Chủ nghĩa yêu nước trong hành động cụ thể

Lê Quốc Lý
14:08, ngày 07-01-2010

TCCS - Tình yêu đất nước và lòng tự hào dân tộc là truyền thống quý báu của người dân Việt Nam. Trong mỗi thời đại và thời điểm của lịch sử nó được thể hiện ở các sắc thái khác nhau. Ngày hôm nay, trong giai đoạn dựng xây đất nước, phát triển kinh tế xã hội, sự thể hiện của tình yêu đất nước và lòng tự hào dân tộc chính là hành động cụ thể đóng góp vào công cuộc xây dựng kinh tế đất nước giàu mạnh và hưởng ứng tích cực cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

1 - Nội dung của cuộc vận động: "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự hiểm nguy, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.

Thực tiễn trong những năm qua đã minh chứng thêm nhận định của Bác: Đồng bào ta ngày nay, từ cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ kiều bào ở nước ngoài đến đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, từ miền ngược đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị "đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước". Trong thời điểm lịch sử hôm nay, tình yêu đất nước và lòng tự hào dân tộc lại hun đúc vào tâm hồn mỗi con người Việt Nam và kết lại thành một làn sóng hưởng ứng cuộc vận động: "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" như một hành động cụ thể theo tinh thần và tư tưởng mà Bác đã dạy bảo.

Cuộc vận động: "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được Bộ Chính trị phát động (Thông báo kết luận số 264-TB/TW ngày 31-7-2009 của Bộ Chính trị) đã và đang được hưởng ứng ngày một sâu rộng. Đây là cuộc vận động phát động trong một thời khắc lịch sử quan trọng với sự khơi dậy và động viên toàn thể nhân dân ta thể hiện lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc trong hành động cụ thể của mình. Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta mới được khôi phục từ sự tác động xấu của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, thì cuộc vận động này đã ra đời đúng lúc và hợp lòng dân, đang ngày một lan tỏa đến khắp mọi miền đất nước.

Thực tế cho thấy khẩu hiệu "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" có thể được nhận thức khác nhau về nội dung của nó. Do đó, để cuộc vận động này đi vào cuộc sống đòi hỏi cần có một sự phân tích làm rõ nội dung, đối tượng tham gia và phạm vi lan tỏa của nó.

Ý nghĩa của cuộc vận động này là to lớn và sâu sắc. Có thể nói, đây là một cuộc vận động rộng lớn về không gian và đối tượng, mà cụ thể là toàn dân Việt Nam (ở trong nước và cả ở ngoài nước), từ người tiêu dùng đến người sản xuất, từ chủ doanh nghiệp đến người công nhân, nông dân, trí thức và học sinh, từ người già đến người trẻ... từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, từ miền gần đến vùng sâu, vùng xa và hải đảo.... cần và nên hưởng ứng tích cực phong trào này. Đồng thời, phong trào này được phát động không phải chỉ giới hạn trong một thời điểm nhất định, mà để đặt nền móng cho tư duy nhận thức và hành động lâu dài, càng ngày càng sâu rộng, phát triển về chất trong hành vi, lối sống của các thế hệ người Việt Nam. Qua cuộc vận động này, mỗi người chúng ta ai ai cũng có thể thể hiện tấm lòng của mình trong mỗi hành động cụ thể. Điều đó thể hiện như sau:

Thứ nhất, trong thực tế hiện nay nhiều hàng Việt Nam đã đạt được chất lượng tốt, giá cả phải chăng và đang được người tiêu dùng ưa chuộng, ví dụ như bia, quần áo, bánh kẹo, giày dép, cà phê,.... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người sính hàng ngoại, nên cuộc vận động này đã được phát động đúng lúc nhằm động viên, khuyến khích và nâng cao ý thức của người Việt Nam ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam. Có thể nói nếu chỉ dừng ở việc vận động người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì khó thành công. Bởi lẽ, thực tế cho thấy không thể đơn giản vận động người tiêu dùng ưu tiên mua và sử dụng hàng Việt Nam mà không đòi hỏi nhà sản xuất phải sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp (ít ra cũng gần bằng hoặc bằng hàng ngoại), với giá thành phù hợp (không đắt hơn giá cả của hàng nhập ngoại). Vì thế cần có thêm một nội dung nữa là "ưu tiên người tiêu dùng trong nước". Như vậy cuộc vận động này chỉ thành công thực sự khi có sự gặp nhau giữa nhà sản xuất (doanh nghiệp) và người tiêu dùng với điểm đến là hàng hóa chất lượng cao và giá cả phải chăng. Tức là để làm được việc này đòi hỏi nhà sản xuất phải có ý thức sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao đạt được các yêu cầu của người tiêu dùng và người tiêu dùng cũng có ý thức mua hàng Việt Nam khi chất lượng hàng trong nước không thua kém hàng ngoại, có lợi thế về giá cả và các dịch vụ sau bán hàng, chữ tín được tôn trọng.

Thứ hai, cuộc vận động này không chỉ dừng lại ở người tiêu dùng và các nhà doanh nghiệp, mà còn có tác động đến những người lao động (công nhân) trong các nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với đòi hỏi là mỗi người công nhân khi sản xuất sản phẩm nào đó (từ từng chi tiết, phụ kiện đến sản phẩm nguyên chiếc) đều cần có ý thức sản xuất với tất cả tấm lòng, trách nhiệm của mình để ra những sản phẩm tốt và đẹp nhất, với chi phí ít nhất. Hành động làm ra sản phẩm chất lượng cao chính là đạo đức, nhân cách của mỗi con người Việt Nam và là việc làm không phải cho ai khác mà là cho chính họ vì không ai tự sản xuất ra được hết các loại sản phẩm mà phải dùng cả sản phẩm của người khác sản xuất. Hơn nữa, sản phẩm làm ra với chất lượng cao, đẹp và rẻ sẽ bán được nhiều hơn, khi đó người lao động sẽ có việc làm, thu nhập hơn và cuộc sống tất yếu sẽ tốt hơn. Đây chính là hành động vì mọi người và vì bản thân mình. Ngoài ra, khi doanh nghiệp hay đất nước sản xuất ra được nhiều sản phẩm có chất lượng cao, đẹp và rẻ thì hình ảnh về doanh nghiệp và đất nước sẽ càng ngày đẹp hơn (hàng Nhật Bản đã trở thành thương hiệu đặc biệt mà ai ai cũng biết và muốn sử dụng chính là ở điểm này). Vì vậy, kết quả của các công việc trên chính là thể hiện tình yêu đất nước và lòng tự hào dân tộc ở hành động cụ thể của mỗi con người.

Thứ ba, cuộc vận động này cần được thực hiện sâu rộng đến từng người nông dân, đặc biệt người sản xuất hàng hóa bán trên thị trường. Điều này thể hiện ở chỗ mỗi người nông dân trên những luống cây trồng, con vật nuôi của mình phải có ý thức sản xuất ra các loại sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh. Đây không chỉ thuần túy an toàn cho thế hệ hôm nay, mà còn bảo đảm an toàn và sự khỏe mạnh cho các thế hệ mai sau.

Thứ tư, cuộc vận động "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tác động đến cả những người cung cấp các dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ ăn uống, thuốc men.... Hàng ăn uống phải hợp vệ sinh, an toàn cho người sử dụng. Những hành vi làm hàng giả, đặc biệt là hàng giả độc hại, kém chất lượng, đồ ăn đã hỏng (dùng hóa chất hay hóc môn... tẩy rửa) cần phải bị lên án như là những tội ác và phạm pháp để mỗi người khi cung cấp các dịch vụ này phải có ý thức thực sự trong bảo vệ an toàn thực phẩm.

Thứ năm, hàng hóa không chỉ dừng ở các mặt hàng cụ thể, như cái áo, đôi giày... mà còn cả những sản phẩm tinh thần, trí tuệ. Do vậy, những người sản xuất ra những sản phẩm tinh thần như bản nhạc, bài hát, công trình khoa học... cũng phải có ý thức đưa ra các sản phẩm có chất lượng cao, hàm lượng chất xám lớn và giá trị chân thực. Mặt khác, cũng cần lên án tư duy “vọng ngoại”, trong khi ở trong nước rất nhiều người có năng lực nhưng không được sử dụng .

Thứ sáu, để cuộc vận động này đi vào cuộc sống thực sự, trở thành thói quen và nhân cách của mỗi người dân, Nhà nước cần ban hành những quy định chặt chẽ về chất lượng sản phẩm, cũng như ban hành luật pháp ngăn chặn và trừng phạt nghiêm khắc tình trạng làm hàng giả, hàng rởm, hàng kém chất lượng, hay độc hại đến sức khỏe con người. Ngoài việc gương mẫu sử dụng hàng Việt Nam, các cơ quan nhà nước cùng nhân dân trong mỗi hành động và quyết sách của mình cần tập trung đưa ra các điều kiện và xây dựng môi trường để mọi tổ chức và người dân có cơ hội thể hiện lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc của mình trong việc làm cụ thể.

Thứ bảy, người Việt Nam ở nước ngoài (bao gồm những người Việt Nam đi công tác và học tập ở nước ngoài) là một lực lượng to lớn và quan trọng cần có các hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam và hàng Việt Nam trong con mắt người nước ngoài.

2 - Khuyến nghị một số giải pháp để cuộc vận động thành công

Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tác động đến tất cả mọi tầng lớp nhân dân trên khắp mọi miền của đất nước và cả người Việt Nam ở nước ngoài. Do vậy, để cuộc vận động này thành công và đi sâu vào lòng người, theo chúng tôi, cần có một số giải pháp khơi dậy cuộc vận động này thành một cao trào rộng khắp, sâu sắc.

Một là, tuyên truyền rộng khắp về nội dung, ý nghĩa, mục đích của cuộc vận động này đến mọi người dân từ nông thôn đến thành thị, từ miền xuôi đến miền núi, hải đảo. Xác định rõ đây là cuộc vận động có tầm quan trọng rất lớn vì sẽ làm thay đổi về chất (có thể nói là cuộc cách mạng trong nhận thức và cả văn hóa tiêu dùng) của người dân không phải chỉ ở thế hệ hôm nay, mà cả mai sau, tạo nên thế hệ người Việt Nam có nhân cách, ý thức và tự tôn dân tộc trên một bình diện mới.

Hai là, tổ chức giáo dục dưới các hình thức hội nghị, hội thảo, lớp học và phân phát tài liệu đến mọi người dân... làm sao để cả những cá nhân và tập thể đều có ý thức tiêu dùng hàng nội trong cuộc sống hằng ngày. Từng bước hình thành nét văn hóa tiêu dùng văn minh và có lợi cho phát triển bền vững.

Ba là, lên án mạnh mẽ những hành vi sản xuất hàng giả, kém chất lượng, hàng độc hại... như là những hành vi vi phạm đạo đức, tội ác và phạm pháp. Pháp luật cần quy định cụ thể và nghiêm trị các hành động nêu trên.

Bốn là, để làm được như trên cần huy động sức lực của toàn xã hội. Nhà nước phải làm nòng cốt để các doanh nghiệp, nhà sản xuất triển khai sâu rộng các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển các dịch vụ có chất lượng. Trong các doanh nghiệp cần tổ chức phong trào giáo dục, tuyên truyền cho từng người về đạo đức và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc sản xuất hàng chất lượng cao, giá thành hợp lý bởi không ai hơn là những người trực tiếp làm ra sản phẩm nhắc nhở nhau, bảo nhau cùng làm ra các sản phẩm tốt cho xã hội.

Năm là, tạo ra những phong trào thanh niên, sinh viên và học sinh làm việc tốt, hành động tốt trong sản xuất và sử dụng sản phẩm Việt Nam. Niềm tự hào dân tộc cần được khắc sâu đậm nét trong mỗi con người tuổi trẻ hôm nay. Mỗi người đều phải cảm thấy bức xúc, tội lỗi nếu như chưa làm được việc tốt hoặc có những hành động không phải đối với đất nước. Sản xuất ra hàng hóa Việt Nam có chất lượng cao, giá thành hợp lý phải trở thành mục tiêu, lẽ sống của mỗi người Việt Nam chúng ta hôm nay.

Sáu là, Nhà nước có chính sách tôn vinh, khen thưởng cho những nhà sản xuất ra hàng hóa chất lượng cao, đẹp và giá rẻ; đồng thời, cần có các chính sách miễn giảm thuế, hỗ trợ tín dụng, lãi suất và các chính sách khác cho doanh nghiệp sản xuất đạt được các yêu cầu chất lượng đề ra. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách giảm thuế VAT và các loại thuế khác đối với việc mua và sử dụng hàng trong nước cho người tiêu dùng. Đặc biệt là có phong trào khen thưởng cho những người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

Bảy là, nâng cao vai trò các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, các hiệp hội trong việc vận động, giáo dục cũng như giám sát việc sản xuất hàng hóa và sử dụng hàng hóa Việt Nam. Đặc biệt, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cần phát huy vai trò tiên phong trong các việc làm nêu trên. Tăng cường kiểm tra, giám sát, giới thiệu cho người tiêu dùng những mặt hàng có chất lượng cao, đồng thời cảnh báo cho những mặt hàng kém chất lượng, độc hại, hàng giả... Giáo dục và nâng cao ý thức của người dân để hạn chế sử dụng hàng ngoại, đặc biệt có ý thức tẩy chay, loại trừ những loại hàng chất lượng thấp, hàng giả nhập lậu vào nước ta./.