Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 16-12 đến ngày 22-12-2013)
TCCSĐT - Ngày 20-12-2013, Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2013 về tình hình Trung Phi, dân nhập cư, việc làm cho thanh niên, quan hệ của châu Âu với Nga đã khép lại tại Thủ đô Brúc-xen (Bỉ).
Liên hợp quốc kêu gọi tăng cường cứu trợ nhân đạo trong năm 2014
Ngày 16-12-2013, Liên hợp quốc cùng các tổ chức viện trợ nhân đạo đã kêu gọi đóng góp 13 tỷ USD trong năm 2014 nhằm hỗ trợ khoảng 52 triệu người, trong đó riêng cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Xy-ri đã ngốn một nửa số tiền nói trên. Theo Liên hợp quốc, trong năm tới, sẽ có khoảng 4,1 triệu người tị nạn Xy-ri cần sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, gần gấp đôi so với hiện nay (2,3 triệu người) và số tiền cần thiết cũng lên đến 4,2 tỷ USD. Cộng đồng quốc tế cũng sẽ phải chi 2,27 tỷ USD nhằm cứu trợ khoảng 9,3 triệu người Xy-ri hiện đang sống trên lãnh thổ nước này. Bà Va-le-ri A-mốt (Valerie Amos), Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách hoạt động nhân đạo và viện trợ khẩn cấp, cho biết tình hình cứu trợ nhân đạo tại Xy-ri trong năm tới sẽ tiếp tục gặp khó khăn do lượng người Xy-ri tìm cách chạy nạn bên trong hay bên ngoài lãnh thổ nước này sẽ tiếp tục tăng mạnh. Tác động và cái giá của cuộc khủng hoảng tại Xy-ri sẽ vượt tất cả các cuộc khủng hoảng trước đó. Ngoài ra, thảm họa thiên nhiên tại Phi-líp-pin và cuộc nội chiến tại Cộng hòa Trung Phi cũng đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho các tổ chức viện trợ nhân đạo. Liên hợp quốc nhấn mạnh công tác cứu trợ nhân đạo sẽ tiếp tục được duy trì nhằm giúp đỡ người dân tại các nước chìm sâu trong các cuộc khủng hoảng kéo dài, như Áp-ga-ni-xtan, Mi-an-ma, Hai-ti, Cộng hòa dân chủ Công-gô, Xô-ma-li, Xu-đăng, Nam Xu-đăng, Pa-le-xtin, Y-ê-men và tại các nước vùng Xa-hen (châu Phi).
UNESCO và ASEAN ký kết Thỏa thuận hợp tác khung
Ngày 17-12-2013, tại trụ sở của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Pa-ri, ông Lê Lương Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và bà I-ri-na Bô-cô-va (Irina Bokova), Tổng Giám đốc UNESCO, đã ký kết Thỏa thuận khung về hợp tác giữa hai tổ chức. Mục đích chính của thỏa thuận này là thiết lập một khuôn khổ hợp tác nhằm bổ sung cho các hoạt động hợp tác song phương mà UNESCO đã và đang tiến hành với từng quốc gia thành viên của ASEAN, đồng thời phát huy các nguồn lực hợp tác sẵn có vào việc triển khai các hoạt động, dự án và chương trình, hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN. Thỏa thuận khung xác định 7 lĩnh vực ưu tiên hợp tác gồm: giáo dục; khoa học, công nghệ và sáng tạo; giảm thiểu rủi ro thảm họa; phát triển bền vững môi trường; thúc đẩy khoa học - xã hội và nhân văn với sự tham gia của người dân, nhất là thanh niên; bảo vệ và phát huy di sản văn hóa và đa dạng văn hóa; tiếp cận thông tin và tri thức. Phát biểu tại lễ ký, ông Lê Lương Minh nêu rõ thỏa thuận trên đây đánh dấu một mốc quan trọng trong hợp tác giữa hai tổ chức ASEAN và UNESCO, xác định các định hướng hợp tác cho giai đoạn 2014 - 2018 và những năm tiếp sau đó. Thông qua thỏa thuận này, ASEAN mong muốn tranh thủ các kinh nghiệm của UNESCO trong việc triển khai các hoạt động và chương trình hợp tác vì sự phát triển bền vững. Bà I. Bô-cô-va cho rằng UNESCO và ASEAN cần chia sẻ những giá trị và nguyên tắc chung. Bà tin tưởng giáo dục là nền tảng cho việc xây dựng xã hội thịnh vượng, đa dạng văn hóa, là nguồn gốc của đồng thuận xã hội trong giai đoạn mà các quốc gia ngày càng phụ thuộc và gắn kết với nhau.
Kinh tế thế giới đang cải thiện nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro
Kinh tế toàn cầu đang cải thiện nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, có thể khiến đà tăng trưởng đi chệch hướng. Đây là nhận định trong Báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2014 của Liên hợp quốc, công bố ngày 18-12-2013. Liên hợp quốc nhận định với những dấu hiệu cải thiện như hiện nay, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể đạt mức 3% trong năm 2014; 3,3% trong năm 2015, cao hơn so với mức 2,1% trong năm 2013. Đánh giá tổng thể, Liên hợp quốc cho rằng việc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chấm dứt thời kỳ suy thoái kéo dài, kinh tế Mỹ cũng như một số nền kinh tế lớn đang nổi, trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc, đang hồi phục là những yếu tố kích thích kinh tế thế giới tăng trưởng. Lạm phát trên toàn thế giới vẫn ở mức vừa phải. Hoạt động giao dịch thương mại quốc tế dự kiến sẽ hồi phục nhẹ, lên mức 4,7% trong năm 2014. Giá cả hầu hết các nguyên liệu thô vẫn ổn định mặc dù những biến động bất ngờ về nguồn cung có thể xảy ra, trong đó có cả những xung đột địa chính trị có thể đẩy giá các mặt hàng này lên cao hơn. Tuy nhiên, Liên hợp quốc cũng thừa nhận tình hình thị trường việc làm vẫn ẩn chứa nhiều thách thức và các luồng lưu thông vốn quốc tế đến các nền kinh tế mới nổi vẫn chưa ổn định. Đề cập các yếu tố rủi ro có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, báo cáo nhận định các hậu quả liên quan việc Cục dự trữ liên bang Mỹ ngừng chương trình cứu trợ kinh tế có thể sẽ dẫn đến việc tăng mạnh lãi suất dài hạn tại các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Việc chấm dứt chương trình này được dự báo sẽ đẩy các thị trường chứng khoán rơi vào tình trạng các nhà đầu tư bán tháo tài sản thế chấp, ảnh hưởng đến các nguồn đầu tư ở các nền kinh tế mới nổi. Bên cạnh đó, Liên hợp quốc còn liệt kê một loạt yếu tố tiêu cực khác như hệ thống ngân hàng còn yếu, thực lực kinh tế của Eurozone chưa ổn định, bất đồng nội bộ nước Mỹ về các vấn đề ngân sách và trần nợ. Ngoài ra, những căng thẳng địa chính trị ở Tây Phi và nhiều nơi khác cũng là những yếu tố tiềm ẩn rủi ro lớn. Liên hợp quốc cho rằng tất cả những yếu tố trên có thể khiến nền kinh tế thế giới đi chệch hướng khỏi dự đoán nêu ra trong báo cáo. Liên hợp quốc kêu gọi các nền kinh tế tăng cường điều phối chính sách theo hướng quốc tế hóa, nhấn mạnh mục tiêu hồi phục mạnh hơn, đặc biệt trong lĩnh vực việc làm.
Hội nghị thượng đỉnh EU cuối cùng trong năm
Ngày 20-12-2013, Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2013 về tình hình Trung Phi, dân nhập cư, việc làm cho thanh niên, quan hệ của châu Âu với Nga đã khép lại tại Thủ đô Brúc-xen (Bỉ). Liên quan tình hình Trung Phi, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) H. Rôm-pơi (H. Rompuy) cho biết năm 2014, EU sẽ triển khai phái bộ trợ giúp Cộng hòa Trung Phi nhưng không tài trợ trực tiếp cho phái bộ của Pháp. Ông H. Rôm-pơi cũng hoan nghênh việc Pháp gửi 1.600 quân tới Trung Phi góp phần tránh cho đất nước này thảm họa nội chiến có thể dẫn tới nguy cơ diệt chủng. Các nước thành viên EU sẽ trợ giúp Pháp trong lĩnh vực hậu cần. Viện trợ nhân đạo của EU cho Trung Phi hiện đã lên tới 60 triệu ơ-rô. Về tình trạng nhập cư trái phép vào EU có xu hướng tăng mạnh hiện nay, theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu G. Ba-rô-xô (José Manuel Barroso), các quốc gia EU sẽ tăng cường quản lý biên giới trên biển cũng như phối hợp kiểm soát trên đất liền. EU sẽ thiết lập chiến lược chung để không lặp lại thảm họa đắm thuyền gần đảo Lam-pe-đu-xa (Lampedusa) của I-ta-li-a hồi tháng 10 vừa qua khiến hơn 350 người nhập cư thiệt mạng. Ngoài ra, EU cũng sẽ phối hợp với các quốc gia châu Phi nhằm tránh tình trạng di cư ồ ạt tới châu Âu. Năm 2014, EU sẽ thiết lập quỹ việc làm cho thanh niên với hy vọng đây sẽ là một năm có nhiều tín hiệu khả quan trong việc giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo việc làm. Về quan hệ Nga - EU liên quan vấn đề U-crai-na, Chủ tịch H. Rôm-pơi cảnh báo quan hệ giữa liên minh với Mát-xcơ-va sẽ suy giảm đáng kể sau những diễn biến gần đây tại Ki-ép. Theo quan chức này, Hội nghị thượng đỉnh vào tháng giêng tới giữa EU và Nga sẽ rất khó khăn và nhiều thách thức.
Bế mạc kỳ họp thứ hai Quốc hội Cu-ba khóa VIII
Ngày 21-12-2013, kỳ họp thứ hai Quốc hội Cu-ba khóa VIII đã bế mạc tại Cung Hội nghị ở Thủ đô La Ha-ba-na với việc thông qua Luật Lao động và Luật Ngân sách năm 2014. Bộ luật Lao động vừa được thông qua đã bổ sung thêm thành phần kinh tế tự doanh và có điều chỉnh những quy định về mối quan hệ giữa cấp quản lý và người lao động cho phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Ngoài ra, Bộ luật này cũng đề cập mối quan hệ sản xuất mới bắt đầu xuất hiện trong quá trình triển khai thực hiện lộ trình cập nhật mô hình kinh tế trên cơ sở Nghị quyết Đại hội VI của Đảng Cộng sản Cu-ba. Các đại biểu cũng thông qua khoản ngân sách cho năm 2014 trị giá khoảng 31,8 tỷ pê-xô (tương đương với 31,8 tỷ USD theo tỷ giá chính thức của Chính phủ Cu-ba), trong đó 54% sẽ được đầu tư cho các dịch vụ xã hội, đặc biệt là giáo dục, y tế và trợ cấp xã hội. Về lộ trình hợp nhất tiền tệ mà Chính phủ thông báo cách đây ít lâu, Phó Chủ tịch Cu-ba Ma-ri-nô Mu-rin-lô (Marino Murillo) cho biết, trong tương lai, đồng pê-xô nội tệ (CUP) sẽ được giữ lại là đồng tiền chính thức duy nhất, trong khi đồng pê-xô chuyển đổi (CUC) sẽ chấm dứt lưu hành khi lộ trình kết thúc. Tuy nhiên, ông M. Mu-rin-lô không đề cập chi tiết về chương trình hợp nhất tiền tệ, cũng như thời điểm sẽ hoàn tất kế hoạch này. Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Cu-ba Ra-un Ca-xtơ-rô khẳng định lộ trình cập nhật mô hình kinh tế của Cu-ba sẽ tiếp tục được triển khai một cách chắc chắn, không vội vã nhưng cũng không dừng bước. Ông cho rằng, các biện pháp mà Chính phủ Cu-ba đưa ra sẽ góp phần quyết định tới việc cải thiện bộ máy hoạt động của nền kinh tế và là con đường đúng đắn để Cu-ba hướng tới một mô hình “hợp lý và ít cào bằng hơn”. Chủ tịch Cu-ba nhấn mạnh, mức tăng trưởng 2,7% trong năm 2012 vẫn chưa thực sự đáp ứng được những nhu cầu của đất nước, song chỉ số tin tưởng quốc tế đối với nền kinh tế Cu-ba đang dần được khôi phục. Ông R. Ca-xtơ-rô thông báo, Chính phủ Cu-ba đang soạn thảo một dự án luật đầu tư nước ngoài mới và sẽ được trình lên Quốc hội xem xét và thông qua vào tháng 3-2014. Về đối ngoại, Chủ tịch R. Ca-xtơ-rô đã đề cập mối quan hệ với Mỹ, trong đó khẳng định Cu-ba sẵn sàng đối thoại để tìm biện pháp cải thiện mối quan hệ song phương trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và không gây ảnh hưởng tới chủ quyền của Cu-ba. Chủ tịch R. Ca-xtơ-rô cũng nêu bật những thành tựu đối ngoại quan trọng của Cu-ba trong năm 2013, trong đó có việc trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, vai trò nổi bật với tư cách là Chủ tịch luân phiên của Cộng đồng các nước châu Mỹ (CELAC).
Thái Lan bế tắc về cách thức thực hiện cải cách chính trị
Cách thức thực hiện tiến trình cải cách tại Thái Lan đang trở thành nguyên nhân gây bế tắc chính trị hiện nay ở nước này khi mỗi bên đều muốn bảo vệ và áp đặt quan điểm của mình đối với phía kia. Thủ tướng tạm quyền Dinh-lúc Xin-vắt (Yingluck Shinawatra) đã tuyên bố một lộ trình thực hiện cải cách đất nước, trong đó bà tiếp tục khẳng định tiến hành bầu cử vào ngày 02-02-2014 và yêu cầu tất cả các đảng phái cam kết thực hiện cải cách sau cuộc bầu cử này. Theo bà D. Xin-vắt, Chính phủ phải thực hiện theo các quy định của luật pháp, hiến pháp và tiến trình cải cách cần phải được tiến hành thông qua các cơ chế nghị viện và chính phủ. Chính phủ dự định thành lập một hội đồng mang tên Hội đồng cải cách Thái Lan sau bầu cử để thực hiện nhiệm vụ trong vòng hai năm và sau khi mọi vấn đề cải cách đã được các bên nhất trí thực hiện, Chính phủ sẽ giải tán Quốc hội để tiến hành cuộc bầu cử mới. Tuy nhiên, phong trào biểu tình do cựu nghị sĩ Đảng Dân chủ Xu-thep Thau-xu-ban (Suthep Thaugsuban) đứng đầu, tuyên bố không chấp nhận kế hoạch này, đồng thời thề sẽ ngăn chặn cuộc bầu cử. Kế hoạch của người biểu tình là buộc Thủ tướng D. Xin-vắt từ chức để lựa chọn một Hội đồng nhân dân cùng một thủ tướng mới thực hiện cải cách chính trị theo ý họ. Ý tưởng này của người biểu tình đã được Đảng Dân chủ đồng tình và khích lệ bằng quyết định tẩy chay cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Ủy ban bầu cử Thái Lan sau cuộc gặp Thủ tướng D. Xin-vắt nhất trí sẽ thực hiện tiến trình chuẩn bị bầu cử theo kế hoạch mặc dù họ vẫn lo ngại rằng phong trào biểu tình hiện nay có thể sẽ gây cản trở cho việc đăng ký ứng cử viên bắt đầu từ ngày 23-12./.
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 16 đến ngày 22-12-2013  (24/12/2013)
Triển khai thi hành Hiến pháp bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm  (24/12/2013)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên