TCCS - "Bẫy thu nhập trung bình" là cách nói hình tượng để chỉ một tình trạng của nền kinh tế, mà sau khi đã cố gắng để đạt được mức thu nhập trung bình nhất định, nền kinh tế bị đình trệ, không những dừng lại ở mức thu nhập đó, mà toàn bộ những gì đã giúp nền kinh tế tạo ra được mức thu nhập trung bình trong quá trình trước đây lại trở thành cản trở lớn cho các bước phát triển tiếp theo. Một số tài liệu dùng hình ảnh "bẫy tăng trưởng" để chỉ cùng một trạng thái như vậy.

Đơn cử như tăng trưởng chỉ dựa vào những lợi thế không căn bản, không hợp thời, như xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, sử dụng công nghệ lạc hậu, lao động giá rẻ... Đến một lúc nào đó, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, công nghệ lạc hậu nhưng lại không đủ tài chính để đổi mới công nghệ và thiết bị sẽ trở thành một lực cản ghê gớm cho quá trình phát triển tiếp theo. Sử dụng lợi thế nhiều nhân công giá rẻ làm cho người lao động không có thời gian để đào tạo lại và nâng cao trình độ, đến khi cho dù có công nghệ mới, thì trình độ của nhân công cũng không thể đáp ứng được những đòi hỏi mới của công nghệ hiện đại. Rút cuộc, nền kinh tế rơi vào trạng thái mất cân đối trầm trọng về các yếu tố đầu vào cho sản xuất, do đó không thể phát triển được.

Trong tư duy nhận thức, chúng ta phải rất tỉnh táo với chủ nghĩa hình thức và bệnh chạy theo "thành tích ảo". Chẳng hạn, một tỉnh nào đó có thể đạt được mức tăng trưởng GDP rất cao (do đó thu nhập bình quân đầu người cũng có mức tăng khá), tạo ra nguồn thu ngân sách lớn đột biến, song phân tích sâu thì mức tăng trưởng đó chỉ do một nhà máy với công nghệ có thể rất hiện đại và quy mô lớn tạo ra. Nhưng chính nhà máy đó lại không đem lại cho người dân địa phương lợi ích gì đáng kể, từ thu hút lao động (do lao động địa phương trình độ thấp) đến các nguồn lợi và thu nhập khác, chưa nói đến những mất mát do môi trường bị hủy hoại, giá sinh hoạt tự nhiên đắt đỏ hơn do số người mới đến làm việc có thu nhập quá cao so với dân cư trong vùng...

Theo các nhà kinh tế, việc phấn đấu phát triển từ một nước thu nhập thấp đến thu nhập trung bình là cả một quá trình không đơn giản, thế nhưng để tiếp tục vươn lên thành nước có thu nhập cao đòi hỏi lại phải trải qua một quá trình cam go hơn rất nhiều.

Để quá trình phát triển không dừng lại ở mức thu nhập trung bình, hay nói khác đi là tránh rơi vào và bước qua "bẫy thu nhập trung bình", ngay từ bây giờ Việt Nam phải có chiến lược và tổ chức thực hiện đồng bộ để huy động, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của nước ta về nguồn nhân lực, về địa - kinh tế (vị trí địa lý, tài nguyên, thiên nhiên...) và một yếu tố hết sức quan trọng là nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo điều hành để đưa đất nước tiếp tục tiến lên với tốc độ nhanh, bền vững.

Trên con đường đó có nhiều khó khăn, thách thức phải vượt qua như đối mặt với cạnh tranh khắc nghiệt trên thị trường thế giới, gắn kết tăng trưởng và bình đẳng; nâng cao chất lượng quản trị nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm công khai, minh bạch; kiểm soát, ngăn chặn những khủng hoảng mới; đẩy mạnh đa dạng hóa các thị trường vốn; tự do hóa thương mại dịch vụ; mở rộng các hệ thống giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước chuyển sang nền kinh tế tri thức...

Nhanh trong bền vững và nhanh so với chính mình, nhanh để thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực, để vươn lên tầm cao hơn. Nhanh chính là cạnh tranh, nếu để tụt hậu thì cũng chính là thất bại, phải nâng cao khả năng cạnh tranh ở cả 3 cấp độ: cạnh tranh giữa các quốc gia, giữa các doanh nghiệp, giữa các cá nhân trong khuôn khổ pháp luật trong nước và quốc tế.

Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới có thể được coi là khoảng thời gian cần thiết để xem xét, đánh giá lại mô hình tăng trưởng của nước ta. Có nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam có thể sa vào "bẫy thu nhập trung bình", nếu không khẩn trương đổi mới cơ cấu nền kinh tế. Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới với những tác động tiêu cực của nó đối với nền kinh tế nước ta đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất, song quá trình hồi phục còn không ít thách thức.

Trong điều kiện tình hình thế giới có nhiều thay đổi, nhiều cái mới thì chiến lược phát triển đất nước cũng phải đổi mới, gắn với điều kiện thực tế của Việt Nam và nhìn ra thế giới để ứng phó có hiệu quả. Việc đổi mới cơ cấu nền kinh tế phải tập trung đánh giá tác động của khủng hoảng và dự báo những biến đổi của kinh tế toàn cầu, mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường để qua đó xác định mô hình phát triển và các nội dung đổi mới cơ cấu nền kinh tế. Từ đó đưa ra các chính sách, cơ chế, giải pháp nhằm hướng tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, cân đối, hiệu quả; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao tiềm lực kinh tế của đất nước; bảo đảm nâng cao sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế; gắn phát triển kinh tế với việc giải quyết các vấn đề văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, cũng phải gấp rút xử lý các ''điểm nghẽn'' phát triển, trước hết là hoàn thiện thể chế để giải phóng mạnh mẽ hơn nữa lực lượng sản xuất, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trên cả 4 lĩnh vực: cán bộ lãnh đạo và hoạch định chính sách, cán bộ quản lý nhà nước, lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia khoa học công nghệ đầu đàn và công nhân lành nghề; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, hiệu lực và hiệu quả.../.