Nguyên tắc tập trung dân chủ từ chỉ dẫn của C.Mác

Trần Đình Huỳnh PGS, NCV cao cấp
15:55, ngày 04-05-2012
TCCSĐT - Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” nêu rõ: Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm; tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân”(1).
Để hiểu rõ thêm cơ sở lý luận của Nghị quyết nói trên, nhân kỷ niệm lần thứ 194 Ngày sinh C.Mác (5-5-1818 - 5-5-2012) chúng ta cần tìm hiểu thêm tư tưởng của ông về nguyên tắc tập trung dân chủ. 

Những chỉ dẫn có tính nguyên tắc về đảng cộng sản và xây dựng đảng cộng sản của C.Mác

Đại hội lần thứ II Liên đoàn những người cộng sản họp vào ngày 8 tháng chạp năm 1847 đã thông qua một văn bản quan trọng do C.Mác khởi thảo. Đó là “Điều lệ của Liên đoàn những người cộng sản”. Sau đó, Đại hội ủy thác cho C.Mác và Ph.Ăngghen khởi thảo Cương lĩnh của Đảng có đầy đủ lý luận và thực tiễn để đưa ra công bố. Đó là “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” - bản “Tuyên ngôn” có nhiều vấn đề lý luận quan trọng. Trong phạm vi bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến một vấn đề rất cơ bản đó là nguyên tắc tập trung dân chủ mà theo chúng tôi, đó vẫn là nguyên tắc có ý nghĩa sống còn đối với công tác xây dựng Đảng ta hiện nay.

C.Mác không dùng thuật ngữ “tập trung dân chủ” nhưng trong Điều lệ và Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, ông đã trình bày rõ nội hàm của khái niệm này.

Đảng cộng sản sinh ra là do yêu cầu khách quan của đời sống xã hội hiện đại, của cuộc đấu tranh giai cấp giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản; nó phải là một tổ chức: “…về mặt thực tiễn, những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nước, là “bộ phận tiên tiến nhất” cổ vũ tất cả những bộ phận khác; về mặt lý luận, họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ là họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản”(2).

Mục đích thực tiễn của Đảng là phải xây dựng bản thân mình thành một tổ chức vững mạnh, tiên tiến, đủ sức lãnh đạo nhân dân lật đổ sự thống trị của giai cấp bóc lột, giành lấy chính quyền về tay nhân dân. C.Mác viết “giai đoạn thứ nhất trong cuộc cách mạng công nhân là giai đoạn giai cấp vô sản tự xây dựng thành giai cấp thống trị, là giai đoạn giành lấy dân chủ”(3). Tiếp ngay sau đó, “giai cấp vô sản sẽ dùng sự thống trị chính trị của mình” để bằng mọi cách “tăng thật nhanh số lượng những lực lượng sản xuất lên”(4). Như vậy, mục đích cao nhất và duy nhất của Đảng mà C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra là Đảng phải lãnh đạo “giành lấy dân chủ và phát triển nhanh số lượng những lực lượng sản xuất lên”.

Đó là một sự nghiệp vĩ đại, là công việc khó khăn, là sứ mạng chính trị của Đảng, là lý do tồn tại của Đảng. Đảng chỉ có thể làm tròn sứ mạng ấy khi Đảng “là bộ phận tiên tiến nhất”, là tổ chức mạnh mẽ, chặt chẽ và có kỷ luật. Đảng phải biết xây dựng và bảo vệ mình theo những nguyên tắc tổ chức thích ứng, hữu hiệu.

Đảng phải xây dựng theo nguyên tắc nào? Tìm trong “Điều lệ của Liên đoàn những người cộng sản” chúng ta có thể thấy C.Mác đã nói rõ hệ thống tổ chức của Liên đoàn từ đảng viên đến chi bộ, khu bộ, tổng khu bộ, Ban chấp hành trung ương và Đại hội Liên đoàn đều phải phục tùng, tuân theo những quy định mà nội dung của nó phù hợp với nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ trong Điều lệ của Đảng ta. Ví dụ, hội viên của Liên đoàn phải có:

- “Lối sống và hoạt động phù hợp với mục đích của Liên đoàn.

- Nghị lực cách mạng và lòng nhiệt thành…

- Thừa nhận chủ nghĩa cộng sản.

- Phục tùng các nghị quyết của Liên đoàn”(5).

Cơ quan lãnh đạo các cấp đều thực hiện chế độ dân chủ bầu cử ra. “Mỗi chi bộ đều bầu chủ tịch và phó chủ tịch…”, “… Ban chấp hành bầu ra người lãnh đạo”, “các khu bộ… phải phục tùng tổng khu bộ”, “việc chỉ định tổng khu bộ do Đại hội tiến hành theo đề nghị của Ban chấp hành trung ương”, “Tổng khu bộ là cơ quan chấp hành quyền lực đối với các khu bộ…”, “các tổng khu bộ phải báo cáo với cơ quan quyền lực tối cao là Đại hội, còn giữa các kỳ đại hội thì báo cáo với Ban chấp hành trung ương”, “Ban chấp hành trung ương là cơ quan chấp hành quyền lực của toàn Liên đoàn và với tư cách đó, phải báo cáo công tác với Đại hội”.

“Đại hội có quyền lực lập pháp đối với toàn Liên đoàn. Tất cả những đề nghị về sửa đổi điều lệ được chuyển qua các tổng khu bộ lên Ban chấp hành trung ương và cuối cùng được đưa ra Đại hội”(6), “Đại hội… ra quyết định với tư cách là cơ quan cao nhất”(7). C.Mác chỉ ra mối quan hệ giữa Đại hội của từng cấp với Ban chấp hành của các cấp ấy. Đại hội là cơ quan quyền lực của từng cấp. Ban chấp hành từng cấp do Đại hội cấp ấy bầu ra và là cơ quan chấp hành. Đại hội Liên đoàn là cơ quan quyền lực cao nhất có quyền lập pháp (điều lệ). Việc sửa đổi điều lệ theo nguyên tắc đề nghị dân chủ từ dưới lên, cuối cùng do Đại hội quyết định. “Đại hội cũng thay mặt Đảng ra bản tuyên ngôn”. Trong hoạt động, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, bộ phận phải phục tùng toàn thể, Ban chấp hành trung ương phải phục tùng đại hội.

Tập trung dân chủ - nguyên tắc có ý nghĩa sống còn đối với công tác xây dựng Đảng ta hiện nay

Trong Điều lệ của Đảng ta ghi rõ: Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng là tập trung dân chủ. Về mặt diễn đạt thì Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương (thông qua tháng 10-1930), Điều lệ do Đại hội I (3-1935) và Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam (do Đại hội II thông qua) đều ghi là “dân chủ tập trung”, từ Đại hội III của Đảng tới nay thì ghi là “tập trung dân chủ”. Tuy cách viết, cách nói khác nhau nhưng nội dung thì đều thể hiện được tinh thần cơ bản mà C.Mác đã chỉ ra.

“Tập trung dân chủ”, xét về nội dung, là một phạm trù có ý nghĩa độc lập và có đời sống riêng chứ không phải là sự lắp ghép của hai phạm trù “dân chủ” và “tập trung”, mà cũng không phải là hai phạm trù đối lập nhau. Mặt đối lập của “dân chủ” là “quan chủ”, là “quan liêu”, mặt đối lập của “tập trung” là “phân tán”, “cục bộ”. Nguyên tắc tập trung dân chủ gắn kết với nhau, đã “dân chủ” ắt phải có “tập trung” và “tập trung” tất nhiên phải trên nền tảng “dân chủ”. Nguyên tắc đó vừa bảo đảm quyền chủ động sáng tạo của mọi thành viên trong tổ chức, vừa bảo đảm thống nhất ý chí và hành động vì sự nghiệp chung, bảo đảm cho Đảng khi thảo luận thì mọi thành viên đều có quyền phát biểu nhưng khi hành động thì muôn người như một, đồng lòng, đồng chí và quyết tâm, trong đó mỗi đồng chí đều có trách nhiệm cụ thể. Khi tập trung dân chủ đi liền với tính công khai và cung cấp thông tin đầy đủ thì sẽ bảo đảm cho Đảng đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động.

Nghị quyết đúng đắn được mọi tổ chức, mọi đảng viên thực hiện nghiêm túc, mọi đảng viên đều bình đẳng trước Điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước là điều kiện không thể thiếu để bảo đảm cho nguyên tắc tập trung dân chủ không bị biến dạng. Mọi sự lạm quyền (bí thư cao hơn cấp ủy, ban chấp hành cao hơn đại hội, dân chủ hình thức, “hội” nhưng không “nghị”, không “thảo luận”, quyết định rồi thi hành không theo nghị quyết…) đều là sự biến dạng của nguyên tắc tập trung dân chủ, để đến nỗi “chính sách đúng, thi hành sai” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở.

Để thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ cần nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình từ trên xuống và từ dưới lên, đồng thời lấy ý kiến phê bình của những người ngoài Đảng; phải giáo dục, thuyết phục, đồng thời phải giữ nghiêm kỷ luật, không nể nang, né tránh, không ô dù che chắn. Các hình thức kỷ luật của Đảng và chế tài của pháp luật phải “quang minh chính đại”, tuyệt đối không thể “nhẹ trên, nặng dưới”…

Tập trung dân chủ bản thân nó đã là một phạm trù biểu hiện trình độ nhận thức khoa học của Đảng, nó đã trở thành nguyên tắc có sức mạnh để làm nên thắng lợi cho các đảng cộng sản, nhất là khi đảng đã trở thành đảng cầm quyền. Ngược lại, xa rời hoặc thực hiện nửa vời, hình thức, hoặc lợi dụng, làm biến dạng nó để thao túng, mưu đồ cá nhân đã làm cho không ít tổ chức cộng sản ở một số nước suy thoái, thậm chí tan rã.

“Tập trung dân chủ” là một phạm trù khoa học. Đã là khoa học thì cần phải đối xử với nó một cách khoa học. “Tập trung dân chủ” là một nguyên tắc. Đã là nguyên tắc, thì trong Đảng, bất cứ ai cũng phải phục tùng.

Đó chính là biểu hiện trình độ chính trị và bản lĩnh cách mạng của những người cộng sản chúng ta trong tình hình hiện nay./.


------------------------------------------------

(1) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 22-23

(2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Tuyển tập, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, t.1, tr.558

(3), (4) C.Mác và Ph.Ăngghen: Sđd, tr.567

(5) C.Mác và Ph.Ăngghen: Sđd, tr.493

(6) C.Mác và Ph.Ăngghen: Sđd, tr.497

(7) C.Mác và Ph.Ăngghen: Sđd, tr.498