Một thập niên nhiều biến động và không ít hy vọng
TCCS - Năm 2010 không chỉ là mốc thời gian mang ý nghĩa biểu tượng kết thúc một giai đoạn phát triển mười năm trong lịch sử thế giới, mà còn là năm khép lại một thập niên đầy những biến động lớn lao: sụp đổ trật tự thế giới đơn cực, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tồi tệ nhất trong hơn 50 năm qua, sự cạnh tranh và hợp tác giữa các mô hình phát triển, sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi, cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố do Mỹ phát động chưa có dấu hiệu lắng dịu. Tất cả báo hiệu những biến chuyển lớn trong tiến trình phát triển của thế giới trong thập niên tới.
Vị thế của Mỹ trong trật tự thế giới đơn cực bị lung lay tận gốc rễ
Sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, với ý nghĩ và tham vọng cho rằng do Mỹ không còn đối thủ tiềm tàng và cơ hội định đoạt vị thế "lãnh đạo" thế giới đã đến, Oa-sinh-tơn ráo riết thực hiện chiến lược nhằm thiết lập trật tự thế giới một cực do Mỹ khống chế và "chỉ huy". Với sức mạnh toàn diện về kinh tế, quân sự và chính trị, chính quyền của Tổng thống Mỹ G.W. Bu-sơ tiến hành "cuộc thập tự chinh" để thực hiện chủ trương áp đặt "các giá trị Mỹ" như "dân chủ", "nhân quyền", "mô hình phát triển kiểu Mỹ" v.v.. ra khắp thế giới, biến quá trình toàn cầu hóa thành quá trình "Mỹ hóa toàn cầu". Với cách tiếp cận ngạo mạn đó, chính quyền Oa-sinh-tơn tự cho mình quyền ngang nhiên "phân loại" một số quốc gia trên thế giới thành "trục ma quỷ" hoặc "trục tội ác", "các quốc gia tài trợ khủng bố", "vi phạm nhân quyền và dân chủ" v.v..
Chính dư luận ở Mỹ cũng cho rằng cách tiếp cận đó của Oa-sinh-tơn đối với thế giới là sai lầm và do đó đã làm tiêu tan sức mạnh vượt trội toàn diện của nước Mỹ; chôn vùi ưu thế quân sự của Mỹ trong hai cuộc chiến ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan; làm nhơ bẩn hình ảnh của nước Mỹ trong các chiến dịch quân sự tàn sát dân thường, những vụ xì-căng-đan liên quan tới việc đối xử với tù binh chiến tranh và các nghi can khủng bố; gây nên cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế ngay trong lòng nước Mỹ và lây lan sang các nước khác, đưa thế giới lâm vào cuộc đại suy thoái kinh tế. Cùng với mức thâm hụt ngân sách lớn chưa từng có, với khoản chi 15 tỉ USD/tháng cho cuộc chiến tại I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế làm suy giảm đáng kể sức mạnh "cứng" lẫn sức mạnh "mềm" của Mỹ. Cuộc chiến tranh giữa một bên là Gru-di-a được Mỹ hậu thuẫn tích cực và bên kia là Nga đã lấy lại được vị thế cường quốc, đưa tới kết cục Gru-di-a chịu thất bại bi thảm, đặt dấu chấm hết cho "trật tự thế giới đơn cực" do Mỹ "lãnh đạo". Rô-bớt Kê-gân, đại biểu của phái bảo thủ trong Đảng Cộng hòa Mỹ cho rằng, đây còn là một bước ngoặt trong lịch sử thế giới không kém gì sự kiện dỡ bỏ bức tường Béc-lin ngày 9-11-1989(1)
Sau khi Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma bước vào Nhà Trắng, ở Mỹ dường như không ai còn nói tới cái trật tự thế giới đơn cực do Mỹ "lãnh đạo" mà bắt đầu bàn tới một trật tự thế giới khác, với nhiều tên gọi khác nhau như "trật tự thế giới đa đối tác", " trật tự thế giới mạng", trong đó vai trò và vị trí của Mỹ không còn mang tính ngạo mạn và kẻ cả như trước. Trong các chuyến công du nước ngoài, Tổng thống B.Ô-ba-ma chứng tỏ rằng nước Mỹ đã chia tay cái trật tự thế giới đơn cực do Mỹ "lãnh đạo", ông cũng không nói gì về vai trò "lãnh đạo" của Mỹ trong NATO. Có thể nói, Tổng thống B.Ô-ba-ma đã mở đầu cuộc hành trình đi tìm kiếm con đường hợp tác mà không phải là áp đặt "các giá trị Mỹ" như người tiền nhiệm. Bởi vậy, Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di đã từng nhận xét: "Tôi cảm thấy hài lòng khi làm việc với Tổng thống B.Ô-ba-ma, ông ấy muốn thay đổi thế giới và ông ấy cũng hiểu thế giới không bó hẹp chỉ trong biên giới hay ranh giới của nước Mỹ"(2).
Nhiều cường quốc mới về kinh tế và chính trị nổi lên
Đến tận giờ phút giã từ thế kỷ XX, chuẩn bị bước sang thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, thế giới chứng kiến một "cuộc cách mạng chính trị" ở nước Nga: ông B.En-xin đang ở cương vị Tổng thống Nga đã tự nguyện rời khỏi chính trường vào ngày 31-12-1999 và trao quyền lực cho Thủ tướng V.Pu-tin - người vừa mới được bổ nhiệm trước đó không lâu. Dư luận gọi đây là "cuộc cách mạng chính trị" vì nó là hiện tượng chưa có tiền lệ ở nước Nga.
Sau hai nhiệm kỳ cầm quyền, với tài thao lược và nhãn quan chính trị sắc bén, Tổng thống Nga V.Pu-tin đã củng cố hệ thống chính trị, vực dậy nền kinh tế Nga từ tình trạng hoang tàn, đổ nát, lấy lại uy thế quân sự, đưa nước Nga trở thành một trong mười nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, biến đồng rúp trở thành một đồng tiền có giá trị thanh toán quốc tế như đồng USD, đồng ơ-rô hoặc đồng yên. Đến nay, nền kinh tế của Nga không chỉ dựa vào tiềm năng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ mà còn dựa vào nền kinh tế tri thức, nhờ phát triển và có những đột phá mang tính cách mạng trong công nghệ cao. Giờ đây, Tổng thống Đ.Mét-vê-đép tiếp tục chèo lái để đưa nước Nga phát triển nhằm trở thành cường quốc của thế giới về kinh tế, quân sự và chính trị vào năm 2020.
Cũng trong thập niên đầu của thế kỷ XXI, Trung Quốc, một nước lớn nhất thế giới về dân số, trỗi dậy một cách "ngoạn mục" và trở thành vật cản lớn đối với giấc mộng bá chủ toàn cầu của Mỹ. Trung Quốc đã trải qua giai đoạn "giấu mình chờ thời" chuyển sang giai đoạn phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh với Mỹ trên phạm vi khu vực và toàncầu. Trung Quốc là nước có nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Nhật Bản và theo nhiều dự báo, trong năm 2010 sẽ vươn lên vị trí thứ hai. Theo Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tới năm 2020, GDP của Trung Quốc sẽ đạt 4.000 tỉ USD, gấp 4 lần năm 2000; Trung Quốc sẽ xây dựng thành công xã hội khá giả cho hơn 1 tỉ dân. Cũng trong thập kỷ qua, Trung Quốc trở thành nước thứ ba trên thế giới phóng thành công tàu vũ trụ có người lái, đưa ngành công nghiệp vũ trụ Trung Quốc vượt lên trên Nhật Bản và ấn Độ. Sự vươn lên của Trung Quốc trong thập niên qua là một trong những kịch bản lớn nhất của thế giới. Trong những thập niên tới, Trung Quốc sẽ tăng cường hơn nữa sức mạnh và tầm ảnh hưởng của mình.
Mười năm đầu thế kỷ XXI chứng kiến một Liên minh châu Âu (EU) thống nhất. Hiệp ước Li-xbon của EU được tất cả các nước phê chuẩn vào tháng 12-2009, đã mở ra một chương mới trong lịch sử 50 năm thành lập liên minh. Lần đầu tiên, EU bầu chọn ra hai chức danh mới là Tổng thống và Ngoại trưởng của tổ chức. Hiệp ước Li-xbon là tiền đề quan trọng để EU thực hiện những kế hoạch đầy tham vọng và nâng cao ảnh hưởng trên toàn cầu, mở đầu quá trình xây dựng một nhà nước liên bang ở châu Âu đang tìm cách thoát khỏi vòng cương tỏa của Mỹ. Cựu Ngoại trưởng Pháp Vin-lơ-panh cho rằng, cần phải xây dựng một thế giới đa cực, bởi một cường quốc độc nhất sẽ không bảo đảm được trật tự thế giới.
Cùng với EU, trong thập kỷ qua, Nhật Bản đang tìm cách thoát khỏi cái "ô an ninh" của Mỹ, tích cực xây dựng hình ảnh nước lớn về chính trị để có thể "đứng ngay, ngồi thẳng với Mỹ". Cuộc bầu cử Hạ viện và Thủ tướng mới ở Nhật Bản trong năm 2009 đã trở thành "cơn động đất chính trị" ở quốc gia này sau khi Đảng Dân chủ Tự do (LDP) chịu thất bại trước Đảng Dân chủ (DPJ) qua nửa thế kỷ cầm quyền. Cú huých dẫn đến "cơn động đất chính trị" ở Nhật Bản lần này cũng thể hiện khát vọng của người dân Nhật Bản hướng tới thay đổi vị thế của "quốc gia mặt trời mọc" không chỉ trong nền kinh tế toàn cầu mà cả trong nền chính trị, an ninh của thế giới và khu vực.
Thập kỷ vừa qua còn chứng kiến một nước Ấn Độ được mệnh danh là "quốc gia có thị trường bán lẻ lớn nhất hành tinh"; "cái nôi của cuộc cách mạng xanh"; "siêu cường quốc phần mềm" của thế giới v.v.. Trong những năm qua, chính phủ Ấn Độ đặc biệt chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao làm chỗ dựa vững chắc cho nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực chinh phục và khai thác khoảng không vũ trụ, đưa nền kinh tế ấn Độ phát triển với tốc độ nhanh. Trong mười năm qua, GDP của Ấn Độ liên tục tăng trưởng trung bình 6%/năm. Với nhịp độ đó, đến năm 2025, ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ.
Cùng với sự trỗi dậy của các cường quốc mới, thập niên vừa qua còn chứng kiến phong trào chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI phát triển mạnh mẽ ở Mỹ La-tinh. Như vậy, hai sự kiện mang tính thời đại trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI là chủ nghĩa xã hội vẫn tồn tại và phát triển sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã và cuộc đại khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu bùng phát vào cuối năm 2008 từ trong lòng một nước tư bản phát triển nhất thế giới, đã hé mở một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của loài người, trong đó diễn ra quá trình cạnh tranh và hợp tác giữa hai mô hình phát triển có tính chủ đạo: mô hình chủ nghĩa tư bản thời đại toàn cầu hóa và mô hình chủ nghĩa xã hội.
Trật tự kinh tế thế giới mới đang hình thành
Cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế bùng phát năm 2008 ở Mỹ và lan tỏa khắp toàn cầu làm bộc lộ rõ ràng một quy luật kinh tế thế giới đang hình thành trong thập niên đầu tiên trong thế kỷ XXI. Đó là trật tự kinh tế thế giới mới, trong đó diễn ra sự phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng ngày càng lớn của các nền kinh tế mới nổi. Trong bối cảnh đó, vai trò và vị thế kinh tế của các nước công nghiệp phát triển G8 không còn đủ sức giải quyết các vấn đề của nền kinh tế thế giới. Đến cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, Hội nghị G8 với sự tham gia của các nền kinh tế mới nổi chỉ có thể được gọi theo quy ước truyền thống vì nó đã mang một ý nghĩa và phạm vi rộng lớn hơn nhiều. Tham gia Hội nghị thượng đỉnh G8 còn có đại diện của rất nhiều nước và các tổ chức quốc tế có tiếng nói quan trọng trong việc định đoạt các vấn đề kinh tế toàn cầu. Vì thế, Diễn đàn Nhóm các nước công nghiệp phát triển và các nền kinh tế mới nổi G20 khai mạc ngày 26-9-2009 được đánh giá là diễn đàn kinh tế hàng đầu thế giới và là trung tâm điều phối các nỗ lực quốc tế nhằm tạo ra sự phục hồi bền vững. Rõ ràng, thế giới sau thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI đang chứng kiến quá trình hình thành trật tự kinh tế thế giới mới, trong đó không chỉ có các nước công nghiệp phát triển mà nhiều nền kinh tế mới nổi sẽ có tiếng nói quan trọng.
Cuộc chiến chống khủng bố chưa có hồi kết
Thập niên đầu tiên trong thế kỷ XXI chứng kiến nhiều cuộc xung đột và chiến tranh, trong đó nổi lên vụ khủng bố thảm khốc nhất trong lịch sử nhằm vào Tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới và Bộ Quốc phòng Mỹ vào ngày 11-9-2001. Cuộc khủng bố này như một hành động tạo nên phản ứng dây chuyền, dẫn tới hàng loạt cuộc khủng bố đẫm máu khác xảy ra tại nhiều nơi khác trên thế giới. Trong số đó vụ tấn công bằng bom tại khu du lịch Ba-li (In-đô-nê-xi-a) năm 2003, vụ khủng bố con tin thảm khốc ở trường phổ thông Be-xlan ở Bắc Ô-xê-ti-a (Liên bang Nga) ngày 1-9-2004, vụ khủng bố nhằm vào ga xe lửa ở Ma-đrít (Tây Ban Nha) năm 2004 và tàu điện ngầm ở Luân Đôn (Anh) năm 2005. Không phải ngẫu nhiên mà sự kiện khủng bố con tin ở trường phổ thông Be-xlan ngày 1-9-2004 trùng hợp với ngày kỷ niệm 65 năm mở đầu Chiến tranh thế giới thứ hai. Vì thế, sự kiện ở Be-xlan sẽ có tác động làmthay đổi thế giới giống như sự kiện ngày 11-9-2001. Sau sự kiện này, Tổng thống Nga V.Pu-tin đã phải tuyên bố, nước Nga đang phải đối mặt với cuộc chiến tranh khủng bốtổng lực. Do đó, vụ khủng bố ngày 11-9-2001 không chỉ đánh dấu bước ngoặt mới trong chính sách an ninh và ngoại giao của Mỹ mà còn có tác động lớn đến nền chính trị thế giới.
Kể từ sau sự kiện 11-9-2001 tới nay, Mỹ đã huy động được một liên minh chống khủng bố khá đông đảo, trong đó có cả liên minh quân sự lớn nhất thế giới là NATO, nhưng xem ra Mỹ càng chống khủng bố thì khủng bố càng lan rộng, còn Mỹ vẫn không tránh khỏi là mục tiêu của hành động khủng bố. Sở dĩ có hiện tượng đó là vì khi phát động cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố, Mỹ và các nước trên thế giới chưa có quan điểm thống nhất về ba vấn đề có tính nguyên tắc cơ bản rất quan trọng. Một là, thế nào là khủng bố. Về vấn đề này, giữa Mỹ và nhiều nước có quan điểm rất khác nhau về nguyên tắc. Do có sự mập mờ và không thống nhất này nên một số thế lực đã mượn cớ "chống khủng bố" để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Thí dụ, Mỹ ngang nhiên xếp Cu-ba vào danh mục các quốc gia tài trợ khủng bố, trong khi cộng đồng quốc tế rộng rãi không coi Cu-ba là quốc gia có quan hệ với khủng bố quốc tế. Hoặc, Mỹ coi tổ chức vũ trang Ha-mat của Pa-le-xtin là tổ chức khủng bố, trong khi Nga lại không cho là như vậy. Đặc biệt, Mỹ coi chính quyền của Tổng thống I-rắc Xát-đam Hu-xê-in có quan hệ với tổ chức khủng bố An Kê-đa, và lấy đó như một trong những nguyên cớ để phát động cuộc chiến ở I-rắc vào năm 2003, sau đó cũng chính cơ quan điều tra của Mỹ xác nhận I-rắc không có quan hệ với An Kê-đa. Hai là, do đâu có khủng bố hoặc khủng bố xuất phát từ đâu? Trong khi Mỹ cho rằng một trong những nguồn gốc khủng bố là thế giới Hồi giáo, thì các nước khác không cho là như vậy. Quan niệm của Mỹ gây nên làn sóng phản đối mạnh mẽ từ các nước Hồi giáo. Vừa qua, Tổng thống B.Ô-ba-ma đã có những động thái muốn "làm lành" với các nước Hồi giáo, nhưng thời gian và hành động cụ thể của Mỹ chưa đủ sức thuyết phục. Ba là, để chống khủng bố nên dùng công cụ gì? Trong khi các nước cho rằng để chống khủng bố nên dùng các tổ chức cảnh sát, an ninh, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, thì Mỹ lại phát động các cuộc chiến tranh trên quy mô lớn, huy động bộ máy quân sự khổng lồ với tàu sân bay, tên lửa, tàu chiến. Hành động của Mỹ khiến không ít người cho rằng Mỹ mượn cớ tiến hành "cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố" để thực hiện mục đích khác. Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc bàn về chiến lược chống khủng bố toàn cầu ngày 4-9-2009, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun nhấn mạnh, sức mạnh quân sự hiếm khi có thể tiêu diệt tận gốc một nhóm khủng bố; trong phần lớn các trường hợp, những nhân tố khác như lực lượng cảnh sát, các biện pháp chính trị phi bạo lực lại tỏ ra hiệu quả hơn. Như vậy, với những bất đồng cơ bản đó, cuộc chiến chống khủng bố chưa có hồi kết trong thập niên tới.
Nhiều thảm họa thiên tai nghiêm trọng
Trong thập niên qua, thế giới đã trải qua nhiều thảm họa và thiên tai để lại hậu quả nghiêm trọng. Trận động đất và sóng thần Tsu-na-mi ở ấn Độ Dương năm 2004 được coi là thiên tai có một không hai trong lịch sử, không chỉ tàn phá nhà cửa, hoa màu mà còn cướp đi khoảng hơn 200 ngàn sinh mạng tại các nước thuộc vành đai ấn Độ Dương. ở Mi-an-ma, ước tính có hơn 100 ngàn người dân nước này thiệt mạng và mất tích, hàng trăm ngàn người khác rơi vào cảnh màn trời chiếu đất từ cơn bão Na-git năm 2008. Động đất xảy ra ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) vào tháng 5-2008 cũng là một thiên tai lớn trong thập niên qua. Ước tính có hơn 90 ngàn người đã chết hay mất tích trong trận động đất này. Gần đây nhất, trận động đất ở Ha-i-ti đã gần như tàn phá hoàn toàn đất nước nghèo khổ nhất ở châu Mỹ này, khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng. Những thảm họa đó đặt ra trước nhân loại một vấn đề bức thiết: cần có sự đoàn kết và thống nhất của tất cả các quốc gia trong cuộc chiến nhằm đối phó với các thách thức thiên tai, tránh lao vào các cuộc chạy đua vũ trang vô cùng tốn kém và tổn hao nhân lực.
Thập niên của những thành tựu khoa học kỳ vĩ
Mười năm qua, thế giới chứng kiến những thành tựu khoa học và công nghệ kì vĩ, liên quan trực tiếp đến nhiều lĩnh vực phục vụ cuộc sống con người. Năm 2000, một nhóm các nhà khoa học Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nhật Bản đã hoàn thành công trình giải mã bộ gen người, là chìa khóa mở ra cánh cửa đi vào khám phá cơ chế hoạt động của sự sống, sẽ tạo ra những tiến bộ có tính cách mạng trong y học và sinh học. Đây là một trong những thành tựu khoa học lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Năm 2001 mở đầu kỷ nguyên du lịch trên vũ trụ với việc người đầu tiên thực hiện chuyến bay tham quan an toàn trên quỹ đạo. Năm 2001, Trạm vũ trụ Hòa Bình của Nga hoàn thành sứ mệnh, đã từng thực hiện 23.000 thí nghiệm khoa học, đón nhận 104 lượt chuyên gia nghiên cứu khoa học. Năm 2003, Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ Thần Châu 5 có người lái, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba có người ra ngoài bầu khí quyển trái đất, sau Nga và Mỹ. Năm 2004, rô-bốt tự động Spirit và Opportunity của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đổ bộ lên Sao Hỏa, bắt đầu sứ mệnh thám hiểm hành tinh đỏ để tìm kiếm dấu vết về nền văn minh ngoài trái đất. Năm 2007, các nhà khoa học Mỹ và Nhật Bản tạo ra tế bào gốc từ da người, một thành tựu có tính cách mạng trong y học, mở ra khả năng tạo tế bào gốc với mã gen cụ thể của cá nhân để chữa các bệnh nan y và loại trừ nguy cơ thải ghép. Thành tựu này chấm dứt cuộc tranh luận kéo dài về đạo đức khi tế bào gốc mới chỉ mới được lấy từ phôi người. Năm 2009, Trung tâm nghiên cứu hạt nhân quốc tế ở châu Âu đã vận hành máy gia tốc hạt siêu lớn LHC (Large Hadron Collider), đánh dấu sự phát triển có tính cách mạng trong khoa học và trong cách nhìn nhận của loài người về thế giới. Kết quả thí nghiệm trên LHC sẽ trả lời những câu hỏi đã từng nung nấu các nhà khoa học nhiều thế hệ. Một là, vì sao vào thời điểm xảy ra Vụ Nổ Lớn, vật chất và phản vật chất có khối lượng bằng nhau, thế mà giờ đây chúng ta lại sống trong vũ trụ chỉ bao gồm vật chất, còn phản vật chất hầu như không còn tồn tại? Vậy, phản vật chất biến đi đâu? Khi vật chất gặp phản vật chất sẽ xảy ra phản ứng tự hủy, không để lại dấu vết gì khác ngoài một chớp sáng năng lượng. Phải chăng, không loại trừ khả năng, trong vũ trụ tồn tại những khoảng không gian còn đầy ắp phản vật chất? Chính vì thế, trong LHC, các nhà khoa học sẽ mô hình hóa những điều kiện cần thiết giống như trong thời điểm khai thiên lập địa của vũ trụ để có thể tạo ra được những hạt vật chất và phản vật chất cần thiết. Hai là, các thí nghiệm vật lý ở LHC nhằm trả lời câu hỏi: vật chất tồn tại trong vũ trụ ngày nay, như trái đất chẳng hạn, lấy khối lượng từ đâu nếu trong thời điểm Vụ Nổ Lớn hình thành nên vũ trụ, mọi thứ trên đời chỉ là năng lượng được kết tụ lại từ cõi hư vô? Ba là, những kết quả căn bản thu được trong các thí nghiệm ở LHC có thể đưa các nhà khoa học đến chỗ lý giải được một vấn đề then chốt khác của khoa học. Đó là, vật chất mà khoa học biết được đến ngày hôm nay chỉ chiếm khoảng 30% lượng vật chất trong vũ trụ, còn toàn bộ vật chất còn lại được gọi là "vật chất đen" tồn tại ở đâu đó nhưng đến nay chưa một ai sờ thấy hoặc nhìn thấy. "Vật chất đen" nằm ở đâu trong vũ trụ cho đến nay vẫn là một trong những điều kỳ bí nhất của khoa học. Với nỗ lực và sức sáng tạo phi thường của các nhà khoa học, rất có thể một ngày nào đó câu hỏi này sẽ có lời giải đáp và thí nghiệm trên máy LHC được khởi động trong năm 2009 sẽ là bước mở đầu.
(1) Cách tiếp cận của Mỹ về an ninh quốc gia là sai lầm căn bản. Báo "RT" (Nga), http://inosmi.ru/multimedia/ 20091009/156241624-print.html
(2) Mỹ nhìn nhận sai lầm về thế giới và vai trò của họ trong tiến trình phát triển của thế giới. Báo Boston Review (Mỹ). http://inosmi.ru/usa/20100102/157316451-print. html
Ngành tài chính với việc ổn định vĩ mô nền kinh tế, đẩy mạnh tăng trưởng, hoàn thành tốt các mục tiêu kinh tế - xã hội do Đại hội X đề ra  (19/04/2010)
Mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa trong phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế của Việt Nam  (18/04/2010)
Tuyên bố chung Việt Nam - Argentina  (17/04/2010)
Hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Ác-hen-ti-na  (17/04/2010)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển