Tinh hoa nghệ thuật chạm khắc đá bảo vật quốc gia long sàng Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng
TCCS - Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt ở cố đô Hoa Lư. Không chỉ là nơi ghi dấu những giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo của dân tộc ta, nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật quý, có giá trị nghệ thuật, trong đó có hai hiện vật là long sàng trước Nghi môn ngoại và long sàng trước Bái đường đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Những nét hoa văn tinh tế, độc đáo trên hai hiện vật này cho thấy, các nghệ nhân xưa rất thành thục, sáng tạo trọng việc chạm khắc.
Dấu ấn nghệ thuật dân gian, cổ truyền
Long sàng được đặt trên trục Thần đạo (Nghi môn ngoại - Nghi môn nội - Bái đường) của đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng là đồ tự khí đặc biệt trong không gian thờ cúng để tưởng nhớ bậc đế vương, người có công lập ra nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở nước ta. Cách thức trang trí long sàng không giống bất kỳ một sập đá nào xưa nay. Cả hai long sàng đều được tạo tác từ đá nguyên khối, bề mặt hình chữ nhật có kích thước 2,3m2 và 2,6m2. Ở giữa là hoa văn hình rồng, xung quanh có gờ chỉ giữ nước mưa, như hàm ý về người đứng đầu quốc gia lớn lên từ nền văn minh lúa nước. Tuy nhiên, ở mỗi long sàng có sự khác biệt rõ rệt về họa tiết, hoa văn, phong cách và ẩn dụ nghệ thuật.
Hình rồng cuộn trên mặt long sàng trước Nghi môn ngoại mang đầy đủ các đặc trưng của rồng thời Lê - Trịnh, thân uốn kiểu yên ngựa, đầu to, bờm lớn ngược ra phía sau, mũi lớn, miệng ngậm viên châu, mép kéo dài vuốt thẳng, răng nanh sắc nhọn, sừng hai chạc, lông mày kiểu đao lửa, đuôi rồng vuốt về phía sau. Điểm độc đáo ở đây là hình rồng có nhiều chi tiết được nhân dạng hóa rất lạ. Cả 4 chi của rồng thay vì tạo hình chân móng vuốt chim ưng như truyền thống lại mang hình dáng cánh tay người, cánh tay nhỏ nhắn, thon dài, năm ngón búp măng mềm mại, nữ tính khiến người xem dễ liên tưởng đến thế tay của các vũ nữ trong mỹ thuật Chăm-pa, ảnh hưởng của mỹ thuật truyền thống Ấn Độ. Hai bàn tay ở vị trí chi trước nắm chặt sừng và bờm rồng. Hai chi sau, một chi được nhân dạng cánh tay thon mềm vít râu rồng, chi còn lại tạo tác chi rồng truyền thống nhưng xòe ngón đạp chơi vơi trong không trung. Cách tạo tác chi rồng thành cánh tay, bàn tay vũ nữ mềm mại như trên sập đá này là đồ án điêu khắc “có một không hai” trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Hiện tượng nhân dạng hóa ở các đồ án trang trí rồng Việt khá phổ biến trong mỹ thuật thế kỷ XVI, XVII, XVIII, nhưng tuyệt đại đa số là những cánh tay nam tính, chưa từng xuất hiện cánh tay nữ tính. Một hình ảnh hiếm thấy trong các đồ án trang trí hình rồng xưa nay là đồ án trang trí thân rồng đang vặn mình, ngửa bụng lên trời, giữa hai chi sau chạm khắc hình sư tử, tuy nhỏ nhưng sắc nét. Không giống các đồ án trang trí sư tử cách điệu thành linh vật trong mỹ thuật truyền thống Việt Nam và phương Đông, sư tử trên long sàng trước Nghi môn ngoại được chạm khắc chân thực, đúng với hình ảnh sư tử ngoài đời thực: bờm dày, ức nở, bụng thon, dáng vẻ uy phong nhưng không hung tợn, chân trước giơ lên như muốn đỡ lấy chân rồng. Sư tử trong mỹ thuật truyền thống Việt Nam và Trung Hoa mang tính ước lệ, khoa trương, không gần với thực tế. Trong mỹ thuật Chăm-pa sư tử hiện lên sinh động, gần gũi với hình ảnh thực hơn và đã có ảnh hưởng nhất định đến các đồ án trang trí mỹ thuật Việt Nam xuyên suốt từ thời Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê… Nhiều nghiên cứu về mỹ thuật truyền thống cho thấy, đồ án trang trí hình sư tử theo kiểu thức như trên bề mặt long sàng trước Nghi môn ngoại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng là đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam cho đến nay. Sự phối kết hợp đồ án rồng cuộn có nhân dạng độc đáo với duy nhất một con sư tử ở phía sau chân rồng, gửi gắm những hàm ý nghệ thuật sâu xa để các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu, giải mã.
So với long sàng trước Nghi môn ngoại, long sàng trước Bái đường có bề mặt tách rời với phần chân đế, cao và bề thế hơn. Long sàng đặt trước thềm tòa bái đường, hai bên có rồng tay ngai bằng đá vôi, phía trước là sân chầu, lát gạch cổ, trang trí hoa văn, xung quanh có tường bao bằng gạch xây hình kỷ hà. Sân chầu tượng trưng cho không gian thiết triều của hoàng đế, trong đó, long sàng là vị trí của vua Đinh Tiên Hoàng. Hình rồng, biểu trưng của nhà vua được chạm khắc ở vị trí trung tâm, bao xung quanh là đường diềm nhiều hoa văn. Sau cơn mưa, khi trời hửng nắng, ánh nắng rọi lên mặt long sàng, làm nổi lên từng đường nét chạm khắc tinh tế. Từ xa nhìn lại, rồng ẩn hiện trong ánh sáng lấp lánh của nước, cũng là ánh sáng mặt trời, dễ liên tưởng ở nơi này, đất trời giao hòa, soi chiếu lẫn nhau. Trời và đất như nhà vua và muôn dân đất Việt luôn bao chứa trong nhau, gắn bó và làm rạng rỡ cho nhau.
Rồng khoanh tròn trên mặt sập. Đầu rồng hướng về phía đông, nhìn lên đỉnh núi Mã Yên. Hai chi trước của rồng cũng được nhân dạng hóa mang hình dáng cánh tay và bàn tay người với cánh tay mập, nam tính, một bàn tay vít sừng rồng, một bàn tay nắm chặt bờm rồng. Hai chi sau chỉ có một chi vẫn giữ kiểu móng vuốt, còn một chi cũng được nhân dạng hóa hình bàn tay người, nhưng là bàn tay 6 ngón đang nắm giữ thân rồng. Kiểu thức thân rồng cuộn bốn góc vuông từng xuất hiện trên bia Cầu Lam (dựng năm thứ nhất niên hiệu Đoan Thái, đời vua Mạc Mậu Hợp, 1585, hiện đặt tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia); bia Lục diện ở Côn Sơn (Hải Dương). Nói chung kiểu rồng cuộn thời Mạc hay thời Lê, thời Nguyễn thì chân rồng thường đạp ra ngoài, khí thế hùng dũng. Nhưng ở hình rồng trên long sàng trước bái đường đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, ba trong bốn chi được nhân dạng hóa thành cánh tay người đều hướng vào trong, túm lấy sừng, bờm và vây rồng, làm mình rồng bị vặn xoắn, bụng ngửa lên trên. Đây là hình ảnh có một không hai trong nghệ thuật điêu khắc hình rồng, gợi mở nhiều liên tưởng nghệ thuật.
Nghệ thuật chạm khắc tinh xảo, độc đáo
Khác với đường diềm để trơn không trang trí trên bề mặt long sàng trước Nghi môn ngoại, đường diềm long sàng trước Bái đường xuất hiện nhiều họa tiết tỉa tót cầu kỳ, tinh xảo, với nhiều hình ảnh khác nhau, không theo quy tắc đối xứng như trong cách trang trí đường diềm truyền thống. Đường diềm phía trước là hình lưỡng long chầu nhật với đao mác vần vũ. Hai cạnh bên trang trí hình rồng ngoảnh đầu nhìn về phía đền thờ, phần thân rồng lúc ẩn lúc hiện. Diềm phía sau lại được trang trí hình những con vật dân dã, sống ở ruộng đồng, sông suối, đồi núi Việt Nam, những hình vẽ không đối xứng, không theo trật tự nào. Ở đoạn giữa đường diềm là hai con tôm giơ càng, vểnh râu trong tư thế đối đầu nhau. Phía bên trái là hình một con chim đang rỉa cánh, tiếp đến là chồn và chuột. Phía bên phải là hình ảnh hai con cá không giống nhau, một con cúi đầu, một con đang há miệng đớp tôm. Sự xuất hiện của những con vật bình thường trên sập rồng - đồ tế khí trọng yếu ở nơi tôn nghiêm là độc nhất vô nhị trong nghệ thuật tạo hình của người Việt, cho thấy quan niệm văn hóa của cha ông ta về sự gắn kết không thể tách rời giữa trời và đất, giữa nhà vua và muôn dân, giữa những điều cao quý và bình dị.
Qua phong cách nghệ thuật trang trí của hai long sàng trước Nghi môn ngoại và trước Bái đường có thể thấy, long sàng trước Nghi môn ngoại có hệ thống đồ án cung đình, chính thống, phù hợp với ý nghĩa tượng trưng cho vương quyền. Sập chạm khắc 3 con rồng, 4 dạ xoa, 2 thao thiết; 1 phô thủ; 1 sư tử, đều chuẩn mực. Nhưng đến cuối thế kỷ XVII, trước những biến động xã hội to lớn và sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa làng, long sàng trước Bái đường đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng đã mang màu sắc thế tục rõ nét, với các hình tôm, cá, chồn, chuột, chim đậm chất dân gian, bông lơn, hài hước.
Kết hợp với các dữ kiện lịch sử liên quan đến việc trùng tu, tôn tạo đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng được ghi tại văn bia Tiền triều Đinh Tiên Hoàng đế miếu công đức bi ký tịnh minh (1608) và Tiền triều Đinh Tiên Hoàng đế công đức tăng tu điện miếu bi ký (1969), bước đầu có thể khẳng định, long sàng trước Nghi môn ngoại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng do triều đình phong kiến Lê - Trịnh tạo tác, làm đồ tế khí tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng từ đầu thế kỷ XVII, thời Lê Trung Hưng, niên hiệu Hoằng Định thứ 9, năm 1608; long sàng trước Bái đường do nhân dân Trường Yên tạo tác và đặt trước Bái đường đền thờ vua Đinh từ cuối thế kỷ XVII, lần trùng tu năm Bính Tý, niên hiệu Chính Hòa thứ 17, năm 1696. Về chất liệu, cả hai long sàng được tạo tác từ đá vôi nguyên khối, trong đó, long sàng trước Bái đường có tuổi địa chất khoảng 300 triệu năm, long sàng trước Nghi môn ngoại có tuổi địa chất khoảng 260 triệu năm cách ngày nay.
Qua so sánh niên đại và phong cách trang trí các long sàng, bước đầu nhận định, mỗi ngôi đền thờ vua chỉ có một bộ sập đá. Trải qua quá trình cải tạo, mở rộng không gian thờ cúng, người xưa đưa long sàng cũ ra phía ngoài, thay thế bằng bộ long sàng mới bề thế hơn. Theo đồ án trang trí, chất liệu, niên đại của các long sàng và các hiện vật liên quan cũng có thể nhận định, long sàng trước Nghi môn ngoại cùng với hai nghê đá hai bên Nghi môn ngoại và hai rồng tay ngai trong hậu cung đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng là cùng một bộ tế khí, vốn được đặt ở vị trí bộ long sàng trước Bái đường đền vua Đinh hiện nay. Lần trùng tu năm Bính Tý niên hiệu Chính Hòa thứ 17 (1696), long sàng cũ cùng với hai nghê chầu đã được chuyển ra vị trí trước nghi môn ngoại như hiện tại. Cả 2 long sàng là hiện vật độc bản được lưu giữ từ khi tạo tác đến nay tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng.
Đây không chỉ là hiện vật tiêu biểu cho đồ trọng khí trong không gian thờ cúng của người Việt, biểu trưng cho vương quyền của triều đình phong kiến trung ương tập quyền đầy đủ đầu tiên ở nước ta mà còn là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc có một không hai ở Việt Nam với nghệ thuật trang trí nhiều ý niệm, giàu chất nhân văn, ẩn chứa nhiều thông điệp bí ẩn, có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, cho thấy sự tiếp thu, tiếp biến tinh hoa văn hóa của các nền văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ và khúc xạ của văn hóa Chămpa, cho thấy tài nghệ, sự khéo léo và tinh tế của người thợ đá.
Tháng 12-2017, long sàng trước Bái đường và long sàng trước Nghi môn ngoại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là bảo vật quốc gia, khẳng định giá trị trường tồn của di sản văn hóa vật thể vùng đất cố đô. Bên cạnh long sàng đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, Cột kinh phật chùa Nhất trụ, cố đô Hoa Lư hiện còn lưu giữ rất nhiều hiện vật có giá trị, xứng đáng là đồ trọng khí hàng quốc bảo cần tiếp tục được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị./.
Phát triển du lịch văn hóa tỉnh Ninh Bình, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân vùng di sản  (15/09/2024)
Phát huy giá trị các di sản văn hóa, thiên nhiên thành nguồn lực, trụ cột và động lực quan trọng để tỉnh Ninh Bình phát triển bền vững  (10/06/2024)
Tỉnh Ninh Bình khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội tương xứng với tiềm năng, lợi thế  (04/02/2024)
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên
- Thành ủy Hải Phòng và Tạp chí Cộng sản ký kết Chương trình phối hợp nghiên cứu, tuyên truyền về xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn với con người xã hội chủ nghĩa tại thành phố Hải Phòng
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm