Xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả theo tư tưởng Hồ Chí Minh
TCCS - Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là anh hùng giải phóng dân tộc mà còn là nhà kiến tạo vĩ đại. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Người tuyên bố: “Công việc phá hoại xong rồi. Nay bước đầu công việc dọn dẹp, sắp đặt, giữ gìn, kiến thiết”(1) và việc đầu tiên phải kiến thiết là xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân, một nền hành chính phục vụ nhân dân. Điều cần nói là, ngay từ khi bắt tay vào việc tạo dựng chính thể mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hướng tới mô hình chính quyền tinh gọn, hiệu quả và việc chấn chỉnh biên chế đã được Người sớm đặt ra.
Cùng với thời gian và do nhiều lý do, hệ thống công quyền ở nước ta ngày càng trở nên cồng kềnh, kém hiệu quả. Yêu cầu đổi mới nói chung và cải cách hành chính nói riêng đòi hỏi chúng ta phải tinh lọc, sắp xếp lại bộ máy nhà nước và cả hệ thống chính trị. Muốn đạt mục tiêu đó, chúng ta phải tìm trong di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh sự khích lệ về tinh thần cũng như sự chỉ dẫn về phương hướng hành động.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả
Với quan điểm bộ máy nhà nước là công cụ hữu hiệu để phục vụ nhân dân chứ không phải là gánh nặng cho nhân dân, ngoài đặc tính cách mạng, nhân văn và pháp lý, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến tính hiệu quả, tinh gọn của bộ máy hành chính nhà nước.
Thứ nhất, xác định tiêu chí của một bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả làm căn cứ cho công tác thực tiễn.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết đó phải là bộ máy ít bộ - ngành, ít tầng nấc trung gian, ít cán bộ nhưng vẫn thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu luôn hết sức gọn nhẹ. Ủy ban giải phóng dân tộc để lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám chỉ gồm 15 thành viên; Chính phủ cách mạng lâm thời sau Cách mạng Tháng Tám vẫn gồm 15 thành viên với 13 bộ; Chính phủ liên hiệp kháng chiến năm 1946 chỉ gồm 12 thành viên và 10 bộ. Trả lời câu hỏi của các phóng viên, vì sao công việc bộn bề mà chính phủ liên hiệp chỉ có 10 bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Vì nước mình nhỏ nên không cần nhiều bộ”(2). Song song với việc thiết lập bộ máy hành chính Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo xây dựng ủy ban nhân dân các cấp theo phương châm gọn nhẹ về tổ chức, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ. Người nói rõ: “ủy ban nhân dân (làng, huyện, tỉnh, thành phố) là hình thức Chính phủ trong các địa phương... ủy ban có từ 5 đến 7 người”(3). Luôn đề cao nguyên tắc tinh gọn, Ban thanh tra đặc biệt - tiền thân của Ban Thanh tra Chính phủ hiện nay - do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập vào tháng 11-1945 cũng chỉ gồm 2 người là cụ Bùi Bằng Đoàn và người thanh niên trẻ Cù Huy Cận; bộ phận giúp việc trực tiếp của Người trong kháng chiến chống Pháp chỉ có 8 người và sau năm 1954 cũng chỉ có hơn 10 người.
Ngoài đặc tính “ít mà tốt”, tính hiệu quả của bộ máy hành chính còn thể hiện ở khả năng tương tác giữa các bộ phận chức năng sao cho giữa họ vừa có sự phân định nhiệm vụ rõ ràng, vừa có sự phối hợp “ăn ý”. Với tư duy khoa học và lòng tôn trọng mỗi con người, mỗi công việc trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tất cả mọi người, bất kỳ ở một chức vụ nào, cao hay thấp, to hay nhỏ, tất cả mọi người làm thành một bộ máy. Thiếu một người nào hay có một người không làm tròn nhiệm vụ là hỏng cả”(4). Tinh gọn tức là không có ai thừa ra trong bộ máy đó, đồng bộ tức là hoạt động của một người, một bộ phận sẽ tác động đến sự vận hành của cả một bộ máy, hiệu quả tức là ít người mà làm được nhiều việc - đó là quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả.
Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm đặt ra yêu cầu phải chấn chỉnh biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính.
Với óc quan sát tinh nhạy, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận ra các biểu hiện đi ngược lại tiêu chí về bộ máy tinh gọn mà mình đã đặt ra. Vì thế, vào tháng 8-1951 - thời điểm mà bộ máy hành chính của ta nhìn chung còn nhỏ gọn, cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở giai đoạn ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố chủ trương “Thực hành chấn chỉnh biên chế, để bớt sự đóng góp cho dân và thêm lực lượng vào công việc tăng gia sản xuất”(5). Năm 1952, nói chuyện với cán bộ quân nhu, Người chính thức đưa ra khái niệm tinh giản bộ máy. Người nói: “Nói chung, các cơ quan đều phải tiết kiệm. Riêng cơ quan cung cấp tổ chức còn kềnh càng, thừa người, phải sắp xếp cho gọn gàng, hợp lý, mọi người đều có công việc thiết thực, những người thừa phải đưa đi chỗ thiếu, những người ở lại phải thi đua nâng cao năng suất của mình. Thế là tinh giản, tinh là đưa năng suất lên cao, làm cho mau cho tốt, giản là vừa phải, không kềnh càng, tránh hình thức”(6). Người nói rõ việc tinh gọn phải diễn ra trong toàn hệ thống chính trị chứ không chỉ trong các cơ quan hành chính: “Các cơ quan chính quyền và đoàn thể, các cơ quan kinh tế và các ủy ban, cần phải nâng cao năng suất, giảm bớt số người (tinh giản)... Vô luận thế nào cũng phải tìm đủ cách để biên chế các cơ quan lại”(7).
Như vậy, vấn đề giảm biên chế đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra một cách quyết liệt với mục tiêu không chỉ “cắt bỏ cơ học” lao động dôi dư mà còn là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Người nhìn nhận tác dụng của công tác giảm biên không chỉ ở góc độ kinh tế mà còn ở góc độ văn hóa và đạo đức khi nó buộc cán bộ phải hoàn thiện mình về mọi mặt, phải nâng mình ngang tầm nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu của tổ chức, mong muốn của nhân dân.
Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra hệ thống giải pháp hữu hiệu để xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả.
Theo phương châm “muốn lúa tốt phải diệt cỏ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tìm cách nâng cao tính tích cực của nhân tố con người và triệt tiêu những nguyên nhân làm nảy sinh những vấn đề tiêu cực trong công tác cán bộ. Cụ thể là:
Đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức công vụ, nâng cao quyết tâm sửa đổi lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức: Để có một bộ máy hành chính thực sự tinh gọn, hiệu quả, công tác tuyên truyền của Đảng và Nhà nước phải làm cho đội ngũ cán bộ, công chức ý thức sâu sắc về vai trò người đầy tớ và bổn phận phải hoàn thành tốt công việc của mình. Người luôn nhắc nhở cán bộ: “Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”(8). Khi cán bộ công chức có đạo đức cách mạng, có kỷ luật lao động, có phương pháp làm việc tốt thì một người có thể làm công việc của hai người, một ngày có thể hoàn thành công việc của hai ngày, tức là tính hiệu quả của bộ máy hành chính sẽ được nâng lên.
Tổ chức bộ máy một cách khoa học, sử dụng nhân lực hiệu quả: Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng sự cồng kềnh của bộ máy công quyền nhiều khi là do cán bộ làm việc luộm thuộm, “thiếu óc tổ chức”. Vì thế, Người yêu cầu: “Tổ chức phải gọn gàng. Nhiệm vụ của mỗi bộ phận, mỗi người phải quy định rõ ràng. Các cấp và các cán bộ lãnh đạo phải giúp đỡ và đôn đốc thường xuyên, phải kiểm tra chặt chẽ”(9). Đặc biệt, người lãnh đạo phải biết “dụng nhân như dụng mộc”, tức là biết loại bỏ cán bộ hư hỏng như người thợ lành nghề biết loại bỏ gỗ mục, biết đặt con người vào đúng sở trường, biết kết hợp các loại cán bộ để họ bổ trợ cho nhau. Khi người lãnh đạo biết đặt người lao động vào vị trí “đắc địa” và biết động viên họ tự giác làm việc thì bộ máy dù gọn nhẹ nhưng vẫn hoạt động hiệu quả.
Đẩy lùi căn bệnh tư túng, bè phái, địa phương chủ nghĩa của đội ngũ cán bộ có chức, có quyền: Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, bộ máy hành chính “phình to” chủ yếu là do một số cán bộ có chức, có quyền đã tìm mọi cách “đem người tư làm việc công”(10). Căn bệnh địa phương chủ nghĩa cũng gây khó khăn cho công tác cán bộ vì cán bộ mắc căn bệnh này chỉ chăm chú đến lợi ích của địa phương mình. Tùy hoàn cảnh mà họ muốn giữ lại cán bộ tốt cho địa phương mình hoặc không chịu tinh giản biên chế ở đơn vị mình, gây cản trở cho sự điều tiết cán bộ trong toàn hệ thống. Nếu không đẩy lùi những căn bệnh này trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo thì bộ máy hành chính sẽ ngày càng đông mà không mạnh.
Sử dụng đội ngũ trí thức làm công tác tư vấn về những vấn đề mà họ am tường: Nhờ chủ trương đúng đắn này mà Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu tuy gọn nhẹ mà làm được rất nhiều việc. Đến mức, trước thành tựu của công tác lập pháp sau Cách mạng Tháng Tám, một số nhà nghiên cứu nước ngoài đặt câu hỏi: “tại sao một chính quyền của những người mới ở tù và mới ở trong rừng ra mà lại có thể sản sinh ra được một khối lượng khổng lồ những văn bản pháp luật, mà xét về chất lượng thì cũng không đến nỗi thua kém trình độ chung của thế giới lúc đó”(11). Sự kỳ lạ đó được lý giải bởi sự giúp đỡ, tư vấn của các chuyên gia về luật pháp. Điều tương tự cũng diễn ra ở mọi lĩnh vực khác của đời sống đất nước.
Phát huy vai trò của cơ quan Thanh tra Chính phủ: Cho rằng cơ quan thanh tra là bộ phận không thể thiếu trong bộ máy Chính phủ, nhiệm vụ của thanh tra không chỉ là chống tham ô, lãng phí mà còn chống quan liêu - căn bệnh làm cho bộ máy hành chính trở nên cồng kềnh, yếu kém, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho Ban Thanh tra quy chế đặc biệt là “tiên hành, hậu thuyết”, tức là có quyền “đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong ủy ban nhân dân hay của Chính phủ đã phạm lỗi rồi báo cáo Hội đồng Chính phủ sau”(12). Với quan điểm cán bộ thanh tra phải như cái gương cho người ta soi mặt. Gương mờ thì không soi được, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn những con người nổi tiếng chính trực, liêm khiết, như cụ Bùi Bằng Đoàn, Tôn Đức Thắng, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Lương Bằng vào chức vụ Trưởng ban Thanh tra Chính phủ. Người còn yêu cầu lãnh đạo các cấp tuyệt đối không được thao túng công tác thanh tra mà phải hợp tác để cán bộ thanh tra hoàn thành chức trách của mình. Nhờ đó, những căn bệnh “cố hữu” của Nhà nước phần nào được ngăn chặn.
Như vậy, khi bộ máy hành chính ở nước ta vẫn trong giai đoạn phải bổ sung và phát triển, khi đội ngũ cán bộ vẫn còn ít về số lượng và khá tốt về đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy nguy cơ “phình đại” của bộ máy hành chính quan liêu. Tiên lượng rõ cái thừa khi đang còn thiếu, cái xấu khi đang còn tốt, tìm ra cách thức ngăn chặn những căn bệnh còn trong giai đoạn manh nha... tất cả đã thể hiện tầm nhìn sâu rộng, sự nhạy cảm chính trị, tính quyết đoán trong công tác tổ chức và tấm lòng vì dân, vì nước của Người.
Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào việc giải quyết vấn đề tinh giản biên chế ở nước ta hiện nay
Kế thừa tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta nhiều lần đề ra chủ trương sắp xếp, kiện toàn hệ thống chính trị gắn với việc tinh giản biên chế. Tuy nhiên, kết quả trên thực tế đã ngược lại với mong muốn khi càng tinh giản thì bộ máy càng “phình to”. Chỉ xem xét vài con số, chúng ta nhận ngay ra sự vô lý: Trong vòng 10 năm thực hiện chủ trương tinh giản (từ 2003 - 2013), số lượng biên chế không giảm mà còn tăng thêm 20%(13). Hiện nay dân số nước ta trên 92 triệu người, đội ngũ công chức, viên chức là 2,7 triệu người, trong khi đó, nước Mỹ có dân số gần gấp 4 lần nước ta nhưng đội ngũ công chức của họ chỉ 2,1 triệu người. Tính ra, 160 người dân Mỹ chỉ nuôi 1 công chức, trong khi 40 người dân Việt Nam phải nuôi 1 công chức. Quỹ lương chi trả và quản lý hành chính mỗi năm đã “ngốn” 65% - 67% tổng chi ngân sách nhà nước(14) trong khi nợ công đang sắp chạm “trần”, tăng trưởng kinh tế rất khó khăn. Gánh nặng phải nuôi bộ máy công chức cồng kềnh và sự hoạt động kém hiệu quả đã góp phần làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào chế độ. Nhận rõ tính cấp thiết của công tác tinh gọn bộ máy, ngày 17-4-2015, Bộ Chính trị khóa XI ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về “Tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” với mục tiêu đến năm 2021, phải giảm tối thiểu 10% biên chế trong toàn hệ thống (tương ứng với mỗi năm phải giảm khoảng 40.000 người). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII cũng khẳng định quyết tâm của Đảng trong việc “tinh giản biên chế trong toàn bộ hệ thống chính trị”(15). Tuy nhiên, cho đến nay, con số biên chế giảm đạt được vẫn rất khiêm tốn và chủ yếu do cán bộ nghỉ hưu trước tuổi chứ không phải do việc cơ cấu, tinh lọc lại bộ máy.
Tinh gọn bộ máy hành chính, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, cần thấu triệt và thực hiện đúng tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh gọn bộ máy hành chính theo những cách thức giải quyết vấn đề sau:
Thứ nhất, phải nâng cao nhận thức của toàn hệ thống chính trị về sự cần thiết phải tinh giản biên chế để tạo sự đồng thuận và quyết tâm hành động.
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục. Công tác tuyên truyền phải làm cho toàn bộ cán bộ nhận thức rõ trách nhiệm về mục tiêu, quan điểm, ý nghĩa, yêu cầu của công tác, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tinh giản biên chế với mục tiêu “giảm lượng, tăng chất”, “thà ít mà tốt” là nhiệm vụ rất quan trọng. Tuy nhiên, ngay cả khi cán bộ đã thấu tỏ sự cần thiết phải tinh giản biên chế nhưng lúc thực hiện thì ai cũng muốn có sự “du di, ưu tiên, đặc thù” ở đơn vị mình, với bản thân mình, còn chuyện tinh giản là ở chỗ khác, với người khác. Để khắc phục “độ vênh” giữa nhận thức và hành động, công tác vận động, tuyên truyền phải kiên trì và quyết liệt hơn nữa.
Thứ hai, phải nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ và kiên trì thực hiện đề án mô tả việc làm để làm căn cứ xác định biên chế phù hợp.
Do căn bệnh nể nang “dĩ hòa vi quý” theo phương châm “dễ người, dễ ta”, kết quả bình xét ở các đơn vị luôn “khả quan” và đồng đều. Trừ những người đã bị kỷ luật thì cán bộ nào cũng hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị nào cũng vững mạnh toàn diện trong khi có đến 30% công chức ở nước ta sáng vác ô đi, tối vác về(16). Với kết quả bình xét như vậy thì cấp trên không biết tinh giản ai, giải thể bộ phận nào vì theo Nghị định số 108/2014/NĐ/CP, người công chức phải không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liền mới thuộc diện cần tinh giản. Vì thế, lúc này, cần khẩn trương xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá có khả năng định lượng cao và mang tính toàn diện: Bao gồm cả đánh giá trong và đánh giá ngoài, tự đánh giá, đồng nghiệp đánh giá, cấp trên đánh giá, cấp dưới đánh giá và quan trọng nhất là đối tượng phục vụ đánh giá. Nếu không khắc phục được tình trạng cào bằng, hình thức trong đánh giá thì việc tinh giản biên chế sẽ khó “đúng người, đúng việc”.
Việc xây dựng đề án vị trí việc làm và mô tả công việc một cách khoa học phải tiếp tục được đẩy mạnh, tức là phải từ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để xác định việc làm và từ việc làm mới “đẻ ra” số người lao động. Đề án vị trí việc làm hiện nay chính là trở lại nguyên tắc “có việc mới cần đến người, chứ không phải là có sẵn người nên phải tìm việc cho làm”(17) mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra từ hơn nửa thế kỷ trước.
Khi đã có kết quả đánh giá và có đề án mô tả việc làm cụ thể thì phải tuyển dụng theo vị trí việc làm, phải đánh giá theo yêu cầu đối với từng vị trí công việc để sàng lọc cán bộ. Phải làm thật nghiêm túc để cán bộ, công chức nhận ra rằng: “Phải nỗ lực học tập và làm việc nếu anh không muốn phải nỗ lực tìm việc”. Xây dựng cơ chế thu hút người có tài năng, các chuyên gia trong các ngành, các lĩnh vực vào làm việc tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ, công chức từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ vào công tác trong các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị.
Kiên quyết đấu tranh với căn bệnh “dùng người nhà chứ không dùng người tài”, căn bệnh “con ông, cháu cha”, căn bệnh “cánh hẩu” và tệ mua quan bán tước trong công tác cán bộ. Vì thế, muốn tinh giản biên chế thì trước hết phải loại bỏ lợi ích cá nhân trong công tác tuyển dụng cán bộ.
Thứ ba, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và chuẩn hóa các văn bản quy định về cơ cấu tổ chức để làm cơ sở cho việc tinh giản biên chế.
Để việc giảm biên chế diễn ra theo đúng kế hoạch thì cấp trên phải “áp” chỉ tiêu cho người đứng đầu các cơ sở, kết quả giảm biên chế phải là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người đứng đầu. Nếu người đứng đầu không đủ sự chính trực để vượt qua tình cảm và lợi ích cá nhân, không đủ bản lĩnh để vượt qua sức ép từ ai đó thì mọi quy trình đều bị bóp méo. Khi đó, đội ngũ công chức “có giản nhưng không có tinh” vì những người bị loại không phải là những người năng lực kém. Ngược lại, nếu người đứng đầu thực sự công tâm, khách quan và tinh tế trong xử lý công việc thì sẽ thuyết phục được mọi người, sẽ làm người đi, kẻ ở đều “tâm phục, khẩu phục”.
Mặt khác, để tạo điều kiện cho người đứng đầu có đủ cơ sở pháp lý khi làm công tác giảm biên, các cơ quan chức năng của Nhà nước phải chuẩn hóa, luật hóa các văn bản quy định về cơ cấu tổ chức và chế độ mà người công chức được hưởng khi bị tinh giản hay nghỉ hưu trước tuổi; luật hóa quyền hạn và trách nhiệm của người tuyển dụng để nâng cao trách nhiệm của họ trước tổ chức và trước nhân dân.
Thứ tư, tích cực chống tham nhũng để diệt trừ động cơ vụ lợi trong “cuộc chiến” biên chế.
Ai cũng biết rằng lương của cán bộ, công chức rất thấp nhưng nhiều người sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để “chạy biên chế”. Cái gì đã làm cho biên chế nhà nước trở nên hấp dẫn như vậy? Câu trả lời là: Ngoài sự ổn định về công việc và thu nhập thì sự giàu có bất thường và uy quyền của một số quan chức đã tạo ra sức “hấp dẫn” của nghề “làm quan”. Do đó, chống tham nhũng một cách hiệu quả sẽ góp phần tinh giản bộ máy vì người ta không thấy sự “béo bở” ở đó nữa và không tìm mọi cách để “lọt” vào biên chế nữa.
Ngoài các giải pháp cơ bản trên, để kế hoạch, mục tiêu tinh giản biên chế hiệu quả, thiết thực, cần tiến hành thu gọn một số đầu mối, cơ quan chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của bộ máy hành chính Nhà nước và hệ thống Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội; tiến hành thử nghiệm nhất thể hóa một số chức danh của người đứng đầu; đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và xã hội hóa một số dịch vụ công theo phương châm “việc gì người dân làm được thì Nhà nước không làm”, nhà nước chỉ làm chức năng quản lý vào tạo dựng cơ sở pháp lý mà thôi; nhanh chóng áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hành chính, tiến tới xây dựng “chính phủ điện tử”; làm tốt công tác thanh tra và tăng cường vai trò giám sát của nhân dân...
Tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế không chỉ nhằm mục tiêu “giảm cơ học” để giảm chi ngân sách mà còn để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, hướng tới nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả. Đây là vấn đề rất lớn, rất khó vì nó không đơn giản là công ăn việc làm của mấy triệu cán bộ, công chức mà là sự vận hành của cả hệ thống chính trị, không chỉ là số phận của những người công chức mà gắn theo đó là cuộc sống của từng ấy gia đình, nó không chỉ là bài toán kinh tế mà còn là đạo đức công vụ, sự tín nhiệm của nhân dân... Hơn nữa, do vấn đề đã được đặt ra từ lâu mà vẫn chưa giải quyết được nên bây giờ quy mô phải tinh giản là rất lớn, trong khi độ “nhờn” chính sách lại rất cao. Để hoàn thành nhiệm vụ vô cùng khó khăn đó, Đảng và Nhà nước phải thi hành đồng bộ nhiều giải pháp nhưng quan trọng nhất là phải đẩy lùi tiêu cực trong công tác cán bộ. Nếu không ngăn chặn được sự “tự tư tự lợi” và “chủ nghĩa vị thân” của những cán bộ có chức có quyền, không khơi được trong họ tinh thần “dĩ công vi thượng” thì mọi quy trình, lộ trình tinh giản dù có công phu, hợp lý đến đâu, cuối cùng vẫn thất bại. Đó là chân lý mà chúng ta rút ra được từ tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả. Vấn đề là chúng ta có đủ năng lực và quyết tâm vận dụng sáng tạo những chỉ huấn của Người vào tình hình thực tế hiện nay hay không mà thôi./.
----------------------------------------------------------------------
(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 19, 146
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 12
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 219
(5), (6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 164, 432, 367
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 122
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 132
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 123
(11) Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945- 2000, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002, t. 1, tr. 184
(12) Xem: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Sac-lenh-64-thiet-lap-Ban-thanh-tra-dac-biet-35913.aspx
(13) Nguồn: http://tcnn.vn/Plus.aspx/vi/News/126/0/1010070/0/36173/Tinh_gian_bien_che_trong_cac_co_quan_hanh_chinh_nha_nuoc_Thach_thuc_va_giai_phap
(14) Nguồn: http://baodautu.vn/tinh-gian-27-trieu-bien-che-cap-bach-nhung-phai-tu-tu-d43094.html
(15) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 204
(16) Nguồn: http://laodong.com.vn/chinh-tri/30-so-cong-chuc-sang-cap-o-di-toi-cap-ve-100683.bld
(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 181
Thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2018  (14/11/2017)
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 06 đến 12-11-2017)  (14/11/2017)
Cần cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp yêu cầu phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới  (14/11/2017)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam