TCCSĐT - Cho đến nay, Việt Nam đã và đang đàm phán trên 10 hiệp định thương mại với mức độ cam kết cao không chỉ có tự do hóa về hàng hóa, dịch vụ mà còn cả các lĩnh vực khác như an ninh, quốc phòng và văn hóa xã hội... Vì thế, các FTA mà Việt Nam đàm phán, ký kết những năm gần đây được gọi là Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đặc biệt là các cam kết trong Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 nước (Mỹ, Canada, Australia, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, Peru, New Zealand, Chile và Brunei).
Những tiêu chuẩn cao

Việt Nam hiện đang là quốc gia có mức độ mở cửa tự do hóa cao trong khu vực, chỉ đứng sau sau Singapore và Hong Kong (Trung Quốc). Các hiệp định thương mại tự do này có mức độ, phạm vi tác động kinh tế xã hội khác nhau. Nhìn chung về hàng hóa thì các FTA đều tương đối giống nhau như: thuế nhập khẩu sẽ chỉ còn 0 - 5% theo lộ trình 5 năm, 7 năm, hoặc 9 năm… Nhưng về dịch vụ thì các cam kết với TPP lại cao hơn hẳn so với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

(1) Về hàng hóa, mức độ cam kết và lộ trình gần tương đương Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), nhưng TPP khác với AEC ở chỗ cam kết cả biểu thuế xuất khẩu. Đây là điều khoản mà WTO ưu đãi các nước đang và chậm phát triển trong WTO vì phần lớn các nước này dựa vào tài nguyên xuất khẩu, nên cam kết này giúp họ xử lý vấn đề nguồn thu ngân sách.

(2) Về mở cửa dịch vụ, đầu tư, TPP theo hướng ưu tiên các quốc gia thu hút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, các nước trong TPP cam kết mở cửa dịch vụ này và dành cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước sự đối xử bình đẳng. Với WTO Việt Nam mới chỉ cam kết minh bạch hóa các chính sách đầu tư liên quan tới thương mại.

(3) Về mua sắm của các cơ quan chính phủ, TPP cam kết mở cửa thông qua đấu thầu (ngoại trừ dự án liên quan an ninh, quốc phòng) có thể gây ra cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với các dự án có số vốn trung bình trở lên. Quy định nêu trên trong WTO chỉ áp dụng đối với các nước phát triển. Nay theo cam kết với TPP nếu doanh nghiệp Việt Nam yếu kém về liên kết sẽ dễ trở thành nhà thầu phụ như các dự án ODA, vì các doanh nghiệp của Việt Nam còn bị hạn chế vốn, công nghệ và trình độ quản lý các dự án lớn.

(4) Về doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp quốc doanh mà nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở lên phải cam kết hoạt động theo cơ chế thị trường, loại trừ các hành vi độc quyền trong cạnh tranh, nhất là việc công khai minh bạch, nhà nước không được trợ cấp tới mức có thể gây ra bất bình đẳng lớn trên thương trường…

(5) Về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, mức độ cam kết cao hơn, thời gian bảo hộ dài hơn và xử lý hình sự khi xâm phạm ở quy mô thương mại và thu lợi nhuận bất chính. Theo đó, nhà đầu tư có thể kiện chính phủ một quốc gia nào đó trong các thành viên khi họ vi phạm các quy định của TPP.

(6) Về thương mại và môi trường, đây là tiêu chuẩn mới mà Việt Nam cùng các nước cam kết bảo vệ môi trường tuân theo các quy định của điều ước quốc tế đã hoặc sẽ tham gia và có chế tài trong trường hợp vi phạm (bao gồm cả cam kết trong COP-21); không trợ cấp nghề đánh bắt cá gây ảnh hưởng tới các loài thủy, hải sản đang bị đánh bắt quá mức.

(7) Về thương mại điện tử, TPP cam kết thương mại qua biên giới, thông qua việc cho phép truy cập, lưu truyền thông tin trên mạng Internet. Đồng thời không phân biệt đối xử với các sản phẩm số, cũng như không áp dụng thuế nhập khẩu, phí nội địa đối với các sản phẩm nói trên. Việc kiểm soát thông tin, nếu không vì các mục tiêu chính đáng, thì cũng không cần yêu cầu đặt máy chủ ở nước sở tại (trừ mục đích an ninh - quốc phòng). Trong cam kết với WTO trước đây, Việt Nam mới chỉ cam kết đối với thương mại của doanh nghiệp và cá nhân.

(8) Về minh bạch hóa và chống tham nhũng, tham gia TPP, Việt Nam cam kết thêm một số nguyên tắc của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC). Trước đây, trong WTO chúng ta chỉ cam kết minh bạch hóa các chính sách kinh tế, thương mại và phải thông báo cho doanh nghiệp biết 60 ngày trước khi ban hành các chính sách này.

(9) Về điều kiện lao động, trong TPP Việt Nam cam kết bảo đảm các điều kiện lao động và cho phép lập công đoàn ở cơ sở theo lộ trình. Đây là quy định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nhưng trong các hiệp định thương mại trước đó, kể cả Hiệp định thương mại dệt may với Mỹ, chúng ta cũng chỉ cam kết ở mức chấp nhận thỏa thuận về điều kiện lao động giữa các doanh nghiệp dệt may với nhau mà thôi.

(10) Về việc nhà đầu tư được kiện chính phủ, đây là những cam kết mới với TPP, đòi hỏi các nhà nước trong đó có Việt Nam phải sửa các luật có liên quan đến mua sắm chính phủ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Dân sự… nhất là làm rõ những điều khoản trong một số trường hợp đặc biệt chính phủ có quyền quốc hữu hóa.

Và giải pháp của các doanh nghiệp…


Đối với doanh nghiệp Việt Nam, sức ép về thời gian là rất lớn (từ 03 đến 18 tháng nữa) trước khi Quốc hội các nước phê chuẩn và TPP có hiệu lực thi hành. Vì thế, chúng ta có thể và cần phải quan tâm đến các giải pháp sau:

Một là, đòi hỏi doanh nghiệp vừa phải có trình độ kinh doanh xuất nhập khẩu, vừa phải hiểu biết công nghệ thông tin, thông thạo ngoại ngữ và biết cách quản lý rủi ro khi liên kết với các đối tác, nhất là về tài chính để hạn chế tổn thất do kém hiểu biết… Đây là thách thức mang tính toàn cầu, do thương mại điện tử đang nhanh chóng thay thế thương mại truyền thống nhờ công nghệ thông tin, Internet phát triển mạnh.

Hai là, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các điều khoản của Hiệp định TPP. Chuyên gia của các Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành phụ trách từng lĩnh vực của Hiệp định cần chỉ rõ để các doanh nghiệp sớm nhận ra đâu là cơ hội, đâu là thách thức. Bởi vì, khi thuế suất xuống 0-5% thì thị trường sẽ giống như “bình thông nhau” khiến hàng hóa di chuyển, doanh nghiệp vừa được hưởng lợi mua hàng giá rẻ, xuất khẩu những mặt hàng mình có thế mạnh như may mặc, giày dép, nông, lâm, thủy sản nhiệt đới… nhưng khi thuế nhập khẩu giảm xuống 0% thì hàng nhập khẩu cũng sẽ cạnh tranh quyết liệt với hàng trong nước. Việc tuân thủ nguyên tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế xuất khẩu bằng 0%, đang là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Ba là, cần xây dựng chiến lược mới về thị trường, sản phẩm, thương hiệu, đầu tư công nghệ cao phù hợp, đào tạo đội ngũ cán bộ về nghiệp vụ, ngoại ngữ, quản trị để nâng cao năng lực cạnh tranh. Mở rộng mạng lưới tiêu thụ trong và ngoài nước theo hình thức kinh doanh chuỗi sản phẩm. Theo đó, cần sớm thể hiện tư duy sản xuất sản phẩm phục vụ thị trường rộng lớn với 1,9 tỷ người bao gồm cả AEC (600 triệu), TPP (800 triệu) và EU (500 triệu)...

Bốn là,
cần nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường trong nước theo lộ trình mở cửa từng lĩnh vực để mở rộng sản xuất và mạng lưới tiêu thụ. Đăng ký thương hiệu, các phần mềm quản trị và quyết toán với các cơ quan quản lý để bảo vệ thương hiệu và uy tín cho chính mình.

Năm là, tăng cường công tác quản lý tài chính và quản trị rủi ro, lợi ích trước mắt và lâu dài, mạnh dạn thuê các chuyên gia giỏi thực sự giúp doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường hội nhập và hiện đại.

Sáu là, cần nâng cao năng lực của các hiệp hội ngành hàng để liên kết các hội viên trong sản xuất kinh doanh, trong việc bảo vệ thị trường thông qua các công cụ chống bán phá giá, trợ cấp, độc quyền và xây dựng văn hóa tiêu dùng… Để giữ thị trường và bảo vệ sản xuất, các nước đã chuyển công việc này từ Nhà nước sang các hiệp hội ngành hàng. Vì tự do hóa thương mại càng cao, thì vai trò bảo hộ của Nhà nước càng giảm bớt thông qua các công cụ như: thuế quan, trợ cấp, độc quyền, thương mại nhà nước, mở cửa thị trường và chấp nhận đối xử quốc gia trong các lĩnh vực.

Như vậy, cánh cửa hội nhập mở rộng đã tạo ra rất nhiều cơ hội, song cũng đặt ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam. Vì thế, cần chủ động để đón nhận thời cơ, vượt qua thách thức trên cả các lĩnh vực: thị trường vốn, công nghệ, nguồn lực con người…

Hãy biến thách thức thành cơ hội mới, thì cơ hội sẽ được nhân đôi. Đây có thể là điều mà các doanh nhân Việt Nam hướng tới trong xu thế hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu./.