Thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế, thương mại, tăng trưởng bền vững, bao trùm và sáng tạo trong APEC
4 định hướng lớn trong hợp tác APEC và 4 ưu tiên hợp tác của Năm APEC 2017
Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp APEC và các cuộc họp liên quan đã thành công, với nhiều kết quả tích cực, tạo nền tảng cho các hội nghị tiếp theo và cấp cao hơn từ nay đến cuối năm. Đây là các hoạt động hội nghị chính thức đầu tiên của APEC, đặt ra định hướng hợp tác của khu vực trong cả năm 2017, có ý nghĩa hết sức quan trọng để APEC thể hiện quyết tâm, tăng cường hợp tác, phối hợp để giải quyết các vấn đề và thách thức chung. Thành quả lớn nhất là Hội nghị đã thể hiện đồng thuận về tinh thần thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế, thương mại, tăng trưởng bền vững, bao trùm và sáng tạo.
Trong vai trò chủ nhà, Việt Nam đã đề xuất và được các nền kinh tế ủng hộ, thống nhất bốn định hướng lớn:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai những định hướng hợp tác lớn, dài hạn của APEC, đặc biệt là các bước cụ thể để đạt được các mục tiêu Bogor về tự do hoá thương mại và đầu tư vào năm 2020 trong khu vực.
Thứ hai, nhất trí hình thành cơ chế để tiến hành thảo luận về tầm nhìn APEC sau năm 2020. Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: "Chúng ta dự kiến sẽ tổ chức đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, đạt nhất trí với các thành viên về thành phần của cơ chế không chỉ là chính phủ, mà toàn bộ các bên liên quan, như các học giả, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và xã hội".
Thứ ba, Việt Nam đã cùng với các thành viên tái định hướng hợp tác của APEC không chỉ tập trung vào tự do hóa thương mại và đầu tư, mà quan trọng nữa là bảo đảm tính bao trùm của thương mại và tăng trưởng. Bao trùm là nội hàm nhiều cơ chế hợp tác APEC hiện đang thúc đẩy. Trong năm 2017, Việt Nam sẽ xâu chuỗi, hài hòa các sáng kiến ở từng ủy ban, nhóm công tác, đưa bao trùm thành nội dung xuyên suốt của hợp tác APEC, cả về kinh tế, xã hội và tài chính. Tính chất bao trùm trên các lĩnh vực hợp tác về kinh tế, xã hội và tài chính nhằm bảo đảm các thành quả của tăng trưởng được phân bổ đồng đều cho các thành phần trong xã hội.
Thứ tư, APEC cần tiếp tục là cơ chế đi đầu về hợp tác, giải quyết các nhu cầu thiết thực của người dân. Trong số này có thể kể đến việc phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, thương mại điện tử xuyên biên giới, công nghiệp hỗ trợ, phát triển thành thị-nông thôn để củng cố an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng… Đồng thời, APEC sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt, đóng góp thúc đẩy nhiều nội dung hợp tác lớn, như hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương, từng bước hiện thực hóa Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), kết nối, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa…
Theo Chủ tịch SOM APEC 2017, Hội nghị SOM 1 và các cuộc họp liên quan đã thể hiện sự đồng thuận cao đối với 4 ưu tiên hợp tác của Năm APEC 2017. Đó là: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các nền kinh tế cũng đã thảo luận, cụ thể hóa nội hàm của 4 ưu tiên, với những đề xuất, sáng kiến mới và thiết thực, gắn với quan tâm của người dân và doanh nghiệp của khu vực.
Trong dịp này, cả 4 ủy ban và 34 trong tổng số 53 nhóm công tác của Diễn đàn đã nhóm họp, thảo luận và thông qua các trọng tâm hợp tác của từng ủy ban, nhóm công tác trong năm 2017. Các nhóm công tác còn lại sẽ bắt đầu nhóm họp trong các tháng tới. Nhiều dự án nâng cao năng lực cũng được đề xuất nhằm hỗ trợ các thành viên tận dụng tốt hơn các cơ hội thương mại, đầu tư, kinh doanh... mà tiến trình hợp tác APEC mang lại. Các đại biểu đã thống nhất và thông qua chương trình hoạt động của cả năm 2017, bao gồm các Hội nghị SOM, các Hội nghị Bộ trưởng và tương đương và Tuần lễ cấp cao vào tháng 11 tại thành phố Đà Nẵng.
Tại hội nghị này, 7 bộ, ngành của Việt Nam cũng chủ trì, đồng chủ trì các cơ chế APEC. Dưới sự chủ trì của Việt Nam, các cơ chế APEC đều khởi động tốt hoạt động đầu tiên, thống nhất được kế hoạch công tác cho cả năm 2017. Các bộ, ngành cũng phối hợp chặt chẽ, thể hiện tinh thần “khởi xướng, chủ động tham gia xây dựng, định hình” hợp tác APEC, với nhiều sáng kiến thiết thực.
Sự chủ động, tích cực và những sáng kiến của chủ nhà Việt Nam
Trong vai trò chủ nhà, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến lớn cho năm 2017, trong đó có nhiều đề xuất mang tính dài hạn, xuyên suốt các nội hàm hợp tác APEC. Nổi bật là đề xuất nghiên cứu, tiến tới hình thành cơ chế trao đổi về hợp tác APEC trong tương lai, trong đó có hình thành Tầm nhìn của Diễn đàn sau năm 2020, bên cạnh việc đẩy nhanh hoàn tất các Mục tiêu Bogor vào năm 2020. Tiếp đó là đề xuất về thúc đẩy bao trùm trong phát triển của châu Á - Thái Bình Dương, cả về kinh tế, xã hội và tài chính, giúp mọi tầng lớp xã hội được tham gia, hưởng thụ thành quả của phát triển và tự do hóa thương mại, đầu tư. Qua đó, APEC có thể tranh thủ sự ủng hộ đối với toàn cầu hóa và hội nhập, liên kết khu vực.
Nhóm công tác Việt Nam cũng đã đề xuất nhiều sáng kiến mới ở các ủy ban, góp phần triển khai các ưu tiên của APEC 2017. Đó là các sáng kiến về hợp tác phát triển nguồn nhân lực và việc làm tương lai trong kỷ nguyên số; định hướng chính sách thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ; thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới; phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu; tổ chức đối thoại về chống tham nhũng và gian lận thương mại…
Việt Nam cũng đưa ra nhiều sáng kiến trong xây dựng chương trình hội nghị, được các nền kinh tế đánh giá cao. Ngoài các cuộc họp chính thức, Việt Nam cũng tận dụng thời gian của các quan chức cao cấp để tổ chức các buổi thảo luận về nhiều vấn đề thiết thực, trong đó có cải cách bộ máy để tăng cường hiệu quả hoạt động của APEC. Chính quyền địa phương tỉnh Khãnh Hòa cũng tổ chức nhiều buổi gặp gỡ, trao đổi với các đoàn của các nền kinh tế về tiềm năng hợp tác, thu hút đầu tư của tỉnh. Nhìn chung, Khánh Hòa đã tận dụng rất tốt SOM 1 để quảng bá tiềm năng kinh tế, du lịch, văn hóa.
Trong dịp này, Việt Nam cũng đã tổ chức hội thảo về hiện thực hóa khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương, đối thoại Công tư về Kế hoạch hành động Khuôn khổ kết nối chuỗi cung ứng giai đoạn II từ 2017 - 2020 (SCFAP II), và Đối thoại Công tư APEC về dịch vụ, góp phần đưa ra định hướng rõ ràng hơn đối với hợp tác APEC trên các vấn đề này.
Việt Nam cũng đã đồng bảo trợ với Thái Lan và Peru đề xuất chiến lược về các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa xanh và bền vững, đồng thời đưa ra sáng kiến nâng cao năng lực của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vì phát triển bao trùm thông tin qua ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Việt Nam tạo dấu ấn tại Hội nghị SOM 1 trong việc thúc đẩy mục tiêu liên quan đến phát triển nông thôn bền vững và an ninh lương thực. Đây là vấn đề quan trọng với Việt Nam khi hơn 70% dân số sống phụ thuộc vào nông nghiệp. Đây cũng là lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh, kinh nghiệm, có thể đóng góp cho hợp tác APEC.
Việt Nam cũng đã đề xuất xây dựng kế hoạch hành động triển khai khuôn khổ nhiều năm về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, cũng như Kế hoạch hành động về phát triển nông thôn - đô thị, củng cố an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng.
Chủ nhà Việt Nam cũng đã đề xuất các sáng kiến về Khuôn khổ nhằm tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới, hình thành Bộ thông lệ tốt của APEC về công nghiệp hỗ trợ; Tài liệu đề xuất ý tưởng về việc xây dựng lộ trình cho các vấn đề thương mại và đầu tư thế hệ mới (NGeTI). Những đề xuất này sẽ tiếp tục được thảo luận tại các ủy ban, nhóm công tác để trình các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế (AMM) thông qua và báo cáo lên Hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11-2017.
Các đại biểu APEC rất ấn tượng với chủ trì nội dung và công tác tổ chức của Việt Nam. Các cơ quan thành viên Ủy ban quốc gia, đặc biệt là các cơ quan chủ trì 5 Tiểu ban đã phối hợp chặt chẽ, tổ chức chu đáo, thể hiện sự mến khách, chuyên nghiệp , tạo những điều kiện tốt nhất để các nền kinh tế tới Nha Trang, họp mặt và trao đổi, góp phần vào thành công của Hội nghị.
Bước đầu, các nền kinh tế đánh giá cao nhiều đề xuất của nền kinh tế Việt Nam. Nhiều nền kinh tế đồng ý hỗ trợ, đồng bảo trợ các sáng kiến. Từ nay đến Hội nghị SOM 2 tháng 5-2017 tại Hà Nội, các nền kinh tế thành viên APEC sẽ cụ thể hóa các đề xuất.
Hội nghị lần này đã đạt được những kết quả cụ thể về việc thúc đẩy thương mại tự do mở là mục tiêu của Diễn đàn APEC kể từ khi thành lập năm 1989. Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn cho biết, thương mại tự do và mở tiếp tục là dòng chảy chính của hợp tác APEC và châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều sáng kiến, ý tưởng hợp tác đã được đưa ra trong khuôn khổ các ủy ban, nhóm công tác của APEC về thúc đẩy hoàn tất triển khai Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020 theo lộ trình đã đề ra, hướng tới hình thành khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), tăng cường kết nối, các vấn đề thương mại - đầu tư thế hệ mới, nhằm góp phần xác định các định hướng hợp tác của Diễn đàn trong cả năm 2017.
Trong bối cảnh một trong những quan tâm lớn của các thành viên liên quan là bảo đảm các thành tựu của toàn cầu hóa, tự do hóa được phân bổ công bằng cho mọi người dân và doanh nghiệp, Hội nghị cũng đã đề cao tính “bao trùm” của tăng trưởng và toàn cầu hóa; đưa “bao trùm” trở thành một nội hàm xuyên suốt các kênh hợp tác của APEC./.
Không đặt nặng vấn đề tinh giản biên chế với đơn vị tự chủ tài chính  (04/03/2017)
Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đến thăm Cố đô Huế  (04/03/2017)
Ngành Tổ chức Xây dựng Đảng tham mưu hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị  (04/03/2017)
Trung Quốc công bố mức tăng chi tiêu quốc phòng thấp nhất trong 7 năm  (04/03/2017)
Bắt đầu thu phí trên Quốc lộ 32 đoạn qua Phú Thọ từ ngày 05-3  (04/03/2017)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên