Tư tưởng Hồ Chí Minh về lợi ích quốc gia dân tộc

ThS. Ngô Thị Phương Thảo Bộ môn Lý luận Chính trị, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên
10:58, ngày 14-04-2016

TCCSĐT - Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp là một trong những đóng góp xuất sắc của Người vào lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Trong đó, việc xác định đúng đắn vấn đề lợi ích dân tộc, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, trước hết là một trong những nhân tố đưa đến thành công của cách mạng Việt Nam.

Trong giai đoạn hiện nay, trước tình hình mới của đất nước và thế giới đã và đang đặt ra cho nước ta nhiều cơ hội và thách thức, bài học kinh nghiệm “Đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết” có ý nghĩa thời sự hơn bao giờ hết. Đây chính là cơ sở để Đảng ta tập hợp và phát huy nguồn lực toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Vì lợi ích quốc gia dân tộc

Dân tộc và giai cấp là hai phạm trù có nội dung khác nhau và chỉ các quan hệ xã hội khác nhau. Mỗi phạm trù này có vai trò lịch sử riêng trong sự phát triển của xã hội, song chúng lại có quan hệ hữu cơ và tác động qua lại với nhau. Mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp trong điều kiện lịch sử và những giai đoạn lịch sử nhất định còn được biểu hiện như hai mặt của một vấn đề, chúng tác động biện chứng với nhau trong một thể thống nhất của một quốc gia dân tộc. Giải quyết tốt mối quan hệ này là một trong những nhân tố bảo đảm thành công của cách mạng. Tuy nhiên, trong lịch sử phong trào cộng sản trên thế giới, đã có nơi, đã có lúc, đã có các tư tưởng tả khuynh, tuyệt đối hóa quan điểm giai cấp, đề cao lợi ích giai cấp hạ thấp vấn đề dân tộc, lợi ích dân tộc - nguyên tắc tối cao chi phối hoạt động thực tiễn của một quốc gia dân tộc - chỉ mang lại những kết quả tức thời, không bền vững và để lại những hậu quả nặng nề, khó khắc phục, làm tổn hại quốc gia dân tộc.

Có thể nói, sự thành công của cách mạng Việt Nam trong nửa thế kỷ vừa qua gắn liền với vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc giải quyết mối quan hệ dân tộc và giai cấp.

Vấn đề dân tộc, ở thời đại nào cũng được nhận thức và giải quyết trên lập trường và theo quan điểm của một giai cấp nhất định. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin nhấn mạnh rằng, chỉ đứng trên lập trường của giai cấp vô sản và cách mạng vô sản mới giải quyết đúng đắn được vấn đề dân tộc. Trong điều kiện chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh, nghiên cứu và hoạt động trong phong trào công nhân, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã đề cập đến những quan điểm cơ bản về mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp. Từ thực tiễn cách mạng châu Âu năm 1848 và phong trào đấu tranh của các dân tộc, từ vị trí, vai trò và thái độ của các dân tộc trong cách mạng châu Âu, C. Mác và Ph. Ăng-ghen khẳng định: phong trào giải phóng dân tộc là một bộ phận hợp thành của đội quân cách mạng châu Âu, mở rộng trận địa cách mạng dân chủ tư sản và có vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh chống lại các thế lực phong kiến. Trong quan niệm của mình, C. Mác và Ph. Ăng-ghen khẳng định mối quan hệ giữa sự nghiệp giải phóng dân tộc và cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản. Trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, C. Mác và Ph. Ăng-ghen cho rằng, nếu xóa bỏ nạn người bóc lột người thì nạn dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ, khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp không còn nữa thì sự đối kháng giữa các dân tộc sẽ mất theo. Với quan điểm trên, C. Mác và Ph. Ăng-ghen muốn nhấn mạnh mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, dân tộc và nhân loại và để thực hiện thành công sự nghiệp này phải tiến hành cuộc đấu tranh giai cấp.

Phát triển học thuyết do C.Mác và Ph. Ăng-ghen xây dựng trong điều kiện chủ nghĩa tư bản chuyển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc, V. I. Lê-nin đã bổ sung, phát triển và làm phong phú thêm lý luận của C. Mác và Ph. Ăng-ghen thông qua thực tiễn cách mạng nước Nga. Ông đã sớm nhận thấy được mối quan hệ mật thiết trong việc giải quyết mối quan hệ dân tộc và giai cấp, dân tộc và nhân loại trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Trong “Đề cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa”, V. I. Lê-nin nhấn mạnh tư tưởng phải kết hợp chặt chẽ phong trào cách mạng ở “chính quốc” với phong trào giải phóng dân tộc ở thuộc địa; các nước làm cách mạng vô sản thành công phải giúp đỡ cách mạng ở các nước thuộc địa, nhất là các nước kinh tế lạc hậu, còn nhiều tàn tích phong kiến...

Như vậy, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã đề cập đến vấn đề giải quyết mối quan hệ dân tộc và giai cấp trong tiến trình thực hiện cuộc cách mạng vô sản, xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, hướng tới xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, do hạn chế của điều kiện lịch sử - xã hội, luận điểm trên chủ yếu đề cập đến vấn đề giai cấp, chưa chú trọng đến vấn đề dân tộc, đặc biệt là vấn đề dân tộc thuộc địa.

Từ chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn con đường cách mạng vô sản cho cách mạng Việt Nam. Người kế thừa toàn diện, sâu sắc và làm phong phú chủ nghĩa Mác - Lê-nin về cách mạng vô sản, trong đó có lý luận về việc giải quyết mối quan hệ dân tộc và giai cấp đặc biệt trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa.

Nhìn nhận vấn đề dân tộc và giai cấp có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, để giải quyết mối quan hệ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt lợi ích dân tộc là trên hết, trước hết. Coi đây là nguyên tắc tối cao trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Điều này có thể thấy rõ trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bắt đầu từ khi người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra nước ngoài tìm đường cứu nước, thì chính tinh thần dân tộc và lợi ích dân tộc Việt Nam là yếu tố chủ đạo trong tư tưởng cách mạng của Người bởi với một người dân mất nước thì lợi ích dân tộc cao nhất, đó là: Độc lập - Tự do. Khi đã giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trở thành một trong những lãnh tụ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Người luôn khẳng định: “Vì tự do cho đồng bào tôi” (1), độc lập cho Tổ quốc tôi.

Trong quá trình bôn ba khắp năm châu bốn biển, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn kiên định với tư tưởng lấy lợi ích dân tộc (trong lúc này là vấn đề dân tộc giải phóng) là vấn đề đầu tiên, trước tiên của cách mạng. Có thể nói, chủ trương giải phóng dân tộc là một tư tưởng lớn của Người, khẳng định sự nhạy bén về mặt chính trị và bản lĩnh của người cộng sản vượt qua mọi rào cản giáo điều cứng nhắc.

Tháng 5 - 1941, sau khi trở về nước, chủ trì Hội nghị Trung ương Tám, vấn đề lợi ích dân tộc được Chủ tịch Hồ Chí Minh luận giải một lần nữa. Người chỉ rõ: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”(2). Hội nghị đã quyết định đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhất. Đặc biệt, sau khi Nhật vào Đông Dương và khi thời cơ giành độc lập đang đến gần, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong lúc này, quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”(3), quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Như vậy, phải có lập trường giai cấp vững chắc mới có được tư tưởng đó - tư tưởng dân tộc cao nhất trong tình thế “nước sôi, lửa bỏng” lúc bấy giờ, và vì có lập trường giai cấp vững chắc nên mới thể hiện được tư tưởng dân tộc cao nhất. Thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 là kết quả của tính sáng tạo trong tư tưởng Hồ Chí Minh, của tầm nhìn đổi mới và phương pháp cách mạng của Người trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa như Việt Nam. Trong bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định một chân lý: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”(4).

Trong quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giương cao ngọn cờ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, đồng thời luôn nhắc nhở cán bộ đảng viên cần nêu cao lợi ích dân tộc và phải có tinh thần dân tộc vững chắc, bởi: “Độc lập tự do là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm” đối với mỗi quốc gia dân tộc. Do đó, chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Có thể nói, đặt vấn đề lợi ích dân tộc lên trên hết là một sáng tạo lý luận của Hồ Chí Minh. Với một quốc gia bị thế lực ngoại xâm xâm lược, thì đó là một điều hiển nhiên. Bởi vì, trong thực tế, xét cho đến cùng, áp bức giai cấp là căn nguyên của áp bức dân tộc và sự bất bình đẳng giữa các dân tộc, song nếu nước mất thì nhà tan. Dân tộc bị xâm lược thì giai cấp cũng là thân phận nô lệ. Do đó, lợi ích dân tộc và giai cấp là thống nhất với nhau.

Trong lịch sử, dù giai cấp nào đại diện cho dân tộc, khi mà đất nước bị giặc ngoại xâm, khi dân tộc trở thành nô lệ thì đều phải đặt lợi ích dân tộc lên trên hết và trước hết. Thậm chí, nếu lợi ích dân tộc và giai cấp mâu thuẫn với nhau thì phải tạm gác lại lợi ích giai cấp. Như vậy, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, lấy mục tiêu độc lập dân tộc là hàng đầu, là hoàn toàn hợp quy luật, hợp lôgic phát triển của lịch sử, hợp với truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Vì lợi ích của nhân dân

Yêu nước và yêu dân là mối quan hệ biện chứng, là dòng tư tưởng lớn nhất và xuyên suốt tư duy và hành động của toàn dân tộc Việt Nam trong cả chiều dài lịch sử. Không có lòng yêu nước chung chung trừu tượng mà yêu nước là yêu nhân dân, là đem lại độc lập tự chủ cho nhân dân, đem lại cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc cho nhân dân. Bởi thực tiễn lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam đã khẳng định một chân lý: Nhân dân là người làm nên lịch sử, sức dân là vô địch. Chính những người dân chân lấm, tay bùn, biết bao đời lao động cần cù, hai sương một nắng đã dời núi, lấp biển dựng nên hình hài Tổ quốc và đã biết bao lần mang xương máu của mình tạo nên bức tường thành vững chắc để giữ gìn, bảo vệ quê hương, đất nước, bảo vệ những thành quả do mình tạo dựng nên.

Thấm nhuần tư tưởng mác-xít và trải qua thực tiễn quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò, sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân là lực lượng vô tận của cách mạng và là nhân tố tạo nên thắng lợi của cách mạng. Người đã khẳng định: “Có dân là có tất cả”, tin ở dân, dựa vào dân, tập hợp và phát huy sức mạnh của toàn dân là nguyên tắc cơ bản trong chiến lược cách mạng của Người. Nguyên tắc quan trọng này bắt nguồn từ các giá trị trong truyền thống dân tộc: “Chở thuyền là dân, làm lật thuyền cũng là dân”, “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”.

Sinh thời, Người từng nói: Phải đem hết sức dân, tài dân, của dân để làm lợi cho dân, dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân để gây hạnh phúc cho dân, bởi dân là gốc của nước. Dân là người đã không tiếc máu xương để xây dựng và bảo vệ đất nước. Nước không có dân thì không thành nước. Nước do dân xây dựng nên, do dân đem xương máu ra bảo vệ, do vậy dân là chủ của nước. Do đó, với Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng - cũng vì mục đích đó... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân” (5). Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh hy sinh, đấu tranh cũng chỉ vì một mục đích: Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (6). Đây cũng chính là lợi ích cao nhất của dân tộc mà Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam luôn hướng tới.

Đối với nước ta hiện nay, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết có ý nghĩa rất thiết thực, là cơ sở cho sự ổn định, phát triển và tạo nên nguồn lực to lớn cho công cuộc đổi mới. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tổng kết 30 năm đổi mới, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII đã nêu lên 5 bài học kinh nghiệm quý báu:

Một là, trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo.

Hai là, đổi mới phải luôn quán triệt quan điểm “lấy dân làm gốc”, vì lợi ích nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân.

Ba là, đổi mới phải toàn diện, đồng bộ, có bước đi phù hợp, tôn trọng quy luật khách quan, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề do thực tiễn đặt ra.

Bốn là, phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết.

Năm là, phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân.

Trong đó, bài học thứ 4 có ý nghĩa cực kì quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi những năm tới, tình hình thế giới và khu vực sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức.

Ở trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao. Thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng ASEAN và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn, mang đến thời cơ, vận hội phát triển rộng lớn cho đất nước. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ “diễn biến hoà bình” của thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sự tồn tại và những diễn biến phức tạp của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí,...

Trước tình hình đó, bài học về đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết cần được quán triệt trong mọi đường lối phát triển của đất nước. Thực hiện lợi ích căn bản của dân tộc Việt Nam hiện nay là thực hiện thành công mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nhân dân ấm no, tự do, hạnh phúc”. Thực hiện mục tiêu đó, Việt Nam góp phần tích cực vào xây dựng một thế giới của các dân tộc sống trong hòa bình, độc lập, tự do và phát triển bền vững.

Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu trên bài học “lấy dân làm gốc”, phát huy sức mạnh dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân thành nguồn sức mạnh và động lực to lớn để tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển bền vững đất nước. Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hòa các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội”. Trong thời gian tới, Đảng cần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, giữ vững độc lập, thống nhất Tổ quốc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

-------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 497

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.113

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 198

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 4

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 240

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 161