Gần một năm trước, lạm phát là mối quan tâm chính của nhiều nền kinh tế châu Á. Tuy nhiên đến nay, tình hình đã thay đổi. Giảm phát hiện là mối đe dọa gần nhất đang nổi lên và có thể khiến sự suy thoái kinh tế toàn cầu trở nên trầm trọng hơn.

Việc giá hàng hóa giảm mạnh và sự gia tăng tâm lý lo ngại của người tiêu dùng khiến Nhật Bản, một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn kinh tế kéo dài. Một vài ước tính cho biết Nhật Bản có thể phải đối mặt với tỷ lệ giảm phát 2% hàng năm trong thập kỷ tới.

Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ còn tồi tệ hơn với tỷ lệ giảm phát ước tính khoảng 4% trong năm 2009 và sẽ không có nhiều khởi sắc trong vòng 10 năm tới. Theo đài phát thanh Ô-xtrây-li-a, suy thoái kinh tế toàn cầu nghĩa là các nền kinh tế có thể bị rơi vào vòng xoáy trôn ốc của sự giảm phát. Hiện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đang nằm trong vòng suy giảm kinh tế. Giám đốc điều hành IMF, ông Đô-mi-ních Xtrau-xơ Can cho biết, nguy cơ giảm phát đã lên đến đỉnh cao trong vòng một thấp kỷ qua và điều này chỉ có thể tránh được nếu như cuộc khủng hoảng tài chính được giải quyết.

Giảm phát là một hệ quả của sự suy thoái và càng làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Tất cả các loại mặt hàng, từ những sản phẩm gia dụng cho đến thực phẩm, xăng dầu cũng đã giảm giá trong một thời gian dài, khiến người tiêu dùng cảm thấy lo lắng. Ông cũng cảnh báo rằng thế giới đang phải đối mặt với cuộc suy thoái kinh tế lớn và rất nhiều nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là các nước ở châu Phi, sẽ cần đến sự trợ giúp.

Trong khi đó, ông Brai-an Ri-đi-can, chuyên gia kinh tế cấp cao của ngân hàng Macquarie, cho rằng, giảm phát sẽ phụ thuộc vào suy thoái kinh tế. Giảm phát khiến chính sách tiền tệ - sự quản lý lãi suất của các ngân hàng trung ương trở nên kém hiệu quả trong việc đối phó với những áp lực của suy thoái.

Các nhà phân tích cho rằng, có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại hơn khi nền kinh tế Trung Quốc cũng đã bị ảnh hưởng bởi sự tác động mạnh mẻ và toàn diện của suy thoái kinh tế toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 26% vào tháng 2-2009 so với cùng kỳ năm ngoái và là sự sụt giảm thảng thứ tư liên tiếp.

Các giải pháp xem như đều vô hiệu khi tỷ lệ suy giảm ngày càng tăng, phần lớn tập trung vào Mỹ. Chủ tịch Ngân hàng dự trữ Liên bang Mỹ, ông Ben Bơ-nan-ki cho rằng, những hành động phối hợp mạnh mẽ là rất cần thiết để chống lại cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ năm 1930 trở lại đây. Điều đó có nghĩa là các ngân hàng phải giữ để không mắc nợ và các quy chế mới về tài chính cần được soạn thảo. Theo ông, chỉ khi thế giới ổn định được hệ thống tài chính thì mới có được sự phục hồi kinh tế vững chắc. Tuy không nhấn mạnh điều này, nhưng ông nói rằng nếu chính phủ các nước có thể để các thị trường tài chính hoạt động bình thường thì cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ sẽ có cơ hội tốt để chấm dứt vào cuối năm nay./.