TCCSĐT - Sáng 23-12-2016, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ủy ban Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc, phân hội tỉnh Sơn Đông (CCPIT) tổ chức “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc 2016”.

Diễn đàn là dịp tốt để CCPIT Sơn Đông giới thiệu về tiềm năng kinh tế của tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc với bạn bè và doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ giao lưu trực tiếp, tìm hiểu thị trường, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm đối tác với tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc trong các lĩnh vực, như sản xuất thiết bị máy móc công nghiệp, máy nông nghiệp, thiết bị dệt may, khoáng sản, kim loại, đường sắt, điện tử, sản phẩm cơ khí, hàng nông sản, giống cây trồng… nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước phát triển ngày càng tốt đẹp.

Việt Nam và Trung Quốc có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Trong những năm qua, với sự nỗ lực của hai bên, kim ngạch thương mại song phương không ngừng phát triển. Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc 11 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam về các mặt hàng, như máy tính và linh kiện, cao su thiên nhiên, than và gạo.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2015, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc đạt 66,6 tỷ USD, tăng 13,4% so với năm 2014. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 17,1 tỷ USD, tăng 14,8%; nhập khẩu 49,5 tỷ USD, tăng 13,3%; nhập siêu 32,4 tỷ USD, tăng 12,5%.

Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 11-2016, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam - Trung Quốc đạt 64,66 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 19,6 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2015; nhập khẩu đạt 45,05 tỷ USD, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước.

Về đầu tư, tính đến hết tháng 11-2016, số dự án đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam là 1.486 dự án, tổng vốn đầu tư là 10,5 tỷ USD, đứng thứ 9 trong tổng số 110 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, các dự án tập trung chủ yếu trong lĩnh vực chế biến, chế tạo công nghiệp và khai khoáng; tiếp đến là dịch vụ, nông - lâm - ngư nghiệp và chế biến thủy sản, y tế, giáo dục.

Cuối năm 2015, khu mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc đã chính thức được thực hiện, liên quan đến 7.000 mặt hàng với thuế quan 0%. Việt Nam với lợi thế về vị trí địa lý và cấu trúc kinh tế năng động đang trở thành một trong những trung tâm thương mại và là cửa ngõ đi vào thị trường rộng lớn của các nước ASEAN và của thế giới./.