TCCS - Ngày 16-4-2020, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị “Đối thoại với doanh nghiệp” để lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định an sinh xã hội, ứng phó với dịch COVID-19.

Quang cảnh Hội nghị “Đối thoại với doanh nghiệp”_Ảnh: TTXVN

Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Ủy viên Trung ương đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; cùng đại diện các sở, ngành và doanh nghiệp,... trên địa bàn Hà Nội

Theo số liệu thống kê, quý I-2020, kinh tế của Thủ đô vẫn tăng trưởng khá cao so với thế giới, song trước tác động của đại dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề, hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 3,72% là mức tăng thấp so với cùng kỳ nhiều năm gần đây. Các hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách và nhiều lĩnh vực dịch vụ, như y tế, giáo dục, lưu trú, du lịch,... bị ảnh hưởng rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động.

Ba tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động là 4.240 đơn vị (tăng 36% so với cùng kỳ năm 2019); số lao động thất nghiệp, nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 13.215 người, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2.744 triệu USD, giảm 18,1%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 5.832 triệu USD, giảm 21,3%...

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Chính phủ, bên cạnh mục tiêu hàng đầu là tập trung công sức, thời gian cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, thành phố Hà Nội đang phấn đấu giảm thiểu ở mức thấp nhất thiệt hại kinh tế; duy trì và phát triển sản xuất để duy trì nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội và chuẩn bị để phục hồi kinh tế.

“Đây là giai đoạn mà thành phố xác định sẽ tháo gỡ mọi vướng mắc, khó khăn cho đầu tư công và đầu tư tư nhân”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi đối thoại. Đây là dịp để cộng đồng doanh nghiệp có ý kiến thẳng thắn, cởi mở, chân thực về các khó khăn, vướng mắc, nhất là do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Qua đó, các sở, ban, ngành thành phố lắng nghe, tiếp thu và có những giải pháp tháo gỡ khó khăn; trả lời, giải quyết thấu đáo các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng sẽ tăng cường liên kết và hỗ trợ nhau, tạo sức mạnh cộng hưởng; đóng góp ý tưởng, hiến kế giúp thành phố hiện thực hóa các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, duy trì được đà tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Thành phố Hà Nội đã triển khai các giải pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kịp thời ứng phó với dịch COVID-19_Ảnh: Tư liệu

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai các giải pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kịp thời ứng phó với dịch COVID-19. Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt, kịp thời, đúng đối tượng, bảo đảm công khai, minh bạch và tuyệt đối không có tiêu cực trong việc thực thi các cơ chế, chính sách. Trên cơ sở lắng nghe đề xuất của các nhà đầu tư, hiệp hội về phí, lệ phí..., thành phố có những điều chỉnh cần thiết thuộc thẩm quyền. Thành phố chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo hướng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tối đa.

Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới, thành phố đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (dư nợ cho vay đến nay ước đạt 546.000 tỷ đồng); thực hiện các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh, như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19...
Một số đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp tại Hội nghị:
- Đề nghị xem xét giảm hoặc gia hạn nộp tiền thuê đất; giãn thời gian nộp thuế, bảo hiểm xã hội để doanh nghiệp tập trung nguồn lực ổn định sản xuất, kinh doanh.
- Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, chi phí môi trường đối với lĩnh vực du lịch, vận chuyển hàng không...
- Giảm chi phí đầu vào cho hàng hóa xuất khẩu (xăng, điện, vận tải, hải quan, giám định...) để nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng hóa, nhất là nông sản.
- Giúp doanh nghiệp sớm tiếp cận các gói hỗ trợ tài chính của Chính phủ đối với doanh nghiệp và người lao động...
Ghi nhận và cảm ơn các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ giao Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết ngay đối với những kiến nghị thuộc thẩm quyền. Với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố tổng hợp, trình Hội đồng nhân dân thành phố quyết định. Đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội, thành phố sẽ tổng hợp để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc của Thủ tướng với thành phố, dự kiến được tổ chức vào tuần tới.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nêu rõ, Hà Nội cam kết đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thích ứng với điều kiện giãn cách xã hội. Theo đó, sẽ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy đầu tư công theo nguyên tắc “góp gió thành bão”, từ các công trình của thôn, tổ dân phố đến các xã, phường, thị trấn và quận, huyện, cũng như các dự án đầu tư tư nhân, các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP).

Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai 7 nhóm giải pháp để hạn chế ảnh hưởng của dịch COVID-19, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế. Trong đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện 100% thủ tục hành chính điện tử ở mức độ 3, đẩy mạnh đăng ký trực tuyến mức độ 4 tất cả các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp; nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; triển khai nhanh các cơ chế, chính sách của Chính phủ hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội... Thành phố cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh đối với các ngành, lĩnh vực có lợi thế trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là công nghệ thông tin, sản xuất vật tư, thiết bị y tế... để vừa tạo cầu, vừa tạo cung cho doanh nghiệp.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị_Ảnh: TTXVN

Bí thư Thành ủy cũng giao Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thường xuyên tiếp nhận các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp; thống nhất khởi động lại tổ công tác do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố làm tổ trưởng để xem xét, giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Thành phố đã giao cho các sở, ngành phối hợp, hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho từng loại hình sản xuất, kinh doanh, để vừa phòng, chống dịch tốt, vừa bảo đảm an toàn cho cho hoạt động của doanh nghiệp.

Bí thư Thành ủy cho biết, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu trong năm nay, tăng trưởng kinh tế gấp 1,3 lần cả nước. Ngoài sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô, đồng chí Vương Đình Huệ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp chung tay với thành phố để thực hiện mục tiêu này. Trước mắt, phấn đấu có những công trình đầu tư tư nhân có quy mô được khởi công hoặc hoàn thành vào dịp chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII và Đại hội XIII của Đảng./.

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)