Thành phố Hồ Chí Minh triển khai đồng bộ các giải pháp khôi phục kinh tế
TCCS - Ngày 16-4-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khoá X tổ chức Hội nghị lần thứ 40. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị. Hội nghị được tổ chức tại 15 điểm cầu, với nhiệm vụ tập trung thảo luận, đánh giá hoạt động chỉ đạo, lãnh đạo của Thành uỷ; kết quả phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh, thu chi ngân sách của thành phố quý I; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm quý II và đến cuối năm 2020; đánh giá công tác phòng chống dịch COVID -19 của thành phố thời gian qua. Thời gian tới, thành phố tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép" vừa ngăn chặn, xử lý tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng trưởng kinh tế thấp
Quý 1 năm 2020, do ảnh hưởng dịch COVID-19, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 3 tháng đầu năm của thành phố ước đạt 335.682 tỷ đồng, chỉ tăng 0,42% so với cùng kỳ; thu ngân sách 88.241 tỷ đồng, đạt 21,7 % dự toán và giảm 8,63%.
Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân thành phố, mức tăng trưởng của các khu vực, ngành kinh tế đều thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước; trong đó, chịu tác động nhiều nhất là khu vực thương mại dịch vụ, khi mức tăng của khu vực này giảm 1,23%.
Một số ngành tăng trưởng cao trước đây hiện giảm mạnh hoặc rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, 5/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm như dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 31,69%, giáo dục và đào tạo giảm 26,57%, kinh doanh bất động sản giảm 12,85%, y tế và hoạt động cứu trợ giảm 2,92%, vận tải kho bãi giảm 0,37%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 318.123 tỷ đồng, giảm 1,3%. Lượng khách quốc tế đến thành phố ước đạt hơn 1,3 triệu lượt, giảm 42,26% với doanh thu ước đạt 25.591 tỷ đồng, giảm 26%.
Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực là tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 9,85 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ do nhóm hàng công nghiệp tăng 11,3% và chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn 78,4%. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 11,3 tỷ USD, tăng 2,4%, chủ yếu là nhóm máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 49,9%, chiếm 36,4% tỷ trọng nhập khẩu.
Trong khi chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 1% thì riêng bốn ngành công nghiệp trọng yếu lại tăng khoảng 6,82%; trong đó, ngành sản xuất hàng điện tử tăng 11,5%, hóa chất - cao su - nhựa tăng 8%. Điều này cho thấy, hoạt động sản xuất dù gặp khó khăn, nhưng vẫn tiếp tục duy trì và sắp tới có cơ hội tăng trở lại, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhận định.
Cùng đó, trong quý I/2020, thành phố có 10.169 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng vốn đăng ký 135.393 tỷ đồng (tăng 0,56% số lượng doanh nghiệp và giảm 15,77% về vốn đăng ký so với cùng kỳ).
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, thành phố thu hút được 1,05 tỷ USD (giảm 33% so với cùng kỳ).
Hoạt động ngân hàng ổn định, trong đó, các hoạt động chính như huy động, cho vay và dịch vụ ngân hàng... đều tăng trưởng nhẹ so với cuối năm trước. Đặc biệt ghi nhận việc các ngân hàng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 2.554.000 tỷ đồng, tăng 0,27% so cuối năm 2019; tổng dư nợ tín dụng cuối tháng 3-2020 đạt 2.309.000 tỷ đồng, tăng 0,56%.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định mặc dù kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trong quý I/2020 chỉ tăng trưởng 0,42%, nhưng cũng có các điểm sáng như sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục phát triển, xuất khẩu vẫn duy trì mức khá. Đặc biệt, tổng thu ngân sách giảm nhưng Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đóng góp 27% vào tổng thu ngân sách của cả nước.
Đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Căn cứ nguyên tắc chung là thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, nhưng phải bảo đảm an toàn, không phát sinh dịch COVID-19 trên địa bàn, Thành phố Hồ Chí Minh đang từng bước triển khai các giải pháp vực dậy nền kinh tế sau dịch bệnh.
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ lên kế hoạch xây dựng những lộ trình để khôi phục, mở rộng quy mô các hoạt động kinh tế - xã hội, dịch vụ theo hướng tăng dần và trở lại quy mô như cũ sau khi hết dịch COVID-19. “Chúng ta chuyển sang đời sống bình thường mới, gắn với yêu cầu phòng ngừa dịch”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ; đồng thời nhấn mạnh, từ đây đến hết ngày 30-4-2020, các ngành, lĩnh vực của thành phố phải xây dựng bộ tiêu chí an toàn với dịch COVID-19 để dần đưa về trạng thái bình thường.
Mặt khác, các cơ quan chức năng, hiệp hội ngành nghề kinh doanh trên địa bàn tập trung ưu tiên triển khai chính sách của Chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp; lên kế hoạch để đến giữa tháng 5-2020 có thể “tận dụng” tốt các chính sách hỗ trợ có hiệu lực từ tháng 4-2020. Từ đó, giúp doanh nghiệp, người lao động được hưởng các chính sách đó nhằm giảm bớt khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Để chủ động ứng phó những ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến kinh tế thành phố, ông Lê Thành Liêm, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, thành phố sẽ tổ chức nghiên cứu, xây dựng kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế từng quý và cả năm 2020, dự báo đánh giá chỉ số từng ngành, lĩnh vực; qua đó có giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên, tiềm năng, có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn vào GRDP nhằm đạt mức tăng trưởng cao nhất.
Đồng hành với doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ các doanh nghiệp trong tình hình dịch COVID-19; trong đó, tập trung nghiên cứu xây dựng, ban hành cẩm nang “Kế hoạch kinh doanh trong giai đoạn dịch bệnh” để hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp; làm cầu nối giúp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi các gói hỗ trợ của Chính phủ; tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của doanh nghiệp để tiếp tục để xuất chính sách hỗ trợ cụ thể, phù hợp từ Trung ương và ngân sách thành phố cho doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; nghiên cứu, xây dựng, ban hành hệ số tính điểm doanh nghiệp nhỏ và vừa với các tiêu chí cụ thể làm cơ sở xem xét, thực hiện các chính sách hỗ trợ phù hợp.
Theo đồng chí Lê Thanh Liêm, trước mắt, thành phố thực hiện ngay các chính sách hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể như xem xét, kiến nghị việc gia hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, hồ sơ khai thuế và hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2019 đến ngày 30-6-2020; khảo sát thực tế doanh thu của các hộ, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, qua đó đánh giá chính xác doanh thu khoán cho hộ, cá nhân kinh doanh theo tỷ lệ giảm thực tế.
Mặt khác, thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; ổn định mặt bằng lãi suất; xây dựng kế hoạch hỗ trợ về vốn, chính sách để doanh nghiệp dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu tại chỗ; bảo đảm hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục, không gián đoạn. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay theo hợp đồng tín dụng đã ký kết và xem xét cho vay mới để khôi phục, duy trì sản xuất, kinh doanh.
Đối với ngành du lịch, ông Lê Thanh Liêm cho biết, thành phố tập trung triển khai kế hoạch giảm tác động trong và sau dịch bệnh với 5 nhóm giải pháp gồm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, chuẩn bị các chính sách thúc đẩy du lịch phát triển ngay sau dịch bệnh kết thúc; triển khai chương trình kích cầu du lịch sau dịch bệnh; chuẩn bị kế hoạch tăng cường xúc tiến du lịch, đa dạng hóa thị trường khách quốc tế; các phương thức đa dạng hóa sản phẩm du lịch: du lịch nghệ thuật, du lịch xanh, du lịch đường thủy, du lịch y tế...
Đồng thời, thành phố hoàn thành và công bố Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030; thành lập Hội đồng phát triển du lịch thành phố; thúc đẩy kế hoạch liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Trong lĩnh vực đầu tư phát triển, thành phố tập trung đẩy mạnh tỷ lệ giải ngân đầu tư công; chủ động phối hợp tích cực với các cơ quan Trung ương kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, duy trì kênh đối thoại trực tuyến giữa thành phố với các nhà đầu tư; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện dự án, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.
Về lâu dài, Thành phố Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2021 - 2030 và quy hoạch chung xây dựng thành phố, bảo đảm quy hoạch có tầm nhìn, chất lượng tốt trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Cùng với việc tiếp tục triển khai dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), thành phố đồng thời bàn giao mặt bằng chuẩn bị khởi công tuyến đường sắt số 2 (Bến Thành - Tham Lương); trong đó, hoàn tất cơ bản bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai các phần việc tiếp theo của dự án theo kế hoạch./.
Minh Đăng (tổng hợp)
Petrovietnam: Văn hóa ứng xử trong thử thách  (17/04/2020)
Lãnh đạo thành phố Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp  (17/04/2020)
Hà Nội tiếp tục thực hiện cách ly xã hội ít nhất đến ngày 22-4-2020  (16/04/2020)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay