Đà Nẵng xây dựng đội ngũ cán bộ từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới
TCCS - Sau khi chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính mới trực thuộc Trung ương, do ưu tiên tăng cường cán bộ cho tỉnh Quảng Nam và cùng lúc thành lập 5 quận mới nên đội ngũ cán bộ các cấp của Đà Nẵng vừa thiếu, vừa không đồng bộ. Nhu cầu cán bộ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Do đó, công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, luôn được thành phố xác định là một trong những nhiệm vụ hàng đầu và tập trung thực hiện quyết liệt.
Quán triệt và thực hiện chủ trương, các quy định của Đảng về công tác cán bộ, nhất là Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời xuất phát từ thực tế địa phương, từ năm 1997 đến nay, thành phố Đà Nẵng đã xây dựng và ban hành nhiều chương trình, đề án, chính sách về cán bộ và công tác cán bộ như: Chương trình hành động số 01-CTr/TU của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết Trung ương 3; Quyết định số 1548-QĐ/TU ngày 10-8-1999 của Ban Thường vụ Thành ủy về ban hành Quy chế đánh giá cán bộ; Chỉ thị số 11/CT-TU ngày 20-10-2003 về tăng cường giáo dục phẩm chất, đạo đức, lối sống, kiên quyết chống các hành vi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực; Quyết định số 2396-QĐ/TU ngày 26-8-2004 của Ban Thường vụ Thành ủy quy định về tiêu chuẩn cán bộ chủ chốt các cấp của thành phố; Đề án 32 về đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài bằng ngân sách của thành phố; Đề án về đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách địa phương...
Trên cơ sở các chương trình, đề án và chính sách đó, cùng với những nỗ lực của các ngành, các cấp từ thành phố đến cơ sở, công tác cán bộ ở Đà Nẵng từng bước chuyển biến tích cực và đạt được kết quả khá quan trọng ở tất cả các khâu.
Công tác đánh giá cán bộ ngày càng đi vào nền nếp, nhất là việc đánh giá hằng năm và đánh giá trước khi quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Từ năm 2005, thành phố đã cụ thể hóa các quy định của Trung ương, triển khai đánh giá cán bộ ở cả 3 cấp theo quy trình: cán bộ tự đánh giá, tập thể lãnh đạo trực tiếp đánh giá, tập thể có thẩm quyền quản lý cán bộ đánh giá. Việc đánh giá thực hiện công khai, trong đó cấp có thẩm quyền đánh giá thông báo ý kiến đánh giá của mình đối với người được đánh giá. Cấp có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ chỉ xem xét, phê duyệt quy hoạch, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử khi đã thực hiện đầy đủ quy trình đánh giá, nhận xét cán bộ.
Công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ được tiến hành đồng bộ từ thành phố đến cơ sở. Các cấp ủy, các ngành, địa phương tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quy hoạch cán bộ đúng quy trình, bảo đảm công khai, dân chủ. Cán bộ là nữ, cán bộ trẻ ngày càng được chú ý hơn. Từ thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 đến nay, thành phố triển khai 3 đợt quy hoạch cán bộ vào các năm 1998, 2002, 2007 và hiện đang tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ.
Về tạo nguồn, thông qua việc thực hiện nhiều chương trình, đề án như: Đề án về đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở nước ngoài, Đề án 32 về đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài... cùng các chính sách thu hút nguồn nhân lực, thành phố đã tạo được nguồn nhân lực khá dồi dào cho tương lai. Đến nay, thành phố có 59 cán bộ, công chức, viên chức đang theo học tại 9 nước, trong đó 49 người học thạc sĩ, 10 người học tiến sĩ; lựa chọn 181 học sinh loại giỏi đưa đi đào tạo (116 em học trong nước và 65 em học nước ngoài); tiếp nhận và bố trí công tác cho 637 người tự nguyện đến làm việc lâu dài tại thành phố; trong đó có 5 tiến sĩ, 84 thạc sĩ, 548 sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, khá,... Ngoài ra, thông qua thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX của Đảng bộ thành phố: Mỗi Thành ủy viên tiến cử và giúp đỡ 1 -2 cán bộ trẻ, có 45 cán bộ trẻ được giới thiệu nguồn cán bộ chủ chốt quận, huyện, sở, ngành, trong đó đã có nhiều cán bộ trưởng thành và được giao nhiệm vụ cao hơn.
Công tác luân chuyển cán bộ đã và đang được triển khai thông qua Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Kế hoạch này gắn với quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý đã được chuẩn bị từ năm 1998. Từ năm 2002 đến nay, thành phố luân chuyển 31 cán bộ từ quận, huyện xuống phường, xã; 50 cán bộ từ phường, xã lên quận, huyện; 35 cán bộ từ quản lý nhà nước sang công tác đảng, đoàn thể và 29 cán bộ công tác đảng, đoàn thể sang quản lý nhà nước; 40 cán bộ được luân chuyển từ các phòng thuộc sở xuống các đơn vị trực thuộc và 35 cán bộ từ đơn vị trực thuộc lên phòng thuộc sở.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và chất lượng. Trước hết, Thành ủy tập trung nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên đương chức, cán bộ chủ chốt đương nhiệm và kế cận, dự nguồn các cấp. Hơn 10 năm qua, ngoài việc cử 724 cán bộ học cử nhân, cao cấp lý luận chính trị theo chiêu sinh của các cơ sở đào tạo, thành phố còn phối hợp với Học viện Chính trị - Hành chính khu vực 3 mở được 20 lớp cao cấp lý luận chính trị cho 1.782 cán bộ, đồng thời mở 25 lớp trung cấp lý luận chính trị với 1.727 học viên, 2 lớp đào tạo cán bộ chủ chốt phường, xã cho 192 học viên. Đặc biệt, đầu năm 2009, thành phố vừa khai giảng khóa đầu tiên, đào tạo 100 cán bộ nguồn các chức danh chủ chốt của đảng ủy và UBND phường, xã.
Việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức đang dần trở thành nền nếp. Hằng năm có 24% tổng số cán bộ, công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng (vượt 4% so với quy định tại Quyết định số 874/QĐ-TTg ngày 20-11-1996 của Thủ tướng Chính phủ), nhất là bồi dưỡng về quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học và chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài ra, thành phố còn phối hợp tốt với Hội đồng Giáo dục quốc phòng Quân khu 5 tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho 313 cán bộ thuộc đối tượng 2 và các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho 12.934 người thuộc đối tượng 3, 4, 5. Về đào tạo chuyên môn, có 1.002 cán bộ, công chức được thành phố cử đi học đại học; 625 cán bộ được cử đi học sau đại học gồm 20 tiến sĩ, 493 thạc sĩ và 112 bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II.
Công tác quản lý và bố trí sử dụng cán bộ, nhất là việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ của thành phố luôn theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Từ năm 1997 đến nay, có 340 lượt cán bộ được bổ nhiệm vào các chức danh thuộc Ban Thường vụ Thành ủy quản lý; trong đó nữ có 42 người (12,4%), bổ nhiệm chức vụ cao hơn: 266 người. Những năm gần đây, thành phố còn chủ trương triển khai thí điểm và mở rộng thi tuyển cán bộ lãnh đạo ở 15 đơn vị hành chính, sự nghiệp, tuyển chọn 18 chức danh bước đầu đạt kết quả tốt, tạo điều kiện để nhân rộng trong thành phố.
Về thực hiện chính sách cán bộ, ngoài chính sách chung của Trung ương ban hành, thành phố có một số chủ trương, chính sách đối với cán bộ như: Tăng mức phụ cấp hằng tháng đối với cán bộ chuyên trách và không chuyên trách ở phường, xã; trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hằng tháng đối với cán bộ không chuyên trách ở phường, xã; trợ cấp cho cán bộ công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, có chế độ ưu đãi thêm cho cán bộ công chức nữ và cán bộ phường, xã; trợ cấp đối với cán bộ công chức tự nguyện nghỉ chế độ hưu trí, nghỉ chế độ thôi việc; chính sách đãi ngộ ban đầu đối với những người tự nguyện đến làm việc lâu dài tại thành phố,... Việc thực hiện các chủ trương, chính sách đó tạo sự yên tâm công tác của đội ngũ cán bộ thành phố, đồng thời là điều kiện để triển khai tốt các khâu trong công tác cán bộ.
Nhìn chung, qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII, đội ngũ cán bộ từ thành phố đến cơ sở đã trưởng thành cả về số lượng, chất lượng và dần dần được chuẩn hóa. Cán bộ từ cấp quận, huyện trở lên hầu hết có trình độ đại học (81,6%) và đã qua đào tạo lý luận chính trị (trên 50,1% có trình độ lý luận chính trị cao cấp), tỷ lệ cán bộ dưới 40 tuổi tăng. Cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có chất lượng cao hơn trước (19,8% có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và 89,8% có trình độ lý luận chính trị cao cấp).
Chính sự trưởng thành nhiều mặt của đội ngũ cán bộ các cấp đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của thành phố: nhịp độ tăng trưởng kinh tế liên tục đạt trên 11%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, các ngành sản xuất và dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao; thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh (năm 2008 là: 1.420 USD/người); thu ngân sách tăng khá (năm 2008 đạt 8.030 tỉ đồng), Đà Nẵng là một trong những địa phương có nguồn thu ngân sách lớn; an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của thành phố, đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ vẫn còn hạn chế:
- Cơ cấu đội ngũ cán bộ của thành phố vẫn chưa phù hợp, cán bộ trẻ còn ít; cán bộ quản lý đô thị giỏi và cán bộ có trình độ chuyên môn cao trên một số lĩnh vực còn thiếu; số cán bộ có năng lực nổi trội, năng động, dám nghĩ, dám làm chưa nhiều; đội ngũ cán bộ ở một số địa phương, đơn vị còn hụt hẫng, thiếu tính chuyên nghiệp; trình độ và năng lực, kỹ năng lãnh đạo, quản lý của một bộ phận cán bộ chưa ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ phát triển mới của thành phố.
- Các khâu trong công tác cán bộ chưa thật sự đổi mới mạnh mẽ. ở nhiều đơn vị, địa phương việc đánh giá cán bộ chưa thực chất; triển khai quy hoạch cán bộ còn hình thức và khép kín; công tác luân chuyển cán bộ thiếu mạnh dạn, thiếu kế hoạch và lộ trình; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa có kế hoạch phù hợp; nội dung bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ không theo kịp yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Trong bổ nhiệm cán bộ còn có tư tưởng cầu toàn, thiếu tính chiến lược; chính sách đãi ngộ cán bộ tuy được chú ý song vẫn chưa có sức thu hút mạnh và giữ chân người tài.
- Chất lượng bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức - cán bộ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, quản lý cán bộ chưa chặt chẽ, chưa sâu sát, thiếu uốn nắn, góp ý, phê bình cán bộ...
Những năm tới, thành phố tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ đặt ra trong Chương trình hành động số 01-CTr/TU của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết Trung ương 3. Phấn đấu đến năm 2020: 100% cán bộ chủ chốt phường, xã có trình độ trung cấp lý luận chính trị và trình độ đại học chuyên môn trở lên; đội ngũ cán bộ có cơ cấu hợp lý, tỷ lệ cán bộ trẻ trong cấp ủy và đội ngũ cán bộ các cấp (thành phố dưới 40 tuổi, quận huyện dưới 30 tuổi) từ 10%-20%... Để đạt được những chỉ tiêu trên, trước mắt thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
1 - Điều chỉnh, bổ sung và ban hành quy định mới về cán bộ và công tác cán bộ của Ban Thường vụ Thành ủy. Cải tiến và nâng cao chất lượng nhận xét, đánh giá cán bộ, bảo đảm khách quan, công khai, đúng quy trình. Tìm kiếm, phát hiện và lựa chọn kỹ càng những cán bộ trẻ, thật sự giỏi, có phẩm chất tốt, có triển vọng phát triển để đào tạo, bồi dưỡng và có những chính sách ưu đãi hơn để sử dụng, tạo nguồn cán bộ tương lai cho thành phố.
2 - Thực hiện nghiêm túc việc bổ nhiệm có thời hạn và bổ nhiệm lại cán bộ. Rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ gắn liền với điều động, luân chuyển cán bộ. Hoàn thành quy hoạch cán bộ theo hướng giảm tuổi bình quân cấp ủy. Thực hiện việc điều động và luân chuyển cán bộ mạnh mẽ hơn nữa, không cầu toàn ở các cấp, các ngành, các cơ quan trong hệ thống chính trị, đưa dần vào vị trí lãnh đạo đơn vị đối với số cán bộ trẻ trong quy hoạch đã được phê duyệt.
3 - Xây dựng, trình Trung ương phê duyệt và tổ chức thực hiện theo lộ trình Đề án chính quyền đô thị. Thực hiện thí điểm tiến tới mở rộng chủ trương bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch UBND phường, xã ở những nơi có điều kiện về cán bộ; mở rộng việc chọn cán bộ giữ chức danh này không nhất thiết là người địa phương; thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cơ sở bầu trực tiếp ban thường vụ, bí thư, phó bí thư.
4 - Triển khai mạnh mẽ các giải pháp đột phá về đào tạo cán bộ nguồn từ Dự án 32, Đề án 393 của thành phố. Thực hiện việc đào tạo và sử dụng 150 cán bộ nguồn cho các chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã, đi đôi với việc củng cố, tăng cường cán bộ cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa X.
5 - Kết hợp chặt chẽ giữa tự nghiên cứu, tự học với việc tăng cường bồi dưỡng chuyên đề để nâng cao trình độ, năng lực cán bộ. Từng cán bộ, công chức tự rèn luyện, nâng cao phẩm chất, đạo đức và năng lực công tác, chấp hành nghiêm Nghị quyết số 09/NQ-TU ngày 14-4-2004 của Ban Thường vụ Thành ủy đi đôi với thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
6 - Cải cách thủ tục hành chính trong công tác cán bộ. Xây dựng các quy trình, thủ tục hành chính trong công tác cán bộ bảo đảm các nguyên tắc quản lý cán bộ vừa đơn giản vừa dễ thực hiện. Thực hiện các quy trình công tác cán bộ nghiêm chỉnh, minh bạch, kịp thời.Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất thực hiện chính sách đối với cán bộ, tiến hành tinh giản biên chế, khoán biên chế hành chính, sử dụng hợp lý biên chế sự nghiệp, khoán quỹ lương, tạo điều kiện tốt hơn để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức./.
Thương mại và thị trường miền núi những năm đổi mới  (16/04/2009)
Thương mại và thị trường miền núi những năm đổi mới  (16/04/2009)
Phối hợp tổ chức các phong trào thi đua trong công nhân, lao động  (16/04/2009)
Phối hợp tổ chức các phong trào thi đua trong công nhân, lao động  (16/04/2009)
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay