Việt Nam đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng thiếu năng lượng
Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng thiếu năng lượng. Điều này đồng nghĩa với việc thực hiện chỉ đạo của Đảng trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia là “phát triển năng lượng đi trước một bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia” khó mà thực hiện được. Thiếu điện trầm trọng đã và đang tác động rất xấu đến quá trình phát triển kinh tế, thu hút đầu tư... và đời sống của nhân dân.
1 - Thiếu trước, hụt sau
Trong những năm gần đây, mặc dù ngành điện đã đầu tư đáng kể để mở rộng mạng lưới và nâng cao năng lực cung cấp, nhưng sự thiếu điện cục bộ, đặc biệt nghiêm trọng vào những thời gian cao điểm sử dụng điện trong năm và sự mất cân đối giữa nguồn cung và nhu cầu năng lượng là rất lớn. Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng năng lượng thấp làm cho an ninh năng lượng trở nên nghiêm trọng hơn; việc phát triển nguồn điện thiếu cân đối giữa các vùng. Điển hình như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là trung tâm công nghiệp lớn nhất, nhưng theo thiết kế phát triển ngành, phân bố điện lại tập trung ở miền Bắc. Sản xuất điện ở miền Bắc, rồi lại xây dựng 4 đến 5 đường dây 500kV để chuyển tải vào miền Nam nên tổn thất điện do chuyển tải rất lớn. Với một hệ thống sản xuất và cung ứng điện thiếu hụt và bất ổn như vậy, thì không thể có môi trường kinh doanh thuận lợi, thậm chí có thể nói vẫn chưa có một điều kiện bảo đảm vững chắc cho sự cất cánh của nền kinh tế.
Dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, tới năm 2020, Việt Nam vẫn là nước phải nhập khẩu năng lượng. Về nguồn điện, năm 2020 cả nước cần có sản lượng điện 201 tỉ kWh; đến năm 2030 nhu cầu về điện sẽ lên tới 327 tỉ kWh. Trong khi đó, khả năng huy động sản xuất năng lượng nội địa tối đa cũng chỉ được 165 tỉ kWh và 208 tỉ kWh, như vậy đến năm 2020 Việt Nam có thể thiếu 36 tỉ kWh; đến năm 2030 thiếu 119 tỉ kWh và chắc chắn xu hướng gia tăng sự thiếu hụt nguồn điện trong nước sẽ càng gay gắt hơn và tiếp tục kéo dài trong những giai đoạn sau. Nếu dự báo này trở thành hiện thực thì hoặc là Việt Nam phải nhập khẩu điện với giá đắt gấp 2 đến 3 lần so với giá sản xuất trong nước, hoặc hoạt động của nền kinh tế sẽ rơi vào đình trệ, đời sống người dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hiện nay, Việt Nam đang xuất khẩu hơn 50% sản lượng than và gần 100% dầu thô khai thác. Trong khi Việt Nam xuất khẩu than sang Trung Quốc rất nhiều thì ngược lại phải mua điện từ Trung Quốc về Việt Nam, nhưng giá bán than so với mức giá điện phải mua chênh lệch quá nhiều do giá than rẻ mà giá mua điện lại đắt. Sau năm 2015, nước ta sẽ phải nhập khẩu than vì tổng sản lượng than của Việt Nam trong tương lai nếu khai thác tối đa cũng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu và lượng than nhập khẩu khi đó sẽ còn cao hơn cả sản lượng hiện nay. Chính vì vậy, mặc dù hiện nay Việt Nam được coi là nước xuất khẩu năng lượng nhưng chỉ sau năm 2015, dự báo Việt Nam sẽ trở thành nước nhập khẩu năng lượng.
2 - Cần tầm nhìn xa hơn
Có thể nói, với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 8%/năm, ngành năng lượng Việt Nam bao gồm: điện, than và dầu khí đang phải "gồng mình" để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Theo các chuyên gia ngành năng lượng, nếu trong các tổng sơ đồ quy hoạch và phát triển của ngành điện trước đây, Chính phủ chỉ xây dựng mức tăng trưởng phụ tải từ 11% đến 13%, tối đa là 15% thì Tổng sơ đồ phát triển điện lực giai đoạn 2006 - 2015 có tính đến năm 2025, phương án được phê duyệt thấp nhất đã là 17%; phương án điều hành là 20% và phương án cao lên tới 22%/năm. Với yêu cầu này, tổng công suất các nhà máy điện sẽ phải xây dựng thêm trong giai đoạn 2006 - 2025 là 75.679 MW, riêng nhập khẩu là 5.131 MW. Trong khi đó, với đặc thù chủ yếu là khai thác hầm lò thì dù ngành than có tăng tốc hết sức đến năm 2015 cũng chỉ đạt trên 50 triệu tấn và năm 2025 đạt gần 75 triệu tấn.
Dự báo của các chuyên gia Nhật Bản cho thấy: Chỉ tính riêng nhu cầu về than cho sản xuất điện của cả nước là 78,2 triệu tấn vào năm 2015 và hơn 120 triệu tấn vào năm 2025. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu cho phát triển điện năng, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khoảng 15 triệu tấn than vào năm 2015 và 50 triệu tấn vào năm 2025. Đối với ngành dầu khí, sản lượng khai thác giai đoạn 2016 - 2020 phải đạt từ 34 đến 35 triệu TOE/năm để đáp ứng nhu cầu cho các nhà máy điện. Vì vậy, cùng với việc mở thêm các mỏ dầu khí, phát triển công nghệ chế biến dầu khí, xây dựng các trung tâm hóa dầu, ngành dầu khí còn phải triển khai khai thác các mỏ ở nước ngoài. Bên cạnh những tổn thất về mặt kinh tế do phải mất nhiều chi phí cho việc khai thác và cung cấp năng lượng, cùng với nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng quá nhanh so với tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam sẽ phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ như: cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và hủy hoại môi trường...
Trong khi năng lực cung ứng năng lượng vẫn còn thấp thì mức tổn thất năng lượng lại lớn do lãng phí và hiệu suất sử dụng thấp. Số liệu thống kê cho thấy, mức độ lãng phí điện ở Việt Nam lên tới 30% và mức độ tổn thất lên tới 15,8%. Theo Viện Quản lý kinh tế Trung ương, đây là một tỷ lệ không thể chấp nhận được khi hình dung rằng trong vòng 5 năm tới, cứ giảm bớt tổn thất 1%, Việt Nam sẽ dôi ra 3,4GWh, tương đương với sản lượng của một nhà máy công suất 500 - 600MW.
3 - Những giải pháp đồng bộ
Đứng trước thách thức thiếu hụt nguồn năng lượng, Việt Nam đang đề ra và thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm an ninh năng lượng. Trước mắt, việc tiết kiệm điện trong các hoạt động sản xuất và sinh hoạt đóng vai trò hết sức quan trọng. Còn về lâu dài, Việt Nam cần có chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng bằng cách khai thác có hiệu quả các nguồn năng lượng truyền thống và phát triển các nguồn năng lượng mới như năng lượng sạch và tái tạo.
Để bảo đảm an ninh năng lượng cần phải giải quyết một số vấn đề cấp bách sau:
Thứ nhất là, phát triển đồng bộ, tối ưu các nguồn năng lượng khác nhau; giảm tối đa phụ thuộc vào nhập khẩu dầu; xuất khẩu than ở mức hợp lý; liên kết với hệ thống năng lượng trong khu vực (hỗ trợ nhau khi cần thiết) và cần xem xét an ninh năng lượng trong bối cảnh an ninh quốc gia chung.
Thứ hai là, vấn đề giá năng lượng, Nhà nước cần tạo mọi điều kiện để giá năng lượng xác định theo thị trường, nhà nước điều tiết giá năng lượng bằng các chính sách thuế và trợ giá. Ví dụ như với ngành điện, một trong những nguyên nhân gây ra thiếu điện hiện nay là bất cập của giá điện. Giá điện chưa phản ánh hết sự biến động giá đầu vào (nhiên liệu, thiết bị, xây lắp,...) và chưa phân biệt nguồn phát điện (năng lượng sạch, và năng lượng từ nhiên liệu truyền thống như than, khí,... hay thủy điện. Việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến không chỉ khía cạnh kinh tế mà còn cả khía cạnh xã hội. Giải pháp ở đây là cần mạnh dạn phê duyệt một khung giá với biên độ rộng hơn, tạo điều kiện cho Tập đoàn điện lực (EVN) hạch toán, có lãi tương xứng. Biên độ giá đó không hẳn là hạch toán thật mà có thể chỉ làm cơ sở để tính toán và biết EVN phải đạt được mức giá bao nhiêu thì mới có lãi, để thấy rõ những giá trị định lượng về bù chéo, công ích của ngànhđiện. Với biên độ phù hợp như vậy sẽ khuyến khích được các thành phần kinh tế khác (ngoài EVN) đầu tư xây dựng nguồn điện, đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng với tốc độ chóng mặt như hiện nay.
Thứ ba là, cần có cơ chế đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (pin mặt trời, điện gió,... nhiên liệu sinh học) và điện hạt nhân. Nếu giá bán điện tăng sẽ mua của các nhà đầu tư điện gió, pin mặt trời với giá có lãi cho họ. Đồng thời cần cơ chế bắt buộc công ty cấp điện mua điện "sạch", cụ thể là quy định tỉ lệ điện "sạch" trong tổng điện năng mà công ty cấp điện phải mua để cấp. Đây là vấn đề nan giải vì EVN khó có thể chấp nhận cơ chế đó, nhưng về lâu dài cũng phải xem xét, miễn là có cơ chế hỗ trợ tương ứng để bức tranh tài chính của EVN vẫn ổn và vững. Còn điện hạt nhân là vấn đề lâu dài, nhưng phải tính đến từ bây giờ.
Thứ tư là, cần có cơ chế chính sách về sử dụng năng lượng hiệu quả. Vấn đề này đang được đề cập nhiều nhưng cách triển khai hiện nay nghiêng về bề nổi, khắc phục nó khó và cần thời gian, điều này liên quan đến sự thiếu hiểu biết của người sử dụng năng lượng và cả của các nhà sản xuất thiết bị tiêu thụ năng lượng.
Thứ năm là, cần có cơ chế chính sách về bảo vệ môi trường song song với các giải pháp khác về an ninh năng lượng, nếu không lưu ý vấn đề này thì phát triển sẽ rất chông chênh.
Tổng Sơ đồ phát triển năng lượng quốc gia tầm nhìn 2025 cho thấy, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm năng lượng sẽ mang lại lợi ích lớn cho đất nước. Hiện nay, EVN đang tập trung thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, trong đó tập trung vào những khách hàng trọng điểm, sử dụng điện 500kV trở lên hoặc tiêu thụ điện hàng năm 3 triệu kWh trở lên; thực hiện chương trình 5 triệu đèn com-pact; huy động di-e-sel dự phòng... Đặc biệt, Việt Nam cần sớm triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân trước năm 2015 thì mới có thể đáp ứng nhu cầu điện năng ở mức 300 tỉ kWh.
Ngoài ra, Việt Nam cần xây dựng các kho dự trữ chiến lược bao gồm than, điện, dầu khí..., theo khuyến cáo của các nhà chiến lược thì dự trữ ít nhất cũng được 30 ngày. Các ngành trong lĩnh vực năng lượng cần cóchương trình an ninh riêng trong từng ngành của mình./.
Cầu Rạch Miễu - nhịp cầu vận hội  (19/01/2009)
Mỹ và châu Âu đối phó khủng hoảng tài chính  (18/01/2009)
Chào mừng 59 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc  (17/01/2009)
Hội nghị lần thứ sáu Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá VI  (16/01/2009)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên