khép lại một năm APEC đầy ý nghĩa với nhiều hoạt động, hội nghị quan trọng diễn ra trong suốt cả năm, mang lại nhiều kết quả thiết thực cho tiến trình hợp tác khu vực.
Điểm nhấn quan trọng nhất của APEC 2017 đã thông qua Tuyên bố cấp cao Đà Nẵng “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” trong đó tái khẳng định cam kết lâu dài của các lãnh đạo các nền kinh tế APEC về tăng cường hợp tác, phối hợp các hoạt động chung nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế, tăng trưởng bền vững và thịnh vượng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Các quốc gia APEC tiếp tục đẩy mạnh hợp tác nhằm triển khai những nội dung, mục tiêu ưu tiên, bao gồm: 1- Thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo, bao trùm và việc làm bền vững; 2- Tạo những động lực mới cho hội nhập kinh tế khu vực; 3- Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs); 4- Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; 5- Vun đắp tương lai chung của khu vực. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng nhất trí thông qua Kế hoạch hành động APEC thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội, và Khuôn khổ APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.
Các nhà lãnh đạo APEC cũng đề ra những định hướng lớn thúc đẩy hợp tác APEC đến năm 2020 và chuẩn bị tầm nhìn sau năm 2020, hướng tới một APEC vì người dân và vì doanh nghiệp; góp phần xây dựng Cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng; phát huy vai trò lãnh đạo của APEC trong ứng phó các thách thức mới trên toàn cầu. Theo đó, các thành viên nhất trí thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC.
Năm APEC 2017 đã mang lại cho Việt Nam nhiều lợi ích thiết thực, với 121 thỏa thuận hợp tác, hợp đồng có trị giá gần 20 tỷ USD. Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC với sự tham gia của khoảng 1.300 doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong khu vực đã góp phần quảng bá tiềm năng phát triển của Việt Nam, mở ra những cơ hội hợp tác mới về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch và dịch vụ với các đối tác. Các nước bè bạn, đối tác, trong đó có Nga, Trung Quốc, Lào, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Niu Di-lân có nhiều hình thức trợ giúp, với tổng trị giá khoảng 09 triệu USD, dành cho bà con ở các tỉnh miền Trung đã trải qua những mất mát do cơn bão số 12 gây ra - thể hiện sự động viên kịp thời, đầy tình nghĩa bạn bè, tương thân tương ái (3).
Thành công của Năm APEC 2017 tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của Diễn đàn cũng như vị thế của Việt Nam ở khu vực và thế giới. Với trên 50 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo các nước đối tác, những hoạt động trong năm APEC 2017 đã tạo cơ hội “vàng” để Việt Nam tăng cường và củng cố các mối quan hệ song phương với các nền kinh tế thành viên APEC đi vào chiều sâu, ổn định và hiệu quả hơn, nhất là với các thành viên APEC chủ chốt.
Đặc biệt là, các chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm ngay sau khi Tuần lễ cấp cao APEC kết thúc, có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy và tăng cường mối quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam với Trung Quốc và Mỹ.
Chuyến thăm Việt Nam lần này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ sau Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc, thể hiện sự coi trọng đặc biệt của Trung Quốc và cá nhân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với quan hệ Trung Quốc - Việt Nam, góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương giữa hai nước. Với 12 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực được ký kết, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là “mốc son mới” trong quan hệ song phương, góp phần định hướng và dẫn dắt quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam lên tầm cao mới.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Mỹ Đ. Trăm cũng diễn ra ngay trong năm đầu tiên ông nhậm chức Tổng thống Mỹ và nằm trong kế hoạch chuyến công du đầu tiên đến châu Á của chính quyền Tổng thống Mỹ Đ. Trăm, đã cho thấy sự coi trọng của Mỹ trong quan hệ với Việt Nam cũng như vai trò của Việt Nam trong khu vực. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng về kinh tế với trị giá trên 12 tỷ USD, đặc biệt là việc thông qua Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ, tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương giữa hai nước. Chuyến thăm đã góp phần tăng cường và củng cố hợp tác hiệu quả và thiết thực hơn trong quan hệ song phương, đưa quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục phát triển tốt đẹp trong thời gian tới.
Trong dịp diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC, Tổng thống Chi-lê M. Ba-chê-lê và Thủ tướng Ca-na-đa G. Tru-đô đã thăm chính thức Việt Nam. Trong các chuyến thăm, các bên đều đạt được những thỏa thuận mang tầm chiến lược, mở ra trang mới cho quan hệ của Việt Nam với các đối tác.
Có thể nói, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có rất nhiều diễn biến phức tạp, việc tổ chức thành công năm APEC 2017 với những kết quả quan trọng đã góp phần thiết thực phục vụ các lợi ích an ninh và phát triển của Việt Nam, khẳng định những đóng góp tích cực, quan trọng của Việt Nam đối với tiến trình phát triển APEC, đưa châu Á - Thái Bình Dương ngày càng ổn định, phát triển và thịnh vượng. Đây cũng là cơ sở quan trọng để nước ta tiếp tục đảm nhiệm các trọng trách quốc tế lớn, nổi bật là vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và ứng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021./.
----------------------------------------------------------------
(1) Xem: Phạm Bình Minh: Năm APEC 2017: Tầm nhìn và vị thế mới của Việt Nam, https://www.mofa.gov.vn/vi/nr040807104143/nr111027144142/ns170508171504, truy cập ngày 26-10-2017
(2) Keynote Speech by Ambassador Muhamad Noor to the Pacific Economic Cooperation Council (PECC) Singapore Conference 2012, 27 April 2012, http://www.apec.org/Press/Speeches/2012/0427_PECC.aspx, truy cập ngày 28-10-2017
(3) Xem: APEC 2017: Thành công toàn diện,
http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/34704302-%C3%B0am-nhiem-thanh-cong-vai-tro-chu-nha-dan-dat-hop-tac-apec.html, truy cập ngày 14-11-2017
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thành lập thị trấn Ninh Cường  (13/12/2017)
Toàn văn nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh  (13/12/2017)
Bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI  (13/12/2017)
Thường vụ Quốc hội ủng hộ ban hành Nghị định về hoạt động triển lãm  (13/12/2017)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên