Phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trong phát triển du lịch ở Phú Yên
TCCSĐT - Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, trải qua quá trình lịch sử lâu dài, Phú Yên trở thành điểm hội tụ của nhiều tộc người với những sắc màu văn hóa đa dạng. Chính đặc điểm đan cài với sự hỗn dung văn hóa nên Phú Yên còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng quý giá, là nguồn tài nguyên to lớn để phát triển du lịch.
Di sản văn hóa phong phú, đa dạng
Di sản văn hóa ở Phú Yên rất phong phú, đa dạng, trong đó chủ yếu là các di tích lịch sử - văn hóa. Đây là bằng chứng khách quan, chứa đựng dấu ấn của các thời đại, đồng thời thể hiện sinh động những giá trị tinh thần của cộng đồng dân cư ở địa phương và của cả dân tộc. Mật độ di tích lịch sử - văn hóa ở Phú Yên khá dày và đa dạng về loại hình, như di tích khảo cổ thời tiền - sơ sử, thành cổ, đền tháp, mộ cổ, đền thờ danh nhân lịch sử, chùa chiền, nhà thờ, đình làng, lăng, miếu, làng nghề truyền thống, kiến trúc dân gian, những di vật, cổ vật, những công cụ, nhạc cụ... Những hiện vật có giá trị lịch sử - văn hóa tiêu biểu trong kho tàng di sản văn hóa vật thể của Phú Yên là bộ đàn đá Tuy An, phát hiện năm 1992, được các nhà khoa học đánh giá là có thang âm hoàn chỉnh nhất trong các bộ đàn đá phát hiện ở Việt Nam vào thời điểm công bố; cặp kèn đá, phát hiện vào cuối năm 1995, một nhạc khí độc đáo thời cổ đại, là báu vật vô giá (là nhạc khí thời cổ đại bằng đá thuộc bộ hơi duy nhất phát hiện được ở nước ta). Đàn đá và kèn đá Tuy An đều có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 năm. Cùng với những hiện vật trên còn có 6 trống đồng Đông Sơn, niên đại cách ngày nay hơn 2.000 năm, phát hiện ở vùng đồng bằng Tuy Hòa, hơn 1.000 kg tiền cổ kim loại với hàng trăm hiệu tiền Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, niên đại từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 18 cùng hàng trăm hiện vật nghệ thuật điêu khắc Chăm-pa chất liệu đá... Hiện tại, ở ba huyện miền núi của Phú Yên còn lưu giữ cả ngàn bộ công chinh (riêng huyện Sông Hinh có 555 bộ công chinh với 600 nghệ nhân). Các di tích, di vật này có giá trị to lớn về mặt văn hóa và là minh chứng về lịch sử lâu đời cùng những hoạt động giao lưu, giao thương rộng lớn của vùng đất Phú Yên trong tiến trình phát triển.
Cùng với di sản văn hóa vật thể, miền đất Phú Yên còn lưu truyền một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú về loại hình, như lễ hội đâm trâu (dân tộc Ba-na và Chăm), hội đánh bài chòi, hò khoan, lễ hội cầu ngư, lễ cúng đất (dân tộc Kinh), lễ bỏ mả, lễ mừng nhà mới (dân tộc Ê-đê); lễ mừng sức khỏe, lễ cưới theo nghi thức truyền thống của dân tộc ChămH'roi. Từ năm 1990 đến nay, nhiều đề tài, công trình sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa dân gian ở tỉnh Phú Yên được thực hiện, như Trường ca Xinh Chi Ôn; Trường ca Chi Lơ Kok; Trường ca Chi Liêu; Trường ca Hbia Tulúi Kalipu (Ka Sô Liễng và Ma Mơ Khư); Trường ca Chi Blơng (Ka Sô Liễng và Ây Bhơm); Ca dao dân ca trên vùng đất Phú Yên (nhiều tác giả); Truyện cổ dân gian Phú Yên (Ngô Sao Kim); Người Ba-na ở Phú Yên (Văn Công); Đất Phú trời Yên (Trần Sĩ Huệ); Câu đố; Hò Khoan ở Phú Yên (Nguyễn Đình Chúc); Tục lệ thờ cúng và lễ hội ở Phú Yên (Bùi Tân); Món ăn dân gian Đồng Xuân; Thơ ca dân gian Đồng Xuân (Nguyễn Văn Hiền); Văn học dân gian Phú Yên; Văn học dân gian Sông Cầu (Nguyễn Định); Truyện cổ Tuy Hòa (Nguyễn Hoài Sơn); Lễ bỏ mả của đồng bào Ê-đê ở Phú Yên (Nguyễn Hữu Bình) ... Ngoài ra ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn điều tra, sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số, thông qua một số chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn văn hóa phi vật thể. Kết quả có 92 sử thi và 49 nghệ nhân hát sử thi được phát hiện. Theo đó, các ngành chức năng đã tiến hành sưu tầm, dịch và giới thiệu được một số sử thi có giá trị tiêu biểu, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa trong đời sống đương đại.
Trong kho tàng di sản văn hoá phi vật thể ở Phú Yên còn có các loại hình lễ hội, như lễ hội cầu ngư, lễ hội đua thuyền, hội đua ngựa, lễ hội tưởng niệm các danh nhân lịch sử, văn hóa, lễ hội liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng dân gian… thể hiện khát vọng, ước muốn tâm linh, vừa giản dị vừa thiêng liêng, tha thiết, mãnh liệt của quần chúng lao động. Thời gian trôi qua, bao nhiêu lớp sa bồi văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng đã lắng đọng trên lễ nghi, trò diễn và nghi thức thờ cúng, khiến nó trở thành một hiện tượng văn hoá có sức thu hút, lôi cuốn nhiều thế hệ con người tham gia hưởng thụ và sáng tạo những giá trị văn hóa. Đó thực sự là nguồn tài nguyên to lớn cho phát triển du lịch của Phú Yên.
Thực trạng khai thác các di tích lịch sử, văn hóa để phát triển du lịch
Tính đến cuối năm 2013, trên địa bàn Phú Yên có 545 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 19 di tích lịch sử, danh thắng đã được công nhận di tích cấp quốc gia và 31 di tích được công nhận di tích cấp tỉnh. Bảo tàng Phú Yên đã sưu tầm và bảo quản 10.110 đơn vị hiện vật. Xác định được vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Phú Yên đã có nhiều chủ trương, quyết sách nhằm phát huy lợi thế vị trí địa lý, các giá trị văn hóa - lịch sử của địa phương để phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ra Nghị quyết số 36/NQ-HĐND, ngày 16-11-2011, về phát triển du lịch tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020; Ủy ban nhân dân tỉnh cũng phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định loại hình du lịch chính là du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, sinh thái và du lịch văn hóa bản địa. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy du lịch Phú Yên phát triển thời gian qua.
Nhận thức, trách nhiệm và ý thức giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa để phát triển du lịch của các tầng lớp nhân dân ngày càng nâng cao, góp phần xây dựng môi trường du lịch thân thiện. Nhiều kết cấu hạ tầng quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch được triển khai thi công mới hoặc sửa chữa. Một số di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, các lễ hội văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh được đầu tư tôn tạo, nâng cấp tổ chức mở rộng; bước đầu phục hồi một số làng nghề, lễ hội truyền thống của các tộc người có quá trình định cư lâu dài ở Phú Yên như Ê-đê, Ba-na, ChămH'roi... Phú Yên cũng liên kết, phối hợp với các tỉnh trong khu vực để phát triển du lịch; từng bước hình thành các tuyến, điểm du lịch các di tích lịch sử, văn hóa, như ở thành phố Tuy Hòa có các di tích Tháp Nhạn, bảo tàng Phú Yên, địa điểm quản thúc và giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ, mộ bà Dũ Ký, đình Ngọc Lãng, chùa Khánh Sơn,…thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước (ước tính từ 2011 - 2015 có khoảng 2,2 triệu lượt khách du lịch đến tham quan các điểm di tích trên với doanh thu khoảng 2.165 tỷ đồng; trong đó khách quốc tế đạt trên 207.000 lượt, khách nội địa đạt trên 2 triệu lượt). Thị xã Sông Cầu hình thành những tuyến tham quan du lịch trong khu vực vịnh Xuân Đài, kè Tam Giang, kết nối với một số điểm du lịch thuộc tỉnh Bình Định… Huyện Tuy An hình thành các tuyến, điểm du lịch như tuyến từ thành An Thổ đến chùa Từ Quang, xã An Dân, An Lĩnh, An Xuân, tuyến đường quanh đầm Ô Loan; huyện Đông Hòa hình thành tuyến du lịch Bãi Môn- Mũi Điện, Tuy Hòa - Bãi Môn, Mũi Điện - khu di tích tàu không số Vũng Rô... Ngoài ra, hoạt động xã hội hóa du lịch ở Phú Yên cũng bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận với việc một số doanh nghiệp, doanh nhân và người dân đầu tư vào xây dựng các cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống (khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng) tập trung ở thành phố Tuy Hòa và trung tâm các huyện lỵ, thị xã.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc khai thác tiềm năng lợi thế các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng để phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Yên thời gian qua còn một số hạn chế, tốc độ còn chậm, thiếu tính bền vững; lượng khách du lịch đến tham quan các di tích lịch sử, văn hóa còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có; việc kêu gọi thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, công tác quản lý bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng tại các địa phương trong tỉnh còn nhiều bất cập; nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng có tiềm năng lớn về du lịch chưa được đầu tư khai thác. Phú Yên có số lượng di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng lớn, nhiều di tích có giá trị lịch sử, văn hóa nhưng việc lập hồ sơ khoa học đề nghị cấp thẩm quyền công nhận xếp hạng tiến hành còn chậm; chưa có sự phối hợp đồng bộ, thường xuyên giữa tỉnh, huyện và các địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nên tình trạng lấn chiếm đất đai, xâm hại di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương. Công tác thanh kiểm tra còn bất cập nên chưa có biện pháp xử lý để chấm dứt tình trạng vi phạm này. Các thủ tục hành chính liên quan đến hợp tác đầu tư xây dựng và phát triển du lịch theo hướng bền vững còn nhiều bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài.
Đề xuất một số giải pháp
Để phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa phong phú, đa dạng và đặc sắc trong phát triển du lịch tỉnh, thời gian tới Phú Yên cần thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-HĐND, ngày 16-12-2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển du lịch Phú Yên, giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020, Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, ngành chức năng và chính quyền địa phương có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo, khai thác thế mạnh, tiềm năng của di tích cho phát triển du lịch. Tổng kết đánh giá, kiến nghị cấp thẩm quyền kịp thời giải quyết, điều chỉnh những tồn tại, hạn chế, vướng mắc khi triển khai thực hiện Nghị quyết 36 và Quy hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển du lịch tại địa phương.
Hai là, tăng cường công tác điều tra, khảo sát, lập hồ sơ khoa học các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện đề nghị cấp thẩm quyền công nhận xếp hạng di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh. Khi các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng được xếp hạng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên, cảnh quan môi trường, quỹ đất, thu hút đầu tư, bảo đảm phát triển du lịch bền vững trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng và từng địa phương.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về giá trị của các di sản văn hóa và vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường hoạt động quảng bá về giá trị lịch sử, văn hóa, tiềm năng, thế mạnh của các di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng Phú Yên trên các phương tiện truyền thông, các hội chợ, triển lãm du lịch lớn trong tỉnh, khu vực và toàn quốc. Các hoạt động quảng bá này phải hướng tới tính chuyên nghiệp cao.
Bốn là, tập trung triển khai thi công mới, sửa chữa một số kết cấu hạ tầng quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch. Đầu tư tôn tạo, nâng cấp một số di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; khắc phục những vấn nạn thường xảy ra tại các di tích, danh thắng; bảo đảm giao thông an toàn, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường…
Năm là, từ thực tế quản lý và khai thác tiềm năng, thế mạnh các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng trên địa bàn tỉnh trong hoạt động du lịch thời gian qua; các cấp chính quyền địa phương và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tiếp tục đề xuất cơ chế, chính sách, kinh phí đầu tư kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, giải pháp bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan, môi trường.
Sáu là, chú trọng thu hút nguồn lực từ công tác xã hội hóa hoạt động du lịch để đầu tư, khai thác các tiềm năng lợi thế từ các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng phát triển các dịch vụ du lịch; tạo sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa địa phương và tăng cường quảng bá du lịch.
Xã hội hóa hoạt động du lịch ở Phú Yên là xu thế tất yếu, nhưng để hoạt động này có hiệu quả và được tiến hành nhanh chóng phải khơi dậy sức dân. Để nguồn lực trong dân trở thành hiện thực phải phổ biến rộng rãi việc quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, phải làm rõ giá trị nhiều mặt của các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng cho nhân dân biết, nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của toàn xã hội về lợi ích của phát triển du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tiếp đến là sự hướng dẫn và quản lý hoạt động du lịch của ngành chức năng phải xuất phát từ điều kiện cụ thể, hoàn cảnh cụ thể mà chế định các quy tắc rõ ràng, phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh và điều kiện thực tế của vùng, miền. Khuyến khích người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số gìn giữ những lễ hội truyền thống, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng mang bản sắc văn hoá tộc người, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi, tôn vinh kịp thời, đúng mức cho những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp thực hiện xã hội hóa hoạt động du lịch./.
Nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội đạt nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện  (23/02/2016)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim  (23/02/2016)
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tiếp Tổng Lãnh sự các nước  (23/02/2016)
Thủ tướng tiếp Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt  (23/02/2016)
Điện mừng Quốc khánh Cộng hòa Estonia  (23/02/2016)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển