Nhân kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Ban Chỉ đạo Tây Nguyên (17-7-2002 – 17-7-2017), đồng chí Điểu Kré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã chia sẻ về kết quả sau 15 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo, góp phần thúc đẩy Tây Nguyên phát triển bền vững.

* Phóng viên: Xin đồng chí cho biết vai trò, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên?

* Đồng chí Điểu Kré: Tây Nguyên gồm 5 tỉnh là Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng, diện tích tự nhiên 54.637 km vuông, dân số khoảng 5,6 triệu người (chiếm 16,8% diện tích và 6% dân số của cả nước), tiếp giáp Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, với đường biên giới dài hơn 574 km. Đây là địa bàn cư trú của 47 dân tộc anh em; trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 37% số dân, với truyền thống văn hóa độc đáo; người dân tộc thiểu số tại chỗ như Êđê, Xêđăng, Jarai, Cơho, Mạ, M’nông… chiếm 26,8% số dân. Toàn vùng có khoảng 2,2 triệu người theo các tôn giáo, trong đó có 880.000 tín đồ là người dân tộc thiểu số, chủ yếu theo đạo Tin lành và Công giáo.

Tây Nguyên có lợi thế rất lớn về đất đai, trong đó, nổi bật nhất là đất đỏ bazan (có khoảng 1,45 triệu ha), cộng với sự đa dạng về tài nguyên khí hậu, rừng đem lại cho nơi đây những tiềm năng to lớn về nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc… Do nằm ở vị trí trung tâm của miền núi Nam Đông Dương, có những hành lang tự nhiên thông với Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, có hệ thống đường giao thông liên hoàn nối với các tỉnh duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ, có các cửa khẩu quốc tế trên tuyến hành lang Đông - Tây và không quá xa các cảng biển nước sâu như Dung Quất, Chân Mây, Nhơn Hội… nên Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và môi trường sinh thái của cả nước.

Tuy nhiên, do những nguyên nhân khác nhau, so với các vùng khác trong cả nước, điều kiện kinh tế - xã hội của Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn. Để Tây Nguyên có điều kiện phát triển tương xứng với tiềm năng, vị thế của mình, từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng đối với vùng Tây Nguyên và đã thu được nhiều thành tựu to lớn, song cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Do đó, ngày 17-7-2002, Bộ Chính trị (khóa IX) đã ra quyết định số 46 thành lập Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Ban chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên. Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp để thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ đạo và phối hợp với các lực lượng, các cơ quan chức năng đấu tranh xóa bỏ tổ chức phản động Pulro, xử lý những vấn đề đột xuất về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn của các tỉnh Tây Nguyên. Hiện nay, phạm vi hoạt động của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, gồm 5 tỉnh Tây Nguyên và 29 huyện của 7 tỉnh giáp Tây Nguyên.

Nổi bật nhất trong 15 năm qua, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã bám sát các quan điểm Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị tập trung đôn đốc giải quyết những vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách mang tính đột phá, nhất là vấn đề đất đai, nhà ở, việc làm, xóa đói nghèo, trên cơ sở đó Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Chương trình 132, 134, 154, 167….về giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là những chủ trương đột phá, có ý nghĩa kinh tế, xã hội sâu sắc được đúc kết từ tình hình thực tế của Tây Nguyên và sau đó được áp dụng trong cả nước.

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng nghiên cứu, đề xuất nhiều giải pháp nhằm tập trung xây dựng, củng cố, kiện toàn bộ máy đảng, chính quyền, đoàn thể ở xã, phường, buôn, làng và chuyển trọng tâm hoạt động xuống địa bàn dân cư. Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án củng cố chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên, đề xuất bổ sung phó bí thư cấp ủy huyện, phó bí thư cấp ủy xã chuyên trách xây dựng hệ thống chính trị ở các địa bàn trọng điểm, tập trung chỉ đạo phát triển kết hợp với điều động đảng viên đến vùng sâu, vùng xa để giải quyết tình trạng “trắng” đảng viên và tổ chức đảng. Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có 99,92% buôn, làng có chi bộ và gần 100% thôn, buôn có đảng viên là người tại chỗ.

Nhiều nội dung công tác được Ban Chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc, kiến nghị đã đem lại hiệu quả rõ nét như việc thực hiện đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Ban cũng đã đề xuất, đôn đốc quyết liệt việc nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và các dự án giao thông trọng yếu khác, kiểm tra việc quy hoạch, phát triển thủy điện, đề nghị tạm dừng nhiều dự án tác động xấu đến môi trường, tập trung chỉ đạo, giải quyết nhiều tồn đọng, vướng mắc liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định canh, định cư nhằm ổn định sản xuất, đời sống của người dân ở cácdự án thủy điện và các dự án nông, lâm nghiệp.

Những năm gần đây, Ban đã tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, địa phương nghiên cứu, đề xuất nhiều chủ trương như: tổ chức hoạt động điều phối liên kết vùng, hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch, nghiên cứu, đề xuất quy hoạch phát triển thủy lợi vùng Tây Nguyên, đề xuất việc thành lập “Quỹ phát triển cà phê Việt Nam” và một số cơ chế chính sách đặc thù cho các địa bàn biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đề xuất tăng cường công tác đào tạo, liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh Tây Nguyên…

* Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những thành tựu mà Tây Nguyên đã đạt được?

* Đồng chí Điểu Kré: Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, sự điều hành đúng đắn của Nhà nước, sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành Trung ương và của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc trên địa bàn, Tây Nguyên tiếp tục đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, đó là tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm toàn vùng đạt trên 10%. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2017, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn đạt trên 61.928 tỷ đồng, tăng 7,83% so với kế hoạch, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ 5,84%. Cơ cấu kinh tế vùng Tây Nguyên chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng khu công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản. Vốn đầu tư toàn xã hội liên tục tăng với tốc độ cao.

Cụ thể, giai đoạn 2001- 2005, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của vùng đạt 40.059 tỷ đồng thì đến giai đoạn 2011- 2015 vốn đầu tư toàn xã hội của vùng Tây Nguyên đã tăng lên 267.632 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của Tây Nguyên đạt 34.089 tỷ đồng, tăng 6,95% so cùng kỳ, trong đó, nguồn vốn đầu tw phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý tăng 13,4%. Vốn đầu tư tập trung chủ yếu cho xây dựng kết cấu hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, khai thác tiềm năng thế mạnh trong phát triển kinh tế. Nhiều mô hình liên kết giữa các địa phương trong vùng với nhau, liên kết giữa các địa phương trong vùng với các địa phương ngoài vùng, liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân, giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học, nhà quản lý, hộ nông dân đem lại hiệu quả cao.

Mạng lưới giao thông Tây Nguyên đến nay đã có tổng chiều dài 39.812 km, chiếm 7,33% của cả nước, với tỷ lệ được cứng hóa đạt gần 48%; trong đó, đường quốc lộ dài 2.517 km, tỷ lệ cứng hóa đạt trên 88%, đường tỉnh lộ dài 1.948 km, cứng hóa đạt 85,3%, đường giao thông nông thôn dài 35.347 km, cứng hóa đạt gần 43%. Hiện có 100% số xã có đường xe ô tô từ trụ sở UBND huyện đến trụ sở UBND xã đi được quanh năm.

Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản vùng Tây Nguyên luôn tăng cao, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2001- 2015 đạt 6,88%/năm. Sản xuất nông nghiệp của vùng Tây Nguyên trong 15 năm qua được mở rộng nhanh cả về quy mô lẫn giá trị. Cuối năm 2016, toàn vùng Tây Nguyên có tổng diện tích gieo trồng các loại cây ngắn, dài ngày trên 1,965 triệu ha, trong đó cây hàng năm có 916.982 ha, cây lâu năm trên 1,048 triệu ha. Đặc biệt, Tây Nguyên hiện nay có trên 582.149 ha cà phê, trong đó diện tích cho thu hoạch có 548.533 ha, với sản lượng mỗi năm đạt từ 1,3 triệu tấn cà phê nhân trở lên. Diện tích hồ tiêu cũng có gần 72.000 ha, sản lượng mỗi năm cũng đạt từ 121.000 tấn trở lên, cao su, điều, ca cao cũng được các tỉnh phát triển mạnh, tăng thu nhập cho đồng bào các dân tộc.

Trong 15 năm qua, các tỉnh Tây Nguyên cũng xây dựng, tu bổ hàng trăm công trình hồ chứa, đập dâng và trên 5.000 km kênh mương, đáp ứng 65% nhu cầu tưới của vùng. Có hơn 800 công trình cấp nước tập trung và nhiều công trình cấp nước phân tán đã hoàn thành đưa vào phục vụ cho trên 1,5 triệu người, đưa tỷ lệ hộ dân được dung nước hợp vệ sinh lên 85,5%, có 100% xã và 99,29% thôn, buôn có điện.

Công tác giáo dục, đào tạo, dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực được chú trọng. Đến nay, 100% các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt từ 90 đến 95%. Gần 100% số xã có trạm y tế, trong đó 67% số xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế, trên 96% số thôn, buôn có nhân viên y tế, các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục, thể thaokhông ngừng phát triển, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc được duy trì và phát huy.

GDP bình quân đầu người năm 2016 đạt 39,56 triệu đồng, tăng hơn 13 lần so với năm 2001. Công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm của vùng Tây Nguyên được triển khai liên tục, rộng khắp, bằng nhiều giải pháp có hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm 3%. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp, đạt được nhiều kết quả khả quan làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là kết cấu hạ tầng nông thôn.

Đến nay, toàn vùng Tây Nguyên đã có một huyện và 123 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hệ thống chính trị các cấp không ngừng được củng cố kiện toàn, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động; công tác xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến, đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động; tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định…

*Trân trọng cám ơn đồng chí!