Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 06 đến 12-11-2017)

Thanh Anh (tổng hợp từ TTXVN, Chinhphu.vn)
20:21, ngày 16-11-2017
TCCSĐT - Năm APEC 2017, mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao tại Đà Nẵng diễn ra từ ngày 06 đến ngày 11-11-2017 đã thành công rực rỡ toàn diện, từ khâu tổ chức, chủ trì điều hành, đến nội dung, lễ tân, cơ sở vật chất - hậu cần, văn hóa - tuyên truyền, an ninh - y tế và trên mọi mặt về cả đa phương và song phương. Lãnh đạo 21 nước tham dự đánh giá cao công tác chuẩn bị và tổ chức của Việt Nam cho sự kiện APEC 2017 và khẳng định Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà cho sự kiện quan trọng này.
Hội nghị tổng kết các quan chức cao cấp (CSOM) APEC

Trong hai ngày 06 và 07-11-2017, Hội nghị đã tổng kết toàn bộ hoạt động của hơn 50 ủy ban, các nhóm công tác của APEC trong năm 2017 nhằm triển khai chủ đề “Tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai chung” và 4 ưu tiên hợp tác mà Việt Nam đề xuất bao gồm: tăng trưởng bền vững sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Hội nghị đã thông qua kế hoạch hành động chung của Ủy ban kinh tế với tiến trình các quan chức cao cấp tài chính, nhất trí duy trì hoạt động lâu dài của cơ quan hỗ trợ chính sách của APEC.

Hội nghị cũng đã thông qua báo cáo tổng kết của 4 ủy ban APEC về thương mại và đầu tư, kinh tế, hợp tác kinh tế kỹ thuật và ngân sách. Các báo cáo cho thấy, sự phát triển tích cực của các thành viên trong việc triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình hành động chung của APEC, nổi bật trên các lĩnh vực như phát triển nguồn nhân lực, hợp tác giáo dục; thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững; tăng cường tiềm năng kinh tế cho phụ nữ; hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vươn ra thị trường toàn cầu; vấn đề khởi nghiệp sáng tạo của các doanh nghiệp trong kỷ nguyên số; nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ; bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững; cải cách cơ cấu kinh tế…

Đây là hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong việc chốt lại toàn bộ các công tác chuẩn bị cuối cùng về mặt nội dung để trình lên Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 29 và Hội nghị các nhà lãnh đạo nền kinh tế APEC lần thứ 25 sẽ diễn ra từ ngày 10 đến ngày 11-11-2017.

Tổng thống nước Cộng hòa Chile Michelle Bachelet Jeria thăm cấp nhà nước Việt Nam

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống nước Cộng hòa Chile Michelle Bachelet Jeria thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 08-đến ngày 09-11-2017. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Cộng hòa Chile Michelle Bachelet Jeria hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đã ký Tuyên bố chung Việt Nam - Chile; chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; gặp nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Nhân dịp này, Tổng thống Cộng hòa Chile Michelle Bachelet Jeria đã đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ; đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; thăm Nhà sàn Bác Hồ.

Qua hội đàm, hội kiến, hai bên khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ Đối tác toàn diện đã được Lãnh đạo cấp cao hai nước thiết lập vào tháng 5 năm 2007; nhất trí đánh giá quan hệ hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và Chile đang ở mức độ phát triển tốt đẹp; tái khẳng định ý chí của hai bên trong việc củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương vì lợi ích của nhân dân hai nước. Hai bên nhất trí tầm quan trọng của việc phát triển hợp tác song phương trên cơ sở các tiềm năng và tính bổ trợ lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực của Việt Nam và Chile, nhất là về giáo dục và đào tạo đại học, thương mại và đầu tư, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, ứng phó với thiên tai, cũng như các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và cùng quan tâm.

Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong các lĩnh vực cùng quan tâm tại các tổ chức quốc tế và các diễn đàn đa phương mà Việt Nam và Chile là thành viên. Hai bên khẳng định cam kết thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững, bao gồm các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Trao đổi quan điểm về tình hình kinh tế thế giới, hai bên nhất trí về sự cần thiết cùng hợp tác nhằm thúc đẩy một hệ thống thương mại thế giới rộng mở, dựa trên luật lệ, công bằng và bao trùm. Lãnh đạo hai nước đã khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ Đối tác toàn diện đã được Lãnh đạo cấp cao hai nước thiết lập vào tháng 5-2007; nhất trí đánh giá quan hệ hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và Chile đang ở mức độ phát triển tốt đẹp; tái khẳng định ý chí của hai bên trong việc củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau thăm chính thức Việt Nam

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 08 đến ngày 09-11-2017. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Justin Trudeau đã hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, gặp lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và gặp gỡ bàn tròn tại Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh; nói chuyện với sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Tại các cuộc tiếp xúc, hai bên bày tỏ hài lòng về những phát triển tích cực của quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Canada thời gian qua trên nhiều lĩnh vực. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Justin Trudeau đã thông qua Tuyên bố chung về việc xác lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Canada. Hai bên quyết định tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước theo hướng toàn diện, thực chất, hiệu quả, ổn định, lâu dài trên bình diện song phương và đa phương, đáp ứng lợi ích của hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới; xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Canada trên các lĩnh vực: Chính trị và ngoại giao; thương mại và đầu tư; hợp tác phát triển; quốc phòng, an ninh; văn hóa, giáo dục; khoa học - công nghệ và sáng tạo; giao lưu nhân dân.

Việt Nam và Canada sẽ tiếp tục trao đổi các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, đối thoại thường xuyên giữa quan chức cao cấp của hai Chính phủ; hợp tác chặt chẽ tại các thể chế đa phương, ứng phó với các thách thức toàn cầu; tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi thương mại, kịp thời giải quyết các vấn đề có thể phát sinh trong quan hệ thương mại - đầu tư trên nguyên tắc hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi; tăng cường, tạo thuận lợi cho mở rộng hợp tác và trao đổi học thuật, bao gồm thông qua việc thiết lập các quan hệ đối tác và các chương trình trao đổi sinh viên giữa các cơ sở giáo dục của hai nước; thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng, công nghệ sạch bền vững, nông nghiệp, thực phẩm, công nghệ thông tin truyền thông, nghiên cứu môi trường, nghiên cứu biển, giảm nhẹ, thích nghi với biến đổi khí hậu. Việt Nam và Canada có quan hệ hợp tác truyền thống về kinh tế và thương mại, đặc biệt, việc hai bên chính thức nhất trí xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Canada là khung pháp lý quan trọng để hai nước đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác vốn có trên mọi lĩnh vực.

Tuần lễ Cấp cao APEC 2017: Nâng tầm hợp tác APEC, nâng tầm vị thế Việt Nam

Năm APEC 2017, với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 06 đến ngày 11-11-2017 đã thành công tốt đẹp, ghi đậm dấu ấn Việt Nam trong tiến trình phát triển không ngừng của APEC, thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới, đáp ứng mong muốn và lợi ích của tất cả các nền kinh tế thành viên.

Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, bên cạnh các phiên họp, đối thoại, hội nghị, hội thảo… còn diễn ra hàng chục cuộc tiếp xúc song phương giữa các nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam với các nhà lãnh đạo kinh tế thành viên APEC. Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump; Tổng thống Chile Michelle Bachelet; Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã tiến hành các chuyến thăm Việt Nam trong dịp này. Qua các chuyến thăm, các cuộc tiếp song phương ở cấp cao trong dịp này, Việt Nam có cơ hội thúc đẩy hợp tác, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương với các nền kinh tế, các đối tác lớn của khu vực và toàn cầu. Nhiều cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, cũng như khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế… sẽ được mở ra từ Diễn đàn này, cả trước mắt và lâu dài. Mặt khác, những kết quả đạt được tại Tuần lễ Cấp cao APEC và Năm APEC 2017 nhìn chung đều phù hợp với các mục tiêu, ưu tiên của Việt Nam, góp phần thúc đẩy thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đến năm 2020, vì một Việt Nam hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, mang lại lợi ích thiết thân cho người dân và doanh nghiệp.

Tại Tuần lễ Cấp cao APEC, với việc thông qua 8 văn kiện quan trọng, nhất là Tuyên bố cấp cao Đà Nẵng và Tuyên bố chung Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế. Lần đầu tiên APEC nhất trí thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội và khởi nghiệp sáng tạo. Công tác chuẩn bị chu đáo, kỹ càng, cùng những dấu ấn về nội dung và cách thức tổ chức tạo dựng được từ đầu năm đến nay, Năm APEC Việt Nam 2017 đã thành công tốt đẹp. Việc đăng cai tổ chức thành công Năm APEC 2017 là bước triển khai thiết thực và mạnh mẽ đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, “đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương”, đồng thời đề cao hình ảnh Việt Nam là đối tác tin cậy, trách nhiệm trong cộng đồng khu vực và quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp song phương các nhà lãnh đạo cấp cao các nước sang tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC


Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng, ngày 10 và 11-11-2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang,
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các buổi tiếp xúc song phương với 13 nhà lãnh đạo cấp cao các nước và các tập đoàn lớn nhân dịp tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Tại các cuộc gặp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm ơn Tổng thống nước Cộng hòa Peru Pedro Pablo Kuczynski; Tổng thống nước Cộng hòa Mexico Enrique Peña Nieto; Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak; Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi; Tổng thống Philippines Rodrigo Roa Duterte; Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe; Quốc vương Brunei Sultan Hagi Hassanal Bolkiah; Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull; Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern; Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde; Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin; Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long; Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam Cheng Yuet-Ngor) và Chính phủ các nước Malaysia, Peru, Mexico, Myanmar, Philippines, Nhật Bản, Brunei, Australia, New Zealand, Nga… về việc ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công Năm APEC 2017 nói chung và Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng nói riêng.

Bên cạnh việc trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các nước, về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; cũng như việc tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế khác, lãnh đạo các nước đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc tổ chức Năm APEC 2017 nói chung và Tuần lễ cấp cao APEC 2017 nói riêng; cảm ơn Việt Nam đã dành sự tiếp đón trọng thị và chu đáo cho đoàn đại biểu cấp cao các nước, đồng thời tin tưởng Việt Nam sẽ tổ chức thành công Năm APEC 2017 nói chung và Tuần lễ Cấp cao APEC nói riêng, để lại dấu ấn và có nhiều đóng góp quan trọng cho tiến trình phát triển của APEC.

Việt Nam thể hiện xuất sắc vai trò chủ nhà trong năm APEC 2017 và được bạn bè đánh giá cao

Năm APEC 2017, mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao tại Đà Nẵng diễn ra từ ngày 06 đến ngày 11-11-2017 đã thành công rực rỡ toàn diện, từ khâu tổ chức, chủ trì điều hành, đến nội dung, lễ tân, cơ sở vật chất - hậu cần, văn hóa - tuyên truyền, an ninh - y tế và trên mọi mặt về cả đa phương và song phương. Lãnh đạo 21 nước tham dự đánh giá cao công tác chuẩn bị và tổ chức của Việt Nam cho sự kiện APEC 2017 và khẳng định Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà, dẫn dắt hợp tác APEC trong năm nay thể hiện qua việc, Việt Nam đã lựa chọn chủ đề và các ưu tiên phù hợp với quan tâm chung, định hướng cho hợp tác cả năm, thúc đẩy các nội dung hợp tác cốt lõi của APEC. Điều hòa khác biệt giữa các thành viên, tạo không khí hợp tác, xây dựng, tạo đồng thuận chung. Chúng ta tìm ra điểm đồng để định hướng thảo luận, hợp tác của các thành viên, điển hình là việc đề xuất các sáng kiến về thúc đẩy phát triển bao trùm, xây dựng tầm nhìn APEC sau năm 2020. Đây là hai vấn đề mới, song được tất cả thành viên nhất trí thúc đẩy.

Bên cạnh đó, chúng ta đã thể hiện rõ bản lĩnh Việt Nam trong việc xử lý những khác biệt rất lớn giữa các thành viên, vững vàng trong những thời điểm khủng hoảng, thậm chí gần đổ vỡ trong thương lượng văn kiện. Vị thế đất nước, sức mạnh mềm của Việt Nam thực sự đã giúp chúng ta điều hành, dẫn dắt hợp tác APEC; đồng thời, thành công APEC 2017 cũng góp phần gia tăng vị thế, sức mạnh mềm của đất nước. Dưới sự chủ trì của Việt Nam, APEC đã thông qua được rất nhiều văn kiện hợp tác. Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao do chúng ta chủ trì soạn thảo được các thành viên đánh giá là ngắn gọn, súc tích, mang tầm chiến lược, và có những ngôn ngữ mạnh mẽ về ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ, mà trước đó Hội nghị G20 cũng không đạt được.

Với phương châm “trọng thị, chu đáo, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm”, chúng ta đã làm tốt công tác tổ chức. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức như thời tiết, điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, nhưng chúng ta đã nỗ lực cao để bảo đảm Năm APEC và Tuần lễ Cấp cao diễn ra thành công, để lại ấn tượng tốt đẹp cho các nhà lãnh đạo, các đại biểu và bạn bè quốc tế. Có được thành công trên là chủ trương đúng đắn và vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong quyết định đăng cai Năm APEC 2017, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong vận động, chuẩn bị và tổ chức Năm APEC 2017 cũng như Tuần lễ Cấp cao. Trong những năm tiếp theo, chúng ta phải cùng Papua New Guinea thúc đẩy tiếp các sáng kiến của năm nay, tham gia Nhóm Tầm nhìn APEC để đóng góp cho chính sách APEC đến năm 2030., mà trọng tâm là tham gia, đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương tại châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có APEC./.