TCCSĐT - Trong hai ngày 17 và 18-02, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất về cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Theo dự kiến phân bổ số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội khóa XIV, Thành phố Hồ Chí Minh được bầu 30 đại biểu. Trong đó, số đại biểu cư trú tại địa phương là 16 đại biểu; Trung ương giới thiệu 14 đại biểu.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị tại thành phố tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV gồm lãnh đạo chủ chốt của Thành phố; đại biểu chuyên trách; đại biểu Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp; lực lượng vũ trang; cơ quan tư pháp; đại biểu các lĩnh vực khoa học - công nghệ, văn hóa - thể thao - du lịch, giáo dục - đào tạo, y tế, lao động - thương binh và xã hội; viện nghiên cứu, trường đại học; doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; tôn giáo và đại biểu tự ứng cử.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã nhất trí cao với dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu để bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV. Hội nghị đã biểu quyết thống nhất 100% đối với các tiêu chí về số lượng nhân sự dự kiến giới thiệu là 46 đại biểu. Các đại biểu cũng nhất trí cao với dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu để bầu đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố nhiệm kỳ 2016 - 2021. Theo đó, số lượng đại biểu giới thiệu ít nhất là 200 người; ít nhất có 39% người ứng cử là phụ nữ; ít nhất là 10 người tự ứng cử và có trên 16% người ứng cử dưới 35 tuổi.

* Theo phân bổ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Thái Bình được bầu tổng số 9 đại biểu Quốc hội, trong đó 5 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương, 4 đại biểu do Trung ương giới thiệu.

Tỉnh Thái Bình tổ chức ba đơn vị bầu cử. Cơ cấu kết hợp do địa phương giới thiệu gồm 1 - 2 đại biểu phụ nữ, một đại biểu ngoài Đảng và một đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi). Số lượng đại biểu bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 là 67 đại biểu, dự kiến tổng số người được giới thiệu ứng cử, tự ứng cử từ 135 -137 người, trong đó số người tự ứng cử dự kiến từ 9 - 11 người, số người được giới thiệu ứng cử là 126 người. Thành phần đại biểu được giới thiệu ứng cử bảo đảm cơ cấu tỷ lệ quần chúng, nữ giới, tuổi trẻ, tôn giáo.

* Số đại biểu Quốc hội khóa XIV được bầu tại tỉnh Khánh Hòa là 7 đại biểu, gồm 4 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương, 3 đại biểu do Trung ương giới thiệu. Hội nghị thống nhất có 13 người được giới thiệu để ứng cử và một người tự ứng cử. Trong đó, số đại biểu cư trú là làm việc tại địa phương theo cơ cấu định hướng một đại biểu là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, một đại biểu chuyên trách và một đại biểu hoạt động trên lĩnh vực giáo dục; đồng thời có cơ cấu kết hợp như đại biểu là người dân tộc Rag Lai, đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi), đại biểu phụ nữ, đại biểu tái cử.

Đối với đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021, Hội nghị nhất trí với số lượng 105 người ứng cử, trong đó có 102 người được giới thiệu và ba người tự ứng cử để bầu chọn 54 đại biểu. Hội nghị cũng thống nhất việc phân bổ cụ thể số lượng, cơ cấu, thành phần người được giới thiệu ứng cử tại các cơ quan Đảng, khối các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước, các cơ quan đoàn thể, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức kinh tế.

* Tại cuộc họp đánh giá những công việc đã thực hiện và nhiệm vụ trong thời gian tới về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Phước nhiệm kỳ 2016 - 2021, các đại biểu đã thông qua dự thảo các văn bản, kế hoạch, lịch trình công tác bầu cử. Đến nay, toàn tỉnh Bình Phước đã thành lập 123 Ủy ban bầu cử các cấp; trong đó cấp tỉnh có 1 Ủy ban bầu cử; cấp huyện, thị xã 11 Ủy ban bầu cử và cấp xã, phường, thị trấn 111 Ủy ban bầu cử. Bình Phước cũng thành lập các tiểu ban, như Giải quyết đơn thư khiếu nại - tố cáo, Vật chất, An ninh - chính trị, trật tự, an toàn xã hội, Tuyên truyền và tổ giúp việc cơ quan thường trực Ủy ban bầu cử tỉnh nhằm bảo đảm công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

* Theo dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XIV, tỉnh Hà Giang được bầu 6 đại biểu, trong đó Trung ương giới thiệu 2 đại biểu.

Tính đến ngày 31-12-2015, tỉnh Hà Giang có 806.509 người, do đó số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 là 60 đại biểu. Số lượng người ứng cử để Hiệp thương lần thứ nhất không quá 180 người. Thành phần đại biểu được giới thiệu ứng cử bảo đảm cơ cấu tỷ lệ quần chúng, nữ giới, trẻ tuổi, người dân tộc thiểu số.

* Số lượng đại biểu Quốc hội khóa XIV của tỉnh Bình Định là 8 đại biểu, trong đó 3 đại biểu do Trung ương giới thiệu, 5 đại biểu do tỉnh giới thiệu. Hội nghị đã thống nhất số lượng đại biểu giới thiệu bầu đại biểu Quốc hội là 14 người; giới thiệu 103 người để bầu 60 đại biểu tham gia Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Qua Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, hầu hết đại biểu tán thành về số lượng, cơ cấu mà Hội đồng Bầu cử tỉnh thông qua. Một số ý kiến kiến nghị với Hội đồng bầu cử tỉnh rà soát về các tiêu chuẩn đại biểu là nữ, người dân tộc và trình độ năng lực của các đại biểu được giới thiệu.

* Theo dự kiến phân bổ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổng số đại biểu Quốc hội được bầu của tỉnh Phú Yên là 6 người; trong đó 2 đại biểu do Trung ương giới thiệu và 4 đại biểu cư trú, làm việc tại địa phương.

Tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, các đại biểu đã thống nhất các cơ quan, tổ chức, địa phương được giới thiệu 12 người đang cư trú và làm việc tại địa phương ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Về bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021, tỉnh Phú Yên được bầu 50 đại biểu. Hội nghị thống nhất có 59 đơn vị, tổ chức, địa phương giới thiệu 117 người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

* Tại Ninh Thuận, Hội nghị biểu quyết, thống nhất số lượng đại biểu được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội là 12 đại biểu (để bầu 6 đại biểu); số lượng đại biểu ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh là 90 đại biểu (để bầu 50 đại biểu). Hội nghị cũng đã xác định cơ cấu thành phần, cơ cấu độ tuổi hợp lý, bảo đảm theo đúng tỷ lệ quy định.

Đơn vị tỉnh Bình Thuận được bầu 7 đại biểu Quốc hội khóa XIV; trong đó, số đại biểu do Trung ương giới thiệu là 3 và số đại biểu cư trú, làm việc tại địa phương là 4. Trên cơ sở số đại biểu được phân bổ, Ủy ban Bầu cử tỉnh Bình Thuận đã thống nhất tổ chức 3 đơn vị bầu cử.

* Tại Bình Dương, các đại biểu đã thống nhất ngoài 4 người do Trung ương giới thiệu, tỉnh sẽ giới thiệu 12 người để bầu 9 đại biểu Quốc hội của tỉnh. Số đại biểu tỉnh giới thiệu gồm 4 đại biểu theo cơ cấu định hướng là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, đại biểu chuyên trách, đại biểu Công đoàn, đại biểu Công an và 8 đại biểu theo cơ cấu hướng dẫn là đại biểu các ngành khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, Mặt trận, Đoàn Thanh niên, Liên hiệp Hội phụ nữ,... Tuy nhiên, có đại biểu đề nghị bổ sung thêm vào cơ cấu 1 đại biểu đại diện cho khối doanh nghiệp.

Tại Hội nghị hiệp thương về cơ cấu, thành phần, số lượng ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Hội nghị đã thống nhất biểu quyết số lượng danh sách đại biểu giới thiệu là 117 người để bầu 70 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021; phân bổ đại biểu theo cơ cấu định hướng và có cơ cấu kết hợp trong đó đại biểu nữ chiếm 38,5%; đại biểu trẻ dưới 35 tuổi chiếm 25,6%; đại biểu ngoài Đảng chiếm 10,3%, đại biểu tôn giáo 1,7% (2 người); đại biểu tái cử 26 - 34 người (từ 41,2% đến 53%) và có 2 đại biểu tự ứng cử 1,7% (2 người).../.