Bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể
Nước ta đã ký Công ước bảo vệ văn hóa phi vật thể của UNESCO và đang triển khai có hiệu quả nhiều chương trình bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, văn hóa phi vật thể vừa mang tính bền chắc lại vừa mang tính mỏng manh, dễ bị thương tổn. Vì thế, Nhà nước cần thông qua các cấp chính quyền, các nhà khoa học, giữ vai trò định hướng trong nhiệm vụ bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Trong nỗ lực bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của nhân loại, mấy thập kỷ nay UNESCO quan tâm nhiều tới các lĩnh vực văn hóa phi vật thể. Năm 2003, UNESCO đã công bố "Công ước về bảo vệ văn hóa phi vật thể" (1) và sau đó là việc các nước bắt đầu đăng ký các kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia mình, cùng với các di sản văn hóa vật thể và thiên nhiên thế giới đã được UNESCO công nhận từ trước (như cố đô Huế, Thánh địa Mỹ Sơn, Hạ Long, Phong Nha). Từ năm 2006, việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể sẽ được đăng ký công nhận dưới dạng danh sách đại diện các di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.
Việt Nam đã ký vào "Công ước bảo vệ văn hóa phi vật thể" của UNESCO với tư cách là một thành viên và đã triển khai nhiều chương trình nhằm bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể. Năm 2001, trong Luật Di sản được Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua, lần đầu tiên có chương về "Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể" (2), Bộ Văn hóa - Thông tin triển khai "Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2001 - 2005" trong đó có chương trình về bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể với trên 400 dự án do viện nghiên cứu và các tỉnh thực hiện(3). Viện Khoa học Xã hội đã và đang triển khai dự án "Điều tra, sưu tầm, biên dịch, xuất bản và bảo quản kho tàng sử thi Tây Nguyên", một hiện tượng văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc Tây Nguyên. Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn 6 di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của Việt Nam sẽ lần lượt đăng ký để UNESCO công nhận là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể thế giới, đó là Nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, không gian văn hóa Quan Họ, Ca trù, múa rối nước và sử thi Tây Nguyên. Đến nay 2 di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận, đó là Nhã nhạc cung đình Huế và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Trong nỗ lực chung đó, những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể đã và đang được đặt ra.
I - Văn hóa phi vật thể là một cách phân loại
Phân loại là tư duy chủ quan của con người áp đặt lên các sự vật, hiện tượng khách quan mà vốn giữa chúng không phải bao giờ cũng có ranh giới rõ rệt. Do vậy, bất cứ cách phân loại nào cũng có độ "chênh" giữa tư duy chủ quan và thực tại khách quan, giữa tính hợp lý và không hợp lý của nó.
Với đối tượng văn hóa, từ xưa tới nay đã có nhiều cách phân loại khác nhau. Tuy nhiên, tựu trung lại có hai cách phân loại chính, đó là 1) phân loại theo dạng tồn tại của văn hóa và 2) phân loại theo lĩnh vực hoạt động hay chức năng của văn hóa.
Thuộc loại thứ hai, ta có thể dẫn ra một số cách phân loại văn hóa thành các lĩnh vực hoạt động, như chia văn hóa thành bốn tiểu hệ thống: văn hóa sinh tồn, (văn hóa sản xuất) văn hóa bảo đảm đời sống, văn hóa ứng xử xã hội và văn hóa hoạt động tinh thần...
Thuộc hướng phân loại thứ nhất - phân loại theo dạng tồn tại của văn hóa thì có cách phân văn hóa thành văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần và văn hóa vật thể/ văn hóa phi vật thể, "văn hóa hữu thể" và "văn hóa vô thể"... Đối với hai cách phân loại trên xưa nay đều có cách hiểu lầm theo hướng tuyệt đối hóa. Đó là phân chia văn hóa thành hai nửa: vật chất / tinh thần hay vật thể / phi vật thể, rồi từ đó tách bạch và thậm chí đối lập chúng với nhau.
Thực ra, mọi hiện tượng văn hóa đều ít nhiều tồn tại hay biểu hiện dưới dạng vật chất (vật thể) hay tinh thần (phi vật thể). Lấy ngay hiện tượng lễ hội cổ truyền thì ai cũng có thể dễ dàng xếp nó vào văn hóa tinh thần hay văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, nếu không có các di tích (đền, đình, chùa...), nơi diễn ra lễ hội, các đồ tế tự như tượng, tranh, đồ lễ, các loại trang phục, nhạc cụ..., tức các dạng vật thể thì cũng không thể có lễ hội được. Hay như âm nhạc là văn hóa tinh thần (phi vật thể), tuy nhiên nếu không có nhạc cụ, tức các hiện vật văn hóa, thì làm sao có âm nhạc. Một ngôi đền, đình, chùa nếu không có huyền thoại, truyền thuyết, thần tích thì nó cũng không trở thành linh thiêng...
Trong thực tế có hiện tượng văn hóa này thì tồn tại hay biểu hiện dưới dạng vật chất (vật thể) là chính, như nhà cửa, trang phục, ăn uống, công cụ sản xuất và phương tiện giao thông, các di tích kiến trúc..., còn hiện tượng văn hóa khác thì tồn tại hay biểu hiện dưới dạng tinh thần (phi vật thể) là chính, như triết học, văn học, âm nhạc, múa, ca hát, tín ngưỡng tôn giáo, phong tục...
Như vậy, dù gọi một hiện tượng văn hóa này hay văn hóa kia là văn hóa vật chất (văn hóa vật thể) hay văn hóa tinh thần (văn hóa phi vật thể) đều là cách phân loại mang tính tương đối. Nó cũng như nhiều cách phân loại khác, chỉ đáp ứng cho những mục tiêu và yêu cầu nghiên cứu, ứng dụng cụ thể, chứ không phải là cách phân loại duy nhất, thậm chí là tốt nhất.
II - Văn hóa phi vật thể là gì?
1 - Đó là một dạng tồn tại (hay thể hiện) của văn hóa không phải chủ yếu dưới dạng vật thể có hình khối tồn tại khách quan trong không gian và thời gian, mà nó thường tiềm ẩn trong trí nhớ, tập tính, hành vi, ứng xử của con người và thông qua các hoạt động sống của con người trong sản xuất, giao tiếp xã hội trong hoạt động tư tưởng và văn hóa - nghệ thuật mà thể hiện ra, khiến người ta nhận biết được sự tồn tại của nó.
2 - Có thể kể ra đây những dạng thức chính của văn hóa phi vật thể (tức các dạng thức văn hóa mà ở đó mặt thể hiện chủ yếu của nó là phi vật thể).
- Ngữ văn truyền miệng, như thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, ca dao, thành ngữ, tục ngữ, vè, ngụ ngôn... Các thể loại ngữ văn kể trên vốn hình thành, tồn tại thông qua hình thức truyền miệng và trí nhớ của nhân dân, nay ở một số tộc người, một số vùng đã được văn bản hóa. Có lẽ trong lĩnh vực ngữ văn dân gian kể trên, thì việc văn bản hóa truyện cổ, ca dao được thực hiện sớm hơn cả, sau đó là dân ca của người Việt và các dân tộc thiểu số, thành ngữ và tục ngữ, vè...
Việc văn bản hóa các thể loại ngữ văn dân gian kể trên, một mặt, bảo tồn một di sản văn hóa truyền miệng đang bị nguy cơ mai một, nhất là trong điều kiện xã hội đô thị hóa và công nghiệp hóa hiện tại; mặt khác, chúng ta cũng cần thấy mặt trái của việc văn bản hóa, đó là làm "đơn nhất hóa", làm nghèo nàn một hiện tượng văn hóa dân gian nảy sinh và tồn tại chủ yếu dưới dạng truyền khẩu với những dị bản vô cùng phong phú và đa dạng. Do vậy, để khắc phục hiện tượng nói trên, một mặt, chúng ta vẫn phải "văn bản hóa" để bảo lưu một hiện tượng văn hóa dễ bị tổn thương, mặt khác phải tạo môi trường cần thiết để các thể loại ngữ văn truyền miệng này tiếp tục sinh sôi, phát triển trong lòng của dân tộc, chủ nhân chân chính của di sản văn hóa này.
- Các hình thức diễn xướng và trình diễn bao gồm các hình thức ca múa, nhạc, sân khấu (nghệ thuật diễn xướng). Đó là hình thức hoạt động của con người thông qua âm thanh, ngôn ngữ, động tác, hành vi... để thông tin về một vấn đề đến với rộng rãi khán giả. Diễn xướng dân gian là dạng thể hiện chủ yếu của văn hóa dân gian. Chính vì vậy, ngày nay nhiều học giả nước ta coi diễn xướng như là một đặc trưng cơ bản của văn hóa dân gian. Đặc trưng cơ bản của các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian là nghệ thuật gắn với thời gian, tức hành động và lời nói (lời hát) của người trình diễn theo trình tự thời gian, có trước có sau, khác với hội họa, điêu khắc, kiến trúc chủ yếu là nghệ thuật không gian.
Sau mảng ngữ văn, các hình thức diễn xướng được giới nghiên cứu chú ý sưu tầm, trong đó tiêu biểu nhất là âm nhạc, múa, sân khấu. Đối với ngữ văn người ta tiến hành văn bản hóa, thì với loại hình diễn xướng trong nhiều năm nay, người ta cũng đang nỗ lực vừa kết hợp "văn bản hóa" vừa "băng hình hóa". Cách "băng hình hóa" đối với diễn xướng dân gian cũng gây ra tác dụng hai mặt, vừa tích cực và vừa tiêu cực. Tuy nhiên, xu hướng đó là tất yếu và bất khả kháng.
- Những hành vi ứng xử của con người, đó là ứng xử giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân trong cộng đồng, ứng xử giữa các cộng đồng. Cộng đồng ở đây được hiểu với nhiều phạm vi và mức độ khác nhau, như gia đình, dòng họ, làng xã, địa phương, tộc người, quốc gia, trong đó cộng đồng làng xã và gia tộc có vai trò quan trọng hơn cả. Điều này càng trở nên quan trọng khi mà trong xã hội cổ truyền của các tộc người, tính cộng đồng luôn là tảng nền và đặc trưng cơ bản của xã hội.
Đối với mỗi xã hội, những hành vi ứng xử của con người với môi trường tự nhiên hay với xã hội thường được quy chuẩn hóa thành chuẩn mực, rồi từ những chuẩn mực đó, trong những mối quan hệ cụ thể, từng cá nhân thể hiện ra thành hành vi ứng xử của mình. Tuy nhiên, những chuẩn mực ấy không phải hoàn toàn cứng nhắc, mà tùy theo từng điều kiện cụ thể nó được vận dụng và thể hiện ra có khi là khác nhau, thậm chí "trái ngược" nhau. Thí dụ, ứng xử thân tộc là nền tảng ứng xử xã hội cổ truyền theo kiểu "một giọt máu đào hơn ao nước lã", nhưng cũng có khi lại là: "bán anh em xa, mua láng giềng gần". Hay "không thầy đố mày làm nên", nhưng trong mối quan hệ cụ thể khác thì lại là "học thầy không tày học bạn"...
- Các hình thức nghi lễ, tín ngưỡng tôn giáo, phong tục, lễ hội như Phật giáo, Ki-tô giáo, đạo giáo, thờ cúng tổ tiên, đạo Mẫu...
- Tri thức dân gian cũng là một lĩnh vực của văn hóa phi vật thể. Tri thức dân gian ở chừng mực nào đó còn được hiểu tương ứng với các thuật ngữ như tri thức bản địa, tri thức địa phương...
Có thể phân chia tri thức dân gian thành 5 lĩnh vực chủ yếu : Tri thức về môi trường tự nhiên. Tri thức về bản thân con người. Tri thức về sản xuất. Tri thức về sáng tạo nghệ thuật. Tri thức về quản lý và ứng xử xã hội.
Đây là lĩnh vực văn hóa phi vật thể còn ít được chú ý tìm hiểu, mặc dù nó rất dễ bị tổn thương trong quá trình biến động xã hội, nhất là trong điều kiện xã hội công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Trong các lĩnh vực tri thức dân gian kể trên thì tri thức về quản lý xã hội, mà luật tục và hương ước là một hình thức đã và đang được quan tâm từ thập kỷ gần đây. Ngoài ra, tri thức về dưỡng sinh và y học dân gian cũng được quan tâm tìm hiểu từ sớm, tuy nhiên mới chủ yếu từ góc độ y học, còn về góc độ văn hóa thì chưa được nhận thức một cách đầy đủ.
Việc phân chia bốn lĩnh vực mà ở đó văn hóa phi vật thể thể hiện một cách điển hình nhất cũng chỉ là tương đối, mà giữa chúng không có ranh giới rạch ròi, mà thường lệch pha và chồng xếp, giao thoa với nhau. Thí dụ, giữa ngữ văn dân gian có sự giao thoa với tri thức dân gian, với ứng xử xã hội. Cũng giao thoa như vậy giữa diễn xướng dân gian với ứng xử xã hội và tri thức dân gian, nhất là tri thức về nghệ thuật... Việc phân chia các lĩnh vực khác nhau của văn hóa phi vật thể kể trên cũng phù hợp với quan niệm chung của UNESCO về các lĩnh vực của văn hóa phi vật thể.
III - Một số đặc trưng của văn hóa phi vật thể
Đặc trưng dễ nhận biết nhất của văn hóa phi vật thể là nó không tồn tại chủ yếu dưới dạng vật chất, vật thể cụ thể (không kể một số hình thức đã được văn bản hóa) mà nó tiềm ẩn trong trí nhớ và tâm thức của con người và chỉ bộc lộ ra thông qua hành vi và hoạt động của con người trong một môi trường diễn xướng nhất định. Nói cách khác, nếu văn hóa vật thể được khách thể hóa tức tồn tại như một thực thể ngoài bản thân con người, thì văn hóa phi vật thể lại tiềm ẩn trong bản thân con người và thông qua diễn xướng thì các hiện tượng vốn tiềm ẩn ấy mới có thể bộc lộ, thể hiện ra như một hiện tượng văn hóa.
Văn hóa nói chung, đặc biệt văn hóa phi vật thể đều là của cộng đồng (gia tộc, làng xã, địa phương, tộc người), nhưng nó tiềm ẩn trong trí nhớ và tâm thức của từng con người cụ thể, qua sự tiếp nhận và thể hiện của từng con người cụ thể, nên nó mang dấu ấn cá nhân và vai trò sáng tạo của cá nhân rất rõ rệt. Bởi thế sự sáng tạo, bảo tồn và trao truyền của văn hóa phi vật thể lại phụ thuộc vào cuộc đời của từng cá nhân. Vì vậy, nó vừa mang tính bền chắc (tiềm ẩn trong tâm thức dân tộc) lại vừa mỏng manh, dễ bị tổn thương (phụ thuộc vào cuộc sống của một cá nhân với bao may rủi, bất ngờ). Cũng chính vì đặc trưng nêu trên, văn hóa phi vật thể không chỉ phụ thuộc vào từng cá nhân, mà còn phụ thuộc vào các nhóm xã hội khác nhau, mà trước nhất là gia đình, dòng tộc, làng xã, phụ thuộc vào các nhóm tuổi: già, trẻ, giới tính: nam, nữ... tính cá nhân và tính nhóm xã hội khiến cho văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng hơn nhiều, nói cách khác tính dị bản của nó cao hơn so với văn hóa vật thể.
Từ những đặc tính trên ta thấy vai trò to lớn của giáo dục gia đình và cộng đồng đối với việc trao truyền và tiếp nhận của mỗi cá nhân đối với các di sản văn hóa phi vật thể, mà nhiều nhà nghiên cứu đã ví nó như là một hình thức của "gien di truyền xã hội".
Sự phân biệt văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể là một sự giả định chủ quan của con người, giúp con người có thể nhận thức bản chất thực tại khách quan. Văn hóa với tư cách là khách thể, tồn tại và phát triển trên cơ sở kết hợp hữu cơ giữa mặt vật thể và mặt phi vật thể. Mặt này là tiền đề tồn tại của mặt kia và ngược lại. Do vậy, trong tư duy cũng như trong hoạt động thực tiễn tránh sự cô lập, đối lập một cách tuyệt đối giữa mặt vật thể và phi vật thể của một hiện tượng văn hóa. Cũng chính vì vậy, UNESCO, sau một thời gian đưa ra hệ thống công nhận các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc, các quốc gia trên thế giới, nay cũng đang xem xét lại sự tách bạch giữa di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã thỏa đáng chưa. Ví như, Nhã nhạc cung đình Huế liệu có hình thành và tồn tại đến nay nếu không có môi trường kinh thành Huế?
IV - Sưu tầm, bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể
Văn hóa truyền thống nói chung, cũng như văn hóa phi vật thể nói riêng của các tộc người ở nước ta, nhất là với các dân tộc thiểu số ở vùng núi còn chưa được chú ý sưu tầm, nghiên cứu. Hơn thế nữa, các hiện tượng văn hóa phi vật thể này lại đang đứng trước nguy cơ bị mai một, mất đi vĩnh viễn bởi thử thách của thời gian, bởi sự phá hoại vô ý thức của chính bản thân con người. Công tác sưu tầm một số hiện tượng văn hóa dân gian tiêu biểu ở Tây Nguyên gần đây như về sử thi, cồng chiêng và luật tục cho thấy, đối với các hiện văn hóa truyền miệng này nếu không nhanh chóng điều tra, sưu tầm thì sẽ mất đi vĩnh viễn. Những người còn nhớ được hàng chục bộ sử thi đồ sộ dài hàng vạn câu hiện nay số lượng có thể đếm trên đầu ngón tay, mà tuổi của các cụ đang ở độ tuổi trên dưới 70 tuổi.
Văn hóa phi vật thể vừa mang tính bền chắc lại vừa mang tính mỏng manh, dễ bị thương tổn. Chính những đặc tính này gợi ý chúng ta có những cách thức hữu hiệu trong việc sưu tầm và bảo tồn các hiện tượng văn hóa phi vật thể này.
Những năm vừa qua, chúng ta đã có cố gắng lớn trong việc sưu tầm, nghiên cứu các hiện tượng văn hóa phi vật thể như ngữ văn dân gian, diễn xướng dân gian, ứng xử và quan hệ xã hội, tri thức dân gian... tuy nhiên, việc sưu tầm, nghiên cứu còn chưa tuân thủ các phương pháp khoa học nghiêm túc và chặt chẽ, do vậy chất lượng công tác sưu tầm và nghiên cứu chưa cao.
Việc sưu tầm, nghiên cứu các hiện tượng văn hóa phi vật thể chưa tuân thủ nguyên tắc diễn xướng một trong những môi trường cần thiết để các hiện tượng văn hóa phi vật thể từ chỗ tiềm ẩn trong tiềm thức, tâm thức con người bộc lộ ra như là một thực thể. Hay việc sưu tầm ca dao, dân ca, truyện cổ, thành ngữ, tục ngữ của các dân tộc thiểu số thì vẫn chưa tuân thủ nguyên tắc song ngữ, tức ngôn ngữ mẹ đẻ của chủ thể sáng tạo ra các hiện tượng văn hóa đó và ngôn ngữ phổ thông.
Việc bảo tồn các hiện tượng văn hóa cổ truyền nói chung, trong đó có văn hóa phi vật thể nói riêng cần phải quan tâm hàng đầu trước nguy cơ đang bị mất đi nhanh chóng trong sự biến đổi xã hội theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Có nhiều cách bảo tồn, nhưng chung quy có hai hướng chủ yếu:
Thứ nhất, bảo tồn trong dạng "tĩnh", tức tiến hành điều tra sưu tầm, thu thập các dạng thức văn hóa phi vật thể như nó hiện có theo quy trình khoa học nghiêm túc, chặt chẽ, "giữ" chúng trong sách vở, các ghi chép, mô tả trong các băng hình, băng tiếng, ảnh... Tất cả các hiện tượng văn hóa phi vật thể này có thể lưu giữ trong các kho lưu trữ, các viện bảo tàng, các viện nghiên cứu ở trung ương và địa phương. Nhiều cơ quan đã và đang nỗ lực xây dựng "ngân hàng dữ liệu" về các hiện tượng văn hóa phi vật thể. Đó là "phiên bản" giúp ta sau này căn cứ trên đó có thể nghiên cứu, phục hồi các hiện tượng đã bị mai một. Thí dụ, những thập kỷ vừa qua Trung Quốc tiến hành sưu tầm tất cả các hiện tượng ca, múa, nhạc theo quy trình tỉ mỉ, nghiêm túc, rồi xuất bản thành sách. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chắc chắn có nhiều hiện tượng văn hóa đó bị mất đi. Sau này, trải qua hằng trăm năm, nếu có nhu cầu phục hồi các hiện tượng văn hóa đã mất, thì căn cứ vào sách vở đã ghi chép có thể phục hồi lại một cách dễ dàng.
Thứ hai, bảo tồn "động", tức bảo tồn các hiện tượng văn hóa phi vật thể đó ngay chính trong đời sống cộng đồng. Cộng đồng chính là môi trường không chỉ sản sinh ra các hiện tượng văn hóa phi vật thể mà còn là nơi tốt nhất bảo tồn, làm giàu và phát huy nó trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên, hiện tại có một nghịch lý là nhiều hiện tượng văn hóa, nhất là văn hóa phi vật thể vốn là của nhân dân sáng tạo ra nay lại "xa lạ" với họ, thậm chí chỉ tìm thấy trên sách vở của các nhà nghiên cứu, do vậy, để bảo tồn chúng trong đời sống chúng ta lại phải đưa nó trở lại với nhân dân, "xã hội hóa" nó. Thí dụ, về việc phục hồi các lễ hội truyền thống hiện nay. Sau một thời gian dài, các di tích, đền, đình, chùa bị phá hoại nay được tu sửa, các lễ hội được mở lại sau mấy thập kỷ vắng bóng. Do vậy, từ cách bày đặt tượng thờ trong di tích, cũng như các nghi lễ, sinh hoạt trong lễ hội đã bị quên lãng. Từ đó dẫn đến một số hiện tượng sinh hoạt nghi lễ trong lễ hội được phục hồi một cách méo mó, sai lạc. Nhiều nơi đã phải căn cứ vào việc sưu tầm, nghiên cứu của các nhà khoa học trước kia để giúp cho việc phục hồi lễ hội sao cho đúng quy cách đã định hình như trước kia.
Hiện tượng phục hồi các loại hình dân ca cổ truyền cũng đang được thực hiện theo hướng phổ cập trở lại cho quần chúng nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Hiện nay, bên cạnh dự án "Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên", chúng ta đang thử nghiệm mở các lớp truyền dạy hát kể sử thi, truyền dạy thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng... để thế hệ nghệ nhân già truyền lại việc diễn xướng sử thi cho thế hệ trẻ.
Việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng cũng đang gặp trở ngại, nghịch lý, đó là làm sao bảo tồn và tiếp tục phát huy các di sản văn hóa này khi mà các điều kiện xã hội, mà ở đó các di sản văn hóa này nảy sinh tồn tại qua nhiều thế hệ nhưng nay đã và đang thay đổi nhanh chóng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nói cách khác việc bảo tồn văn hóa phi vật thể nhiều khi phải thực hiện trong môi trường "nhân tạo".
Thứ ba, văn hóa phi vật thể là văn hóa tiềm ẩn trong tâm thức và trí nhớ của một số người, mà lâu nay chúng ta mệnh danh họ là những nghệ nhân hay là những "báu vật sống". Do vậy, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể còn đồng nghĩa với việc "bảo vệ" các "báu vật sống" đó. Đó chính là việc nhà nước, cộng đồng thừa nhận những tài năng dân gian, tôn vinh họ trong cộng đồng, tạo những điều kiện tốt nhất trong hoàn cảnh có thể, để họ sống lâu, sống khỏe mạnh, phát huy khả năng của mình trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong điều kiện xã hội hiện đại hóa và công nghiệp hóa ngày nay.
Sản xuất và xuất khẩu gạo ở nước ta  (18/08/2007)
Nịnh  (15/08/2007)
Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau  (15/08/2007)
Lạm phát không thể tăng tới mức 2 con số  (15/08/2007)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển