Lề lối, phong cách làm việc khoa học, dân chủ, chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Đoàn Minh Huấn PGS, TS, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
06:26, ngày 01-09-2018

TCCS - Lề lối, phong cách làm việc là một bộ phận cơ bản cấu thành nhân cách con người, là một trong những thành tố quan trọng phản ánh chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý. Vì vậy, xây dựng lề lối, phong cách làm việc khoa học, dân chủ, chuyên nghiệp của cán bộ lãnh đạo, quản lý là một yêu cầu cấp thiết trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Yêu cầu khách quan phải xây dựng lề lối, phong cách làm việc khoa học, dân chủ, chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong điều kiện mới

Chất lượng cán bộ là sự tổng hợp các phẩm chất, năng lực, giá trị, thuộc tính đạt được của từng cá nhân và cả đội ngũ, được biểu thị ở mức độ cao hay thấp, dưới tầm, ngang tầm hay vượt tầm so với yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng đặt ra trong từng điều kiện cụ thể. Lề lối, phong cách làm việc là một bộ phận cấu thành chất lượng của cán bộ; là hình thức phản ánh phẩm chất chính trị tư tưởng, đạo đức, năng lực được chuyển hóa thành thái độ, hành vi và phương pháp công tác của người cán bộ nhằm tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. Nói cách khác, lề lối, phong cách làm việc là hình thức biểu hiện bề ngoài của chiều sâu tư tưởng; là một nội dung của đạo đức công vụ; là thước đo trình độ, năng lực, phẩm chất của cán bộ trong hoạt động hằng ngày. Không thể nói một người có tư tưởng tiên tiến, đạo đức tốt, trình độ nhận thức cao,... nếu thái độ lao động tồi, hành vi công vụ tiêu cực, phương pháp công tác lạc hậu.

Phong cách cán bộ, đảng viên có ý nghĩa tạo nên lề lối làm việc của tổ chức, phương thức lãnh đạo của Đảng, quyết định mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân và hiệu quả công tác trong Đảng... Khi cán bộ, đảng viên yếu kém về lề lối, phong cách công tác sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, tạo nguy cơ làm thay đổi bản chất của Đảng, thậm chí ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Thực tế cho thấy, chỉ một hình ảnh một cán bộ nhũng nhiễu, quan liêu, thiếu tôn trọng quần chúng cũng lập tức gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Đảng và bộ máy quản lý Nhà nước, nhất là trong điều kiện xã hội thông tin hiện nay. Do đó, xây dựng lề lối, phong cách làm việc khoa học, dân chủ, chuyên nghiệp không chỉ là giải pháp tình thế mà còn là quy luật khách quan của xây dựng, phát triển Đảng. Nhờ đó làm cho Đảng ngày càng vững mạnh hơn, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ, mầm mống gây ra hàng loạt căn bệnh nguy hiểm trong tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ.

Lề lối, phong cách làm việc khoa học, dân chủ và chuyên nghiệp rất cần cho mọi loại cán bộ, bất luận là cán bộ cấp cao, cấp trung hay cấp cơ sở. Ở cấp càng cao, phạm vi ảnh hưởng của quyền lực càng lớn, thì lề lối, phong cách làm việc của người cán bộ không chỉ có ý nghĩa đối với từng cá nhân mà còn mang tính đại diện cho văn hóa lãnh đạo của thể chế cầm quyền. Ở cấp cơ sở, phạm vi ảnh hưởng quyền lực tuy chỉ giới hạn trên một địa bàn cụ thể và trong công việc nhất định, nhưng mọi hoạt động của cán bộ đụng chạm sát sườn đến quyền lợi, nhu cầu hằng ngày của người dân, nên rất dễ gặp phản ứng và tạo xung đột xã hội nếu người cán bộ có thái độ hách dịch, tác phong quan liêu, thiếu tôn trọng dân, phương pháp làm việc lạc hậu, kém hiệu quả. Ngược lại, nếu cán bộ cơ sở có thái độ đúng mực, tác phong dân chủ, tinh thần làm việc tận tụy, có trách nhiệm... rất dễ có được niềm tin yêu của nhân dân. Do đó, xây dựng lề lối, phong cách làm việc khoa học, dân chủ, chuyên nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở nước ta hiện nay.

Sinh thành trong xã hội tiểu nông, chưa được rèn luyện qua xã hội công nghiệp và nền công vụ chuyên nghiệp, lại chịu ảnh hưởng nặng nề của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, nên một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý nước ta chưa quen với lề lối, phong cách làm việc hiện đại, dân chủ, khoa học, chuyên nghiệp. Hạn chế phổ biến trong lề lối, phong cách lãnh đạo, quản lý của một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ nước ta là:

- Tính qua loa, đại khái, nặng kinh nghiệm chủ nghĩa, thiếu tư duy hệ thống; làm việc thiếu sắp đặt thành kế hoạch khoa học, ít coi trọng kiểm tra, kiểm soát để bảo đảm kế hoạch được vận hành thông suốt, tối ưu hóa hiệu quả công tác theo mục tiêu dự kiến; xem nhẹ sơ - tổng kết, hoặc tiến hành thường qua loa, chiếu lệ. Vì thiếu tư duy hệ thống nên không chọn được các vấn đề trọng điểm để tập trung chỉ đạo quyết liệt tạo đột phá, mà thường dàn trải các vấn đề “cùng tiến” làm phân tán nguồn lực, không đạt được kết quả như mong muốn, gây lãng phí cả tài chính, thời gian và nhân lực. Mặt khác, khi gặp các ý kiến mâu thuẫn trong tập thể lãnh đạo thường ít khi truy đến tận cùng căn nguyên vấn đề, mà ở nơi này hay nơi khác rất phổ biến kiểu chiết trung, dung hòa các ý kiến để có “đồng thuận” về mặt hình thức nhưng không giải quyết được bản chất của vấn đề.

- Làm việc theo lối “duy tình”, đặt quan hệ tình cảm, thân quen lên trên các nguyên tắc, kỷ cương, kỷ luật. Không làm hết trách nhiệm của mình, dễ làm, khó bỏ, nhưng lại thường lấn sang thẩm quyền của người khác, đơn vị khác, khi thấy có lợi ích. Kinh nghiệm các vụ án lớn, nhỏ gần đây đều cho thấy hệ lụy của căn bệnh buông lỏng kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo, quản lý hoặc làm việc theo lối để quan hệ tình cảm, thân quen phá vỡ các nguyên tắc, kỷ luật của tổ chức.

- Ban hành quyết định lãnh đạo, quản lý thường ít dựa trên dữ liệu, bằng chứng khoa học, phản biện của chuyên gia và sự tham gia của người dân để lựa chọn phương án tối ưu. Khi triển khai thực hiện thì không xác định rõ nguồn lực cần và đủ, nguồn lực cơ bản và nguồn lực dự phòng (tài lực, vật lực, nhân lực, tin lực, thời gian), đầu mối chịu trách nhiệm chính, lực lượng phối hợp, cơ chế và phương thức tổ chức, dự kiến thách thức cần phải vượt qua, cơ hội phải tận dụng. Thiếu ý thức tiết kiệm, tận dụng thời gian, nên thường bỏ lỡ các cơ hội phát triển, thậm chí dành quá nhiều thời gian cho những công việc trung gian, không tập trung được thời gian cho nhiệm vụ chính yếu.

- Tinh thần hợp tác, hiệp quản, làm việc nhóm yếu; ít chú ý sử dụng chuyên gia tư vấn đối với những vấn đề chuyên sâu hay cần tư duy tổng hợp. Khi làm việc theo “nhóm” thì dễ vận hành theo kiểu ê-kíp không lành mạnh, dễ dãi, xuề xòa, không nhìn trực diện các vấn đề có mâu thuẫn về quan điểm, cách tiếp cận, phương pháp giải quyết. Trong khi đó, làm việc nhóm, tăng tính hợp tác, kết nối và sử dụng chuyên gia tư vấn là một phong cách cần có của một nhà lãnh đạo chuyên nghiệp trong xã hội hiện đại, giúp thu thập và xử lý thông tin đa chiều, phức tạp, giải quyết các tình huống khó khăn.

- Ít có thói quen đối thoại với những ý kiến khác với chủ kiến của mình, thậm chí còn có biểu hiện quy chụp, định kiến. Đó chính là hiện tượng “độc quyền chân lý”, bắt người khác phục tùng hơn là thuyết phục để họ thực thi quyết định một cách tự nguyện, tự giác. Hệ lụy của phong cách lãnh đạo, quản lý này là hạn chế thu thập thông tin; khó đoàn kết, tập hợp được lực lượng đông đảo để thực hiện các mục tiêu đã định; thậm chí đẩy một bộ phận vào tình trạng chống đối hoặc “lãn công” trước quyết sách của người lãnh đạo. Lãnh đạo ở cấp độ càng cao thì đối tượng lãnh đạo càng phong phú, sự khác biệt ý kiến trong xã hội càng đa dạng, không chỉ do lợi ích chi phối mà còn bao gồm cả giá trị theo đuổi. Vì vậy, xây dựng phong cách đối thoại, tôn trọng ý kiến khác biệt là vấn đề rất cơ bản của văn hóa lãnh đạo, quản lý.

- Nặng phong cách quan liêu, bàn giấy, xa rời thực tế, thiếu dân chủ, nguồn “đầu vào” cho ban hành các quyết định hành chính là ý chí chủ quan. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, những người này chỉ biết “khai hội”, viết nghị quyết, ra chỉ thị mà ít chú ý đến ý kiến của tập thể, nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân, không điều tra, nghiên cứu cẩn thận, không quan tâm đến phản ứng của người dân chịu tác động của quyết định chính trị, hành chính. Khi ban hành quyết định rồi thì chỉ hô hào mà không có kiểm tra, đôn đốc, không giải thích cho nhân dân hiểu, không quan tâm đến tính khả thi của quyết định trong thực tiễn. Khi gặp khó khăn trong thực tiễn thì không truy tìm căn nguyên để điều chỉnh kế hoạch, thậm chí vẫn dồn nguồn lực kiểu “cố đấm ăn xôi” gây tổn thất lớn. Khi gặp thất bại thì không nhìn thẳng vào sự thật để kiểm điểm, đánh giá nghiêm túc, rút ra bài học mà thường “lý sự” vòng vo, tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan.

Nhận thức rõ những di tồn lịch sử còn ảnh hưởng rất nặng nề trong đội ngũ cán bộ, ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán và yêu cầu sửa đổi những lề lối, tác phong lạc hậu không phù hợp với bản chất của chính quyền cách mạng, như quan liêu, bàn giấy, xa rời thực tế, kinh nghiệm chủ nghĩa, qua loa, đại khái, xem thường nguyện vọng của nhân dân và ý kiến của cấp dưới, đặt mình cao hơn tổ chức... Khi bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ, giữa núi rừng Việt Bắc, tháng 10-1947, Hồ Chí Minh đã hoàn thành tác phẩm nổi tiếng “Sửa đổi lối làm việc” với bút danh X.Y.Z và trong đó chỉ ra rằng “phải sửa đổi lối làm việc của Đảng”. Người nhấn mạnh, nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng to tát hơn nữa. Cán bộ và đảng viên làm không đúng, không khéo, thì còn nhiều khuyết điểm. Khuyết điểm nhiều thì thành tích ít. Khuyết điểm ít thì thành tích nhiều(1). Người đã chỉ ra 12 căn bệnh của lề lối, phong cách lạc hậu: ba hoa, bệnh địa phương, bệnh ham danh vị, bệnh thiếu kỷ luật, bệnh cẩu thả (gặp sao hay vậy), bệnh xa quần chúng, bệnh chủ quan, bệnh hình thức, bệnh ích kỷ, bệnh hủ hóa, bệnh thiếu ngăn nắp, bệnh lười biếng(2). Đồng thời, Người đã chỉ ra các cách thức, phương pháp để chữa trị những căn bệnh ấy một cách rất cụ thể, thiết thực.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã nhận thức sâu sắc rằng, công cuộc đổi mới chỉ có thể thành công khi đội ngũ cán bộ phải được chăm lo xây dựng vững mạnh, trong sạch. Muốn vậy, cùng với đổi mới tư duy là phải sửa đổi, chỉnh đốn lề lối, phong cách làm việc, đặc biệt là những tác phong cũ kỹ đã ăn sâu trong đội ngũ cán bộ, đảng viên dưới cơ chế tập trung quan liêu bao cấp đang tạo trở lực đối với sự nghiệp đổi mới đất nước. Đại hội VI của Đảng yêu cầu phải “Sửa đổi phong cách làm việc, đi sâu, đi sát thực tế”(3); đề cao phong cách làm việc tuân thủ nguyên tắc, kỷ luật của Đảng; mở rộng sinh hoạt dân chủ; nghiên cứu những kinh nghiệm sáng tạo của cơ sở và địa phương, lắng nghe ý kiến của quần chúng, của chuyên gia và nhà khoa học; xây dựng quy chế làm việc và chế độ công tác, sinh hoạt để làm việc theo quy chế(4). Các kỳ đại hội Đảng trong thời kỳ đổi mới đều nhấn mạnh yêu cầu phải thường xuyên chăm lo xây dựng phong cách, lề lối làm việc khoa học cho cán bộ, đảng viên. Đại hội XII xác định phải xây dựng và thực hiện tốt các quy định để phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị(5). Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra các biểu hiện suy thoái về phong cách, lề lối làm việc, như không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái; không làm tròn chức trách nhiệm vụ được giao; nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác; quan liêu xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân...(6). Suy thoái phong cách, lề lối làm việc được xem là một bộ phận của suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống và cần phải được tập trung sửa chữa, khắc phục.

Xây dựng lề lối, phong cách làm việc khoa học, dân chủ, chuyên nghiệp đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong thời kỳ mới

Để xây dựng lề lối, phong cách làm việc khoa học, dân chủ, chuyên nghiệp đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, bên cạnh những giải pháp chung, như thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tăng cường tự phê bình và phê bình,... dưới đây xin nhấn mạnh một số giải pháp cụ thể:

Một là, thống nhất nhận thức trong toàn Đảng và hệ thống chính trị, toàn xã hội, mọi cơ quan, đơn vị về yêu cầu cấp bách đổi mới, chỉnh đốn lề lối, phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên. Phải xem công việc này không chỉ nhằm hoàn thiện nhân cách của từng cá nhân con người mà còn là một giải pháp cơ bản xây dựng tổ chức, cơ quan, đơn vị vững mạnh. Bởi lẽ, lề lối, phong cách của mỗi con người là biểu hiện cụ thể, sinh động phương pháp công tác của tập thể, quyết định hiệu quả lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, là biểu hiện chất lượng cán bộ mà người dân hằng ngày có thể đo lường bằng sự hài lòng hay không hài lòng, đồng tình hưởng ứng hay phản ứng, xung đột. Đổi mới lề lối, phong cách làm việc không đồng nghĩa với chỉ tập trung sửa chữa khuyết điểm, mà đó là một quá trình cán bộ phải luôn làm mới chính mình, không ngừng hoàn thiện nhân cách. Những cán bộ có thái độ công tác chưa đúng mực, hành vi và tác phong quan liêu, cách làm thiếu dân chủ phải xem đây là cơ hội để tự chỉnh đốn, sửa chữa khuyết điểm, đem lại hình ảnh mới trước công chúng, rèn luyện nhân cách và tăng hiệu suất công việc. Những cán bộ đã có lề lối, phong cách công tác phù hợp, được tập thể, đồng nghiệp và nhân dân ghi nhận, không được chủ quan tự mãn, vẫn phải có trách nhiệm hoàn thiện, không ngừng hiện đại hóa, cập nhật hóa xu thế mới của thời đại, trở thành bộ phận tiên tiến dẫn dắt những bộ phận chậm tiến, tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội. Từng cấp ủy, đơn vị nhất thiết phải kết hợp giữa đẩy mạnh giáo dục với tăng cường kiểm tra, giám sát, uốn nắn, xử lý kịp thời những biểu hiện lệch lạc về lề lối, phong cách làm việc đang gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và niềm tin của quần chúng nhân dân. Cao hơn nữa là phải định hình được văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý, văn hóa cầm quyền, mà ở đó lề lối, phong cách lãnh đạo, quản lý là bộ phận rất cơ bản, được mọi tổ chức và cá nhân quan tâm chăm lo xây dựng, đổi mới với ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm cao để khẳng định nhân cách văn hóa, lẽ sống và khát vọng cống hiến, phụng sự trong thể chế dân chủ và xã hội văn minh.

Hai là, hoàn thiện hệ thống thể chế, quy định chuẩn mực về lề lối, phong cách làm việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý từng cấp, từng ngành, từng đơn vị... làm cơ sở cho đánh giá, giám sát, quản lý cán bộ. Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã có nhiều nỗ lực ban hành thể chế, quy định về vấn đề này, đặc biệt là Quy định khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp (Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4-8-2017) đã làm rõ các tiêu chí của tác phong, lề lối làm việc: Thứ nhất, có trách nhiệm với công việc; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ. Thứ hai, phương pháp làm việc khoa học, dân chủ, đúng nguyên tắc. Thứ ba, hợp tác, hướng dẫn, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp. Phải tiếp tục cụ thể hóa để đo lường được lề lối, phong cách của từng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở từng cấp, từng ngành, từng đơn vị một cách phù hợp, làm cơ sở cho đánh giá, phân loại và giám sát cán bộ. Hệ thống thể chế phải được cụ thể hóa một cách tường minh dựa trên các nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách; các cơ chế phân quyền, trao quyền, ủy quyền, tản quyền,... phù hợp với từng cấp, từng ngành, từng loại hình hoạt động lãnh đạo và quản lý. Quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giữa tập thể và cá nhân, cấp trên và cấp dưới, người chủ trì và người phối hợp, người chịu trách nhiệm chính và người hiệp quản, trình tự, thủ tục, thời gian... khi giải quyết một công việc cụ thể, đặc biệt là những công việc đòi hỏi phải phối hợp nhiều người, nhiều đơn vị tham gia. Hệ thống thể chế đó phải bảo đảm đồng bộ, liên thông giữa quy định của Đảng với luật pháp của Nhà nước.

Ba là, đổi mới các khâu của công tác cán bộ hướng vào hoàn thiện lề lối, phong cách làm việc của cán bộ, đặc biệt là xây dựng phong cách làm việc khoa học, dân chủ, chuyên nghiệp. Mỗi khâu khác nhau của công tác cán bộ đều tham dự trực tiếp hoặc gián tiếp vào hình thành và điều chỉnh lề lối làm việc, phong cách lãnh đạo, quản lý của cán bộ. Ở khâu tuyển dụng cán bộ, vấn đề đặt ra không chỉ để sát hạch trình độ, kiến thức, kỹ năng xử lý các công việc chuyên môn mà còn phải coi trọng cả tác phong công vụ, cách thức xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, khả năng đề ra và tuân thủ quy trình giải quyết công việc, năng lực làm việc nhóm và hợp tác, khả năng huy động và phân bổ nguồn lực (tài lực, vật lực, nhân lực, tin lực, thời gian) cho tổ chức thực hiện, khả năng đối thoại với người có ý kiến khác... Ở khâu đánh giá cán bộ, phải thường xuyên đối chiếu thái độ, hành vi, phương pháp công tác trong thực tế hằng ngày với các tiêu chí được xây dựng trên khung lý thuyết làm công cụ đo lường để phân loại cán bộ sát đúng. Chính ở hành vi, thái độ, lề lối, tác phong, phương pháp công tác mới biểu hiện rõ nét chất lượng cán bộ, kiểm chứng tính nhất quán giữa tư tưởng và hành động, lời nói và việc làm, hình thức và nội dung,... nhờ đó khắc phục được tình trạng đánh giá “định tính” trừu tượng đối với các tiêu chuẩn thuộc về phẩm chất chính trị tư tưởng. Cải tiến công tác tiếp dân, tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, có cơ chế ràng buộc trách nhiệm “đồng hành” của đại biểu với những kiến nghị chính đáng của người dân trong các lần tiếp xúc cử tri. Đổi mới công tác bầu cử và mở rộng hình thức thi tuyển cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, mà ở đó chương trình hành động là vấn đề trung tâm của cơ chế sát hạch, thể hiện được cam kết chính trị của ứng viên về mặt lề lối, phong cách công tác. Công khai chương trình hành động là một dạng sát hạch không chỉ về tầm nhìn, mục tiêu, nội dung mà còn cả kế hoạch, phương châm hoàn thiện nhân cách, lối sống, phong cách của ứng viên để tối ưu hóa khả năng thực hiện các mục tiêu khi trúng cử. Chương trình hành động của ứng viên còn là căn cứ cho giám sát của tổ chức đảng và xã hội đối với cán bộ giai đoạn “hậu bầu cử” và “hậu thi tuyển”. Coi trọng giám sát cán bộ lãnh đạo - quản lý, trong đó bao hàm cả giám sát lề lối, phong cách làm việc, đặc biệt là quan hệ với người dân, với cấp dưới, với đồng cấp, với công việc, với chính bản thân cán bộ về những cam kết chính trị trước đó.

Bốn là, hoàn thiện mô hình đào tạo hướng tới xây dựng lề lối, phong cách làm việc khoa học, dân chủ, chuyên nghiệp đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Lề lối, phong cách làm việc khoa học, dân chủ, chuyên nghiệp được hình thành không chỉ nhờ thể chế và môi trường công tác, mà còn có phần quan trọng thông qua mô hình đào tạo khoa học để can thiệp có hiệu quả vào điều chỉnh hành vi, nhân cách, thái độ, nhân phẩm con người. Vì vậy, phải sớm đổi mới căn bản mô hình đào tạo cán bộ lãnh đạo - quản lý, bao gồm cả đào tạo học đường và đào tạo phi học đường, đào tạo ở nơi làm việc và đào tạo ở ngoài nơi làm việc. Chương trình, nội dung đào tạo cần tập trung hơn cho xây dựng thái độ, hành vi, tác phong chuẩn mực trong các quan hệ cơ bản của lãnh đạo, quản lý; định hình phương pháp công tác khoa học; rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, quản lý hiện đại... để áp dụng cho từng vị trí lãnh đạo, quản lý, khắc phục tình trạng lý thuyết xa rời thực tiễn. Cần coi trọng phương pháp đào tạo tại hiện trường, đào tạo trên thực địa, đào tạo dựa trên bằng chứng, đào tạo gắn liền với giải quyết các tình huống thực tiễn bức xúc mà cuộc sống đang đòi hỏi. Cùng với tích cực đổi mới mô hình đào tạo học đường cần coi trọng đào tạo phi học đường, đặc biệt đào tạo thông qua luân chuyển, rèn luyện trong thực tiễn công tác hằng ngày, như xử lý các tình huống liên quan đến xây dựng thái độ, hành vi đúng mực trước nhân dân và công việc, rèn luyện phong cách làm việc dân chủ, tạo lập phương pháp công tác khoa học và giải quyết các vấn đề lãnh đạo công một cách chuyên nghiệp. Trong đó, có những phong cách làm việc phải được rèn luyện dạng bài tập thực hành, như phương pháp chủ trì công việc bảo đảm tính dân chủ, chuyên nghiệp; tinh thần hợp tác, tương trợ lẫn nhau; quan hệ công chúng, đặc biệt là thái độ ứng xử với báo chí, truyền thông; tác phong làm việc trong môi trường hội nhập quốc tế, đa văn hóa.

Năm là, phát huy vai trò của người dân, báo chí và tăng cường áp dụng thành tựu khoa học - công nghệ trong lãnh đạo, quản lý, hiện đại hóa lề lối, phong cách làm việc của cán bộ. Huy động nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới công tác cán bộ; lấy ý kiến của quần chúng bằng nhiều cách khác nhau đối với các khâu tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá, phân loại cán bộ; phát huy nhân dân rộng rãi tham gia giám sát lề lối, phong cách của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Định hướng cho báo chí tham gia nhiều hơn vào tổng kết các mô hình nhân cách, gương điển hình tiên tiến có lề lối, phong cách làm việc khoa học, dân chủ, chuyên nghiệp để cổ vũ, phổ biến, nhân rộng. Đồng thời, báo chí có trách nhiệm phản biện, phê bình đối với những lề thói lạc hậu, phong cách quan liêu, hách dịch đi ngược lại lợi ích của nhân dân và cản trở tiến bộ xã hội. Cùng với phát huy vai trò của báo chí cần phải ứng dụng tốt hơn thành tựu khoa học - công nghệ vào lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa thái độ và hành vi công vụ của cán bộ, công chức khi thực hiện các quy trình giải quyết công việc, nhờ đó mà người dân có điều kiện giám sát cụ thể. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý còn giúp cho cán bộ, công chức có điều kiện giao tiếp, nắm bắt được thông tin phản hồi từ người dân một cách tốt hơn, trên cơ sở đó tự điều chỉnh hành vi, tác phong lãnh đạo, quản lý. Công nghệ thông tin ứng dụng trong lãnh đạo, quản lý còn giúp quản trị tốt hơn thời gian, kế hoạch công tác, nhờ đó điều hành một cách kịp thời, nhanh chóng và khoa học. Trong bối cảnh truyền thông kỹ thuật số phát triển nhanh chóng, cán bộ lãnh đạo còn phải biết sử dụng mạng xã hội một cách thành thục để tuyên truyền đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước, thu nhận các phản hồi xã hội và đấu tranh với các ý kiến sai trái, xuyên tạc, phản động.

Xây dựng lề lối, phong cách dân chủ, khoa học, chuyên nghiệp đối với cán bộ lãnh đạo quản lý là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, mà sâu xa vẫn là thay đổi những nếp tư duy, tập tục, thói quen và hành vi lạc hậu đã ăn sâu trong cán bộ, công chức. Nó đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhưng sâu xa hơn là phải khơi dậy được ý thức tự giác, lòng tự trọng, tinh thần tự tôn của mỗi cán bộ để hoàn thiện nhân cách, xứng đáng với một nhà lãnh đạo công chuyên nghiệp trong xã hội văn minh./.

---------------------------------------------------

(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5 tr. 272 - 273 , 307
(3), (4) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 47 (1986), tr. 472, 470 - 473
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (lưu hành nội bộ), Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 202 - 203
(6) Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (lưu hành nội bộ), Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 28 - 32