“Giữ nước từ khi nước chưa nguy” - Giá trị văn hóa giữ nước đặc sắc Việt Nam

PGS, TS. Nguyễn Mạnh Hưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng
23:22, ngày 26-05-2014

TCCSĐT - Trong tiến trình phát triển của dân tộc ta, dựng nước và giữ nước là hai nhiệm vụ chiến lược gắn bó chặt chẽ, không thể tách rời. Bối cảnh tình hình mới hiện nay đang đặt ra những yêu cầu cấp bách đòi hỏi chúng ta nhận thức và giải quyết tốt hai nhiệm vụ đó, nhất là bài học “giữ nước từ khi nước chưa nguy” - giá trị văn hóa giữ nước đặc sắc của ông cha ta.

1- Hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Đảng khẳng định tiếp tục thực hiện những mục tiêu, quan điểm, phương hướng, phương châm chỉ đạo nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc mà Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX đã đề ra, đồng thời bổ sung, phát triển Chiến lược bảo vệ Tổ quốc phù hợp với tình hình hiện nay. Đảng ta chỉ rõ những vấn đề rất cơ bản của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới: “Nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn bài học của ông cha ta: “Dựng nước đi đôi với giữ nước”; “giữ nước từ khi nước chưa nguy”; có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”(1). Phải thực hiện bằng được: “kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối đoàn kết thống nhất”(2).

Khẳng định việc “giữ nước từ khi nước chưa nguy” là khẳng định một bài học lịch sử, một giá trị văn hóa giữ nước đặc sắc của dân tộc ta; là sự tiếp nối và phát huy giá trị đó, nâng lên với chất lượng mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng và sự phát triển của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam. Quy luật ấy thấm đượm bao mồ hôi, công sức và cả máu xương của lớp lớp thế hệ người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Văn hoá giữ nước cùng nền tảng văn hoá dân tộc, trực tiếp tạo nên sức sống bất diệt của dân tộc ta trước những thử thách cam go, nghiệt ngã của thiên tai và giặc giã. Đó vừa là sản phẩm, vừa là động lực của sự nghiệp giữ nước, của công cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước suốt mấy nghìn năm lịch sử. “Giữ nước từ khi nước chưa nguy” là một giá trị văn hóa giữ nước đặc sắc, được sinh ra và ngày càng khẳng định mạnh mẽ trong lịch sử dân tộc, trở thành một tư tưởng chỉ đạo, triết lý và phương châm hành xử giữ nước của ông cha ta.

2- Trong lịch sử dân tộc, nhân dân ta phải liên tiếp đương đầu chống giặc ngoại xâm, tiến hành hàng chục cuộc kháng chiến để bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ, hàng trăm cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng để giành lại độc lập dân tộc, với thời gian chống ngoại xâm và chống đô hộ của nước ngoài lên đến hơn 12 thế kỷ. Hoàn cảnh lịch sử khắc nghiệt đó đã hun đúc nên những giá trị văn hóa giữ nước đặc sắc; đồng thời cho thấy ý nghĩa sống còn của các giá trị văn hóa giữ nước.

Nét đặc sắc của giá trị văn hóa giữ nước đó chính là xây dựng và phát triển đất nước, chăm lo đời sống của nhân dân, củng cố quốc phòng, an ninh, gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, thực hiện “trong ấm, ngoài yên”, đặc biệt là giữ yên lòng dân; ngăn ngừa, đẩy lùi, triệt tiêu mọi nhân tố dẫn đến nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa, ngay khi đất nước đang thái bình.

Từ thuở bình minh của lịch sử dân tộc, khi bắt đầu đặt nền móng xây dựng một quốc gia độc lập, ông cha ta đã sớm có ý thức phát triển kinh tế gắn với giữ gìn quốc gia, quan tâm đến việc chuẩn bị lực lượng, xây đắp thành luỹ sẵn sàng chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước và cuộc sống của mình. Trong kỷ nguyên Đại Việt, ý thức củng cố quốc phòng, bảo vệ đất nước của ông cha ta không những thể hiện ở tinh thần sẵn sàng mà còn được nâng cao lên một trình độ mới. Trước lúc lâm chung, Vua Trần Nhân Tông đã căn dặn: “Nên sửa sang giáo mác đề phòng việc bất ngờ”. Vua Lê Thái Tổ thể hiện rõ ý thức giữ nước trong bài thơ khắc trên vách núi đá Thác Bờ (Hoà Bình): “Biên phòng hảo vị trù phương lược, xã tắc ưng tu kế cửu an”(3) (Biên phòng cần có phương lược tốt, đất nước nên có kế lâu dài), và để lại di chúc cho con cháu: “giữ nước từ khi nước chưa nguy”. Vua Lê Thánh Tông cũng luôn nhắc nhở quân thần: “Phàm có nhà nước tất có võ bị”.

Những tư tưởng, triết lý, chính sách giữ nước của ông cha ta đều được thể hiện cụ thể trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức sự nghiệp giữ nước, trong tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước của dân tộc ta; trong thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chăm lo đến đời sống của nhân dân, củng cố quốc phòng, gia tăng sức mạnh đất nước. Nét đặc sắc của triết lý “giữ nước từ khi nước chưa nguy” là ở chỗ đó. Các giai đoạn lịch sử sau tiếp tục kế thừa, bổ sung, phát triển và nâng lên tầm cao mới so với giai đoạn lịch sử trước, tạo nên sự phát triển liên tục giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam trong sự nối tiếp giữa truyền thống và hiện đại.

Để “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, ông cha ta đặc biệt chú trọng thực hiện chủ trương, chính sách hợp lòng dân. Khúc Hạo nêu tư tưởng: “Chính sự cốt chuộng khoan dung, giản dị, nhân dân đều được yên vui”(4), tạo ra cuộc sống “an cư lạc nghiệp” cho dân chúng. Năm 1300, khi Trần Quốc Tuấn ốm nặng, vua Trần Anh Tông đến thăm và hỏi nếu giặc lại sang thì làm thế nào để giữ được nước, Trần Quốc Tuấn trả lời: “Nếu quân giặc sang xâm lược thì phải “xem xét quyền biến, như người đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế... Nới sức dân làm kế rễ sâu gốc vững, đó là thượng sách để giữ nước, không còn gì hơn”(5). Ông căn dặn các vương hầu, tướng sĩ: “phải cẩn giữ phép tắc, đi đến đâu không được quấy nhiễu dân”(6). Nguyễn Trãi nêu bật tư tưởng: “Sửa đức để cầu mệnh trời; ngăn quyền hào để nuôi sức dân; cấm phiền hà để dân sống khá, cấm xa xỉ để dân phong túc; dẹp trận cướp để dân ở yên; sửa quân chính để bảo vệ dân sinh... thương nuôi dân mọn”, thực hiện “việc nhân nghĩa” cốt để “yên dân”.

3- “Giữ nước” là bảo vệ, giữ gìn toàn diện tất cả các nội dung, các yếu tố tạo nên giang sơn gấm vóc, tạo nên “sơn hà”, “xã tắc” Việt Nam trong chỉnh thể thống nhất. Đó là bảo vệ, giữ gìn những giá trị truyền thống, hiện tại và bảo đảm cả tương lai phát triển; là bảo vệ, giữ gìn độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia dân tộc, quyền và lợi ích của mọi người dân; là bảo vệ, giữ gìn toàn bộ giá trị vật chất và tinh thần, giữ gìn những giá trị nhà - làng - nước trong chỉnh thể thống nhất...; là bảo vệ, giữ gìn chế độ xã hội trong mối quan hệ chặt chẽ, tác động biện chứng lẫn nhau. Giữ nội dung này cũng là góp phần giữ nội dung khác và ngược lại; không xem nhẹ hoặc tuyệt đối hóa một nội dung, yếu tố nào của việc “ giữ nước”.

“Giữ nước từ khi nước chưa nguy” là thực hiện nhiệm vụ “giữ nước” trong điều kiện đất nước dựng xây hòa bình, không phải khi có chiến tranh thì mới nói đến giữ nước, mà nhiệm vụ giữ nước luôn gắn liền với nhiệm vụ xây dựng và được thực hiện ngay trong quá trình xây dựng. Trong điều kiện kinh tế phát triển, xã hội ổn định, đất nước thái bình, hưng thịnh, dân giàu, nước mạnh, thì vẫn phải chú trọng và thực tốt nhiệm vụ giữ nước.

4- Hiện nay, chúng ta thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền đất nước gắn với bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng. Đó là sự kế thừa, phát triển và nâng lên tầm cao mới tư tưởng giữ nước của ông cha ta trong điều kiện lịch sử mới. Không thể nói rằng, ngày nay chúng ta bảo vệ Tổ quốc là “chỉ bảo vệ đất nước, chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, không cần phải gắn với bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng”. Đó là quan điểm sai trái và phản khoa học, phi thực tiễn. Mọi sự tách rời, đối lập các mặt, các nội dung trên đều là sai lầm, không đúng với thực chất tư tưởng giữ nước của dân tộc Việt Nam, không đúng với thực chất bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới và sẽ dẫn đến hậu quả nguy hại.

5- Trong tình hình mới, vấn đề lòng dân và làm thế nào để “yên” lòng dân được Đảng ta nhấn mạnh như là yêu cầu cơ bản của việc giữ nước từ khi nước chưa nguy, của việc thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Điều đó cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của lòng dân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đảng ta đã nhìn trúng và đúng vấn đề, thấy rõ sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp; nhận thức một cách thấu đáo nguồn nội lực, sức mạnh dân tộc, sức mạnh bên trong, khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định nhất đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong mối quan hệ chặt chẽ với sức mạnh bên ngoài, sức mạnh thời đại.

Sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc sẽ bị suy yếu, sức mạnh dân tộc sẽ không thể được phát huy, nếu như lòng dân không yên. Lịch sử dân tộc và cách mạng Việt Nam cho thấy, lòng dân có “yên”, thì mới giữ được “trong ấm”, mới có thể phát huy lớn nhất nguồn nội lực, sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Lòng người nao núng, thế nước nguy ngập”(7); “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do, trái lại lúc nào không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”(8) triết lý giữ nước xưa và nay của dân tộc ta đều thống nhất về sức mạnh của lòng người. Vì thế, thu phục được nhân tâm, lòng dân quy về một mối, xây dựng được “bức thành lòng dân”, thì đó là động lực và sức mạnh cơ bản cho sự hưng thịnh của đất nước, là yếu tố bảo đảm chắc chắn nhất cho sự bền vững của giang sơn. Sự vững chắc của lòng dân cũng là trở ngại lớn nhất đối với những âm mưu và hành động phá hoại, thôn tính của các thế lực bên ngoài. Xao nhãng củng cố nhân tâm, để trăm họ ai oán, lòng dân không yên, ly tán, để cho “chính sự phiền hà", “trăm vạn người trăm vạn lòng”(9), thì đó là nguy cơ mất nước trước mối họa từ bên ngoài.

Thực chất làm cho lòng dân yên là thực hiện “chúng chí thành thành”, tạo nên “bức thành” vững chắc để bảo vệ Tổ quốc. Không thể có “thế trận lòng dân vững chắc” nếu như lòng dân không được yên, xã hội mất ổn định. Hiện nay, các thế lực thù địch đặc biệt chú trọng “công phá” vào lòng dân, làm “nhiễu” lòng dân, làm rối loạn lòng dân với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Chúng ra sức thực hiện những biện pháp “đánh vào lòng người”, hủy hoại cơ sở chính trị - xã hội, gây mất ổn định, làm rối loạn lòng dân, làm cho dân “xa” Đảng, đối lập dân với Đảng. Trong điều kiện đó, vấn đề làm cho dân tin, dân “yên” càng là đòi hỏi bức thiết của tình hình.

Tư tưởng của ông cha: “Chính sự cốt chuộng khoan dung, giản dị, nhân dân đều được yên vui”(10), “không được quấy nhiễu dân”(11), không “khinh động sức dân”; “Sửa đức để cầu mệnh trời; ngăn quyền hào để nuôi sức dân; cấm phiền hà để dân sống khá, cấm xa xỉ để dân phong túc; dẹp trận cướp để dân ở yên; sửa quân chính để bảo vệ dân sinh... thương nuôi dân mọn” (Nguyễn Trãi); khoan thư sức dân lấy kế sâu rễ bền gốc, là thượng sách giữ nước (Trần Hưng Đạo)..., cần được kế thừa và phát huy hơn nữa trong điều kiện lịch sử mới. Biết làm “yên” lòng dân là yêu cầu cơ bản của việc “giữ nước từ khi nước chưa nguy” trong tình hình mới.

Hiện nay, tình hình đang đặt ra những vấn đề cấp bách đòi hỏi chúng ta phải thực hiện hàng loạt vấn đề rất cơ bản để “yên” lòng dân. Đó là phải củng cố hơn nữa mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Phải thực hiện chủ trương, chính sách hợp lòng dân, “hết sức làm” những việc gì có lợi cho dân; “hết sức tránh” những việc gì có hại đối với dân. Chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Phải kiên quyết đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Phải “sớm đưa nền kinh tế ra khỏi tình trạng khó khăn hiện nay, phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(12). Phải kiên quyết và làm tốt hơn việc cán bộ, đảng viên “nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Tổ quốc, trước Đảng và nhân dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”(13); “Cán bộ cấp trên phải gương mẫu trước cán bộ cấp dưới, đảng viên và nhân dân”(14). Đó là những nội dung và yêu cầu đặc biệt quan trọng để “yên” lòng dân; là yếu tố cơ bản bảo đảm “giữ nước từ khi nước chưa nguy” hiện nay.

Giá trị văn hóa không phải là cố định, nhất thành bất biến, mà nó luôn vận động, phát triển, không ngừng được bổ sung và phát huy trong thực tiễn. Ngày hôm nay phải giàu có, phong phú hơn ngày hôm qua; tương lai được phát triển từ động lực của quá khứ và hiện tại, đồng thời lại bổ sung và làm giàu có, phong phú những giá trị mới. “Giữ nước từ khi nước chưa nguy” - giá trị văn hóa giữ nước đặc sắc của dân tộc Việt Nam sẽ không thể được kế thừa, nâng cao và phát huy tốt, nếu chúng ta không nhận thức đúng và thực hiện tốt trong thực tiễn giữ nước hôm nay./.

--------------------------------------------------

(1), (2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2013, tr. 168-169

(3) Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử Quân sự Việt Nam, tập 1, Buổi đầu dựng nước, http://lichsuvn.info/forum/ showthread.php?=7.366

(4) Những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam chống phong kiến Trung Quốc xâm lược, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1984, tr. 188

(5) Ngô Sĩ Liên: Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2006, tr. 80

(6) Hoàng Đạo Thuý: Sát Thát, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1958, tr. 55

(7) Lịch sử Việt Nam, quyển 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1980, tr. 72

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t 3, Nxb. Chính trị quốc gia , Hà Nội, 2000, tr. 217

(9) Lịch sử Việt Nam: Sđd, tr. 409

(10) Những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam chống phong kiến Trung Quốc xâm lược, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1984, tr. 188

(11) Hoàng Đạo Thuý: Sđd, tr. 55

(12) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI: Sđd, tr. 170

(13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 258

(14) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI: Sđd, tr. 258