TCCSĐT - Hơn một năm sau vụ “Hồ sơ Panama”, thế giới lại chấn động bởi vụ rò rỉ “Hồ sơ Paradise” (Paradise Papers). Các tài liệu tiếp tục phanh phui những câu chuyện về các tài khoản giữ tiền của những tập đoàn lớn, những người nổi tiếng, giàu có nhất thế giới tại nước ngoài - nơi mà hầu hết chính phủ các nước không thể “can thiệp”. Ngay lập tức, các nhân vật nổi tiếng và tập đoàn lớn đã lên tiếng phủ nhận mọi cáo buộc.

Những dư chấn xung quanh vụ rò rỉ “Hồ sơ Paradise”

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: Finacial Post

Ngày 05-11-2017, truyền thông nhiều nước đồng loạt đưa tin về một vụ rò rỉ hồ sơ tài chính được gọi là “Hồ sơ Paradise”. Hồ sơ tài chính này đã tiết lộ về hoạt động tài chính như các khoản đầu tư gây tranh cãi và trốn thuế của nhiều nhân vật giàu có quyền lực bậc nhất và các tập đoàn nổi tiếng trên thế giới. Hơn 120 chính khách đến từ khoảng 50 quốc gia, những mạng xã hội hàng đầu như Twitter, Facebook, hay các tập đoàn đa quốc gia như Nike, Apple, Uber đều có tên trong hồ sơ Paradise.

Hãng Reuters (Anh) dẫn hồ sơ rò rỉ cho biết, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, cũng là một tỷ phú đầu tư, nắm giữ 31% cổ phần của tập đoàn Navigator Holdings thông qua một mạng lưới đầu tư phức tạp. Theo đó, Navigator Holdings có quan hệ đối tác làm ăn với tập đoàn năng lượng Sibur của Nga. Trong khi đó, tờ Guardian (Anh) đưa tin khu điền trang Duchy of Lancaster của Nữ hoàng Elizabeth II đã đầu tư hàng triệu bảng Anh vào một quỹ đầu tư trên Đảo Cayman. Báo trên cho biết, điền trang này đã sử dụng các quỹ đầu tư tư nhân nước ngoài thường được giới đầu tư Anh sử dụng để trốn thuế. Tỷ phú trẻ nhất nước Anh Hugh Grosvenor cũng vướng nghi án trốn thuế. Ngày 06-11, Apple là cái tên tiếp theo vướng nghi án trốn thuế khi các tiết lộ thông tin cho thấy Apple đã chuyển phần lớn tài sản có được từ hoạt động của các chi nhánh nước ngoài về một “thiên đường trốn thuế” ở quần đảo Channel thuộc Anh...

“Hồ sơ Paradise” gồm khoảng 13,4 triệu tài liệu văn bản bao gồm dữ liệu từ năm 1950 đến năm 2016, chủ yếu đến từ Appleby, một công ty luật có văn phòng tại Bermuda và một số địa điểm khác, chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý về tài khoản ở nước ngoài và hai công ty luật Estera và Asiaciti Trust. “Hồ sơ Paradise” còn bao gồm nhiều thông tin từ 19 cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh tại Antigua và Barbuda, Aruba, Bahamas, Bardados, Bermuada, quần đảo Cayman, đảo Cook, Dominica, Grenada, Labuan, Lebanon, Malta, quần đảo Marshall, St Kitts and Nevis, St Lucia, St Vincent, Samoa, Trinidad và Tobago, Vanuatu. Đây là những khu vực thẩm quyền tài phán bí mật, tức là có rất ít hoặc không có trách nhiệm về thuế.

Tổng lượng dữ liệu trong vụ “Hồ sơ Paradise” lên tới 1,4 TB. Con số này ít hơn mức 2,6 TB dữ liệu của vụ “Hồ sơ Panama”, nhưng lớn hơn tất cả dữ liệu của các vụ rò rỉ thông tin khác như vụ WikiLeaks năm 2010 (1,7 GB), vụ Bí mật các tài khoản hải ngoại năm 2013 (260 GB), vụ hồ sơ thuế Luxembourg năm 2014 (4,4 GB) và vụ hồ sơ HSBC năm 2015 (3,3 GB). Số tài liệu này ban đầu được báo Đức Suddeutsche Zeitung nắm được và sau đó chia sẻ với ICIJ và các đơn vị truyền thông đối tác lớn như Guardian, BBC và New York Times. Tuy nhiên, nguồn rò rỉ kho tài liệu “Hồ sơ Paradise” không được tiết lộ. “Hồ sơ Paradise” do 381 nhà báo từ 67 quốc gia phân tích. ICIJ là một trong những cái tên đứng đằng sau vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” gây chấn động thế giới hồi năm 2016 khi tiết lộ những bí mật của giới nhà giàu trên toàn thế giới. Khoảng 11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ của công ty luật Mossack Fonseca ở Panama ghi lại hoạt động của công ty trong suốt 40 năm (từ năm 1975) giúp hàng nghìn người và nhiều doanh nghiệp trốn thuế.

“Thiên đường thuế” là cách gọi về một khu vực mà mặt pháp lý mức thuế được ấn định rất thấp hoặc miễn hoàn toàn. Tài sản cất giữ ở các “thiên đường thuế” là một vấn đề nan giải đối với các chính phủ trên thế giới trong nhiều năm trở lại đây. Giới chuyên gia cho rằng, lượng tài sản cất giữ ở nước ngoài trên thế giới hiện lên đến 10.000 tỷ USD.

Cuộc gặp tái định hình quan hệ Mỹ - Trung

 
 Tổng thống Mỹ D. Trump thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc. Ảnh: CNN

Từ ngày 08 đến 10-11-2017, Tổng thống Mỹ D. Trump thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc. Với chuyến thăm này, Tổng thống D. Trump là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên tới Trung Quốc kể từ sau Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo đó, cuộc hội đàm ngày 09-11 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ D. Trump tại Bắc Kinh được đánh giá là mang tính xây dựng khi hai bên cùng bày tỏ quan điểm hợp tác để giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quan hệ song phương cũng như các vấn đề quốc tế.

Trước đó, chặng dừng chân ở Bắc Kinh từng được dự báo là “sóng gió” nhất đối với Tổng thống Mỹ D. Trump trong chuyến công du châu Á - Thái Bình Dương lần này, bởi lâu nay, Mỹ và Trung Quốc vốn mâu thuẫn trong nhiều vấn đề, từ thương mại, tiền tệ, an ninh mạng, hoạt động quân sự tới quan điểm trong nhiều vấn đề quốc tế nóng bỏng, luôn trong thế cạnh tranh và tranh giành ảnh hưởng tại nhiều khu vực chiến lược trên thế giới. Riêng vấn đề thâm hụt thương mại với Trung Quốc được coi là mối quan ngại lớn nhất đối với Tổng thống D. Trump nói riêng và nền kinh tế Mỹ nói chung, nhất là trong bối cảnh Tổng thống Mỹ đắc cử 1 năm trước với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” và cam kết giành lại sự công bằng trong thương mại cho nước Mỹ. Mức thâm hụt thương mại Mỹ - Trung năm 2016 lên tới 347 tỷ USD, dù giảm từ con số hơn 367 tỷ USD năm 2015, vẫn luôn là chủ đề chỉ trích của Washington bởi cho rằng, Bắc Kinh cố tình kìm giá đồng Nhân dân tệ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc, qua đó tạo ra một môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, việc Tổng thống D. Trump là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên thăm Trung Quốc ngay sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức thành công Đại hội XIX cho thấy, cả Bắc Kinh và Washington đều coi trọng việc duy trì đối thoại giữa hai cường quốc, cũng như không muốn những mâu thuẫn hiện nay leo thang khiến quan hệ song phương thêm căng thẳng. Bởi vậy, cuộc gặp lần thứ 3 của hai nhà lãnh đạo trong năm 2017 cũng là kết quả của nhiều cuộc đối thoại song phương về một loạt vấn đề từ thương mại và an ninh đến văn hóa và thực thi pháp luật nhằm tìm kiếm “tiếng nói chung” được cả hai bên chấp nhận. Tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc hội đàm khẳng định, Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Washington trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, mang lại lợi ích chung và tập trung vào hợp tác và giải quyết các khác biệt, đồng thời nhấn mạnh hợp tác là “lựa chọn đúng đắn duy nhất” cho cả hai nước, cũng cho thấy thiện chí của hai bên nhằm duy trì mối quan hệ tốt đẹp. Trong khi đó, Tổng thống D. Trump dường như cũng có động thái “xoa dịu” khi tuyên bố “không đổ lỗi” cho Bắc Kinh về tình trạng thương mại “một chiều và không công bằng” giữa Mỹ với Trung Quốc hiện nay, mà chỉ hối thúc Bắc Kinh hành động mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy tiếp cận thị trường, chuyển giao công nghệ và ngăn chặn tình trạng đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh vấn đề thương mại, việc Mỹ và Trung Quốc tái khẳng định cam kết mạnh mẽ nhằm đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, đồng thời cam kết giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên thông qua đối thoại cũng có thể coi là tín hiệu tích cực, bởi lâu nay hai nước vẫn có cách tiếp cận khác nhau trong vấn đề này. Dù theo đuổi những mục tiêu khác nhau trong vấn đề Triều Tiên, song việc Mỹ - Trung nhất trí phối hợp trong “hồ sơ nóng” được cho là những cố gắng nhằm tránh những “kịch bản” bất lợi có thể đẩy an ninh và ổn định tại khu vực Đông Bắc Á vào tình thế nguy hiểm.

Quan hệ giữa hai nước được cho là đang ở “điểm khởi đầu lịch sử mới”, những gì thể hiện trong chuyến thăm này cho thấy, Trung Quốc và Mỹ vẫn đang duy trì mức độ hợp tác nhất định trên cơ sở bảo đảm được lợi ích của cả hai. Với tư cách là hai cường quốc, hai ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có vai trò hết sức quan trọng trên trường quốc tế, hai bên cũng ý thức rằng, sự phối hợp hành động giữa Mỹ và Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt. Việc duy trì đối thoại tích cực và hợp tác, tránh đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ trong bối cảnh hiện nay tiếp tục là hướng đi đúng không chỉ có lợi cho cả hai nước mà còn có lợi cho tình hình quốc tế nói chung.

CPTPP mở ra cơ hội mới về hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương

 
 Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: TTXVN

Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thay cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được các Bộ trưởng Kinh tế của 11 nước thành viên nhất trí thông qua ngày 11-11, được đánh giá là phiên bản tiến bộ hơn của TPP.

Những điểm mới của CPTPP là thúc đẩy kinh tế khu vực, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên, tạo cơ hội mới cho người lao động, các hộ gia đình, nông dân, thương nhân và người tiêu dùng.

TPP ban đầu bao gồm các thành viên Canada, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Australia, Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam, được hình thành với mục tiêu chính là xóa bỏ các loại thuế quan và rào cản hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Ngoài ra, TPP cũng thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này, như: sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, hay an toàn lao động…

Quá trình đàm phán TPP được khởi động từ tháng 3-2010. Sau 5 năm đàm phán, TPP đã hoàn tất vào tháng 10-2015 tại hội nghị diễn ra ở thành phố Atlanta, Mỹ và chỉ sau đó 1 tháng, toàn văn hiệp định đã được công bố. Ngày 04-02-2016, tại thành phố Auckland, New Zealand, Bộ trưởng Thương mại và Kinh tế của 12 nước thành viên đã chính thức ký kết hiệp định TPP. Sau đó, thỏa thuận này bước vào giai đoạn 2 năm chờ đợi Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn.

Tuy nhiên, TPP đã vấp phải rào cản tại Mỹ. Nếu như ban đầu, thỏa thuận TPP dưới thời của Tổng thống B. Obama đã từng được mô tả là một “tiêu chuẩn vàng” cho mọi thỏa thuận tự do thương mại thì với Tổng thống D. Trump, hiệp định đa phương này làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người Mỹ và ông D. Trump nhấn mạnh, Washington sẽ tiến hành đàm phán các hiệp định thương mại song phương. Bởi vậy mà ngay sau khi nhậm chức vào tháng 01-2017, Tổng thống D. Trump đã tuyên bố rút khỏi TPP.

Trước việc Mỹ rút lui khỏi TPP, thời gian qua, 11 nước thành viên còn lại đã rất nỗ lực nhằm khôi phục hiệp định trên thông qua các vòng đàm phán. Cụ thể, từ tháng 5-2017, các bộ trưởng kinh tế và thương mại của 11 nước thành viên còn lại đã bắt đầu tiến hành đàm phán để thúc đẩy thỏa thuận, qua đó tái khẳng định về ý nghĩa mang tính chiến lược cũng như kinh tế của TPP-11 (không có Mỹ). Từ đó đến nay, các thành viên TPP-11 đã tiến hành 4 vòng đàm phán và thống nhất nội dung quan trọng của TPP-11.

Tại Tuần lễ Cấp cao APEC được tổ chức ở Đà Nẵng (tháng 11-2017), các bộ trưởng phụ trách kinh tế của 11 nước thành viên TPP đã rất nỗ lực để thảo luận về việc sớm đưa TPP vào thực thi trong tình hình mới. Những nỗ lực này đã mang lại kết quả khả quan. Cụ thể, các nước TPP đã thống nhất các yếu tố cốt lõi và sửa tên TPP thành CPTPP. Theo đó, giữ nguyên các nội dung của Hiệp định TPP cũ, nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số lượng hạn chế nghĩa vụ của mình. Hiệp định mới sẽ treo 20 điều khoản của thỏa thuận TPP ban đầu, trong đó có 10 điều liên quan tới sở hữu trí tuệ. Ngoài ra còn 4 điểm được để riêng để các bên đàm phán thống nhất trong thời gian tới.

Như vậy, TPP đã chính thức sang trang mới với tên gọi CPTPP. “Tên gọi mới khi Mỹ rút thì tên cũng sẽ phải khác đi. Chúng tôi đã thảo luận nhiều về tên. Câu chuyện không chỉ thương mại mà còn đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều vấn đề, nguyên tắc khác”, Bộ trưởng Bộ Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi giải thích. Việc các bộ trưởng quyết định đóng băng hay treo một số điều khoản của thỏa thuận được đánh giá là biện pháp tối ưu cho các nước vào lúc này để có thể tiếp tục triển khai thỏa thuận, trong khi vẫn còn hy vọng Mỹ có thể trở lại vào tương lai. Các bộ trưởng nhất trí rằng, Hiệp định CPTPP là một hiệp định toàn diện và quy chuẩn cao trên cơ sở cân bằng các lợi ích của các nước thành viên có tính đến trình độ phát triển của các nước.

Có thể nói, kết quả đạt được đã thể hiện nỗ lực rất lớn của 11 nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, tạo thuận lợi cho phát triển thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực. Đồng thời cũng là những nỗ lực của các quốc gia trong việc tiếp tục mở cửa và thực hiện hội nhập có hiệu quả với thế giới.

Hướng tới các mục tiêu Bogor vào năm 2020

 
 Hội nghị lần thứ 25 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC. Ảnh: TTXVN

Hội nghị lần thứ 25 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC ngày 11-11 đã thông qua Tuyên bố Đà Nẵng “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.

Hội nghị APEC 25 đã được các nhà lãnh đạo và trưởng đoàn 21 nền kinh tế thành viên APEC, cùng khách mời là Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) C. Lagarde cùng nhau bàn thảo những vấn đề quan trọng. Sau một thời gian làm việc hiệu quả, APEC 25 đã thông qua Tuyên bố Đà Nẵng về tạo động lực mới vun đắp tương lai chung. Đây là kết quả quan trọng nhất của Hội nghị cấp cao APEC và Năm APEC 2017. Theo đó, 5 nội dung chính được thông qua, đó là: Thứ nhất, thông qua Kế hoạch hành động APEC về thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội nhằm khẳng định quyết tâm của các nền kinh tế thành viên hướng tới xây dựng cộng đồng APEC phát triển bao trùm và tự cường.

Thứ hai, để nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh và năng suất lao động của các nền kinh tế APEC, yêu cầu cấp bách đặt ra là tăng cường chất lượng giáo dục, trang bị cho người lao động những kiến thức, kỹ năng cần thiết để thích ứng tốt hơn với môi trường việc làm và thị trường lao động đang thay đổi căn bản bởi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhận thức sâu sắc về điều đó, Hội nghị đã thông qua Khuôn khổ Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.

Thứ ba, nhằm tạo những động lực mới cho tăng trưởng bền vững và bao trùm, Hội nghị đã dành nhiều thời gian thảo luận về các chính sách và biện pháp chiến lược nhằm phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, xanh, bền vững và sáng tạo; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường an ninh lương thực - nước - năng lượng, phát triển nông thôn và đô thị; cải cách cơ cấu; nâng cao năng lực; giảm thiểu rủi ro thiên tai; tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ; phát triển du lịch bền vững. Việc triển khai những khuôn khổ hợp tác dài hạn của APEC trong những lĩnh vực này được cho là sẽ góp phần củng cố vai trò của Diễn đàn, là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu của khu vực và đi đầu với các nỗ lực toàn cầu về phát triển bền vững, như các mục tiêu chung cần đạt được vào năm 2030 mà Liên hợp quốc đã đề ra.

Thứ tư, thúc đẩy thương mại, đầu tư tự do và mở ở châu Á - Thái Bình Dương là sứ mệnh của các nền kinh tế APEC. Để APEC tiếp tục là động lực thúc đẩy liên kết, kết nối khu vực, góp phần để khu vực châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, Hội nghị tái khẳng định cam kết hoàn tất thực hiện các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư; thúc đẩy thuận lợi hóa đầu tư, kinh doanh và dịch vụ; tăng cường hợp tác kinh tế - kỹ thuật; tiếp tục nỗ lực hướng tới hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).

Thứ năm, để nâng cao vai trò và vị thế của APEC trong cục diện quốc tế đa tầng nấc, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC hoan nghênh việc thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC nhằm hỗ trợ các quan chức cao cấp trong việc xác định hướng đi và tương lai của Diễn đàn sau năm 2020. Đó là một Diễn đàn tự cường, có năng lực xử lý các thách thức toàn cầu cũng như khả năng thích ứng cao với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Với những kết quả nổi bật trên, Năm APEC 2017 đã khép lại với thành công tốt đẹp, góp phần khẳng định vai trò quan trọng của Diễn đàn trong sự phát triển năng động của khu vực châu Á - Thái Bình Dương./.