TCCS - Lời Bộ Biên tập: Muốn phát triển kinh tế không thể thiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng gây ô nhiễm môi trường từ sản xuất đang trở thành mối đe dọa sức khỏe cộng đồng. Vậy, làm thế nào để vừa bảo vệ môi trường, vừa tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp? Đó là câu hỏi được nhiều doanh nghiệp và bạn đọc quan tâm.

*Hỏi: Những vấn đề về môi trường đối với các doanh nghiệp ở nước ta hiện nay?

Đáp: Có thể nói, doanh nghiệp Việt Nam đã có những đóng góp rất lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Song song với những đóng góp cho sự phát triển kinh tế, vấn đề ô nhiễm môi trường do các doanh nghiệp tạo ra cũng tăng lên đáng kể.

Thực tế hiện nay, tại các doanh nghiệp, có một số loại rác thải chính: một là rác thải dạng lỏng, hai là rác thải dạng khí và ba là rác thải nhẹ, chất thải rắn độc hại, trong đó có loại gây ra ô nhiễm môi trường dưới dạng tiếng ồn và rung.

Về nước thải:

Một số doanh nghiệp thuộc hạng gây ô nhiễm lớn có thể kể như: hóa chất, dệt, nhuộm, giấy, chế biến thực phẩm, đặc biệt là chế biến tinh bột, cao su, thuộc da, kim loại, các làng nghề... nhưng chưa có những biện pháp bảo vệ môi trường tốt. Cũng có một số doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải nhưng lại không vận hành hoặc vận hành cầm chừng. Việc này diễn ra trong nhiều doanh nghiệp và đây cũng là một hiện trạng cần phải khắc phục.

Về khí thải:

Thông thường, khí thải từ các công ty đưa ra dưới dạng đốt nhiên liệu và do điều kiện dây chuyền công nghệ của Việt Nam đa số đã cũ và lạc hậu cho nên thường thải vào môi trường vô số loại khí thải nguy hiểm đến cộng đồng. Nhưng khí thải không được các doanh nghiệp chú trọng xử lý như chất thải lỏng.

Về chất thải rắn độc hại:

Chất thải rắn độc hại cũng đang là vấn đề quan tâm lớn của toàn xã hội. Vừa qua, Tổng cục Môi trường đã cấp giấy phép vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại cho hơn 50 công ty khác nhau, trong đó có đến quá nửa số công ty chỉ chuyên về vận chuyển và chỉ có gần một nửa vừa vận chuyển vừa xử lý.

Cho nên trong thời gian tới, Tổng cục Môi trường sẽ hạn chế việc cấp phép cho các doanh nghiệp, và chỉ cấp phép cho các công ty hoặc các bệnh viện nào có thể vừa vận chuyển vừa xử lý rác thải.

Và trong chiến lược toàn quốc, Tổng cục Môi trường cũng đề nghị lãnh đạo Bộ, Chính phủ kêu gọi đầu tư xây dựng 3 nhà máy xử lý chất thải lớn ở 3 vùng là đồng bằng sông Hồng, miền Trung và miền Đông Nam Bộ để tập trung xử lý chất thải rắn và chất thải độc hại.

* Hỏi: Mức phạt mới được áp dụng theo Nghị định số 117/2009/NQ-CP đối với các hành vi vi phạm?

Đáp: Bắt đầu từ ngày 1-3, mức phạt mới theo Nghị định số 117/2009/NQ-CP về những hành vi vi phạm luật môi trường sẽ được áp dụng. Theo đó, mức phạt tối đa lên tới 500 triệu đồng cho một hành vi vi phạm hành chính.

Một điều mà rất nhiều người quan tâm, đó là các quy định về xả nước thải. Theo Nghị định này, ngoài cảnh cáo thì mức phạt nhẹ nhất là 100 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 10m3/ngày đêm.

Mức phạt cao nhất là từ 400 triệu đồng đến 500 triệu đồng cho các hành vi xả nước thải có chứa chất phóng xạ gây ô nhiễm môi trường vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phép.

Trong khi đó, mức phạt hành chính thấp nhất đối với vi phạm về thải khí, bụi là 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng cho hành vi thải mùi hôi thối, mùi khó chịu vào môi trường.

Hành vi thải khí, bụi vượt tiêu chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,5 lần sẽ bị phạt từ 1 triệu đồng đến 120 triệu đồng. Mức phạt tăng dần lên tới 500 triệu đồng trong trường hợp vi phạm thải khí, bụi có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phép.

Đối với các vi phạm về tiếng ồn, mức phạt thấp nhất là 2 triệu đồng và cao nhất là 100 triệu đồng. Mức phạt cao nhất áp dụng cho các hành vi gây tiếng ồn vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 1,5 lần trở lên trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau.

Vi phạm các quy định về độ rung, đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Mức phạt cao nhất dành cho các hành vi gây độ rung vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về độ rung trong thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau đối với khu vực cần có môi trường đặc biệt yên tĩnh, khu dân cư, khách sạn, nhà nghỉ, khu dân cư xen kẽ trong khu thương mại, dịch vụ và sản xuất.

Các hành vi gây ô nhiễm đất, nước hoặc không khí bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 500 triệu đồng.

Theo Nghị định này, ngoài việc nộp phạt hành chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung, từ tước quyền sử dụng đối với Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường; Giấy phép hành nghề vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại; Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và các loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề có nội dung liên quan về bảo vệ môi trường... và các biện pháp khắc phục hậu quả.

* Hỏi: Để được chứng nhận doanh nghiệp xanh, các đơn vị doanh nghiệp phải đạt những tiêu chí nào?

Đáp: Để được chứng nhận doanh nghiệp xanh, các đơn vị doanh nghiệp phải liệt kê một số thông tin sau: tên doanh nghiệp; giấy phép kinh doanh; địa chỉ liên hệ; người lãnh đạo; địa điểm hoạt động; ngành nghề hoạt động; quy mô hoạt động; các nguồn ô nhiễm phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... của doanh nghiệp; các chứng nhận về môi trường mà doanh nghiệp đạt được; các hình ảnh liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và công tác bảo vệ môi trường đã thực hiện.

Ngoài ra, để được chứng nhận doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí như có báo cáo sản xuất, kinh doanh kết hợp với bảo vệ môi trường; có xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; áp dụng các biện pháp cải tiến công nghệ sản xuất, sử dụng nguyên liệu sản xuất có lợi cho môi trường...