Xung quanh ý tưởng thành lập Tổ chức các nước xuất khẩu gạo
Thái Lan - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới cho biết, nước này muốn cùng với 5 nước là: Lào, Mi-an-ma, Cam-pu-chia, Việt Nam và Ấn Độ thành lập một tổ chức xuất khẩu gạo giống như Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC để cùng kiểm soát giá gạo quốc tế.
Trong bối cảnh khủng hoảng lương thực trên thế giới và giá tăng vọt, ngày 30-4 vừa qua, Thủ tướng Thái Lan Xạ-mặc Xun-đa-ra-vệt (Samak Sundaravej) đã chính thức đề nghị thành lập Tổ chức các nước xuất khẩu gạo (OREC), dựa theo mô hình Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Tổ chức này sẽ bao gồm một số nước như Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam, Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma... Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì dự án này khó khả thi, bởi cho đến nay có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Ý tưởng thành lập OREC đã được Thái Lan đưa ra hồi năm 2001, nhưng không nhận được sự hưởng ứng của các quốc gia liên quan. So sánh ý tưởng trên với dầu lửa và mô hình hoạt động của OPEC, giới phân tích nhấn mạnh đến hai sự khác biệt cơ bản: yếu tố quốc gia và bản chất thị trường lương thực.
Theo ông Giô-na-than Pin-cơt (Jonathan Pincus), chuyên gia kinh tế thuộc văn phòng Tổ chức Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, ở châu Á, phần lớn các hoạt động xuất khẩu gạo do nhà nước tiến hành, vì vậy, các nước xuất khẩu gạo có thể hạn chế xuất khẩu để phục vụ thị trường nội địa. Hơn nữa, thị trường gạo trên thế giới quá nhỏ, rất ít người mua và bán so với dầu lửa, vì gạo chủ yếu được tiêu thụ ở các nước sản xuất ra.
Đây cũng là ý kiến của ông Rô-bớt Dây-lơ (RobertZeigler), Giám đốc Học viện Quốc tế nghiên cứu của Phi-lip-pin và ông nhấn mạnh dầu lửa được khai thác bởi một số ít công ty tại một số ít quốc gia, còn gạo được sản xuất bởi hàng triệu nông dân mà mỗi hộ này chỉ có từ 1 đến 3 ha đất. Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết vì thế sẽ không kiểm soát được giá cả nếu bản thân các nước thành viên của tổ chức không kiểm soát được nguồn cung ứng lương thực của mình.
Ngay Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan Ông Chu-ki-át Ô-pha-uông-xơ (Chookiat Ophaswongse) cũng không tán đồng dự án này. Ông giải thích rằng, một nền kinh tế thị trường thì không thể kiểm soát, bắt nông dân trồng lúa hay không. Họ đổ xô trồng lúa nếu giá gạo cao và sẽ chuyển sang trồng loại cây khác nếu giá gạo xuống thấp. Chuyên gia Ap-pi-tha Bai-cơ-ri (Arpitha Bykere), thuộc Trung tâm phân tích kinh tế tài chính RGE Monitor, có trụ sở tại Niu Y-óoc, cho biết các tổ chức quốc tế sẽ chống lại dự án thành lập OREC.
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ông Ha-rư-hi-cô Cư-rô-đa (Haruhiko Kuroda) cũng không ủng hộ ý tưởng của Thái Lan đề xuất thành lập OREC với lý do nên để các lực lượng này hoạt động tự do.
Tuy nhiên, theo báo chí Thái Lan, các nước Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam, Mi-an-ma, Cam-pu-chia, mỗi năm sản xuất tổng cộng 60 triệu tấn gạo, tương đương với 14% tổng sản lượng thế giới, cung cấp hơn 60% lượng gạo xuất khẩu của thế giới, nhưng lại không quyết định được giá cả mà phụ thuộc vào các nước nhập khẩu. Vào lúc giá dầu lửa không ngừng gia tăng thì các nước nói trên phải mua dầu lửa đắt và bán gạo rẻ. Do vậy, nếu được thành lập, thì OREC sẽ tránh được những rủi ro của biến động, ấn định giá gạo trên thị trường thế giới đồng thời ổn định được giá trên thị trường nội địa. Bên cạnh đó, tổ chức này còn đưa ra được những dự báo về giá cả, hỗ trợ nhà nông về kỹ thuật, để họ yên tâm sản xuất nâng cao năng suất.
Các nước Ấn Độ, Việt Nam, Mi-an-ma, Cam-pu-chia và Lào có thái độ không hoàn toàn giống nhau đối với sáng kiến thành lập OREC. OREC đã nhận được sự ủng hộ về nguyên tắc của Cam-pu-chia, Mi-an-ma. Còn Lào tuyên bố sẽ nghiên cứu nghiêm chỉnh đề xuất này. Đối với Việt Nam - nước đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, chính sách lương thực của Việt Nam luôn theo hướng vừa bảo đảm lợi ích trong nước vừa phải có trách niệm với cộng đồng thế giới. Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết, vấn đề mà Việt Nam rất quan tâm hiện nay là định hướng của Tổ chức này như thế nào, nếu được thành lập. Thứ trưởng nhận định, đối với những tổ chức như vậy rất dễ xảy ra xu thế lợi dụng tình hình thế giới để cầu lợi cho tính chất cục bộ của một nhóm các thành viên tham gia và đây là “xu thế tiêu cực”. Vì thế, theo ông Tú, vấn đề đặt ra là định hướng của OREC có phù hợp với quan điểm của Việt Nam về vấn đề lương thực hay không và khi tham gia OREC, Việt Nam có thực hiện được trách nhiệm của mình hay không. “Trong tình hình lương thực thế giới đang khủng hoảng như hiện nay, Việt Nam phải đảm bảo hài hoà lợi ích trong nước và của cộng đồng thế giới”, Thứ trưởng khẳng định./.
Điện Biên Phủ - biểu tượng của ý chí quyết thắng Việt Nam  (06/05/2008)
Điện Biên Phủ - biểu tượng của ý chí quyết thắng Việt Nam  (06/05/2008)
Phát huy sức mạnh dân chủ cơ sở trong lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp  (06/05/2008)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên