Xuân về vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc
TCCS - Cũng như mọi miền biên cương của đất nước, mùa xuân Canh Dần đang về với vùng biên giới Tây Nam của Tổ Quốc thân yêu. Dù còn nhiều gian khó nơi tuyến đầu biên giới, nhưng cán bộ chiến sĩ và người dân vùng biên giới Tây Nam đang hân hoan chào đón tết cổ truyền trong tình quân - dân thắm thiết!
Những ngày giáp Tết Canh Dần năm 2010, trong khi nhân dân cả nước nói chung và vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc nói riêng đang chuẩn bị đón một mùa Xuân hạnh phúc bên gia đình, thì những người lính biên phòng vẫn chắc tay súng bảo vệ biên cương Tây Nam của Tổ quốc. Đối với Bộ đội Biên phòng, đó vừa là vinh dự cao cả, vừa là trách nhiệm lớn lao. Một mùa xuân mới bình yên lại về với làng bản, với núi rừng biên cương, những nụ cười rạng rỡ và niềm tin của nhân dân vùng biên vào công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đem lại cuộc sống ấm no cho đồng bào, vẫn còn đọng mãi trong mỗi cán bộ, chiến sĩ nơi biên cương Tổ quốc.
Xuân về, tết đến cũng là dịp để những người lính biên phòng suy ngẫm những gì đã làm được, những gì chưa làm được, để rồi tiếp tục phấn đấu, tiếp tục vươn lên qua một năm vất vả lo toan với bao bộn bề công việc nhưng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo, đồng thời góp công sức của mình cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các ngành, các cấp và nhân dân vùng biên giới xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng ổn định, từ đó tạo ra “thế trận lòng dân” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến lược xây dựng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuyến biên giới Tây Nam của nước ta, phần trên bộ giáp Lào, Cam-pu-chia (gồm 10 tỉnh, từ Kon Tum tới Kiên Giang dài 1.137 km); phần biển đảo và lãnh hải tiếp giáp Thái Lan, Ma-lai-xi-a và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tuyến biên giới, biển đảo Tây Nam của nước ta có địa hình, thời tiết phức tạp, núi cao rừng rậm, có nhiều sông suối, mưa nắng, bão gió thất thường, thiên tai xẩy ra liên tục gây nhiều khó khăn cho cuộc sống của đồng bào các dân tộc và nhân dân hai bên biên giới; ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của Bộ đội Biên phòng.
Bảo vệ biên giới của Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng và nặng nề mà Đảng, Nhà nước giao cho Bộ đội biên phòng làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia là bộ phận của chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm cho chính sách mở cửa hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia đang đặt ra nhiều yêu cầu mới toàn diện, kết hợp vừa xây dựng, vừa quản lý, bảo vệ, vừa duy trì trật tự an ninh xã hội ở khu vực biên giới, vùng biển, tạo môi trường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo mọi thuận lợi cho quan hệ giao lưu quốc tế, xây dựng mối quan hệ láng giềng hữu nghị giữa chính quyền, các lực lượng vũ trang, nhân dân hai bên biên giới ngày càng ổn định và phát triển.
Địa bàn vùng biên giới Tây Nam, nhất là vùng biển đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, căn cứ kháng chiến cũ, trong những năm qua được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng phát triển nên đời sống của đồng bào các dân tộc và cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang ngày càng được cải thiện và nâng cao. Tuy vậy, đời sống của một bộ phận đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp; nhất là điều kiện sinh hoạt, ăn ở còn thiếu thốn, nhà vách tranh tre tạm bợ. Tỷ lệ số người đói nghèo nhiều nơi còn từ 50% đến 70% (theo tiêu chí mới), trung bình khu vực biên giới hiện nay số người đói nghèo khoảng 35%, trình độ dân trí thấp, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn; đã thế, đây lại là địa bàn nhạy cảm, dễ bị kẻ địch lợi dụng để chống phá.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng luôn xác định: muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và an ninh trật tự ở khu vực biên giới Tây Nam, thì phải xây dựng địa bàn vững mạnh toàn diện, xây dựng được “trận địa lòng dân”, giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống. Khởi nguồn từ ý nghĩa đó, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống thành lập lực lượng Bộ đội Biên phòng (3-3-1959 - 3-3-2009) và kỷ niệm 20 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3-3-1989 - 3-3-2009); Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Báo Quân đội nhân dân phát động cuộc vận động “Xây dựng mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, gắn với thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xóa nhà tranh tre tạm bợ cho đồng bào nghèo biên giới (đặc biệt là đồng bào cư trú tại 62 huyện nghèo của cả nước), đã thu hút đông đảo các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước quyên góp ủng hộ. Mục đích của đợt vận động là nhằm góp phần giảm bớt khó khăn cho bà con nơi biên giới, hải đảo; tập trung giúp đỡ những hộ nghèo, địa bàn chưa có trường học, phòng khám quân dân y kết hợp, đường liên thôn bản, nhà ở bán trú dân nuôi...
Để đồng bào biên giới được đón xuân mới trong những căn nhà mới, nghĩa tình quân dân, cán bộ chiến sĩ các đơn vị biên phòng trên vùng biên giới Tây Nam, đã ngày đêm bám địa bàn kết hợp với cấp ủy chính quyền, ban ngành đoàn thể địa phương quyên góp tiền, vật liệu, công sức để xây dựng nhà cho các hộ nghèo, khó khăn về nhà ở. Bằng sự đóng góp hàng trăm ngàn ngày công lao động, ủng hộ gần 2 tỉ đồng (trích một ngày lương) của cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng cùng với sự vận động của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các đoàn thể địa phương trong cả nước, đã xây dựng được 2.973 căn nhà đại đoàn kết (vượt chỉ tiêu 973 căn nhà) và 69 công trình dân sinh như trường học, đường làng, cầu cống, trạm quân dân y kết hợp với trị giá tổng cộng 115 tỉ đồng.
Cùng với làm nhà đại đoàn kết cho người nghèo, lực lượng Bộ đội Biên phòng các tỉnh vùng biên giới đã đồng loạt khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng 53 công trình dân sinh như: phòng học, nhà văn hóa thôn bản, nhà bán trú dân nuôi, trạm xá quân dân y kết hợp... Nhiều tỉnh đã hoàn thành vượt chỉ tiêu Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng giao như: Long An 132/100 nhà, Đồng Tháp 38/20 nhà, Đắk Lắk 35/15 nhà, Đắk Nông 31/20 nhà, Kiên Giang 46/20 nhà.
Những việc làm trên của Bộ đội Biên phòng và mặt trận các cấp và các đoàn thể địa phương đã góp phần cơ bản xóa nhà tranh tre tạm bợ và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc ở vùng biên giới. Xuân này tuyến biên giới Tây Nam, vùng biển đảo lại có thêm nhiều căn nhà mới, con đường mới, lớp học mới để đồng bào vui tết đón xuân, trẻ em được tới trường với một niềm tin mới ở tương lai phía trước.
Bên cạnh “thế trận lòng dân”, giúp nhân dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, năm qua, trên tuyến biên giới, biển đảo, cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chịu đựng gian khổ, thiếu thốn cả vật chất và tinh thần, thường xuyên đấu tranh với những âm mưu thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và những tác động mặt trái của cơ chế thị trường... Với chức năng, nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, Bộ đội Biên phòng đã tích cực xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới; thường xuyên bám sát địa bàn, tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động tham mưu và cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố phong trào quần chúng bảo vệ an ninh biên giới, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng biên giới vững mạnh.
Có thể nói, để có những mùa xuân bình yên hạnh phúc cho nhân dân cả nước nói chung và vùng biên giới Tây Nam nói riêng, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã vượt qua bao khó khăn vất vả, nguy hiểm, vẫn ngày đêm âm thầm, lặng lẽ, dũng cảm, mưu trí “băng rừng, vượt suối”, không quản ngại nắng mưa đấu tranh với các loại hình tội phạm nguy hiểm, nhất là tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm ma túy, buôn lậu, buôn bán phụ nữ trẻ em, vận chuyển, buôn bán tiền giả, chất nổ, chất cháy,... qua lại biên giới, vùng biển. Trong thời gian từ năm 2006 đến 2009, lực lượng Bộ đội Biên phòng các tỉnh biên giới Tây Nam phối hợp với các ngành chức năng đã thu giữ 229,7 kg hê-rô-in và 22.020 gói nhỏ hê-rô-in, 167,164 kg thuốc phiện, 306,535 kg cần sa, 2.242.443 viên ma túy tổng hợp và 945,67 gram ma túy tổng hợp; 108.743 ống tân dược gây nghiện, 100 khẩu súng quân dụng, súng tự tạo các loại; 694 viên đạn; 6 ô-tô, 295 xe máy và gần 2 tỉ đồng, 58.000USD, trên 300.000 nhân dân tệ, hơn 342 triệu kíp (Lào), 168 điện thoại di động...
Sẽ là không đầy đủ khi xưa nay nói về những người canh giữ các vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, người ta thường hay nhắc đến hình ảnh anh bộ đội Hải quân chứ không phải ai cũng biết về lính biển Biên phòng làm nhiệm vụ trên biển. Vùng biển Tây Nam của nước ta có đến 150 đảo lớn nhỏ, liên kết với nhau gần suốt chiều dài của vịnh, trở thành những căn cứ tiền tiêu chiến lược vô cùng quan trọng để bảo vệ Tổ quốc, đồng thời cũng là cửa ngõ để chúng ta hòa nhập với thế giới, kết giao với bạn bè. Những chàng trai quân hàm xanh trên biển này ngày đêm tuần tra, bảo vệ chủ quyền biên giới trên biển của Tổ quốc, giúp bà con ngư dân yên tâm làm ăn, sản xuất. Đêm giao thừa rất nhiều tàu đánh cá của bà con ngư dân vẫn miệt mài đánh bắt giữa biển khơi xa, những lúc ấy, tàu chiến đấu hải đoàn 28, 26, 30,... của Bộ đội Biên phòng luôn ở bên cạnh bà con ngư dân. Chỉ có những người ngư phủ quanh năm, dãi nắng dầm sương trên biển cả mênh mông mới thấu hiểu sự bình yên của biển cả, sự hiện diện của người lính biên phòng đã làm ấm lòng họ đêm giao thừa giữa biển khơi mênh mông. Nhiều cán bộ, chiến sĩ thuộc các hải đoàn Bộ đội Biên phòng đã trải qua nhiều mùa xuân như thế trên biển đảo của Tổ quốc, chẳng sóng gió, gian khổ nào ngăn được những con tàu và người chiến sĩ biên phòng dũng mãnh ra khơi, tuần tra, bảo vệ chủ quyền, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngoài nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, giữ vững an ninh trật tự xã hội khu vực biên phòng, năm 2009 cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng các tỉnh phía Nam, còn đảm đương nhiệm vụ hết sức nặng nề là cùng các ngành chức năng thực hiện công tác phân giới cắm mốc, phối hợp điều tra khảo sát tình hình, thực trạng đường biên, cột mốc biên giới; tổ chức vận động nhân dân tham gia phát quang hệ thống đường biên, cột mốc quốc giới. Vận động nhân dân (nhất là những người già sống lâu ở biên giới) nắm chắc về các dấu hiệu biên giới, cột mốc để khẳng định chủ quyền lãnh thổ và kiên quyết bảo vệ toàn vẹn chủ quyền của Tổ quốc. Kết quả quá trình phân giới cắm mốc tuyến biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia đến cuối năm 2009 đã được 35,04% kế hoạch. Cùng với việc phân giới cắm mốc, cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng còn phát động quần chúng đăng ký tự quản gần 300 km đường biên giới, 45 cột mốc, với trên 4.000 hộ tham gia phong trào tự quản và thành lập 653 tổ tự quản đường biên cột mốc và an ninh trật tự xóm, ấp.
Đến Tây Nguyên vào những ngày giáp Tết Canh Dần, tiết trời lành lạnh vào ban đêm và sáng sớm, còn ban ngày thì lởn vởn mây, nắng bồng bềnh... khung cảnh của đất trời, cỏ cây như tôn thêm vẻ đẹp của mùa xuân nơi biên cương. Xuân đến, xuân vui nhưng đặc biệt hạnh phúc hơn với người dân nơi miền biên cương vùng tiếp giáp “tiếng gà gáy nghe chung”, thì sự kiện tổ chức lễ khánh thành mốc ngã ba biên giới thuộc địa bàn tỉnh Kon Tum (Việt Nam), tỉnh Rat-ta-na-ki-ri (Cam-pu-chia) và tỉnh ắt Ta-pư (Lào) là vui sướng, hạnh phúc nhất. Vì đây là ý chí, nguyện vọng, quyết tâm của Chính phủ và nhân dân 3 nước, thể hiện sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau và tinh thần hợp tác giữa 3 nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia.
Kết hợp công tác vận động quần chúng với tham gia xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh; làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân các dân tộc ở khu vực biên giới tích cực tham gia phong trào tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự xóm, ấp. Tăng cường mối quan hệ chặt chẽ với các lực lượng bảo vệ biên giới của nước láng giềng nhằm xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đẩy lùi các hoạt động lấn chiếm, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới; tạo môi trường thuận lợi để thực hiện chủ trương mở cửa, hội nhập, phát triển kinh tế của đất nước.
Đón xuân mới - năm 2010, cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng cùng với đồng bào các dân tộc nơi biên giới, vùng biển, hải đảo hân hoan phấn khởi trong niềm vui mới và đón nhiều sự kiện mới: Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2010), kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (2-9-1945 - 2-9-2010); Đại lễ kỷ niệm
1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Với yêu cầu của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, trong toàn lực lượng phải quán triệt: vui xuân nhưng không quên nhiệm vụ, vui tết nhưng vẫn chắc tay súng, quyết tâm bảo vệ bình yên nơi nơi biên giới của Tổ quốc.
Để giữ mãi những mùa xuân và sự bình yên hạnh phúc của nhân dân, cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương biên giới, vùng biển, hải đảo chung sức chung lòng xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị, hợp tác và phát triển với những nội dung, biện pháp thiết thực, cụ thể:
Một là, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia bằng cơ chế pháp luật và tích cực đổi mới, cải cách thủ tục hành chính. Thường xuyên triển khai lực lượng, tiến hành đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng trong quản lý bảo vệ biên giới; chủ động nắm chắc mọi tình hình, kịp thời đối phó có hiệu quả với các tình huống có thể xẩy ra, không bị động bất ngờ. Thực hiện tốt phương châm “giữ vững ổn định bên trong là chính, đồng thời ngăn chặn có hiệu quả xâm nhập từ bên ngoài”. Phát hiện và giải quyết kịp thời những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, nhất là ở địa bàn trọng điểm, vùng có nhiều đồng bào dân tộc, tôn giáo, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân kết hợp với nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Hai là, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về biên giới. Tiếp tục phối hợp tốt với các ngành chức năng thực hiện có hiệu quả công tác phân giới cắm mốc tuyến biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia đúng tiến trình thời gian quy định. Tham mưu và tham gia cùng địa phương thực hiện tốt chương trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị địa phương vững mạnh, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ biên giới vững chắc đủ sức đáp ứng với mọi yêu cầu, trong mọi tình huống.
Ba là, đẩy mạnh và thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân với phương châm “vừa gác cửa, vừa mở cửa” trong công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vừa giữ vững nguyên tắc. Tích cực chủ động quan hệ chặt chẽ với chính quyền và các lực lượng bảo vệ biên giới của nước láng giềng tiến hành các hoạt động bảo vệ biên giới và giải quyết các vấn đề liên quan đến chủ quyền an ninh biên giới; xây dựng biên giới hòa bình, thân thiện, hữu nghị.
Bốn là, tích cực huấn luyện, rèn luyện nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và xây dựng Bộ đội Biên phòng vững mạnh toàn diện, đáp ứng vai trò nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và tác chiến thắng lợi khi có tình huống xấu xẩy ra. Trước mắt, cần tập trung bảo vệ an toàn thắng lợi Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và bảo vệ an toàn các ngày lễ kỷ niệm trọng đại trong năm 2010.
Xuân Canh Dần đang về trên khắp nẻo quê hương, những sắc mai vàng vùng biên giới Tây Nam đầy nắng gió đã chớm nở, báo hiệu một mùa xuân mới đang tới gần. Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng vùng biên giới Tây Nam đã và đang phát huy những kết quả đạt được trong năm 2009 và phát huy truyền thống anh hùng vẻ vang của lực lượng biên phòng trong 50 năm qua, ngày đêm chắc tay súng để biên giới, hải đảo của Tổ quốc mãi mãi có những mùa xuân bình yên, hạnh phúc./.
Đảng ta - Đảng của trí tuệ, bản lĩnh và khoa học  (15/02/2010)
Một nghìn năm vàng  (15/02/2010)
Phát huy truyền thống, kiên định con đường đã chọn, đưa đất nước vào thời kỳ phát triển mới  (12/02/2010)
Giới thiệu chính sách mới số 195  (12/02/2010)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên