Nằm ở trung độ cả nước, với diện tích trên 1.256 km2, có bờ biển dài hơn 700 km; đầu mối giao thông quan trọng cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường không; là cửa ngõ chính ra biển Đông của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và các nước Tiểu vùng sông Mê Công… Đà Nẵng có vị trí khá quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của khu vực cũng như của cả nước.

Quán triệt và thực hiện đường lối đổi mới và chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã phát huy tính năng động, tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế; huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng thành phố và đã đạt được những thành tựu to lớn, tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tạo đà cho thành phố chủ động hội nhập kinh tế quốc tế: Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá cao. Giai đoạn 2001 - 2006, GDP tăng bình quân 13%/ năm, riêng năm 2007 tăng 13,2% so với năm 2006. GDP bình quân đầu người năm 2007 đạt 1.050 USD, tăng gần 4 lần so với năm 1997. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực và đúng hướng: Công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 49,95%; ngành dịch vụ 45,8%; ngành nông, lâm, thủy sản 4,17%. Thành quả nổi bật nhất của thành phố trong những năm qua, là tập trung mọi nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và chỉnh trang đô thị, đưa Đà Nẵng trở thành đô thị biển ngày một phát triển. Thành phố tích cực phối hợp, hỗ trợ thực hiện các dự án lớn của Chính phủ như: Mở rộng cảng và đường vào cảng Tiên Sa, xây dựng cầu Tuyên Sơn, hầm đường bộ Hải Vân... Bên cạnh đó, thành phố cũng triển khai các dự án của địa phương như hiện đại hóa các ngành bưu chính - viễn thông; đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng 5 khu công nghiệp với diện tích 1.400 ha để thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" và chủ trương khai thác quỹ đất tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng, thành phố xây dựng, cải tạo và nâng cấp nhiều tuyến đường lớn; bê-tông hóa hầu hết kiệt, hẻm, đường làng; mở rộng không gian đô thị gấp 3 lần so với năm 1997. Hơn 70 nghìn hộ dân, được thành phố tổ chức tái định cư tại những khu dân cư mới, khang trang, đầy đủ các dịch vụ cơ bản. Hàng trăm ki-lô-mét đường, dự án mới về công trình công cộng, trường học, bệnh viện, khu dân cư, cầu cống... quy mô và chất lượng tốt được hoàn thành. đến cuối năm 2007, trên địa bàn thành phố có trên 1,211 triệu máy điện thoại, đạt 150,2 máy/100 dân và gần 63,4 nghìn thuê bao In-tơ-nét. Vận tải hàng hóa và hành khách tăng khá; hàng hóa qua cảng Đà Nẵng đạt 3,98 triệu tấn. Nhiều khu đô thị mới mọc lên, nhiều tuyến đường ven biển như Liên Chiểu - Thuận Phước; Sơn Trà - Điện Ngọc mở ra và những cây cầu bắc qua sông Hàn.

Cùng với tăng trưởng kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội đã đạt được những kết quả khả quan: Năm 2007, thành phố tạo việc làm cho gần 33 vạn lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 4,39%. Ngành y tế được đầu tư, mở rộng cả quy mô và chất lượng; nhiều bệnh viện được xây dựng mới khang trang, hiện đại; số giường bệnh từ 1.700 giường vào năm 1997, năm 2007 tăng lên 2.200 giường, ngân sách đầu tư cho y tế từ 38 tỉ đồng/năm tăng lên hơn 200 tỉ đồng/năm; bảo đảm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, trở thành một trong ba trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, nhiều học sinh đoạt giải quốc gia và quốc tế; là một trong hai địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành phổ cập trung học cơ sở; có 82/279 trường đạt chuẩn quốc gia, 47/56 xã, phường hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học; tổng vốn đầu tư xây dựng trường học đạt gần 700 tỉ đồng. Khoa học và công nghệ, công tác đào tạo nghề, chăm sóc người có công và thực hiện chính sách xã hội; công tác dân số, gia đình và trẻ em có nhiều chuyển biến. Đời sống văn hóa, tinh thần ngày càng được nâng cao, các hoạt động báo chí, phát thanh, truyền hình, xuất bản, văn học - nghệ thuật có những tiến bộ mới. Chương trình "Thành phố 3 có" cùng với các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" được triển khai rộng khắp. Đặc biệt, chương trình "thành phố 5 không" đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Chỉ số phát triển con người của thành phố vươn lên đứng vị trí thứ tư trong cả nước. Hệ thống chính trị từ cơ sở đến thành phố được củng cố; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được tăng cường, hệ thống chính trị ngày càng gắn bó với dân. Vai trò của Mặt trân, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội được nâng cao; Quy chế Dân chủ ở cơ sở được thực hiện có kết quả; sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được phát huy. Quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Trên cơ sở những thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh, quốc phòng, Đà Nẵng chủ động mở rộng hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại. Thành phố đăng cai tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế; tổ chức các đoàn đi khảo sát; tiếp và làm việc với nhiều đoàn khảo sát của các nước và triển khai hợp tác với các địa phương ở các nước trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội... Thành phố đã thành lập văn phòng đại diện tại Tokyo (Nhật Bản) và hiện đang xúc tiến thành lập văn phòng đại diện và tăng cường hợp tác với các thành phố khác như: Oa kland (Mỹ), Queensland (Ô-xtrây-li-a), Nord Pas de calails (Pháp), Daegu (Hàn Quốc) cùng nhiều địa phương ở Trung Quốc, Lào và Thái Lan; tổ chức thành công tuần lễ Hành lang kinh tế Đông Tây, thi bắn pháo hoa quốc tế... Hiện nay, thành phố đang hướng đến xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường và sự kiện. Với những hoạt động ấy, thành phố thu hút ngày càng nhiều dự án đầu tư. Tính đến cuối năm 2007, có 121 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn trên 1,711 tỉ USD. Trong đó, có 62 dự án đã đi vào hoạt động (chiếm 51,2% số dự án được cấp phép), nhiều dự án lớn đã và đang triển khai xây dựng như: Vina Capital 200 triệu USD, dự án Khu du lịch và giải trí quốc tế Silver Shore 86 triệu USD, dự án xây dựng khu chung cư của công ty DaeWon 30 triệu USD...

Chủ động hội nhập và tăng tốc phát triển là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản mà Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XIX xác định trong giai đoạn 2006 - 2010. Phát huy những kết quả đạt được, năm 2008 và những năm tiếp theo, thành phố tập trung vào 3 định hướng lớn, làm cơ sở xây dựng chương trình, đề án cụ thể và triển khai thực hiện theo từng giai đoạn phù hợp với nguồn lực và yêu cầu phát triển của thành phố:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa; phát huy dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, huy động mọi nguồn lực, nắm bắt thời cơ vượt qua thách thức, chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo đồng thuận cao trong xã hội.

Thứ hai, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo bước phát triển về công nghiệp, tập trung những ngành có hàm lượng khoa học - công nghệ cao; phát triển ngành hàng chủ lực. Bên cạnh đó, phát triển có tính đột phá các nhóm ngành dịch vụ: đào tạo, y tế, du lịch, tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; thương mại (đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, tập trung hình thành trung tâm bán buôn, xây dựng Đà Nẵng trở thành đầu mối trung chuyển, quá cảnh và giao thương hàng hóa - dịch vụ của miền Trung); chú trọng phát triển kinh tế biển, xây dựng cảng Đà Nẵng thành cảng trung chuyển hàng hóa quốc tế nhằm khai thác lợi thế tuyến hành lang Đông - Tây; phát triển các dịch vụ bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông, dịch vụ tư vấn, khoa học - công nghệ; y tế và giáo dục - đào tạo chất lượng cao..., xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày càng văn minh, hiện đại, tạo bước phát triển bứt phá, từng bước trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Thứ ba, tiếp tục chú trọng công tác quy hoạch, tập trung các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu đô thị mới gắn liền với mục tiêu tái định cư, ổn định đời sống nhân dân. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình lớn như: đường tránh phía tây thành phố, xây dựng ga hàng không quốc tế Đà Nẵng, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2, hiện đại hóa Trung tâm Bưu chính - Viễn thông, xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất, Đà Nẵng - Hội An..., tập trung nguồn lực thực hiện các chương trình thực hiện Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị, nhất là các chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải cách hành chính và chương trình "3 có" (có việc làm, có nhà ở, có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị), gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo đảm thành phố phát triển nhanh, bền vững.

Hội nhập và toàn cầu hóa kinh tế vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với thành phố. Một trong những yếu tố quyết định hiệu quả thu hút đầu tư của Đà Nẵng, là phải nâng cao tính cạnh tranh của địa phương, không chỉ trong khu vực mà trên cả bình diện quốc tế. Muốn làm được điều đó, bên cạnh việc thực hiện tốt Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, thành phố sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư khi đến với thành phố, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực chính sau đây:

1 - Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt thủ tục liên quan đến đầu tư, bảo đảm cơ chế "một cửa" hoạt động hiệu quả, rút ngắn thời gian và quy trình cấp phép đầu tư. Thành phố đã thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư trực thuộc ủy ban nhân dân thành phố. Đây là một trong những bước đi đầu tiên trong việc cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cho cơ quan xúc tiến đầu tư của thành phố.

2 - Tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng hỗ trợ đầu tư như cảng biển, sân bay, kho bãi, đất đai... đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Tăng cường các dịch vụ hỗ trợ đầu tư như phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, tăng cường cung cấp thông tin về môi trường đầu tư, các chính sách và lĩnh vực ưu đãi đầu tư của thành phố. Thường xuyên tổ chức đối thoại với các nhà đầu tư để lắng nghe ý kiến và kịp thời giải quyết các vướng mắc của các nhà đầu tư.

3 - Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, trong đó có việc lập văn phòng đại diện của thành phố ở một số thị trường trọng điểm để xúc tiến đầu tư, thành lập các khu công nghiệp dành cho các nhà đầu tư theo từng nước để thu hút đầu tư mạnh ở các đối tác trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

4 - Thành phố mạnh dạn áp dụng cơ chế đặc biệt đối với các dự án đầu tư lớn, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Bên cạnh đó, sàng lọc, lựa chọn các giải pháp công nghệ, các lĩnh vực đầu tư phù hợp với yêu cầu và quy hoạch phát triển, bảo đảm giữ gìn môi trường thành phố trong sạch và phát triển bền vững.

Từ những thành tựu và bài học kinh nghiệm, cùng với những lợi thế được thiên nhiên ưu đãi và quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ và nhân dân thành phố, nhất định Đà Nẵng sẽ tiếp tục tăng tốc, phát triển bền vững, giàu về kinh tế, phát triển về văn hóa, khoa học - kỹ thuật, đẹp về con người, cảnh quan, sạch về môi trường và mạnh về an ninh - quốc phòng, xứng đáng là vùng đất Anh hùng, thành phố động lực của miền Trung và cả nước.