Những phương pháp tiếp cận thời đại và nhận diện thời đại ngày nay
TCCS - Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiếp tục xây dựng đất nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội đổi mới, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam, tiến cùng thời đại. Nhận diện đúng thời đại không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với các trào lưu xã hội chủ nghĩa thế giới thế kỷ XXI.
Để nhận diện các thời đại trong lịch sử phát triển của xã hội loài người cũng như thời đại ngày nay, cần có một số phương pháp tiếp cận khoa học, cùng cấp độ, theo những góc độ khác nhau. Trên cơ sở thời đại ngày nay mới có thể giải quyết đúng những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa xã hội (CNXH). Vì thế, vấn đề nhận diện thời đại ngày nay được đặt ra ở đây xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của CNXH đổi mới, không chỉ nhằm tiếp tục khẳng định mà còn nhằm làm rõ thêm mô hình, con đường đi lên CNXH ở nước ta.
Tôi nhất trí với phương pháp tiếp cận hình thái kinh tế - xã hội để nhận diện thời đại ngày nay. Căn cứ vào những đóng góp tích cực của CNXH hiện thực vào sự phát triển của xã hội loài người trong phần lớn thời gian của thế kỷ XX, cùng những thành tựu quan trọng trong công cuộc cải cách, mở cửa, đổi mới ở một số nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) sau khủng hoảng và khuynh hướng lựa chọn CNXH thế kỷ XXI ở một số nước, tiếp tục khẳng định thời đại ngày nay là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản (CNTB) lên CNXH mở đầu bằng cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.
Tuy nhiên, trong nhận diện thời đại ngày nay, với phương pháp tiếp cận hình thái kinh tế - xã hội, có một số biểu hiện chưa thật hợp lý, cần phân tích để hiểu rõ hơn thế giới ngày nay trong những chuyển động lớn đang nổi lên và xu thế phát triển của chúng. Một là, tuyệt đối hóa phương pháp tiếp cận hình thái kinh tế - xã hội, thậm chí cho đó là "duy nhất khoa học", đi tới kỳ thị với những phương pháp tiếp cận khác, nhất là phương pháp tiếp cận dân tộc, quốc gia - dân tộc mà tôi cho rằng đó cũng là một phương pháp tiếp cận khoa học ở cấp độ thời đại. Hai là, nhấn mạnh vai trò của quan hệ sản xuất (QHSX) trong mối quan hệ với lực lượng sản xuất (LLSX), không làm rõ vai trò quyết định nhất của LLSX trong hình thái kinh tế - xã hội, liên quan một phương pháp tiếp cận khoa học nữa cũng ở cấp độ thời đại là phương pháp tiếp cận sự phát triển đánh dấu thời đại của LLSX.
1 - Về biểu hiện tuyệt đối hóa phương pháp tiếp cận hình thái kinh tế - xã hội, tôi cho rằng không nên coi đó là "duy nhất khoa học", mà chỉ là phương pháp khoa học nhất, vào loại nhất. Bởi trong kho tàng trí tuệ của loài người, đã có và còn phát triển nhiều môn khoa học để nhận thức và cải tạo thế giới khách quan, thế giới con người, cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, chứ không cho rằng chủ nghĩa Mác - Lê -nin có thể thay thế mọi tri thức khoa học.
Điều cần làm rõ là về phương pháp tiếp cận dân tộc, quốc gia - dân tộc trong mối quan hệ với phương pháp tiếp cận hình thái kinh tế - xã hội, liên quan vấn đề CNXH mang bản sắc dân tộc Việt Nam. Ta hiểu rằng, mọi vật đều vận động đồng thời theo thời gian và trong không gian. Tiếp cận theo hình thái kinh tế - xã hội là tiếp cận theo lịch đại, là sự phát triển kế tiếp nhau theo thời gian của xã hội loài người thông qua sự vận động và phát triển từ hình thái kinh tế - xã hội này sang hình thái kinh tế - xã hội khác. Tiếp cận theo dân tộc, quốc gia - dân tộc là tiếp cận theo đồng đại, là sự phát triển đồng thời trong không gian của xã hội loài người thành những dân tộc, quốc gia - dân tộc khác nhau. Hai quá trình này thống nhất, không thể tách rời. Hình thái kinh tế - xã hội nào cũng tồn tại trong hiện thực của mỗi dân tộc, quốc gia - dân tộc; và dân tộc, quốc gia - dân tộc nào cũng được kết cấu theo một hình thái kinh tế - xã hội nhất định.
Phương pháp tiếp cận dân tộc, quốc gia - dân tộc đòi hỏi kiến thức của nhiều môn khoa học, cả khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Liệu có thể hiểu được xã hội loài người, hiểu được các hình thái kinh tế - xã hội trong mỗi dân tộc, quốc gia - dân tộc nếu không hiểu những vấn đề về cộng đồng dân cư, về địa lý - lãnh thổ trên đó cộng đồng dân cư sản xuất, chinh phục thiên nhiên, sống và chiến đấu trong đấu tranh xã hội, đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc, từ đó dần dần hình thành nên lịch sử của mình, truyền thống của mình và nhất là văn hóa riêng của mình.
Dân tộc, quốc gia - dân tộc lâu dài hơn, bền vững hơn các hình thái kinh tế - xã hội, bởi các hình thái kinh tế - xã hội, với các giai cấp đại biểu cho chúng, đã đến và đi dần trong sự trường tồn của dân tộc, quốc gia - dân tộc. Cũng chính những hình thái kinh tế - xã hội ấy với giai cấp đại biểu cho chúng - do vai trò lịch sử trong dân tộc - đã làm nên sự trường tồn của dân tộc, quốc gia - dân tộc và in đậm dấu ấn của mình trong đó. Cái trường tồn ấy - tiêu biểu là văn hóa - là cái riêng của mỗi dân tộc và làm nên sự khác biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác. Nó được tích lũy dần từ đời trước sang đời sau, trở thành một nguồn lực cả về tinh thần và vật chất mà mọi hình thái kinh tế - xã hội khi mới ra đời trong lòng dân tộc đều phải dựa vào để tồn tại và phát triển và đưa dân tộc tiến lên theo quy luật của thời đại (đương nhiên có dấu ấn của giai cấp lãnh đạo đại biểu cho dân tộc).
Dân tộc, quốc gia - dân tộc là cơ sở cho sự ra đời và phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội, dẫn tới những mô hình khác nhau của cùng một hình thái kinh tế - xã hội với quy luật chung của hình thái kinh tế - xã hội đó trong những dân tộc, quốc gia - dân tộc có những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau. Đây là quy luật của các thời đại.
Ở châu Âu, giai cấp tư sản cách mạng đã là người giải phóng dân tộc khỏi chế độ phong kiến cát cứ, hình thành dân tộc tư sản. Bởi thế, nói thời đại CNTB cũng chính là thời đại dân tộc tư sản. Chủ nghĩa tư bản đã ăn sâu trong lòng nhiều dân tộc, quốc gia - dân tộc, và đã hình thành những mô hình khác nhau của CNTB, như CNTB Tây Âu, CNTB Bắc Mỹ, CNTB châu Á. Còn có những mô hình khác nữa của CNTB như đã biết. Thời đại dân tộc tư sản đã được mở ra và không ít người mác-xít một thời đã cho rằng nói dân tộc là dân tộc tư sản.
Điều đó cũng có nghĩa là, trên cơ sở của những dân tộc, quốc gia - dân tộc khác nhau, tất yếu sinh ra và phát triển những mô hình khác nhau của cùng hình thái kinh tế- xã hội xã hội chủ nghĩa với quy luật chung của CNXH. Tiếc rằng trong một thời gian tương đối dài, điều đó đã không được nhận thức đúng mức; có khuynh hướng nhấn mạnh quy luật phổ biến của CNXH, đồng nhất quy luật phổ biến của CNXH với mô hình đặc thù Liên Xô, cảnh giác với những sự lựa chọn khác có thể không phải là XHCN. Tuy nhiên, do đòi hỏi của thực tiễn và phù hợp quy luật, đã có những sự tìm tòi khó khăn một số mô hình khác của CNXH phù hợp điều kiện, hoàn cảnh riêng của mỗi dân tộc, không giống mô hình của Liên Xô. Không phải đơn giản mà nhiều người cộngsản Trung Quốc đề xướng “xây dựng CNXH mang đặc sắc Trung Quốc”. Các lực lượng cánh tả ở Mỹ La-tinh đã nói đến "CNXH ở Mỹ La-tinh", CNXH của thế kỷ XXI. Tuyên bố Sao Pao-lô được thông qua tại cuộc gặp lần thứ X các đảng cộng sản và công nhân quốc tế diễn ra ở Bra-xin (tháng 12-2008), đã nhấn mạnh "không có một mô hình của CNXH chuẩn mực duy nhất". Đang có những sự lựa chọn những mô hình khác của CNXH, ở những nước đã trải qua CNXH mô hình cũ, ở những nước đang phát triển và cả ở những nước phát triển. Đương nhiên còn phải tính đến những nhân tố khác nữa cho một sự lựa chọn khôn ngoan; chủ nghĩa dân tộc cực đoan không bao giờ đưa đến một chiến lược đúng đắn. Nhưng dân tộc, quốc gia - dân tộc vẫn là một trong những nhân tố cơ bản góp phần quyết định vận mệnh của CNXH ở mỗi nước trong cuộc trường chinh thăng trầm trong lòng dân tộc suốt chiều dài một thời đại lịch sử. Biện chứng là ở chỗ, nhờ vậy tình đoàn kết quốc tế của CNXH mới thực sự được củng cố và tăng cường.
Từ mấy điều nêu trên, tôi đề nghị, gắn liền với nhận diện thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH là thời đại quá độ từ dân tộc tư sản lên dân tộc XHCN. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã nói đến "giai cấp công nhân trở thành dân tộc, nhưng dân tộc ở đây không phải hiểu theo nghĩa tư sản". Vậy là dân tộc gì, nếu không phải là dân tộc XHCN.
Phương pháp tiếp cận dân tộc, quốc gia - dân tộc đã bị kỳ thị một thời gian dài, bị coi là khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa, là chủ nghĩa dân tộc tư sản. Nhưng càng ngày chúng ta càng thấy rằng, tiếp cận thời đại theo dân tộc, quốc gia - dân tộc gắn liền với tiếp cận thời đại theo hình thái kinh tế - xã hội, tìm hiểu sâu những vấn đề của dân tộc, quốc gia - dân tộc quan trọng nhường nào trong việc tìm hiểu lịch sử loài người, tìm hiểu những hình thái kinh tế - xã hội đã trải qua trong xã hội loài người, tìm hiểu thế giới đương đại. Cũng là để tìm tòi con đường đi lên CNXH ở mỗi nước nói riêng.
Nói xây dựng CNXH ở nước ta liệu có thể bỏ qua, coi nhẹ những vấn đề về con người Việt Nam, đất nước Việt Nam, lịch sử Việt Nam, truyền thống và đặc biệt là văn hóa Việt Nam hay không? Theo tôi CNXH mang bản sắc dân tộc Việt Nam, đó là điều quan trọng mà chúng ta phải tiếp cận và nhận thức. Điều này cần thể hiện ngay trong việc giải quyết mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và CNXH. Xem lại Cương lĩnh 1991 có thể thấy vấn đề dân tộc, quốc gia - dân tộc đã được đề cập trong Bài học thứ nhất nhưng chỉ nêu "Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để xây dựng chủ nghĩa xã hội". Theo tôi cần phải nhấn mạnh rằng: Độc lập dân tộc là tiền đề, là điều kiện tiên quyết, và là cơ sở để xây dựng CNXH. Độc lập dân tộc cũng là cơ sở để xây dựng CNXH và bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội; không có độc lập dân tộc thì xây dựng CNXH ở đâu, trên cơ sở nào. Hơn nữa còn cần phải làm rõ, trong mọi giai đoạn của cách mạng, độc lập dân tộc phải luôn luôn đặt lên hàng đầu, vì độc lập dân tộc là tiền đề và là điều kiện tiên quyết. Chính nhà mác-xít Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã rất sớm coi dân tộc là "động lực to lớn của đất nước". Vậy vì sao không phát động cái động lực to lớn ấy để xây dựng CNXH? Tất nhiên, nếu coi đấy là chủ nghĩa dân tộc thì chắc không phải là chủ nghĩa dân tộc tư sản mà chỉ có thể là chủ nghĩa dân tộc XHCN ở thời đại quá độ từ dân tộc tư sản đến dân tộc XHCN - một chủ nghĩa dân tộc hài hòa với chủ nghĩa quốc tế, với mục tiêu xây dựng CNXH. Đó chính là chủ nghĩa yêu nước gắn với CNXH thành chủ nghĩa yêu nước XHCN.
2 - Về biểu hiện nhấn mạnh vai trò của QHSX trong mối quan hệ với LLSX mà không chú ý làm rõ vai trò quyết định nhất của LLSX. Phải chăng điều này đã dẫn đến, ở CNXH mô hình cũ, việc áp đặt một số hình thức của QHSX không phù hợp, đi trước LLSX, cản trở, thậm chí phá hoại sự phát triển của LLSX.
Đây không chỉ là một luận điểm trong lý luận mác-xít về hình thái kinh tế - xã hội mà thực sự là một cách tiếp cận khác, tiếp cận thời đại theo trình độ phát triển đánh dấu thời đại của LLSX, như đã nêu trên. Thời đại đồ đá, đồ sắt,... văn minh nông nghiệp - lao động cơ bắp; văn minh công nghiệp - lao động máy móc; văn minh trí tuệ - lao động trí óc, đã được xác định là như vậy.
Những thành tựu đánh dấu thời đại, bắt đầu từ cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại nửa sau thế kỷ XX, đã dần dần được xác nhận là một kỷ nguyên mới, một nền văn minh mới của nhân loại đã bắt đầu: kỷ nguyên thông tin, văn minh hậu công nghiệp, văn minh trí tuệ. Liệu có sự thận trọng chăng khi chỉ nói xã hội hậu công nghiệp, cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, kinh tế tri thức, nhiều lắm là kỷ nguyên thông tin,... chưa muốn nói văn minh trí tuệ.
Trong văn minh trí tuệ, loài người chuyển dần sang lao động trí óc là chính, tức là khoa học dần dần trở thành LLSX trực tiếp. Tất yếu trí thức trở thành công nhân - công nhân hóa, và công nhân trở thành trí thức - trí thức hóa, hình thành dần một giai cấp công nhân mới, giai cấp công nhân trí thức, giai cấp công nhân hiện đại.
Tiếp cận theo trình độ phát triển đánh dấu thời đại của LLSX là một phương pháp tiếp cận từ lâu, đã được coi là rất khoa học, bởi nó tiếp cận nhân tố quyết định nhất trong sự phát triển của xã hội loài người. Phương pháp tiếp cận này không tách rời phương pháp tiếp cận hình thái kinh tế - xã hội, bởi LLSX phát huy vai trò quyết định của nó thông qua các hình thái kinh tế - xã hội kế tiếp nhau và là động lực chủ yếu trong sự vận động và phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội. Còn QHSX chỉ có tính độc lập tương đối, có tác dụng trở lại tích cực hay tiêu cực đối với LLSX, nhưng LLSX luôn luôn và cuối cùng mở lấy đường đi của nó.
Vì thế, trong khi khẳng định thời đại ngày nay là thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH, thì cũng phải khẳng định thời đại ngày nay là thời đại quá độ từ văn minh công nghiệp lên văn minh trí tuệ, kết hợp chặt chẽ giữa văn minh trí tuệ với văn minh công nghiệp. Cũng có nghĩa là xây dựng CNXH phải là xây dựng CNXH hiện đại; xây dựng CNXH mang bản sắc dân tộc Việt Nam phải là xây dựng CNXH hiện đại ở Việt Nam. Phải có tư duy hiện đại về CNXH phù hợp điều kiện Việt Nam.
Phát triển LLSX theo hướng hiện đại, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng kinh tế tri thức,... đã được đề cập dần từ Đại hội VII và các Đại hội tiếp theo của Đảng, nhưng trình độ phát triển đánh dấu thời đại của LLSX chưa được coi là một cách tiếp cận ở cấp độ thời đại.
Cái rất quan trọng cần rút ra là xác định vai trò lãnh đạo cách mạng XHCN, nhân vật trung tâm của cách mạng XHCN là giai cấp công nhân, nhưng không phải là giai cấp công nhân trong văn minh công nghiệp thời Mác mà là giai cấp công nhân trong văn minh trí tuệ, giai cấp công nhân lao động có tri thức, giai cấp công nhân hiện đại, là LLSX hiện đại đại biểu cho phương thức sản xuất mới.
Tư duy mới về giai cấp công nhân phải được đưa vào cuộc sống hiện thực. Đảng đã có nghị quyết về xây dựng giai cấp công nhân, lại đã có nghị quyết về xây dựng đội ngũ trí thức, tôi rất đồng tình. Tôi hiểu hai cái đó là một nhiệm vụ, là một quá trình công nhân hóa trí thức và trí thức hóa công nhân, từng bước xây dựng giai cấp công nhân hiện đại ở nước ta.
Hình thái kinh tế - xã hội; dân tộc, quốc gia - dân tộc; LLSX phát triển đánh dấu thời đại - ba cái đó tồn tại hữu cơ trong một thể thống nhất của một sự vật - thời đại. Điều đó đòi hỏi ba phương pháp tiếp cận tương ứng.
Kết hợp chặt chẽ kết luận của cả ba phương pháp tiếp cận đó mới phản ánh đúng thời đại ngày nay là thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH; là thời đại quá độ từ dân tộc tư sản lên dân tộc XHCN; là thời đại quá độ từ văn minh công nghiệp lên văn minh trí tuệ.
Trong giai đoạn hiện nay của thời đại ngày nay, chắc chắn phải đi sâu làm rõ những đặc điểm của giai đoạn hiện nay và bước quanh co của CNXH. Song, chính trong tình hình đó, cũng rất cần làm rõ hơn, nhận diện đúng cả một thời đại lịch sử mới đã được mở ra từ thế kỷ trước và vẫn đang tiếp diễn; giữ vững định hướng cho việc giải quyết thành công những giải pháp đặt ra trong bước quanh co ấy của CNXH; kiên định và sáng tạo trên con đường đi tới đích./.
Công tác xây dựng đảng ở đảng bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh Đăk Nông  (25/03/2010)
Xuất khẩu gạo đạt gần 1 triệu tấn  (25/03/2010)
Tháng 3, giải ngân vốn FDI đạt kỷ lục 1,4 tỉ USD  (25/03/2010)
CPI tháng 3 tăng 0,75%  (25/03/2010)
Phát triển mô hình nông nghiệp - dịch vụ ở Hải Phòng  (24/03/2010)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay