TCCSĐT - Theo tinh thần tiếp tục cắt giảm các thủ tục, điều kiện không cần thiết, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động của doanh nghiệp, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 108/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14-9-2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp và Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó quy định cụ thể điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Quy định mới về đăng ký doanh nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 108/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14-9-2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.

Nghị định bổ sung quy định đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Theo đó, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh thực hiện tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở chính. Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh bao gồm bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế và các giấy tờ quy định khác tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp.

Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở để thực hiện chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh.

Quy định mới về đăng ký thay đổi vốn điều lệ, thay đổi tỷ lệ vốn góp

Nghị định cũng sửa quy định về đăng ký thay đổi vốn điều lệ, thay đổi tỷ lệ vốn góp.

Cụ thể, trường hợp công ty đăng ký thay đổi tỷ lệ vốn góp của các thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên, của các thành viên hợp danh công ty hợp danh, công ty gửi Thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đã đăng ký.

Nội dung Thông báo gồm: Tỷ lệ phần vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc của mỗi thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; vốn điều lệ đã đăng ký và vốn điều lệ đã thay đổi; thời điểm và hình thức tăng giảm vốn…

Trường hợp đăng ký thay đổi vốn điều lệ công ty, kèm theo thông báo như quy định trên phải có Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần; quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty TNHH một thành viên về việc thay đổi vốn điều lệ của công ty; văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Đầu tư. Quyết định, biên bản họp phải ghi rõ những nội dung được sửa đổi trong điều lệ công ty.

Trường hợp Đại hội đồng cổ đông thông qua việc phát hành cổ phần chào bán để tăng vốn điều lệ, đồng thời giao Hội đồng quản trị thực hiện thủ tục đăng ký tăng vốn điều lệ sau khi kết thúc mỗi đợt chào bán cổ phần, kèm thông báo quy định trên, hồ sơ đăng ký tăng vốn điều lệ phải có: a) Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông về việc phát hành cổ phần chào bán để tăng vốn điều lệ, trong đó nêu rõ số lượng cổ phần chào bán và giao Hội đồng quản trị thực hiện thủ tục đăng ký tăng vốn điều lệ sau khi kết thúc mỗi đợt chào bán cổ phần; b) Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng quản trị công ty cổ phần về việc đăng ký tăng vốn điều lệ công ty sau khi kết thúc mỗi đợt chào bán cổ phần.

Trường hợp giảm vốn điều lệ, doanh nghiệp phải cam kết bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác sau khi giảm vốn.

Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp

Nghị định cũng sửa đổi quy định về công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, việc đề nghị công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp được thực hiện tại thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Thông tin công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp được đăng tải trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Quy định mới về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó quy định cụ thể điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, bao gồm:

1- Thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật được kinh doanh xuất khẩu gạo khi đáp ứng các điều kiện sau:

- Có ít nhất 1 kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

- Có ít nhất 1 cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa và cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

2- Kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh tại điểm (1) nêu trên có thể thuộc sở hữu của thương nhân hoặc do thương nhân thuê của tổ chức, cá nhân khác, có hợp đồng thuê bằng văn bản theo quy định của pháp luật với thời hạn thuê tối thiểu 5 năm.

Thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo (Giấy chứng nhận) không được cho thuê, cho thuê lại kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo đã được kê khai để chứng minh việc đáp ứng điều kiện kinh doanh trong đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận của mình để thương nhân khác sử dụng vào mục đích xin cấp Giấy chứng nhận.

3- Thương nhân chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh quy định tại điểm (1), (2) nêu trên, được xuất khẩu các loại gạo này không cần có Giấy chứng nhận, không phải thực hiện dự trữ lưu thông và có trách nhiệm báo cáo theo quy định.

Khi thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu, thương nhân xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không có Giấy chứng nhận chỉ cần xuất trình cho cơ quan Hải quan bản chính hoặc bản sao có chứng thực của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền văn bản xác nhận, chứng nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc chứng thư giám định gạo xuất khẩu do tổ chức giám định cấp theo quy định của pháp luật về việc sản phẩm gạo xuất khẩu phù hợp với các tiêu chí, phương pháp xác định do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế hướng dẫn.

Kiểm tra điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

Nghị định cũng quy định cụ thể về kiểm tra điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo đó, thương nhận tự kê khai hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đã kê khai, về các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận và việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo quy định nêu trên.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan liên quan tổ chức hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay, sát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn của thương nhân sau khi thương nhân được cấp Giấy chứng nhận.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra, Sở Công Thương báo cáo Bộ Công Thương kết quả kiểm tra bằng văn bản, đề xuất biện pháp xử lý vi phạm (nếu có) và gửi kèm theo biên bản kiểm tra.

Theo kế hoạch định kỳ hàng năm hoặc đột xuất, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra công tác hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay, sát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn của thương nhân sau khi thương nhân được cấp Giấy chứng nhận và việc duy trì đáp ứng các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân.

Nghị định có hiệu lực từ 01-10-2018.

Giao kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1065/QĐ-TTg giao kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm 2018 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam với tổng mức kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước là 5.600 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì kiểm tra, giám sát và định kỳ hàng quý báo cáo Chính phủ tình hình thực hiện kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm 2018.

Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ kế hoạch phát hành vốn trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, kế hoạch tín dụng vốn nước ngoài (ODA cho vay lại) năm 2018 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam bảo đảm không vượt trần nợ công và nợ Chính phủ đã được Quốc hội thông qua.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam căn cứ kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước được giao tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch theo đúng mức vốn được giao; định kỳ hàng tháng, hàng quý báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật.

Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An

Bộ Xây dựng thực hiện việc ủy quyền cho UBND tỉnh Nghệ An để tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) Đông Nam Nghệ An; đồng thời thực hiện việc thẩm định nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng theo quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng.

UBND tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan thực hiện việc lập và trình phê duyệt nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An theo đúng quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng.

Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An có tổng diện tích khoảng 20.026,47 ha. Qua hơn 10 năm hoạt động, KKT Đông Nam Nghệ An đã quy tụ được hàng trăm doanh nghiệp với các nhà đầu tư chiến lược, tạo động lực tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh./.