Giữ vững thương hiệu Cam Cao Phong

Bài, ảnh: Việt Thắng
22:23, ngày 29-11-2017
Từ năm 2015 đến nay, trải qua 3 năm liên tiếp tổ chức Lễ hội Cam Cao Phong, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình đã được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế biết đến và thấy rõ được giá trị của thương hiệu nông sản Việt.
Kết nối sản xuất đến tiêu thụ

Cao Phong là huyện miền núi của tỉnh Hòa Bình, có điều kiện tự nhiên đất đai màu mỡ, phì nhiêu, khí hậu mát mẻ. Đây còn là nơi phù hợp với việc phát triển các loại cây nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả có múi và cây mía. Ngày 05-11-2014, Cục Sở hữu Trí tuệ có quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong - tỉnh Hòa Bình. Năm 2016, sản phẩm cam Cao Phong được Viện Sở hữu Trí tuệ quốc tế cấp Chứng thư “Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng lần thứ 5” đã tạo bước đột phá trong định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình. Qua 3 năm, Cam Cao Phong đã được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao về giá trị của Thương hiệu nông sản Việt. Qua các kỳ lễ hội, sản phẩm cam Cao Phong được cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ổn định, tiếp cận được các thị trường trong và ngoài nước.

Ông Phạm Văn Long, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong đánh giá: “đứng trước việc phải quốc tế hóa, toàn cầu hóa về thương mại, các sản phẩm cam đều được lựa chọn kỹ lưỡng để đưa vào phục vụ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Liên hiệp Hợp tác xã Cam Cao Phong được thành lập để giúp đỡ các nhà vườn nâng cao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, phối hợp kinh doanh, quảng bá và giúp xâu chuỗi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Việc thành lập Liên hiệp Hợp tác xã tạo điều kiện để nâng cao chất lượng, số lượng và sức cạnh tranh để duy trì và khẳng định thương hiệu cam Cao Phong trong thời gian tới. Sắp tới đây, sản phẩm cam Cao Phong sẽ được dán tem truy xuất nguồn gốc tại các vườn cam trong huyện, để nâng cao trách nhiệm của các nhà vườn, đồng thời giúp cho những người trồng cam liên kết trực tiếp được với người tiêu dùng. Người tiêu dùng có thể vào tận vườn cam chứng kiện tận mắt quy trình sản xuất, quy trình trồng cam sạch, đạt chất lượng cao theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của VietGap”.

Giữ vững thương hiệu

Chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” được bảo hộ cho 4 giống cam, đó là: cam CS1 (cam Lòng vàng), cam Xã Đoài lùn, cam Xã Đoài cao và cam Canh. Đây là các giống cam có nguồn gốc di thực từ cam Xã Đoài (Nghệ An), cam Canh (Vân Canh). Với điều kiện thuận lợi về tự nhiên và khí hậu, giống cam trên đưa vào trồng trên đất Cao Phong “hợp đất”, “hợp nước”, lại được sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn VietGap, AseanGap, EuroGap nên các sản phẩm như Cam lòng vàng (cam CS1) quả đều có vị ngọt, thơm, tép màu vàng, mọng nước. Khối lượng trung bình đạt 250g - 300g, quả to, hình cầu, vỏ màu xanh vàng và nhẵn; Cam Xã Đoài thì đặc biệt ngon, ngọt, tép màu vàng, tỷ lệ xơ cao và mọng nước; Cam V2 được chọn tạo từ giống Valencia Olinda, vỏ mỏng, vàng đẹp, hàm lượng nước cao, tỷ lệ xơ thấp, chất lượng thơm, ngọt đậm, ít hạt; Cam Canh Cao Phong, quả hình cầu dẹt, chín màu đỏ, vỏ mỏng, ruột vàng, vị ngọt mát, mùi thơm đặc trưng. Tất cả các sản phẩm bảo đảm sạch, chất lượng cao, tạo ra cơ hội lớn giúp người dân trồng cam ở huyện Cao Phong tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.

Các sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn, cây ăn quả có múi luôn được mở rộng bằng các giống có năng suất và chất lượng cao, đi đôi với việc giám sát có hiệu quả về chất lượng. Tổng diện tích cây ăn quả có múi toàn huyện đạt hơn 2.800ha; sản lượng năm 2017 ước đạt 33.000 tấn; giá trị ước đạt trên 600 tỷ đồng. Nhờ đó, cây ăn quả có múi đang là sản phẩm chủ lực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn huyện Cao Phong.

Trong hàng trăm gian hàng bày bán sản phẩm nông nghiệp tại Lễ hội Cam Cao Phong lần thứ 3 năm 2017, nhà vườn Thủy Nga là một trong các nhà vườn được trao chứng nhận tiêu chuẩn VietGap. Bà Nga cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 10ha sản xuất. Trồng cam đòi hỏi phải qua rất nhiều công đoạn làm đất, chăm sóc cây. Cây cam lại bị rất nhiều loại bệnh mà mỗi vườn lại gặp phải các loại bệnh khác nhau. Vì vậy, đòi hỏi người trồng cam phải chăm sóc rất kỹ lưỡng từ khâu làm đất, bón phân chuồng, trị bệnh cho cây. Bên cạnh đó, các ngành chức năng đặc biệt quan tâm hỗ trợ cho người dân về giống và kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sản phẩm để tăng chất lượng, nhằm tăng giá trị. Mỗi cây cam, gia đình phải đầu tư, tính cả công chăm sóc vào khoảng 40% giá trị. Khi thu hoạch, tùy thuộc vào loại cây và trình độ canh tác, mỗi cây cho từ 1,2 - 1,5 tạ quả”. Ông Nguyễn Đức Thủy chia sẻ: “tuy năm nay ảnh hưởng mưa lũ nhưng sản lượng vườn cam khoảng 2000 gốc của gia đình vẫn đạt, mỗi cây thu về khoảng 80kg đến 1 tạ. Đây là năm thứ 5 cây cam của gia đình tôi cho thu hoạch. Mỗi năm thu về được khoảng 800 triệu đồng/ha”.

Với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự đầu tư công sức xứng đáng của nhân dân đối với cây nông nghiệp có múi, hy vọng cam, quýt Cao Phong sẽ là đòn bẩy mũi nhọn giúp bà con trong huyện Cao Phong xóa đói giảm nghèo, giữ vững thương hiệu đặc sản của địa phương, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Hòa Bình./.