Phát huy sức mạnh trí tuệ toàn dân tộc, đổi mới và thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển - Một đòi hỏi bức xúc của đất nước ta
TCCS - Phải thông qua đổi mới toàn diện chiến lược phát triển đất nước để bứt lên trở thành một nước có nền kinh tế phát triển đạt mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để đáp ứng nhu cầu chính đáng đó của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta phải thực sự là trí tuệ, là văn minh như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong đợi.
Vấn đề và những yêu cầu bức xúc
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà chúng ta đạt được qua 25 năm đổi mới đã tạo ra không khí hồ hởi, phấn khởi của nhân dân khi bước vào mùa xuân mới - xuân Tân Mão. Đất nước, con người đều rạng rỡ hơn, vị thế Việt Nam không chỉ ở địa bàn khu vực, mà cả trên phạm vi toàn cầu đã khác trước nhiều. Dấu ấn Việt Nam qua một năm làm Chủ tịch ASEAN, trước đó là một năm làm ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã khiến bạn bè khu vực và quốc tế hiểu Việt Nam hơn.
Trong khi cần thấy hết giá trị to lớn của thành tựu đó, chúng ta cũng thấy rằng, hiện nay đất nước đang đứng trước những vấn đề và yêu cầu bức xúc mới.
Một là, trong 25 năm đổi mới vừa qua, nền kinh tế của đất nước phát triển với tốc độ cao, nhưng đã phải trả giá đắt: hệ số ICOR quá cao, lãng phí thất thoát lớn, hiệu quả kinh tế thấp, tài nguyên thiên nhiên đang suy kiệt, môi trường ô nhiễm nặng, văn hóa xã hội xuống cấp, nền kinh tế đang tiềm ẩn nguy cơ phát triển không bền vững... Nền kinh tế nước ta vẫn còn là nền kinh tế dựa vào tài nguyên và vốn, sự tăng trưởng kinh tế chủ yếu tận dụng tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ và đầu tư nước ngoài. Đó là mô hình mang nhiều dấu ấn của công nghiệp hóa cổ điển mà nhiều nước đã bỏ qua. Tất cả những nhân tố cơ bản cho phát triển theo chiều rộng đã được khai thác tới hạn. Đã đến lúc, để kinh tế phát triển bền vững, phải từng bước chuyển mạnh sang phát triển chiều sâu, lấy việc phát huy nhân tố con người làm trung tâm. Trong khi đó, nguồn nhân lực chất lượng cao lại rất có hạn; một số cơ chế, chính sách chưa tạo thuận lợi cho việc giải phóng, phát huy nguồn lực con người.
Hai là, trong thế giới toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế trở thành vấn đề có tính quy luật cho sự phát triển của mọi quốc gia. Chúng ta đã hội nhập sâu, tương đối toàn diện vào đời sống quốc tế, đã là thành viên của những tổ chức kinh tế quốc tế lớn nhất hành tinh. Song, khả năng khai thác thuận lợi, hạn chế nguy cơ của hội nhập lại rất có hạn. Chúng ta chưa thành đối tác kinh tế có trọng lượng đối với nhiều nước và khu vực, tham gia đời sống kinh tế quốc tế chưa có đủ lực để trở thành đối tác của mọi nước và để họ buộc phải xem ta là đối tác.
Ba là, kinh tế phát triển, nhưng sự phân hóa xã hội, phân cực giàu nghèo gia tăng; nhìn chung đời sống vật chất của hầu hết các tầng lớp nhân dân được cải thiện, nhưng lòng người chưa yên vì nhiều vấn đề xã hội bức xúc ngày một lan rộng và thâm nhập sâu vào từng gia đình. Trong khi các chuẩn mực đạo đức, lối sống mới chưa được định hình thì nhiều chuẩn mực truyền thống tốt đẹp của dân tộc đang bị băng hoại nghiêm trọng.
Bốn là, chưa bao giờ Đảng ta có số lượng đảng viên đông đảo như ngày nay; song, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất làm ảnh hưởng lớn tới năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Tình hình đó lại nảy sinh trong bối cảnh để tận dụng được thời cơ, hạn chế thách thức, Đảng ta phải có sự trưởng thành vượt bậc về bản lĩnh và năng lực đổi mới, phải thực sự là một đội quân tinh nhuệ, một đảng anh minh, thao lược để có thể quy tụ được sức mạnh của nhân dân, của toàn dân tộc nhằm xây dựng và hiện thực hóa đường lối đúng đắn cho sự phát triển đất nước. Điều đó chỉ đạt được, khi quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, khi cả dân tộc đoàn kết xung quanh hạt nhân lãnh đạo chính trị là Đảng ta, khi sự đồng thuận giữa Đảng và nhân dân ngày một sâu sắc và toàn diện, khi ý thức trách nhiệm xã hội của công dân được nâng cao. Trong khi đó, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, chúng ta chưa thực sự có được những điều kiện tiên quyết như vậy.
Những điều kiện tiên quyết để xây dựng và triển khai có hiệu quả chiến lược phát triển theo chiều sâu
- Cần có nhận thức đúng hơn về chiến lược phát triển theo chiều sâu.
Chiến lược phát triển đất nước là một khái niệm rộng, nó bao quát mọi mặt của đời sống xã hội, bao gồm cả những vấn đề đối nội lẫn đối ngoại. Điểm chốt nhất của chiến lược đó là phải xem trí tuệ là nguồn lực quan trọng nhất trong mọi chương trình phát triển. Đó cũng chính là thực hiện có hiệu quả đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức. Liên quan tới vấn đề này, có hai điểm cần được nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn:
Một là, công nghiệp hóa, hiện đại hóa không chỉ là vấn đề phát triển lực lượng sản xuất, nó cũng là quá trình phát triển tổng thể đời sống xã hội, hình thành xã hội công nghiệp hiện đại.
Hai là, phát triển kinh tế tri thức không phải chỉ là việc tạo ra một nền kinh tế sử dụng có hiệu quả tri thức cho phát triển kinh tế mà cả phát triển xã hội, tri thức trở thành nguồn lực phát triển của mọi bộ phận cấu thành cơ thể xã hội, tri thức hóa mọi bộ phận cấu thành cơ thể xã hội, hình thành xã hội tri thức; nó vừa đòi hỏi, vừa tạo điều kiện để các bộ phận cấu thành xã hội có sự chuyển dịch tương ứng với yêu cầu phát triển kinh tế tri thức.
Liên quan tới điểm thứ nhất, Đảng ta xác định mục tiêu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa là “xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”(1). Như vậy, trong khi thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất là trung tâm, công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng có nhiệm vụ phát triển cả quan hệ sản xuất, cả cơ sở hạ tầng lẫn kiến trúc thượng tầng, cả kinh tế lẫn văn hóa, xã hội và con người.
Liên quan tới điểm thứ hai, chúng ta cần lưu ý rằng, trong xã hội có nền kinh tế tri thức, hoạt động quan trọng nhất của con người là sáng tạo tri thức mới, quảng bá tri thức, và vận dụng có hiệu quả tri thức cho phát triển, biến tri thức thành giá trị. Tri thức trở thành nguồn lực chủ yếu của quá trình sản xuất ra của cải, là hình thức cơ bản nhất của vốn (P.Romer). Trong xã hội đó:
+ Của cải vật chất và tinh thần được tạo ra chủ yếu là do nguồn lực trí tuệ. Đội quân chủ lực là những người lao động tri thức được đào tạo tốt, có bản lĩnh, năng động, sáng tạo và không ngừng nâng cao tri thức và kỹ năng, luôn thích nghi với sự đổi mới và phát triển. Sứ mệnh của giáo dục là xây dựng nhân cách, phát triển trí tuệ, trang bị hành trang cần thiết cho lớp trẻ có thể vào đời vừa lao động đóng góp cho xã hội, vừa tiếp tục tự đào tạo, không ngừng lớn lên cùng sự phát triển xã hội. Vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục là phát triển nguồn lực trí tuệ, nguồn vốn tri thức - yếu tố quyết định đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Giáo dục trở thành ngành sản xuất cơ bản nhất trong nền kinh tế tri thức. Cạnh tranh kinh tế và trên mọi lĩnh vực khác là cạnh tranh về giáo dục và chăm sóc sức khỏe của nhân dân; bởi lẽ, con người với toàn bộ sức mạnh thể chất và tinh thần của mình là nguồn lực vô tận cho sự phát triển xã hội.
+ Công cụ lao động quan trọng nhất cho phát triển mọi mặt đời sống xã hội là bộ óc con người và mạng thông tin toàn cầu. Hai công cụ này ai cũng có, ai cũng có thể sử dụng, nhưng cơ hội không như nhau; tùy thuộc vào năng lực từng người.
+ Tài sản vô hình (chủ yếu là tài sản trí tuệ) có giá trị cao hơn nhiều và tăng nhanh so với tài sản hữu hình. Tính chung cho các nước phát triển: năm 1980 tài sản vô hình chiếm 20% GDP, năm 2006 là 50%, dự báo năm 2010 là 55% và năm 2020 là 70%. Đầu tư vào tài sản vô hình phải nhiều hơn đầu tư vào tài sản hữu hình.
Sáng tạo là động lực trực tiếp của phát triển. Sự giàu có và năng lực cạnh tranh không chỉ là nhờ sự hoàn thiện, tối ưu hóa những cái đã có, mà chủ yếu là nhờ sáng tạo ra cái mới: tri thức mới, công nghệ mới, cách làm mới... Sáng chế đẻ ra doanh nghiệp, doanh nghiệp muốn cạnh tranh thắng lợi phải bằng những sáng tạo mới, tạo sự khác biệt.
+ Do công nghệ đổi mới nhanh, vòng đời công nghệ rút ngắn, sự phá hủy có tính sáng tạo trở thành nguyên tắc của sự phát triển. Tốc độ của những đổi mới được tính toán một cách khoa học là quan trọng hàng đầu. Rút ngắn được thời gian từ ý tưởng đến triển khai sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường là nhân tố quyết định nhất sự thắng lợi trong cạnh tranh. Chậm trễ đồng nghĩa với thất bại.
Qua đó cho thấy, điểm trung tâm của chiến lược phát triển theo chiều sâu phải là phát triển bằng nguồn lực trí tuệ, chuyển từ coi trọng tăng trưởng GDP sang coi trọng hiệu quả, chất lượng tăng trưởng. Sử dụng rộng rãi công nghệ mới, tri thức mới để đổi mới, hiện đại hóa tất cả các ngành; cắt giảm các dự án đầu tư lớn, tiêu hao nhiều nguyên liệu, năng lượng mà hiệu quả thấp; phát triển các ngành công nghiệp chế biến và dịch vụ dựa nhiều vào tri thức; chấm dứt bán tài nguyên thô; nhập công nghệ thay cho nhập sản phẩm chế biến. FDI phải đi kèm chuyển giao tri thức. Gia tăng nhanh hàm lượng tri thức trong GDP, giảm mạnh tiêu hao nguyên liệu, năng lượng.
- Phát huy cao độ sức mạnh trí tuệ của toàn dân tộc.
Liên quan tới vấn đề này, trước hết chúng ta phải trở về với di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của dân, vai trò trí tuệ của dân. Đối với Hồ Chí Minh, “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(2), “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”(3).
Hồ Chí Minh đòi hỏi:
- Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân, giải thích cho dân hiểu.
- Phải tin vào dân. Đưa mọi vấn đề cho dân thảo luận và tìm cách giải quyết. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa(4).
Theo tư tưởng đó của Hồ Chí Minh, mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải từ Dân mà ra, phải là kết quả phản ánh khái quát những nhu cầu, lợi ích căn bản của Dân. Nói cách khác, mọi chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đều phải là sự kết tinh trí tuệ của nhân dân, của dân tộc; cả dân tộc này có quyền và có nghĩa vụ xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Để phát huy trí tuệ của nhân dân, của dân tộc trong việc hoạch định đường lối phát triển đất nước, việc thiết lập và vận hành có hiệu quả cơ chế hỏi ý kiến dân chúng là một đòi hỏi bức thiết ở nước ta hiện nay. Muốn vậy, phải làm cho dân tộc ta thực sự có năng lực trí tuệ cao. Trong vấn đề này, việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần của con người cần trở thành trung tâm chú ý trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Về giáo dục, phải chuyển trọng tâm từ trang bị kiến thức sang rèn luyện năng lực sáng tạo, tư duy độc lập, kỹ năng tự đào tạo..., luôn thích nghi và làm chủ quá trình đổi mới và phát triển. Về việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, cần quan tâm hơn cả về sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần. Sự yếu kém về sức khỏe tinh thần của nhân dân có ảnh hưởng tiêu cực rất trực tiếp tới việc phát huy nguồn lực trí tuệ của họ.
- Đảng phải thực sự là biểu tượng về danh dự, lương tâm, trí tuệ của dân tộc; là tấm gương về dân chủ.
Dân tộc và dân chủ là hai yếu tố quyết định của ổn định, phát triển và phát triển bền vững cho mọi quốc gia. Đối với chúng ta hiện nay, để có và thực hiện được chiến lược phát triển theo chiều sâu, Đảng phải quy tụ được sức mạnh toàn dân tộc và phát huy dân chủ. Dân chủ trong Đảng, trong các tổ chức và xã hội được mở rộng, nâng cao; quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tốt hơn. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục được mở rộng và tăng cường trên cơ sở thống nhất về mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Mặt khác, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực sự là một tấm gương về phẩm chất đạo đức, lối sống; cán bộ cấp trên phải gương mẫu trước cán bộ cấp dưới, đảng viên và nhân dân; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Mỗi cán bộ, đảng viên đều phải học tập, nâng cao trình độ lý luận; chống giáo điều, bảo thủ, trì trệ hoặc chủ quan, nóng vội; khắc phục tình trạng chạy theo bằng cấp.
Cùng với việc phấn đấu để thực sự trở thành biểu tượng về danh dự, lương tâm, trí tuệ của dân tộc, để phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong xây dựng chiến lược phát triển đất nước và lãnh đạo triển khai có hiệu quả chiến lược đó, Đảng cũng phải trở thành tấm gương về dân chủ, từ đó, thúc đẩy quá trình dân chủ hóa xã hội - một điều kiện tiên quyết để phát huy hoạt động sáng tạo của nhân dân, của toàn dân tộc.
Thực tiễn thế giới mấy thập niên gần đây chứng minh rằng, để có nền kinh tế tri thức, cần có dân chủ; đến lượt mình, kinh tế tri thức tạo điều kiện để đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội. Điều đó giải thích vì sao dân chủ hóa là vấn đề mang tính thời đại, mọi quốc gia dân tộc muốn phát triển trong thời đại ngày nay, phải dân chủ hóa. Đối với nước ta, để dân chủ xã hội chủ nghĩa ra đời và phát triển, cần giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng. Song, với tư cách là chủ thể lãnh đạo quá trình dân chủ hóa xã hội, tư chất của chủ thể phải đáp ứng nhu cầu khách quan của quá trình đó: Đảng phải là một tấm gương về dân chủ. Mở rộng, làm sâu sắc dân chủ nội bộ của Đảng cầm quyền là hạt nhân, là tấm gương mẫu mực cho việc thực hiện dân chủ trong xã hội. Muốn vậy:
Một là, mọi cán bộ, nhất là người lãnh đạo, cần đi sâu đi sát thực tế, hiểu thấu tâm trạng nhân dân, tổng kết thực tiễn, xây dựng và hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách phù hợp với đòi hỏi khách quan của cuộc sống.
Hai là, mở rộng sinh hoạt dân chủ và nâng cao chất lượng lãnh đạo tập thể - từ hội nghị cấp ủy cho tới đại hội Đảng ở các cấp.
Ba là, tăng cường kiểm tra, giám sát của tập thể đối với cá nhân, của tổ chức đối với cán bộ, đảng viên, kể cả đối với những người lãnh đạo chủ chốt.
Bốn là, tăng cường kiểm tra từ dưới lên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Kiểm soát có hai cách: một cách là từ trên xuống. Tức là người lãnh đạo kiểm soát kết quả những công việc của cán bộ mình. Một cách nữa là từ dưới lên. Tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cái cách sửa chữa sự sai lầm đó. Cách này là cách tốt nhất để kiểm soát các nhân viên”(5).
Năm là, có quy chế bảo đảm phát huy tự do tư tưởng, tôn trọng những ý kiến khác nhau. Tạo môi trường dân chủ thảo luận, tranh luận khoa học, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của cá nhân và tập thể trong nghiên cứu lý luận. Khuyến khích mọi cán bộ, đảng viên phát huy tự do tư tưởng, dám nghĩ, dám nói, động viên tính tích cực, năng động, sáng tạo của mỗi người. Như vậy sẽ huy động được trí tuệ của đông đảo đảng viên góp phần xây dựng đường lối, chính sách của Đảng ngày một hoàn thiện và hăng hái thực hiện nhiệm vụ được giao.
Sáu là, dân chủ hóa công tác cán bộ. Chỉ có vậy mới có thể tìm hiểu, đánh giá cán bộ được đúng, mới có thể phát hiện và sử dụng được nhân tài, tránh được bọn cơ hội xu thời chui luồn vào Đảng cầm quyền. Cũng như vậy mới tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết trên dưới, tạo không khí tích cực và tin cậy của đội ngũ cán bộ đối với cấp lãnh đạo. Cần khắc phục quan niệm không đúng coi công tác cán bộ là việc bí mật chỉ một ít người lãnh đạo được biết, được bàn.
- Phát huy bộ phận tinh hoa của xã hội - lực lượng trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Việc chuyển sang chiến lược phát triển theo chiều sâu dựa vào nguồn lực trí tuệ không thể không coi trọng bộ phận nòng cốt của nguồn lực con người là trí thức. Muốn phát huy vai trò trí thức trong việc thiết định, vận hành có hiệu quả chiến lược phát triển theo chiều sâu, cần ít nhất hai điều kiện: Một là, có một đội ngũ trí thức với phẩm chất và năng lực đáp ứng tốt nhu cầu thực tiễn; hai là, có cơ chế thích hợp để phát huy vai trò sáng tạo - đặc thù nhất trong hoạt động của trí thức. Ngoài hai nhân tố tiên quyết đó, còn cần có điều kiện vật chất thích hợp để họ sống được bằng lao động trí tuệ của mình.
Đặc trưng lao động của trí thức là hoạt động mang tính sáng tạo. Để phát huy tính sáng tạo của họ, điều cần thiết nhất là môi trường thực sự tự do dân chủ, họ được tiếp cận các nguồn thông tin, được tự do tư tưởng, được trình bày, tranh luận, phản biện và bảo vệ ý kiến của mình, không bị ai áp đặt, trấn áp, quy chụp. Những ý tưởng mới, khác với chính thống cần được tôn trọng, để cho tranh luận, khảo nghiệm. Các cấp lãnh đạo cần biết tin dùng, tạo điều kiện làm việc cho trí thức, chú ý lắng nghe những ý kiến khác mình, thẳng thắn tranh luận tìm ra chân lý.
(1) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr 466
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr 276
(3), (4) Hồ Chí Minh: Sđd, t 5, tr 293, 297
(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t 5, tr 288
UNCTAD cảnh báo các nguy cơ đe dọa nền kinh tế thế giới  (20/04/2011)
Hội nghị Bộ trưởng Công an, Nội vụ, An ninh 3 nước Việt Nam – Cam-pu-chia – Lào lần thứ nhất  (20/04/2011)
Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam với việc triển khai nghị quyết đại hội đảng lần thứ XI về vấn đề phụ nữ  (20/04/2011)
Nhật Bản: NISA lần đầu tiên thừa nhận các thanh nhiên liệu nóng chảy  (20/04/2011)
Nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội khóa XIII  (20/04/2011)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển