Luông Pra-băng, hẹn ngày gặp lại!

Nam Sơn
11:20, ngày 28-05-2008

Sau chỉ chưa đầy 30 phút bay từ Viêng-chăn, chiếc máy báy cỡ nhỏ của hãng Hàng không quốc gia Lào đã hạ thấp độ cao, chuẩn bị đáp xuống sân bay Luông Pra-băng. Lướt qua dưới cánh máy bay là chập trùng núi non hùng vĩ, bát ngát màu xanh của rừng. Con sông Mê Công như dải lụa trắng nổi bật trên nền xanh của rừng núi, sáng lấp lóa dưới nắng. Đã hiện lên rất gần trong tầm mắt, những ngọn tháp vàng rực rỡ, những mái chùa cong vút rêu phong, những mái nhà ngói đỏ thấp thoáng giữa cây xanh của thành phố Luông Pra-băng.

Ấn tượng hoa khun vàng và cây lim xanh

Luông Pra-băng nằm lọt trong một thung lũng bằng phẳng, nơi con sông Nậm Khàn đổ vào sông lớn Mê Công. Thành phố đẹp như một bông hoa rừng mới nở, mà ngọn tháp lớn óng ánh sắc vàng trên đồi Phu Si là cái nhụy vàng. Màu xanh của rừng tràn vào trong phố. Phố xá đẵm mình trong hương rừng, cỏ nội, trong âm u tiếng gió đại ngàn.

Cuối tháng Tư, sau tết Bun Ti-may, vẫn là những ngày năm mới của Lào. Khắp các ngả đường, phố xá, các khuôn viên chùa, tháp của Luông Pra-bang, hoa khun đang độ nở rộ. (Loại hoa này có ở nhiều tỉnh miền Nam nước ta, được gọi là Mai hoàng hậu). Dường như đã có cả một năm dằng dặc chờ đợi để đến thời điểm loài hoa này dâng hiến hết mình bằng cái sắc vàng không thể vàng hơn, bằng sự rực rỡ không thể rực rỡ hơn. Cũng như hoa đào, hoa mai ở Việt Nam, hoa khun là loài hoa tượng trưng cho năm mới, cho ngày tết lớn nhất trong năm của câc bộ tộc Lào. Nhưng có lẽ vì màu vàng là màu đặc trưng của đạo phật, được thể hiện trong màu áo cà-sa, trong màu sơn các bức tượng phật, các ngọn tháp linh thiêng, nên màu vàng của hoa khun trở thành thân thiết, gần gũi với người dân Lào, nơi đạo phật phổ biến như một phần tất yếu của đời sống xã hội.

Cùng với màu vàng rực rỡ của hoa khun là màu xanh sẫm nổi bật của những tán lá cây lim. Cho dù xung quanh thành phố bạt ngàn những rừng gỗ tếch, nhưng chính những tán lá cây lim mới mang lại cho người ta ấn tượng về một thứ gỗ quý, về sự giàu có của rừng Luông Pra-băng. Những cây lim cổ thụ sừng sững ngay bên dãy phố bờ sông Mê Công. Trong khu rừng bên thác Kuong Si, những cây lim cỡ một, hai người ôm, đứng song sóng, cao vút. Quan sát khắp các vạt rừng trên các nẻo đường đi qua, chúng tôi đều thấy nổi bật những tán lá lim vượt lên cao, với màu xanh sẫm không thể nhầm lẫn với những loài cây khác. Các bạn Lào cho biết, rừng ở đây đã bị khai thác nhiều và chưa được bảo vệ chặt chẽ, tuy nhiên, những gì mà chúng tôi nhìn được trong tầm mắt đều cho thấy sự giàu có về gỗ của Luông Pra-băng.

 Thành phố thanh bình và cổ tích

Ông Bun Hương, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Tỉnh trưởng Luông Pra-băng nói với chúng tôi rằng: “Một thế mạnh của Luông Pra-băng là du lịch. Năm 2007, tỉnh đón tiếp hơn 40 vạn khách du lịch từ khắp các quốc gia trên thế giới. Số khách du lịch này đúng bằng với dân số của tỉnh. Chính phủ Anh còn tặng cho Luông Pra-băng danh hiệu một trong những “Địa danh được khách du lịch Anh yêu thích nhất”. Công bằng mà nói thì quả là Luông Pra-băng đẹp một cách hấp dẫn, làm đắm say lòng người!

Có cảm giác như đến Luông Pra-băng, người ta rơi vào một thế giới khác lạ, tĩnh lặng, thanh bình và đượm màu cổ tích. Không có một dấu tích nào của sự ồn ào, chen chúc, xô bồ của những thành phố công nghiệp phát triển. Không có bóng dáng của những căn nhà hộp, mái bằng, những bin-đinh, cao ốc. Cả thành phố không có tòa nhà nào cao quá 3 tầng, thậm chí rất khó để nhận ra được một ngôi nhà 3 tầng. Những mái nhà dốc nhọn, đỏ màu ngói, màu sơn của tôn làm nền cho những mái chùa chồng lớp, rêu phong cổ kính, cong vút những đầu đao, đầu nóc.

Luông Pra-băng là thành phố có nhiều chùa vào bậc nhất nước Lào. Mỗi ngôi chùa đều có thể trở thành nơi du ngoạn của khách, đều có thể níu chân du khách bằng những câu chuyện cổ tích pha trộn chất hoang đường với cuộc sống hiện hữu, hay làm mát lòng du khách bằng nghi thức buộc chỉ cổ tay với những lời chúc tốt lành từ các bậc tu hành. Ở một góc của các ngôi chùa, bao giờ cũng có các ống thẻ để người nhà chùa sẵn sàng giải thích vận hạn, số phận cho những ai mong muốn. Một vài người mặc áo nhà chùa, lặng lẽ ngồi bán hương, hoa cho khách có nhu cầu. Ở tất cả các cửa chùa, các điểm du lịch, khu chợ đêm Luông Pra-bang, những nơi chúng tôi đi qua, tịnh không một bóng người ăn mày, không một bóng người bán hàng rong đi theo khách du lịch chào mời, chèo kéo.

Dấu tích của Phật giáo hiện hữu trong từng ngõ ngách, cuộc sống của thành phố. Những ngôi chùa tấp nập khách thập phương hay u tịch bên bóng bồ đề cổ thụ. Những ngọn tháp nổi bật trong sắc vàng chói lói. Những nhà sư bê tộ đi khất thực, lặng lẽ, đăm chiêu. Những tượng phật đủ các kiểu, các loại, các cỡ, đến cả những bộ phận như tay Phật bà Quan-Thế-Âm, đầu Phật tổ Như Lai, bày bán la liệt trong những quầy hàng lưu niệm, các sạp chợ. Bên con đường gần 300 bậc leo lên và chừng ấy bậc leo xuống đồi Phu Si có cơ man nào là tượng phật: phật đứng, phật ngồi, phật nằm, phật giơ tay đẩy điều ác, điều xấu đi, phật đưa tay vẫy phúc lộc lại, phật biểu tượng cho từng ngày trong một tuần v.v..

Ngay bên cánh phải tòa cung điện của triều vua cuối cùng của Lào nay trở thành Bảo tàng quốc gia, có một nơi mà ai chưa đặt chân tới coi như chưa đến Luông Pra-băng. Đó là nơi lưu giữ bức tượng Phật Pra-băng, bảo vật linh thiêng của thành phố cố đô cũng như của cả nước Lào. Bức tượng Phật Pra-băng bằng vàng, cao cỡ 60 cm, trong hình hài của một người phụ nữ trẻ tuổi, khoác áo choàng, đứng giơ lòng bàn tay về phía trước. Tương truyền rằng, tượng có từ thế kỷ XIV, thời vua Phạ Ngừm, người có công phục hưng nước Lào. Tượng trở thành vật thiêng phù hộ cho đất nước và nhân dân các bộ tộc Lào. Cùng với sự xuất hiện của tượng Phật Pra-băng, đạo Phật cũng giữ vị trí độc tôn ở nước Lào từ đó. Trước năm 1975, nhà vua Lào vẫn ngày ngày hành lễ niệm phật trước bức tượng này. Bây giờ, trước khi vào thăm Bảo tàng, khách thập phương, kể cả những ông tây, bà đầm cũng xì xụp lạy xin những điều tốt lành.

Du khách bước ra khỏi cửa các viện bảo tàng, các ngôi chùa đã ngập ngay vào bóng rợp những cây cổ thụ, vào sắc vàng của hoa khun, vào tiếng gió đại ngàn, màu xanh bát ngát của rừng cây và những áng mây bảng lảng trên đỉnh núi Phu Xuông hùng vĩ phía xa xa.

Nét đẹp văn hóa du lịch

Chúng tôi có một bữa ăn dã ngoại thật vui, thật ấm cúng, thanh bình cùng các bạn Lào ngay bên thác nước khoáng Kuong Xi (thác Con Nai). Những dãy bàn ghế bằng gỗ xẻ hoặc bàn ghế nhựa được bày sẵn trên những bãi đất phẳng, dưới tán rừng già. Ai thích vị trí nào, cứ việc trải khăn, bày thức ăn mang sẵn và vừa ăn vừa ngắm cảnh núi rừng, nghe tiếng thác nước ầm ào. Xung quanh chúng tôi, nhiều đoàn khách cũng bày bàn ăn bữa trưa. Tất cả đều tự do sử dụng bàn ghế, tự phục vụ và tự dọn dẹp đồ thừa đưa lên xe.

Con đường mòn dành cho khách đi bộ xuống núi men theo ven suối, len lỏi dưới bóng rừng già với những thân cây to lừng lững, cao vút, khuất ngọn trên những tầng lá ken dày. Thỉnh thoảng lại có những cây cầu gỗ nho nhỏ bắc qua những khe, rãnh. Con suối nước khoáng tuyệt đẹp, rào rạt chảy theo những bậc đá, tạo thành những vụng nhỏ trước khi buông mành nước xuống bâc thấp hơn. Những đoàn khách châu Âu thích thú đầm mình trong làn nước trắng đục, mát lạnh. Một điều lạ lùng mà tất cả chúng tôi đều nhận ra là, suốt từ khu vực thác nước cho đến con đường dài hơn 1 km từ đó đi xuống, hoàn toàn không thấy bóng dáng một nhân viên phục vụ, một người bảo vệ, một người bán hàng rong. Vậy mà tất cả đều sạch sẽ, ngăn nắp, trật tự.

Ở khu dịch vụ ngoài cửa rừng, không khí lại có phần khác. Tấp nập người mua, người bán. Các quầy hàng treo la liệt các loại hàng thổ cẩm, các sản phẩm làm từ vải dệt thủ công. Khách thoải mái xem, thoải mái chọn. Có thể mua hàng bằng tiền Kíp của Lào, đồng Bạt của Thái Lan và cả đô-la Mỹ. Hàng được du khách mua nhiều nhất là những tấm khăn thổ cẩm, thứ hàng thủ công nổi tiếng nhất của Luông Pra-bang. Không chỉ ở khu dịch vụ này, hàng thổ cẩm còn bày bán khắp nơi, trong các cửa hàng ngoài phố, các điểm du lịch, trong làng nghề Phạ Nôm và nhất là ở chợ đêm Luông Pra-băng.

Chợ đêm Luông Pra-băng họp thâu đêm suốt sáng, ngay trên đường phố lớn dưới chân đồi Phu Si ở trung tâm thành phố. Mỗi cái lều che vải đỏ, rộng chừng 6 mét vuông là một quầy hàng. Người ta rải vải mưa hay bạt ra ngay trên mặt đường rồi bày hàng. Hàng ngàn bóng điện tròn treo trong các lều vải kế tiếp nhau tạo nên khung cảnh lung linh, huyền ảo như đêm hội hoa đăng. La liệt, bạt ngàn những mặt hàng: khăn, áo, khăn trải giường, trải bàn, túi xách, quần, áo… từ thổ cẩm. Nhiều nhất là những tấm khăn thổ cẩm, có cái giá vài đô-la đến cái vài ba trăm đô-la Mỹ. Hàng càng cũ, dệt càng kỳ công, tinh xảo càng đắt tiền. Bán hàng trong các quầy hàng là phụ nữ. Sự xuất hiện những người đàn ông chỉ đóng vai đi lại giúp việc lấy hàng, chuyên chở. Thỉnh thoảng thấy những đứa bé ngủ lăn lóc bên cạnh mẹ. Càng về khuya, khách hàng hầu như càng đông hơn. Người ta lũ lượt kéo đi, xì xồ bàn tán, ngồi xuống bên các quầy hàng để lục lọi, lựa chọn. Khách dường như chủ yếu là đi xem, thảng hoặc mới có người mua. Những người bán hàng vẫn vui vẻ chào, cảm ơn, rồi kiên nhẫn sắp xếp lại hàng hóa để chờ người đến sau lại lục tung lên mà không một biểu hiện phàn nàn, khó chịu. Một anh bạn trong đoàn cứ nhắc đi, nhắc lại nhận xét: “Đúng là văn hóa du lịch!”

*

Chén rượu chia tay thêm nao lòng người bên cảnh sắc dòng sông Mê Công cuộn chảy giữa những ghềnh đá lô xô. Kẻ ở, người đi bịn rịn, dùng giằng. Những khóe mắt cay cay. Những cái bắt tay chưa muốn rời xa. 3 giờ chiều máy bay cất cánh mà 2 giờ rồi vẫn chưa rời chân đi sân bay. Thêm một ly để chúc cho tình hữu nghị Việt – Lào ngày càng bền chặt! Lại thêm ly nữa để các bạn Việt Nam mau trở lại Lào, trở lại Luông Pra-băng! Thôi thì mang rượu lên xe cho tiếp nối những lời tốt lành chưa kịp nói cùng nhau!

Chúng tôi là những người cuối cùng bước lên máy bay. Hầu như máy bay cũng chỉ chờ chúng tôi lên là đóng cửa, lăn bánh ra đường băng. Các bạn đồng nghiệp Lào vẫn đứng trên sân bay vẫy tay dõi theo. Thành phố lướt đi và xa dần dưới cánh máy bay.

Tạm biệt nhé, hẹn ngày gặp lại Luông Pra-bang, gặp lại những người bạn Lào thân thiết!