Bảy mươi năm Quốc hội Việt Nam - 70 năm lịch sử lập hiến
TCCS - Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong muôn vàn khó khăn của những ngày đầu độc lập, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng, tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử bầu đại biểu Quốc hội khóa I vào ngày 6-1-1946. Bảy mươi năm đã qua kể từ những ngày tháng lịch sử hào hùng ấy, Quốc hội luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đổi mới và đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trong suốt chặng đường 70 năm lịch sử, Quốc hội đã thông qua 5 bản Hiến pháp, đó là Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013. Mỗi bản Hiến pháp đánh dấu chặng đường xây dựng và trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, thể chế hóa đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam cho từng giai đoạn phát triển đất nước, làm nền tảng cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử lập hiến của Nhà nước ta, Hiến pháp của thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, kháng chiến, kiến quốc
Ngày 3-9-1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu vấn đề cần thiết phải xây dựng một bản Hiến pháp dân chủ cho nước Việt Nam mới. Sau hơn một năm tích cực chuẩn bị, ngày 9-1-1946, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I đã thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Hiến pháp năm 1946.
Hiến pháp năm 1946 là kết tinh thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, là tuyên ngôn pháp lý về chủ quyền nhân dân, sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là “Bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà..., là một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông... Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập..., dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do..., phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp”(1).
Hiến pháp năm 1946 gồm Lời nói đầu, 7 chương và 70 điều, trong đó xác định nhiệm vụ của dân tộc ta là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ. Hiến pháp khẳng định ba nguyên tắc cơ bản là đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của nhân dân; thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Điều 1 của Hiến pháp quy định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Tiếp đó, Hiến pháp xác định: Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa; đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình. Với những quy định này, Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định sự xuất hiện trong lịch sử Việt Nam một Nhà nước dân chủ nhân dân và lần đầu tiên các quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài đều được Hiến pháp ghi nhận.
Từ năm 1947 đến cuối tháng 12-1959, căn cứ vào những nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp, Quốc hội, Chính phủ và Ban Thường trực Quốc hội đã ban hành 14 đạo luật và hàng trăm sắc lệnh để quản lý đất nước trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Có thể nói, hoạt động lập hiến, lập pháp của Quốc hội trong giai đoạn này đã tạo nền tảng pháp lý cho sự hình thành hệ thống pháp luật của nước Việt Nam mới - một hệ thống pháp luật hướng tới sự công bằng, bình đẳng, dân chủ và tiến bộ, tiếp cận với những lý tưởng cao đẹp của nhân loại về độc lập, tự do, bình đẳng và bác ái.
Hiến pháp năm 1959 - Hiến pháp của thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục đấu tranh để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Sự thay đổi nhiệm vụ chính trị của hai miền làm cho Hiến pháp năm 1946 không có điều kiện áp dụng trên phạm vi cả nước. Vì vậy, tại Kỳ họp thứ 6 (năm 1957), Quốc hội khóa I đã quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1946 cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới của cách mạng nước ta. Sau hơn 2 năm chuẩn bị, ngày 31-12-1959, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội đã nhất trí thông qua Hiến pháp năm 1959 và ngày 1-1-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố Hiến pháp.
Hiến pháp năm 1959 gồm Lời nói đầu, 10 chương và 112 điều. Hiến pháp khẳng định: “Đất nước Việt Nam là một khối Bắc Nam thống nhất không thể chia cắt” (Điều 1); “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa... là một nước dân chủ nhân dân” (Điều 2). Hiến pháp quy định chế độ chính trị, kinh tế - xã hội; quan hệ bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc; trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan nhà nước; quyền và nghĩa vụ của công dân nhằm phát huy sức sáng tạo to lớn của nhân dân trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hiến pháp năm 1959 là bản Hiến pháp xã hội chủ nghĩa đầu tiên của nước ta, được xây dựng trên cở sở kế thừa và phát triển Hiến pháp năm 1946 phù hợp với giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam. Với Hiến pháp năm 1959, Quốc hội đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng hệ thống pháp luật của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, từ năm 1959 đến năm 1980, Quốc hội đã ban hành 9 luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 21 pháp lệnh. Các đạo luật được Quốc hội ban hành trong giai đoạn này chủ yếu tập trung vào việc củng cố tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ, Luật Tổ chức tòa án nhân dân, Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban hành chính các cấp...; các pháp lệnh chủ yếu tập trung cụ thể hóa lĩnh vực hoạt động của bộ máy nhà nước và trừng trị các tội phạm hình sự nguy hiểm, như xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, hối lộ... Sự ra đời của các luật, pháp lệnh đã bảo đảm hiệu lực thi hành Hiến pháp trên thực tế, cho thấy bước phát triển mới trong hoạt động lập pháp của Quốc hội nước ta, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong giai đoạn này.
Hiến pháp năm 1980 - Hiến pháp của thời kỳ đất nước thống nhất, quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước
Chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975 đã mở ra giai đoạn phát triển mới trong lịch sử dân tộc. Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã hoàn thành trong cả nước. Nước ta đã hoàn toàn độc lập, tự do, thống nhất, cả nước cùng quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, một lần nữa, Quốc hội lại đảm nhận trọng trách lịch sử là chuẩn bị một bản Hiến pháp cho giai đoạn phát triển mới của đất nước. Ngày 18-12-1980, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa VI đã nhất trí thông qua Hiến pháp năm 1980.
Hiến pháp năm 1980 gồm Lời nói đầu, 12 chương và 147 điều, quy định về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoạt động của các cơ quan nhà nước. Hiến pháp thể hiện mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ và Nhà nước quản lý trong xã hội Việt Nam; phản ánh thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước; tiếp tục tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam.
Cụ thể hóa Hiến pháp, từ năm 1980 đến năm 1992, Quốc hội đã ban hành 41 luật, Hội đồng Nhà nước ban hành 60 pháp lệnh quy định về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước và điều chỉnh các quan hệ xã hội. Đặc biệt, từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới (năm 1986), Quốc hội đã hai lần tiến hành sửa đổi, bổ sung Hiến pháp: sửa Lời nói đầu tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 12-1988) và sửa đổi, bổ sung một số điều tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 6-1989)(2). Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật điều chỉnh về lĩnh vực kinh tế, như Luật Đất đai, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các luật về thuế, Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân, Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam... Hội đồng Nhà nước đã ban hành nhiều pháp lệnh để điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, đối ngoại, dân sự, hình sự... Với những cố gắng không mệt mỏi của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan, hệ thống pháp luật Việt Nam đã hình thành, từng bước tạo lập hành lang pháp lý cho công cuộc chấn hưng kinh tế nước nhà, đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, đặt nền móng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hiến pháp năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới đất nước
Vào năm 1992, công cuộc đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được những thành tựu bước đầu quan trọng, đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn xây dựng đất nước cần tiếp tục có lời giải căn cơ và đồng bộ. Vì vậy, Quốc hội đã quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1980 để đáp ứng yêu cầu tình hình và nhiệm vụ mới. Ngày 15-4-1992, sau hơn 2 năm chuẩn bị, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới đất nước.
Hiến pháp năm 1992 gồm Lời nói đầu, 12 chương và 147 điều, quy định về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước, thể chế hóa mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý.
Được ban hành vào những năm đầu của công cuộc đổi mới đất nước, Hiến pháp năm 1992 là cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng cho việc triển khai toàn diện công cuộc đổi mới. Với Hiến pháp năm 1992, Quốc hội đã khắc vào lịch sử lập hiến thành quả bước đầu của công cuộc đổi mới, phương hướng hoàn thiện tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, xác lập cơ chế quản lý kinh tế mới, giải phóng lực lượng sản xuất, mở đường cho kinh tế phát triển mạnh mẽ; đồng thời góp phần củng cố quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế.
Tại Kỳ họp thứ 10, ngày 25-12-2001, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Lần đầu tiên, nguyên tắc cơ bản bảo đảm quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân được trang trọng ghi nhận trong Hiến pháp: “Tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế được sản xuất, kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm” (Điều 16).
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành thời gian, công sức và trí tuệ xem xét, thông qua nhiều luật, pháp lệnh, nghị quyết, trong đó chú trọng các vấn đề cấp thiết về kinh tế, xã hội, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh, tổ chức bộ máy nhà nước... Đó là Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức tòa án nhân dân, Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật Giáo dục, Luật Khoa học và công nghệ, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Phòng, chống ma túy, Pháp lệnh Chống tham nhũng, Pháp lệnh Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Pháp lệnh Luật sư... Vào những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, hệ thống pháp luật nước nhà đã cơ bản được hình thành, đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Hiến pháp năm 2013 - Hiến pháp của thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế
Sau 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đại hội XI của Đảng đã xác định mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững đất nước trong giai đoạn cách mạng mới nhằm xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tại kỳ họp thứ nhất (tháng 8-2011), Quốc hội khóa XIII đã quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Sau hơn 2 năm chuẩn bị, ngày 28-11-2013, với đa số phiếu tuyệt đối (486/488 đại biểu Quốc hội tán thành, chiếm 97,59%), Quốc hội đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hiến pháp năm 2013 kế thừa, phát triển những giá trị cốt lõi, nền tảng của các bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và năm 1992. Nhận thức sâu sắc ý nghĩa của Hiến pháp, vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng Hiến pháp, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, từng đại biểu Quốc hội đã làm việc tận tụy, hết mình với tinh thần khoa học, lắng nghe, thấu hiểu, chắt lọc tinh hoa trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài để hoàn thiện Hiến pháp.
Hiến pháp thể hiện “ý Đảng, lòng dân”; khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời thể hiện niềm tin, ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân với Đảng, yêu cầu mọi tổ chức đảng và từng đảng viên luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và luôn hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Hiến pháp đề cao quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước, thực hiện các quyền về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Hiến pháp khẳng định các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; xác định các nguyên tắc cơ bản để đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước; bảo đảm sự phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước; giao cho Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, các cấp chính quyền địa phương đầy đủ thẩm quyền và trách nhiệm trong việc quản lý đất nước.
Với những nội dung cơ bản nói trên, Hiến pháp năm 2013 thực sự là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế.
Triển khai đưa Hiến pháp vào cuộc sống, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị đã cùng vào cuộc với nhiều biện pháp quyết liệt bảo đảm tổ chức thi hành Hiến pháp, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân nội dung của Hiến pháp, bảo đảm để Hiến pháp được tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành. Tròn 2 năm từ khi Hiến pháp được thông qua, đã có 64 đạo luật được Quốc hội ban hành, phủ khắp các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định, Quốc hội khóa XIII đã làm tròn trọng trách của mình là ban hành Hiến pháp năm 2013 và căn bản hoàn thành việc cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp trong các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước; bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đối ngoại và hội nhập quốc tế...
*
* *
Bảy mươi năm hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam cũng đồng thời là 70 năm lịch sử lập hiến. Quốc hội đã ban hành 5 bản Hiến pháp - 5 mốc son đánh dấu những chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước. Mỗi lần tiến hành hoạt động lập hiến là dịp để nhìn lại, đánh giá chặng đường đã đi qua, lựa chọn, kế thừa, phát triển những giá trị tinh hoa để phục vụ công cuộc chấn hưng đất nước trong giai đoạn tiếp theo. Mỗi lần tiến hành hoạt động lập hiến đều tạo ra hiệu ứng xã hội tích cực, thu hút sự tham gia và đồng tình ủng hộ của đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, trở thành đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng trong toàn dân. Mỗi lần tiến hành hoạt động lập hiến đều đòi hỏi sự đổi mới cả về tư duy, tổ chức và hoạt động của tất cả các bộ phận tạo thành hệ thống chính trị nước nhà để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và sự mong đợi của nhân dân./.
-------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 440
(2) Bổ sung quyền ứng cử vào Quốc hội, hội đồng nhân dân của công dân và thành lập thêm thường trực hội đồng nhân dân trong cơ cấu hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đồng thời củng cố thêm các mặt hoạt động của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân
Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung 159 kiểm sát viên cao cấp  (18/02/2016)
Lãnh đạo huyện cần giảm bớt hội họp  (18/02/2016)
Nhiều địa phương tổ chức Hội nghị hiệp thương bầu cử Quốc hội  (18/02/2016)
Trung Quốc lên tiếng xác nhận đã đưa vũ khí ra Hoàng Sa  (18/02/2016)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay